Các biện pháp trừng phạt bằng USD trong gói viện trợ Ukraine gây rủi ro cho đặc quyền của đồng tiền này
Ẩn trong “Đạo luật Sức mạnh Hòa bình Thế kỷ 21” mới được thông qua (H.R. 8038) và ban hành gần đây là một điều khoản cho phép tổng thống tịch thu và chuyển giao một số tài sản của nhà nước Nga để tài trợ cho việc bồi thường hoặc tái thiết sau chiến tranh cho Ukraine. Theo dự luật, trong khi chỉ có 4–5 tỷ USD trong số tài sản đó thuộc thẩm quyền của Hoa Kỳ, thì 190 tỷ USD khác thuộc quyền nắm giữ của châu Âu, chủ yếu là ở Bỉ.
Ngoài ra, chính phủ Tổng thống Biden cũng được cho là đang soạn thảo các quy định nhằm cản trở khả năng thực hiện giao dịch bằng đồng USD của các ngân hàng Trung Quốc. Các quy tắc này sẽ trừng phạt Trung Quốc về việc bán những mặt hàng mà chính phủ Tổng thống Biden tuyên bố là công nghệ “lưỡng dụng” (tức là có thể sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự). Bắc Kinh đã tuân thủ yêu cầu của chính phủ Tổng thống Biden về việc gửi viện trợ quân sự cho Ukraine.
Giúp đỡ một đồng minh không đồng nghĩa với thực hiện một hiệp ước tự sát
Viết về nhà nước pháp quyền và các quyền hiến định, các nhà chức trách từ Thomas Jefferson đến Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã nói, trên thực tế và theo đúng nghĩa trên mặt chữ, rằng “Hiến Pháp không phải là một hiệp ước tự sát.” Bằng những lời này, họ có ý nói rằng các lãnh đạo Mỹ không nên đặt quá nặng về pháp quyền trong thời kỳ khủng hoảng đến mức không có hành động thiết thực để bảo vệ đất nước khỏi sự hủy diệt.
Nhưng vì Hiến Pháp Hoa Kỳ không phải là một hiệp ước tự sát nên một liên minh cũng không nên như vậy. Tuy nhiên, chính phủ Tổng thống Biden dường như đã quyết tâm thẳng tay “tự sát” đồng USD trong vai trò là đồng tiền dự trữ của thế giới.
Mối quan tâm của Hoa Kỳ là gì?
Cuộc xâm lược của Nga vào Crimea, và sau đó là vào phần còn lại của Ukraine, là một cuộc tấn công tàn khốc vào quốc gia đó mà tất cả chúng ta đều có thể chê trách. Nhưng Ukraine chưa bao giờ là một mối quan tâm trọng yếu — hay thậm chí là ngoại vi — của Hoa Kỳ đến mức chúng ta nên gây nguy hiểm cho đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ của thế giới. Hãy nhớ lại rằng Ukraine từng là một quốc gia chư hầu của Nga dưới thời tổng thống tiền nhiệm Viktor Yanukovych, một con rối của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho đến Cách mạng Euromaidan năm 2014. Cũng hãy nhớ lại rằng khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược vào tháng 02/2022, Hoa Kỳ đã đề xướng di tản Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Về căn bản, chúng ta đã sẵn sàng giao Ukraine cho Nga kiểm soát.
Vậy tại sao lại mạo hiểm sự thống lĩnh của đồng USD vì Ukraine?
Ngoại trưởng Antony Blinken đã khẳng định chúng ta nên mạnh mẽ phản đối cuộc xâm lược của Nga vì hành động này đã vi phạm “trật tự tự do dựa trên luật lệ thời hậu chiến.” Ông cũng lo ngại rằng việc thừa nhận cuộc xâm lược sẽ “đưa chúng ta trở lại với các phạm vi ảnh hưởng,” trong đó các quốc gia hùng mạnh gây ảnh hưởng đến chính sách của các nước láng giềng yếu thế hơn. Nhưng có vẻ như những lý do đó vừa mơ hồ và cũng ngây thơ. Trật tự hậu Chiến Tranh Lạnh không hề “tự do” mà cũng chẳng “dựa trên luật lệ.” “Luật lệ” đã được rút ngắn hoặc bãi bỏ thường xuyên trong suốt 30 năm qua vì cả Hoa Kỳ và Nga (trước đây là Liên Xô) đều không thể kiềm chế được hoàn toàn các quốc gia phụ thuộc của họ, như họ đã từng làm trong Chiến Tranh Lạnh. Và về phần “các phạm vi ảnh hưởng” (spheres of influence) — thì những lý do khiến chúng ta suýt rơi vào chiến tranh hạt nhân khi Liên Xô đặt đầu đạn hạt nhân ở Cuba chưa bao giờ thực sự biến mất.
Đồng USD là một mối quan tâm sống còn
Không giống như Ukraine, sự vượt trội của đồng USD trong vai trò là đồng tiền dự trữ của thế giới chắc chắn là mối quan tâm sống còn của Hoa Kỳ. Vấn đề này thậm chí còn là mối quan tâm sống còn của thế giới; đồng USD là một tài sản trú ẩn an toàn trong một nước cộng hòa tự do, dân chủ, tuân thủ pháp quyền và có thị trường được quản lý minh bạch.
Cựu Tổng thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing từng gọi vị thế đồng tiền dự trữ thế giới của USD là một “đặc quyền quá mức” của Hoa Kỳ — một đặc quyền mà ông ghen tị (và phẫn nộ). Đặc quyền này cho phép Hoa Kỳ thả nổi khoản nợ của chúng ta với lãi suất thấp hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới. Đặc quyền đó làm tăng giá trị thị trường tài chính của chúng ta vì đồng USD được xem là “tài sản trú ẩn an toàn” toàn cầu, đặc biệt là trong những thời kỳ khủng hoảng. USD đã được đổ vào thị trường của chúng ta thông qua các nhà đầu tư ngoại quốc. Và đồng USD cũng được chấp nhận như một phương tiện trao đổi ở hầu hết mọi nền kinh tế trên thế giới.
Vì tất cả những lý do này, các lãnh đạo Mỹ nên giữ gìn tính ưu việt của đồng USD. Nhưng thay vì thế, họ đã sử dụng tính ưu việt này với một thái độ kiêu ngạo đáng kinh ngạc và vô trách nhiệm, gây ra phản ứng dữ dội.
Và một phản ứng dữ dội quả thực đã kéo theo sau đó.
BRICS+, tổ chức không chính thức do Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi thành lập sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008–2009, và giờ đây đang có sự tham gia của các nước khác ở phía nam bán cầu, từ lâu đã hạ thấp tính ưu việt của đồng USD. Càng ngày, họ càng thanh toán các giao dịch với nhau bằng đơn vị tiền tệ của riêng mình để tránh sử dụng đồng bạc xanh.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cảnh báo vào năm 2022:
“Các quốc gia áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính như Hoa Kỳ nên chuẩn bị cho sự phát triển của các thỏa thuận tài chính thay thế ở Trung Quốc và có thể là cả ở những nơi khác.”
Trung Quốc đã giới thiệu đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, một loại tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành, nhằm né tránh công dụng của SWIFT, hệ thống chuyển tiền giữa các quốc gia. Trước đây, SWIFT là một trong những phương tiện chính để thực thi các biện pháp trừng phạt bằng đồng USD. Trung Quốc cũng đang dự trữ lượng lớn vàng và dầu để làm phương tiện lưu trữ giá trị thay thế cho đồng USD.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times