‘Các bạn không đánh bại được tôi’ – Lá thư gửi những người đã bắt nạt thời niên thiếu
Trong tháng vừa qua, Joe Plumb, sống tại Cambridge, đã dũng cảm và kiên cường nói với những người đã ức hiếp anh trong thời gian từ trước đến nay rằng thực chất họ đã không đánh bại được anh.
Tuy nhiên, khác với những gì mà bạn nghĩ, câu trả lời của Joe đăng trên tờ Metro viết: anh thực sự cảm ơn những người đã ức hiếp anh, giúp anh trở thành con người như ngày hôm nay.
Joe, 23 tuổi, một nhân vật công chúng từng đoạt giải thưởng, một đại sứ từ thiện và thường xuyên là cộng tác viên cho báo chí/đài truyền hình, đã viết: “Tôi muốn nói lời cảm ơn đến những kẻ bắt nạt tôi. Vâng, đúng là như vậy.”
Joe đã bị bắt nạt nhiều lần. Với những khó khăn trong cuộc sống mà bản thân anh đã phải vượt qua Joe quyết định chia sẻ bài viết của anh trong Tuần lễ chống bắt nạt.
Khi mới 3 tuổi, Joe biết mình “khác người”: sợ hãi và rụt rè, tức giận với bản thân và mắc hội chứng sợ xã hội.
“Các bạn đồng trang lứa với tôi nhận thấy những khác biệt nhạy cảm này. Họ dường như không muốn nói chuyện hoặc giao tiếp với tôi và tôi đã bị ngược đãi từ lời nói đến hành vi,” anh viết.
Mặc dù việc bị bắt nạt khiến anh rất suy sụp và nhiều lần tìm cách tự tử, nhưng Joe tin rằng anh những tháng ngày khó khăn ấy đã giúp anh có được ngày hôm nay.
Anh khẳng định chắc chắn rằng: “Thành thật mà nói, tôi không muốn thay đổi điều gì cả.”
Trước khi bị gắn mác là “hạnh kiểm kém”, Joe được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ ở tuổi lên 6. Tuy nhiên, anh không hiểu rõ bản chất của nó, mà chỉ đơn giản coi mình là “kỳ quặc và là một kẻ thất bại”.
Năm tháng trôi qua, cuối cùng anh cũng cảm thấy nhẹ nhõm khi có được lời giải thích cho sự khác biệt này
Các triệu chứng của tự kỷ thay đổi rất đa dạng. Một số trẻ em gặp khó khăn với kỹ năng xã hội và giao tiếp, trong khi những trẻ em khác có thể không muốn giao tiếp hoặc tự vật lộn với cảm xúc.
Chứng tự kỷ của Joe thuộc loại “thấp” trên phổ điểm, nhưng điều này lại khiến việc học ở trường trở nên khó khăn hơn vì anh không đủ điều kiện nhận được sự hỗ trợ bổ sung như những người khác.
“Chứng tự kỷ của tôi đủ nhẹ để tôi không nhận được sự hỗ trợ bổ sung hoặc được thấu hiểu, nhưng cũng không quá nhẹ đến mức những người khác không nhường tôi vì điều đó,” anh viết.
Đôi khi, anh ước gì chứng tự kỷ của mình nặng hơn để anh nhận được nhiều sự trợ giúp hơn.
“Trong thời gian học trung học, tôi đã bị đánh, bắt nạt trên mạng và thậm chí bị đe dọa giết,” anh chia sẻ. “Tôi bắt đầu bỏ ăn và tuyệt thực vì những lời nhận xét của mọi người về ngoại hình của tôi.”
Không muốn trở thành gánh nặng cho cha mẹ, Joe bắt đầu tự làm hại bản thân.
Đây thực sự là một thời điểm tồi tệ, và anh viết, “Không có cách nào để thoát khỏi cảnh khổ cực, tôi đã cố gắng kết liễu cuộc đời mình.”
Cuối cùng, khi được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực, anh được đưa vào bệnh viện tâm thần chăm sóc trong gần ba năm.
Trong thời gian đầu anh cảm thấy “ngột ngạt”, nhưng cuối cùng anh cũng tìm thấy sự an toàn khi sống giữa những người không phán xét mình.
Sau ba năm đó, anh được đưa vào diện chăm sóc. Anh nhớ lại cuộc chia ly khỏi gia đình là điều đặc biệt khó khăn. Anh nói: “Tôi đã có nhiều lần bột phát bạo lực đến nỗi cảnh sát phải can thiệp nhiều lần.”
Joe được điều trị liệu pháp tâm lý và tâm thần giúp anh thoát khỏi những cảm xúc lãnh đạm, nhưng việc tự lập ở tuổi 18 lại là một điều vừa vui mừng vừa sợ hãi.
“Cuối cùng, đến một thời điểm mà tôi biết mình phải đào sâu vào nội tâm, vì vậy tôi luôn tự nói với mình rằng ‘Tôi có thể làm được điều này,’” anh viết.
Giờ đây, anh thấy rằng việc bị bắt nạt đã mang lại cho anh tinh thần chiến đấu để sinh tồn và đạt được thành tựu.
Ở tuổi 12, anh tình nguyện giúp đỡ người khác và thậm chí khởi xướng chiến dịch, tổ chức phi lợi nhuận chống bắt nạt của riêng mình với cái tên: Stand Up Speak Out (Đứng lên và nói ra). Chiến dịch đó đã lan truyền mạnh mẽ, với sự ủng hộ của những người nổi tiếng và Joe đã được trao Giải thưởng Công nương Diana, ghi nhận những thành tích xuất sắc của giới trẻ.
Hiện nay, anh là đại sứ cho National Children’s Charity Kidscape (Tổ chức từ thiện quốc gia chuyên giải cứu trẻ em), đây là tổ chức đã giúp đỡ anh rất nhiều khi còn nhỏ.
Joe đã phải chịu đựng sự bắt nạt khủng khiếp và có thể dễ dàng qua đời. Mặc dù thỉnh thoảng có những hồi tưởng đau thương nhưng anh vẫn tự cho mình là mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Anh không dung túng cho hành động của những kẻ bắt nạt, nhưng anh cũng không còn thù hận, thậm chí là anh hiểu động cơ của họ. Anh cho rằng, nguyên nhân là do sự thiếu giáo dục về sức khỏe tinh thần.
Khi lớn tuổi hơn và khôn ngoan hơn, giờ đây anh thực sự coi chứng tự kỷ và các chứng bệnh được chẩn đoán khác là “siêu năng lực” của bản thân.
“Những kẻ bắt nạt tôi đã không đánh bại được tôi – họ đã thua. Tôi sẽ tiếp tục giúp đỡ những người khác, và chiến đấu trong mọi trận chiến xảy ra theo cách của tôi,” anh cho biết.
Nhân viên của EMG Inspired
Tân Dân biên dịch
Xem thêm: