Các chiến thuật cưỡng chế tự kiểm duyệt của cộng sản đang càn quét khắp Hoa Kỳ
Phân tích tin tức
Trong khi nhiều người dân Hoa Kỳ lo lắng về tình trạng kiểm duyệt ngày càng gia tăng, thì những người chịu trách nhiệm về việc này đã có thể tăng cường sức ảnh hưởng của nó bằng việc tạo ra một bầu không khí tự kiểm duyệt.
Do cơ chế tâm lý của việc tự kiểm duyệt, một tài khoản bị khóa, một video bị xóa hay một cuốn sách bị cấm có thể gây ra tình trạng e dè về ngôn luận trên diện rộng. Không còn thấy các cuộc tranh luận về chính sách quan trọng, các ý tưởng về câu chuyện tin tức không còn được kể cho các biên tập viên, và các đầu sách không được chấp thuận để xuất bản, hoặc thậm chí còn không được chấp bút.
Trong một số tình huống, có vẻ như các bên kiểm duyệt sử dụng các thủ thuật tâm lý một cách có chủ đích, nhằm đạt được kết quả đàn áp tối đa với trách nhiệm tối thiểu. Những phương thức này không phải là mới – trên thực tế, chúng đã được các chế độ độc tài toàn trị áp dụng từ lâu.
Nguyên tắc của việc tự kiểm duyệt là mọi người, chỉ để được an toàn, mà kiềm chế không nói cả những điều hoàn toàn không bị cấm bởi một số quy tắc hiện hành.
Một ví dụ là hiệu ứng của Tu chính án Johnson, một luật cấm các tổ chức vô vụ lợi mà được miễn thuế – bao gồm cả các tổ chức tôn giáo – được tán thành hay phản đối các ứng cử viên chính trị. Mặc dù luật này không cấm thảo luận về các chủ đề chính trị và hầu như không bị cưỡng chế, nhưng những người phản đối luật này từ lâu đã lập luận rằng các mục sư đã né tránh các chủ đề chính trị trong các bài giảng của họ chỉ để chắc chắn rằng họ không bị buộc tội vi phạm vào luật này.
Dưới đây là một số phương thức được sử dụng để tăng cường tính tự kiểm duyệt.
Những quy định mơ hồ
Trung Cộng – thể chế kiểm duyệt tự do ngôn luận khét tiếng nhất thế giới, trong nhiều thập kỷ đã sử dụng phương pháp cố tình làm các chính sách của mình mơ hồ một cách có chủ ý. Ví dụ, suốt các cuộc vận động chính trị của đảng này trong quá khứ, ban lãnh đạo trung ương sẽ ban hành một sắc lệnh trừng trị “những kẻ theo cánh hữu” và “những kẻ phản cách mạng”. Các quan chức đảng ở cấp dưới kế tiếp sẽ không được cho biết chính xác điều gì khiến một người trở thành “cánh hữu” hay “phản cách mạng” và thậm chí có lẽ còn không biết hình phạt là gì. Tuy nhiên, không một quan chức nào muốn bị coi là quá nhân từ – điều đó sẽ mang đến nguy cơ chính họ bị dán nhãn. Thế là, mỗi cấp thuộc bộ máy quan liêu kế tiếp nhau sẽ tăng cường diễn giải sắc lệnh này, dẫn đến những hậu quả ngày càng cực đoan hơn. Trong một số thời kỳ, tình trạng cuồng loạn đã vượt xa việc tự kiểm duyệt, như thể chỉ kiềm chế ngôn luận chính trị thôi vẫn là chưa đủ.
“Trong thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa… mọi người không thể mua thức ăn tại căng tin nếu họ không đọc thuộc lòng một câu nói hoặc hoan hô Mao [Trạch Đông]. Khi đi mua sắm, đi xe buýt, hoặc thậm chí gọi điện thoại, người ta phải đọc thuộc lòng một trong những câu nói của Mao, ngay cả khi câu nói đó hoàn toàn chẳng liên quan gì. Trong những nghi lễ thờ cúng này, người ta hoặc cuồng tín hoặc là hoài nghi,” trích từ “Chín bài Bình luận về Đảng Cộng sản.”
Ở Trung Quốc đương đại, những người bất đồng chính kiến thường bị nhắm tới với tội danh “lật đổ nhà nước” hoặc “tung tin đồn”. Chế độ này đã chứng minh rằng thực ra bất kỳ tuyên bố chính trị nào cũng có thể bị liệt vào một trong số các cáo buộc này.
Phương thức này dường như cũng đang được áp dụng ở Hoa Kỳ đương đại.
Amazon gần đây đã cập nhật các chính sách của mình để cấm những cuốn sách có chứa “ngôn từ thù địch” mà không giải thích những gì họ cho là như vậy. Vì Amazon kiểm soát hơn 80% thị trường bán lẻ sách, các nhà xuất bản phải đoán xem liệu một cuốn sách có thể bị gắn mác “ngôn từ thù địch” hay không và do đó, việc xuất bản sẽ được ít lợi nhuận hơn nhiều.
Ông Roger Kimball, chủ biên của Encounter Books và là cộng tác viên của The Epoch Times, nói rằng cho đến nay ông vẫn chưa cân nhắc tránh những tựa đề sách có thể bị Amazon nhắm tới, nhưng ông gọi đó là “một điềm báo rất đáng lo ngại.”
“Có thể các nhà xuất bản khác sẽ làm điều này,” ông nói với The Epoch Times. “Hiển nhiên, tôi nghĩ là môi trường cho dư luận bây giờ thu hẹp hơn nhiều so với trước đây.”
Ông đưa ra ví dụ về Simon & Schuster, một nhà xuất bản đầy quyền lực gần đây đã hủy xuất bản cuốn sách của Thượng nghị sĩ Josh Hawley (Cộng Hòa-Missouri), bởi vì ông Hawley đã đặt nghi vấn về tính liêm chính của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Nếu các nhà xuất bản chịu khuất phục trước Amazon, thì các tác giả thậm chí còn có thể tiến xa hơn thế, tránh hết thảy những chủ đề có thể khiến các nhà xuất bản sợ hãi.
Các nền tảng công nghệ khác như Facebook, YouTube và Twitter thường đưa ra một số định nghĩa về ngôn từ thù địch và các quy tắc nội dung khác, nhưng đã thừa nhận rằng họ cố ý giữ bí mật ít nhất một phần chính sách của mình để ngăn người ta phá vỡ chúng. Hậu quả là người dùng cố gắng tự mình đoán ranh giới của việc kiểm duyệt là gì.
Những ai đã đầu tư rất nhiều nỗ lực để xây dựng cơ sở fan hâm mộ trực tuyến của họ có khi sẽ áp dụng chế độ tự kiểm duyệt đặc biệt nghiêm ngặt vì họ có nhiều thứ để mất nhất. Ví dụ: YouTube cấm bất kỳ nội dung nào nói rằng kết quả bầu cử năm 2020 bị ảnh hưởng bởi gian lận. Chính sách này có vẻ tương đối rõ ràng, nhưng dường như nó đã khuyến khích các nhân vật của YouTube tránh hoàn toàn chủ đề về tính liêm chính của cuộc bầu cử, chỉ để được ở phía an toàn.
Quan niệm về Vấn đề Nhắm mục tiêu Ngẫu nhiên
Một phương thức khác để tạo nên tình trạng tự kiểm duyệt là phương thức thực thi có chọn lọc. Trong các cuộc vận động chính trị trước đây của Trung Cộng, nó có thể chọn mục tiêu đàn áp một cách ngẫu nhiên. Thậm chí chính các mục tiêu bị nhắm đến cũng không nhất thiết biết được chính xác điều gì đã khiến đảng này trút phẫn nộ lên họ. Đáp lại, người ta sẽ tranh giành để cố hiểu về tình huống đó, dựa trên phỏng đoán mà vạch ra lằn ranh đỏ tự kiểm duyệt.
Có thể nhìn thấy các yếu tố của phương thức này trong các bối cảnh khác nhau ở phương Tây.
