Các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ đối với TT Putin, ông Lavrov, và các quan chức Nga khác
Vào cuối ngày 25/02, Hoa Kỳ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Tổng thống (TT) Nga Vladimir Putin, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, và các thành viên khác của Hội đồng An ninh Nga, đồng thời đánh dấu các hành động mới nhất của Hoa Kỳ đối với Nga sau các vòng trừng phạt trước đó đã được công bố hồi đầu tuần này kể từ khi Nga xâm lược Ukraine.
Liên minh Âu Châu, Vương quốc Anh, và Canada cũng đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với TT Putin và ông Lavrov.
Ngoài việc chỉ định TT Putin và ông Lavrov, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chỉ định thêm những cá nhân mà nước này cho là chịu trách nhiệm trực tiếp về cuộc xâm lược tiếp theo của Ukraine: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng, Đại tướng quân đội Valery Gerasimov.
Bộ Tài chính đã lưu ý rằng việc chỉ định một nguyên thủ quốc gia là “rất hiếm” và ông Putin hiện đang tham gia vào “một nhóm rất nhỏ bao gồm những kẻ chuyên quyền như ông Kim Jong Un, ông Alyaksandr Lukashenka, và ông Bashar al-Assad.”
Bộ Ngân khố cũng đã từng chỉ định riêng 11 thành viên của Hội đồng An ninh Nga trong các hành động trước đó.
Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen cho biết trong một tuyên bố rằng Hoa Kỳ tìm cách “bảo đảm Nga phải trả một giá đắt về kinh tế và ngoại giao cho một cuộc xâm lược tiếp theo của họ vào Ukraine,” và “sẵn sàng áp đặt thêm các tổn thất đối với Nga” nếu cần thiết.
Các biện pháp trừng phạt này có nghĩa là “tất cả tài sản và lợi ích đối với tài sản của các cá nhân nêu trên tại Hoa Kỳ hoặc thuộc quyền sở hữu hoặc kiểm soát của những người Mỹ đều sẽ bị phong tỏa và phải được báo cáo cho [Văn phòng Kiểm soát Tài sản Ngoại quốc (OFAC)].”
“Ngoài ra, bất kỳ tổ chức nào thuộc sở hữu, trực tiếp hoặc gián tiếp, 50% hoặc nhiều hơn bởi một hoặc nhiều người đã bị chặn cũng đều sẽ bị phong tỏa,” cơ quan này thông báo.
“Tất cả các giao dịch của những người Mỹ hoặc bên trong (hoặc quá cảnh) Hoa Kỳ mà có liên quan đến bất kỳ tài sản hoặc lợi ích nào đối với tài sản của những người được chỉ định hoặc bị phong tỏa khác đều sẽ bị cấm trừ khi được cho phép bởi một giấy phép chung hoặc cụ thể do OFAC cấp, hoặc được miễn trừ. Những điều cấm này bao gồm việc đóng góp hoặc cung cấp quỹ, hàng hóa, hoặc dịch vụ, hoặc vì lợi ích của bất kỳ người nào đã bị chặn và việc nhận bất kỳ khoản đóng góp hoặc cung cấp quỹ, hàng hóa, hoặc dịch vụ nào từ bất kỳ người nào như vậy.”
Hôm 24/02, Tòa Bạch Ốc đã công bố các biện pháp trừng phạt khác đối với Nga, nhằm vào các tổ chức tài chính khác nhau của Nga, các cá nhân người Nga và các thành viên gia đình của họ, cũng như một số công ty năng lượng của Nga. Các lệnh trừng phạt này không trực tiếp ngăn chặn việc nhập cảng dầu và khí đốt của Nga.
Hôm 24/02, Tổng thống Joe Biden cũng cho biết Hoa Kỳ và các đồng minh đã quyết định không cấm Nga tham gia hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, hệ thống mà các ngân hàng sử dụng để giải quyết các khoản thanh toán xuyên biên giới. Hệ thống này được coi là rất quan trọng để cung cấp tài chính cho thương mại quốc tế.
Cô Mimi Nguyen Ly là một phóng viên phụ trách đưa tin về thời sự thế giới với trọng tâm là tin tức Hoa Kỳ. Sống và làm việc tại Úc, cô có kiến thức nền tảng về đo thị lực lâm sàng. Quý vị có thể liên lạc với cô Mimi tại [email protected].
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: