Các cam kết toàn cầu của Hoa Kỳ: Bao nhiêu rắc rối mới là quá nhiều?
Một phóng viên ngoại quốc (hồi đó cách diễn đạt này mang ý một ý nghĩa nhất định) đã từng cho tôi một lời khuyên hữu ích: “Hãy nhìn vào chỗ mà mọi người không để ý”.
Một vị tướng Nhật Bản cũng đưa ra lời khuyên hữu ích tương tự: “Hãy quan sát bức tranh toàn cảnh.”
Đây là những lời khuyên đáng ghi nhớ khi theo dõi các sự kiện đang diễn ra ở Trung Đông.
Tâm điểm ngày nay là cuộc chiến giữa Israel và Hamas có thể dễ dàng lan rộng.
Ukraine không còn là trung tâm của của sự chú ý, nhưng cũng chưa hoàn toàn là quá vãng.
Hai cuộc chiến này là quá nhiều để một siêu cường như Hoa Kỳ phải giải quyết, ngay cả khi quốc gia này không thực sự tham chiến.
Thế nhưng rắc rối có thể dễ dàng nảy sinh bất ngờ ở đâu đó, và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là ứng cử viên hàng đầu.
Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc chú ý đến bức tranh toàn cảnh, tìm cách để tối ưu hoá lợi ích [cho mình]. Với việc người Mỹ bị trói chân ở Trung Đông và Ukraine, Bắc Kinh có lẽ đã thấy cơ hội ở ngay bên nước láng giềng của mình — và đặc biệt là Đài Loan.
Quân đội Hoa Kỳ căng thẳng
Quân đội Hoa Kỳ không quên khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và họ đang hiện diện ở đó, nhưng họ không thể giải quyết quá nhiều cuộc chiến cùng một lúc.
Thực ra, Hoa Kỳ có lẽ không thể đối mặt với hai cuộc chiến tranh lớn cùng một lúc (như được yêu cầu) trong vài thập niên hiện nay.
[Cuộc chiến] của Ukraine đã quá đủ để gây xao lãng và tiêu hao tài lực. Giờ lại thêm cuộc chiến của Israel với Hamas mà rất có thể sẽ lan rộng sang cả Hezbollah và Iran. Điều này làm cạn kiệt nguồn lực quân sự hữu hạn của Hoa Kỳ vốn đã quá căng thẳng đến mức nguy hiểm.
Đã có rất nhiều thảo luận về việc tăng cường quân lực ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương kể từ năm 2011 khi chính phủ Tổng thống (TT) Obama công bố chính sách “Xoay trục hướng sang châu Á.” Nhưng điều này chưa từng được thực hiện, hoặc ít nhất là không [xảy ra] ở quy mô như dự định hoặc cần thiết.
Rõ ràng có vấn đề gì đó ở châu Âu, Trung Đông, hoặc bất cứ nơi nào khác mà không phải là khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đã thu hút — và làm phân tâm — các nhà hoạch định chính sách cũng như quân đội Hoa Kỳ.
Vậy nên, giờ ở Trung Đông lại bùng nổ chiến tranh (ngoài vấn đề Ukraine), thì việc củng cố lực lượng của Hoa Kỳ ở Châu Á-Thái Bình Dương càng khó khăn hơn nhiều. Và nếu Hoa Kỳ trực tiếp tham chiến ở Trung Đông, thì nguồn lực dành cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sẽ thiếu hụt về vật chất, nhân lực, và cả sự tập trung trí lực.
Nhưng liệu các đồng minh như Nhật Bản, Úc, và Nam Hàn có thể tạo nên sự khác biệt hay không? Về lý thuyết thì có thể, nhưng trên thực tế thì họ còn cách quá xa mục tiêu đó.
Và Trung Quốc “có thể tính toán” được những yếu tố đó.
Góc độ chính trị
Còn một vấn đề trên góc độ chính trị trong vấn đề này. Chính phủ TT Biden (hoặc bất kỳ chính phủ nào) chỉ có thể tập trung vào một số vấn đề nhất định — và Đài Loan có thể ở mức ưu tiên thấp hơn.
Một điều quan trọng là, ở Hoa Kỳ, Israel nhận được nhiều sự ủng hộ trên thực tế và cả sự ủng hộ ngầm hơn so với Đài Loan. Bởi Đài Loan không có nhiều cử tri chính trị (như các lá phiếu và quỹ tài trợ) có thể tác động tới bầu cử ở Hoa Kỳ như Israel.
Và ít nhất là nhiều người Mỹ biết và có cảm nhận rằng Israel quan trọng hơn bất chấp sự xuất hiện của các cử tri ủng hộ chủ nghĩa Bài Do Thái ở Hoa Kỳ và trong Quốc Hội.
Rất ít người Mỹ hiểu biết sâu sắc về Đài Loan. Một chính phủ sẽ phải rất nỗ lực và quyết tâm trong hoạt động chính trị để có thể thuyết phục về ý tưởng sẽ có nguy cơ chiến tranh hạt nhân về vấn đề Đài Loan.
Liệu chính phủ TT Biden có nỗ lực [làm việc đó] khi đang bị trói chân ở Ukraine và Trung Đông không? Ai cũng có thể đoán được câu trả lời.
Bắc Kinh đang quan sát
Trung Cộng có lẽ đang đánh giá phản ứng của Hoa Kỳ đối với cuộc chiến giữa Israel và Hamas để tính toán những phản ứng tiềm ẩn của Mỹ quốc đối với một cuộc tấn công hay gây áp lực lớn lên Đài Loan.
Dù vẫn chưa có quyết định rõ ràng, nhưng cho đến nay, chính phủ TT Biden gần như hoàn toàn ủng hộ Israel. Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy họ muốn Israel kiềm chế hành động quân sự của mình. Và giờ đây lực lượng của Israel đã tiến vào Gaza, chúng ta hãy chờ thêm vài tuần và xem liệu đội ngũ của TT Biden có nói với Israel rằng họ đã “tự vệ đủ rồi” và đã đến lúc ngừng bắn hay còn gọi là ngừng bắn nhân đạo để cho Hamas nghỉ ngơi lấy sức hay không.
Nếu vậy, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ lưu ý.
Rất tiếc là ông Tập cũng sẽ lưu ý phản ứng ban đầu của chính phủ TT Biden đối với vụ thảm sát của Hamas hôm 07/10. Phản ứng đó rất mập mờ và dường như coi cả Hamas và Israel đều có lỗi như nhau.
Áp dụng vào trường hợp của Đài Loan, người ta có thể hình dung được Bộ Ngoại giao [Hoa Kỳ] sẽ đăng một dòng tweet sau vài giờ khi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tấn công Đài Loan: “Đài Loan, đừng đáp trả — bạo lực chẳng giải quyết được gì”.
Sẽ tốt thôi nếu Bắc Kinh tin rằng một cuộc tấn công vào Đài Loan sẽ dẫn đến vài lời chỉ trích và sự phẫn nộ giả tạo rồi sau đó là hành động tăng cường ngoại giao. Và cũng sẽ ổn thôi nếu phải đợi vài tuần trong khi Hoa Thịnh Đốn giả bộ nỗ lực trợ giúp Đài Loan trước khi bỏ mặc đảo quốc này.
Bắc Kinh cũng sẽ xem xét những gì đã xảy ra trước các cuộc tấn công của Hamas.
Cụ thể, tôi đang nói về các thỏa thuận của chính phủ TT Biden với Iran — việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt và dỡ phong tỏa 6 tỷ USD cho họ. Nói chung, đây chỉ là sự tiếp nối những nỗ lực của chính phủ TT Obama nhằm xoa dịu, nếu không nói là củng cố, chế độ Iran.
Bắc Kinh có thể suy tính một cách đơn giản rằng, “Nếu quý vị chịu hạ mình để xoa dịu người Iran sau những gì họ đã đối xử với quý vị và với lợi ích của quý vị trong nhiều thập niên, thì ồ, quý vị sẽ chẳng thể làm nổi điều gì với chúng tôi sau khi chúng tôi chiếm được Đài Loan.”
Đội ngũ của TT Biden thì không muốn thừa nhận gì cả — và họ vẫn khẳng định rằng không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy người Iran có liên quan gì tới các cuộc tấn công của Hamas. Cộng đồng tình báo Hoa Kỳ giường như cũng có quan điểm tương tự — không thể đưa ra kết luận gì về [mối quan hệ] giữa Iran và Hamas — bất chấp khoản ngân quỹ 80 tỷ USD cho một năm và Hamas đã công khai cảm ơn sự giúp đỡ của Iran.
Cùng với thái độ phản ứng nhạt nhòa, không muốn nói là khá rụt rè của chính phủ TT Biden đối với các cuộc tấn công ủy nhiệm đang diễn ra của Iran nhằm vào lực lượng của Hoa Kỳ ở Syria và Iraq, thì Bắc Kinh càng có thêm lý do để nghi ngờ về cách giải quyết của người Mỹ.
Và hình phạt nào cho Trung Quốc trong việc trợ giúp Iran dưới hình thức mua dầu và trợ giúp chính trị toàn diện? Không có gì hết. Thực tế là chính phủ TT Biden và Ngũ Giác Đài đang nỗ lực lấy lòng Trung Quốc và “ổn định” mối bang giao.
Còn có những nơi khác trên bản đồ mà những bằng hữu của Trung Quốc chỉ cần thực hiện vài hành động đe dọa sẽ khiến người Mỹ càng căng thẳng hơn và khiến việc tập trung vào Đài Loan càng khó khăn hơn.
Đó là những nơi như Bán đảo Triều Tiên, các quốc gia vùng Baltic, Vịnh Ba Tư, Cuba, và Venezuela. Và một vài hoạt động của nhóm người phản quốc như “D.C -sniper” trên khắp Hoa Kỳ cũng sẽ có tác dụng như vậy.
Hoa Kỳ đang phải trả giá cho các chính sách “cổ tức hòa bình” (peace dividend-thuật ngữ được dùng để chỉ lợi ích kinh tế từ cắt giảm chi tiêu quốc phòng) và “sự kết thúc của lịch sử” (the end of history-khối Xô Viết sụp đổ và khuôn khổ các sự kiện thế giới trong Chiến tranh Lạnh đã kết thúc với chiến thắng được cho là của chủ nghĩa tư bản và dân chủ tự do) — và cho ý tưởng rằng Hoa Kỳ sẽ không bao giờ phải đối mặt với những kẻ thù nguy hiểm nữa.
Còn các quốc gia [của thế giới] tự do khác đã sai lầm khi dựa vào người Mỹ để lo liệu mọi việc.
Tokyo, Seoul, Đài Bắc, Canberra, Ottawa, Wellington và các quốc gia ở châu Âu … Tôi đang nói về quý vị.
Mọi việc có tồi tệ tới mức đó không?
Một quý ông với kinh nghiệm dày dặn từng tham gia vào các vấn đề về quốc phòng của chính phủ Hoa Kỳ từ những năm 1960 đã nói với tôi rằng: “Nhìn sự việc một cách khách quan từ quan điểm của Bắc Kinh, thì họ phải thấy chúng ta gần như hoàn toàn hỗn loạn, “người Đài Loan” đang say ngủ còn Tokyo thì luôn lưỡng lự. Trong số tất cả mọi người, thì người Philippines dường như bị lúng túng trong việc chống lại Trung Quốc, còn người Nam Hàn tỉnh táo, họ sẽ sẵn sàng hy sinh một cách dũng cảm, nhưng trong tất cả chuỗi sự việc này, thì họ sẽ hy sinh đấy. Tôi không thể hình dung được, trong hoàn cảnh thế này, mà những người với quan điểm ‘Nếu không phải bây giờ thì khi nào?’ lại không tập trung được sự chú ý vào Bắc Kinh.”
Thuần Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times