Các bộ trưởng G-7 đặt mục tiêu tăng công suất điện gió và điện mặt trời lên một tầm cao mới
SAPPORO, Nhật Bản—Hôm Chủ Nhật (16/04), Nhóm bảy cường quốc có nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G-7) đã đặt ra các mục tiêu chung về công suất điện mặt trời và điện gió ngoài khơi lên một tầm cao mới, đồng ý tăng tốc độ phát triển năng lượng tái tạo và tiến tới đẩy nhanh việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.
Tuy nhiên về việc loại bỏ than đá, hội nghị G-7 đã không tán thành thời hạn 2030 mà Canada và các nước thành viên khác thúc đẩy, đồng thời để ngỏ khả năng tiếp tục đầu tư vào khí đốt, nói rằng lĩnh vực này có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng tiềm tàng.
Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura trình bày trong một cuộc họp báo, “Khi đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có, thì điều quan trọng là vừa phải đưa ra các biện pháp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu vừa phải thúc đẩy an ninh năng lượng.”
Ông nói, “Mặc dù biết rằng có nhiều con đường khác nhau để đạt được trung hòa carbon, nhưng chúng tôi đã đồng thuận về tầm quan trọng của việc hướng tới một mục tiêu chung vào năm 2050.”
Hôm Chủ Nhật, các bộ trưởng G-7 đã kết thúc hai ngày họp về chính sách khí hậu, năng lượng, và môi trường tại thành phố Sapporo phía bắc Nhật Bản. Các nguồn nhiên liệu tái tạo và an ninh năng lượng đã trở thành một vấn đề cấp bách mới sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Ông Jonathan Wilkinson, bộ trưởng tài nguyên thiên nhiên của Canada cho biết, “Ban đầu mọi người nghĩ rằng hành động chống biến đổi khí hậu và hành động bảo đảm an ninh năng lượng có khả năng xung đột với nhau. Tuy nhiên, sau các cuộc thảo luận mà chúng tôi tiến hành được phản ánh trong thông cáo chung, chúng tôi thấy rằng hai hành động này thực sự đang bổ trợ cho nhau.”
Trong thông cáo chung, các thành viên cam kết cùng nhau tăng công suất điện gió ngoài khơi thêm 150 gigawatt vào năm 2030 và tăng công suất điện mặt trời lên hơn 1 terawatt.
Họ đã đồng ý đẩy nhanh “việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch không có công nghệ thu giữ khí thải CO2” — đốt nhiên liệu hóa thạch mà không sử dụng công nghệ thu giữ lượng khí thải C02 — để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 trong các hệ thống năng lượng chậm nhất là vào năm 2050.
Về than đá, các quốc gia đã đồng ý ưu tiên “các bước cụ thể và kịp thời” hướng tới đẩy nhanh việc loại bỏ “sản xuất điện than mà không sử dụng công nghệ thu giữ khí thải CO2 trong nước,” như một phần của cam kết hồi năm ngoái rằng mục tiêu tối thiểu đến năm 2035 là “phần lớn” ngành điện sẽ được khử carbon.
Canada đưa ra quan điểm rõ ràng rằng cần loại bỏ điện than không có công nghệ giảm khí thải CO2 vào năm 2030. Ottawa, Anh Quốc, và một số thành viên G-7 khác đã cam kết thực hiện theo thời hạn đó, ông Wilkinson đại diện cho Canada nói với Reuters.
Ông Wilkinson nói: “Các quốc gia khác vẫn đang cố gắng tìm ra cách để họ có thể đạt được mục tiêu đó trong khung thời gian thích hợp.”
Ông nói: “Chúng tôi đang cố gắng tìm cách [để] một số nước phụ thuộc vào than đá nhiều hơn những nước khác tìm ra được lộ trình kỹ thuật để thực hiện điều đó.”
Nước chủ nhà Nhật Bản, một quốc gia mà hầu như mọi nhu cầu năng lượng của họ đều phụ thuộc vào nhập cảng, cũng muốn duy trì khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) làm nhiên liệu chuyển tiếp trong ít nhất 10 đến 15 năm.
Các bộ trưởng G-7 cho biết đầu tư vào lĩnh vực khí đốt “có thể phù hợp” để giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng tiềm ẩn do cuộc khủng hoảng ở Ukraine gây ra, nếu được thực hiện theo cách phù hợp với các mục tiêu khí hậu.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times