Gần đây, khi Amazon cấm một cuốn sách chỉ trích tư tưởng chuyển giới được Encounter Books xuất bản vào năm 2018, họ không giải thích lý do tại sao. Thay vào đó, Amazon lặng lẽ cập nhật các chính sách về sách của mình về khía cạnh ngôn từ thù địch. Sau đó, công ty này để cho công chúng tự giải đố và tự mình dán nhãn cuốn sách này là mang ngôn từ thù địch.
Tương tự như vậy các nền tảng công nghệ khác thường từ chối bình luận về các trường hợp kiểm duyệt cụ thể hoặc thậm chí từ chối nói với bên bị buộc tội chính xác là họ đã làm gì sai.
Phương thức này cũng có thể vận hành thông qua các thay đổi và ngoại lệ đối với các quy định. Trung Cộng nổi tiếng vì đã đang liên tục thay đổi các chính sách của mình. Các đồng minh cách mạng ngày hôm qua lại tự thấy chính mình là kẻ thù của đảng ngày hôm nay, nhưng có thể lại trông đợi được kêu gọi hợp tác với đảng vào ngày mai. Vì thế đã có câu nói, “Chính sách của Đảng như mặt trăng, cứ 15 ngày lại thay đổi một lần.” Người ta nhận ra bản thân đang ở vị trí phải không ngừng cố gắng tìm cách phù hợp với những gì đảng hiện đang nói và thậm chí dự đoán đảng có thể nói những gì tiếp theo và tránh nói bất cứ thứ gì có thể bị coi là có vấn đề trong tương lai.
Các nền tảng công nghệ ngày nay công khai thừa nhận rằng các chính sách về nội dung của họ là vẫn đang được cập nhật. Trong những năm qua, các quy định mới đã được bổ sung nhiều lần và thường được áp dụng trước cả khi được thông qua. Do đó, nội dung được chấp nhận vào ngày hôm qua có thể bị cấm và bị xóa hôm nay. Có thể trông đợi có nhiều hạn chế hơn vào ngày mai, hoặc các công ty này có thể tự mình đảo ngược một số điều khoản.
Các quy định cũng có thể bị bóp méo vì lợi ích chính trị. Ví dụ, Facebook coi các cuộc tấn công bằng lời chống lại người khác dựa trên chủng tộc, giới tính hoặc khuynh hướng tình dục của họ, đều là ngôn từ thù địch. Nhưng vào năm 2018 những người kiểm duyệt được trả lương của họ đã được thông báo rằng trong một khoảng thời gian, các cuộc tấn công nam giới da trắng sẽ được miễn trừ miễn là họ “nhằm nâng cao nhận thức về lòng tự tôn/về LGBTQ”, một bản ghi nhớ nội bộ cho biết.
Có tội vì phủ nhận
Một phương pháp khác là sử dụng sự phủ nhận hay phản kháng như một bằng chứng có tội.
Trong các hệ tư tưởng cấp tiến hiện nay, việc phủ nhận một người là phân biệt chủng tộc hoặc có “đặc quyền của người da trắng” được tính là xác nhận lời cáo buộc. Trên thực tế, bất kỳ sự phản kháng nào đối với hệ tư tưởng đó và cái nhãn mà nó mang theo thường bị dán nhãn là “sự mong manh của người da trắng” hoặc “sự áp bức chủ quan” và do đó là bất hợp pháp. Vốn không chừa chỗ cho những phê bình đúng đắn, hệ tư tưởng này không khuyến khích tranh luận. Thay vì phải đối mặt với nỗi khổ bị tạm thời gán nhãn, nhiều người lại giữ những ý kiến phản đối trong im lặng.
Bà Jodi Shaw, cựu điều phối viên hỗ trợ sinh viên tại Smith College, một trường đại học dành cho phụ nữ ưu tú, gần đây đã rời bỏ công việc của mình vì những gì bà mô tả là một môi trường “làm mất nhân tính.”
Bà Shaw nói với The Epoch Times trong một cuộc điện thoại rằng, vào năm 2018, viện nghệ thuật tự do đã đưa ra một số sáng kiến để chống lại “nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống” tại trường học này. Tuy nhiên, bà đã không đồng ý với những giải pháp đó.
Bà đã được hướng dẫn đối xử với mọi người khác nhau dựa trên chủng tộc và giới tính của họ, trong thực tế, điều này có nghĩa là áp đặt định kiến của riêng mình lên người khác, bà cho biết.
Bà nói rằng bà cảm thấy điều này thật giả tạo.
“Có một kịch bản cho người da trắng và một kịch bản cho những người không phải da trắng. Và có cảm giác kiểu như bạn phải tuân thủ những kịch bản đó,” bà cho biết.
Tuy nhiên, bà thừa hiểu rằng không có chỗ cho sự bất đồng hay thậm chí là nghi ngờ ở đây.
“Bạn đơn giản là không thể nói điều đó ra,” bà nói. “Bạn không thể bày tỏ sự nghi ngờ của mình thành lời.”
Là một người trung thành theo chủ nghĩa tự do, bà cố gắng chấp nhận chương trình này, tự nhủ rằng nó chỉ là để “trợ giúp.”
Khi những nghi ngờ này kéo dài, bà thậm chí còn tự vấn về đạo đức của chính mình.
“Vậy điều đó có nghĩa là tôi là một người phân biệt chủng tộc phải không?” bà băn khoăn.
“Tôi nghĩ rằng rất nhiều người cánh tả gặp vấn đề này và họ cảm thấy hơi bối rối. Họ cảm thấy như có điều gì đó không ổn nhưng tôi không được phép nghĩ rằng có gì đó không ổn,” bà nhận định.
Bà nói rằng các nhân viên trong bộ phận của bà là “tin tưởng thực sự,” nhưng bà đã nói chuyện với bảy hoặc tám người từ các bộ phận khác, những người này cũng âm thầm lo lắng như thế.
“Bạn biết đấy, trong hội trường và mọi nơi, họ giống như thì thầm một mình,’ Đúng vậy, giống như thể có điều gì đó trong chuyện này thực sự rối tung lên,’” bà nói.
Cuối cùng, bà kết luận rằng không có cái gọi là tâm tư “phân biệt chủng tộc nội tại,” mà đó là lương tâm của bà, và hệ tư tưởng đó chỉ đang làm rối loạn tâm lý của bà mà thôi.
“Đó là cách mà hệ tư tưởng này vận hành. Nó xâm nhập vào trong tâm trí bạn và tôi nghĩ nó đang gây hại,” bà nhận định.
Có tội vì liên đới
Một cách khác để áp đặt sự tự kiểm duyệt là đổ lỗi cho bất kỳ ai thậm chí rất ít liên quan, vượt cả ra ngoài đối tượng mục tiêu.
Các chế độ độc tài toàn trị từ lâu đã sử dụng chiến thuật này, trừng phạt gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, người giám sát và các cộng sự khác của những người bất đồng chính kiến.
Ngày nay, những ví dụ về việc có tội vì liên đới tương đối phổ biến. Các phương tiện truyền thông, các trường đại học và các tổ chức khác mà sẵn lòng tổ chức sự kiện cho các diễn giả thuộc một phe chính trị khác thì bị chỉ trích vì đã “tạo ra một sân chơi” cho “sự thù ghét” hoặc một số sự phẫn nộ khác. Bất kỳ ai thốt ra lời ủng hộ cho một trong những đối tượng bị kiểm duyệt đều có thể là mục tiêu tiếp theo.
Khi bà Shaw bắt đầu nói về những lo lắng của mình một cách công khai, thì bà nhận thấy rằng các nhân viên của trường Smith, những người đã có cùng mối lo với bà đột nhiên trở nên không sẵn lòng tiếp xúc với bà.
“Nỗi sợ hãi bị buộc tội vì liên đới kinh khủng đến nỗi mọi người – họ thậm chí còn không nhắn tin cho tôi”, bà nói.
Điều đó không chỉ tạo nên tình trạng tự kiểm duyệt trong không gian quan hệ của một người mà còn khiến mục tiêu trở nên bị cô lập hơn nữa.
“Bạn bị cô lập và bạn không thể nói chuyện đó với ai khác và xác định rằng, vâng, thực sự là có điều gì đó không ổn,” bà Shaw cho biết.
Bà Kari Lake, cựu phát thanh viên tại Fox 10 ở Arizona, đã phải đối mặt với những lời chỉ trích chỉ vì thiết lập một tài khoản trên các trang mạng xã hội thay thế như Parler và Gab. Những người chỉ trích lập luận rằng bà ấy có tội liên đới bởi vì Parler và Gab đã bị coi là một nền tảng yêu thích của “Đức Quốc xã.”
Bà Lake đã nói với The Epoch Times trong một cuộc điện thoại, rằng mặc dù các cuộc tấn công không bao giờ khiến bà nghi ngờ về niềm tin của mình, nhưng nó đã khiến bà phải tự kiểm duyệt.
“Trên thực tế tôi thấy mình không còn đăng những câu chuyện vốn chỉ toàn là sự thật bởi vì tôi giống như, ‘Ồ, đăng những câu chuyện đó, dù đó là sự thật, có thể khiến một số người tức giận. Nó có thể chỉ khiến cho những người cánh tả phát điên mà thôi và tôi không muốn đá vào tổ ong bắp cày, bạn biết đấy,’” bà cho biết.
Điều đặc biệt khiến bà Lake nản lòng là khi thấy sự kiểm duyệt này được nhiều đồng nghiệp nhà báo tán thành.
“Họ đơn giản là thấy ổn với điều đó và việc này làm tôi thấy buồn,” bà nói.
Bà muốn thấy sự đa dạng hơn về quan điểm giữa các nhà báo, bà tin rằng hầu hết các thành viên trong nghề này đều là thiên tả. Ngay cả một số thành viên bảo thủ mà bà biết cũng “rất, rất kín tiếng về vấn đề này,” bà nói.
“Những người tôi biết thậm chí có thể hành động hoặc kể ra những câu chuyện có thể có vẻ thiên tả để thể hiện rằng ‘nhìn này, tôi không phải là người bảo thủ,’” bà cho biết.
Cách đây vài tuần, bà Lake đã bỏ việc.
“Tôi đã nhận ra, tôi là một phần của vấn đề này. Tôi là một phần của hệ thống này. Tôi là một phần của giới truyền thông và nếu tôi không thích nó và tôi không thể làm gì để thay đổi nó, thì tôi cần phải thoát ra,” bà nói.
Giải pháp
Kiểm duyệt ở Hoa Kỳ về hình thức rất đặc biệt vì nó phần lớn không phải là do chính phủ tiến hành. Sự kiểm duyệt này thậm chí không nhất thiết là kết quả của áp lực từ chính phủ, mặc dù điều đó dường như cũng đang diễn ra. Thay vào đó, nó dựa trên các tác nhân cả trong và ngoài chính phủ trên toàn xã hội Hoa Kỳ gắn với một hệ tư tưởng độc tài từ tận gốc rễ của nó.
Người dân Hoa Kỳ khó có thể dựa vào bất cứ ai chống lại hệ tư tưởng này từ trên xuống. Trên thực tế, hệ tư tưởng này dường như được đa số chính phủ tán thành.
Tuy nhiên, có thể các phương sách của chính phủ sẽ không đưa ra giải pháp nếu một phần đông dân số vẫn theo đuổi ý thức hệ này hoặc sẵn sàng chấp nhận nó.
Như Thẩm phán Learned Hand đã nói trong bài diễn văn “Tinh thần Tự do” của mình vào năm 1944 rằng:
“Tự do nằm trong trái tim của mỗi người; nếu ở đó mà nó chết đi, thì không có hiến pháp, luật pháp, tòa án nào còn có thể làm được gì để giúp nó.”
Có vẻ như lập trường của người dân Hoa Kỳ giờ đây là phải thắp lại ngọn lửa tự do đó trong trái tim đồng bào mình.
Do Petr Svab thực hiện
Nguyễn Lê biên dịch
Xem thêm: