Các bậc cha mẹ có thể làm gì khi ngày càng nhiều sinh viên đại học gặp phải các vấn đề sức khỏe tinh thần?
Những sinh viên đại học đang bị căng thẳng hơn bao giờ hết, khiến sự trợ giúp từ gia đình trở nên trọng yếu
Mùa thu này, có bốn sinh viên của Đại học Tiểu bang North Carolina đã tự tử. Các trường đại học khác, chẳng hạn như Dartmouth, Vanderbilt, và Đại học Bắc Carolina, cho biết tình trạng sinh viên tự tử đang gia tăng. Tình trạng tìm cách tự vẫn của những người trẻ tuổi không chỉ đáng lo ngại — mà còn rất đáng sợ. Đặc biệt là có một sự gia tăng mạnh về ý định tự tử đối với sinh viên đại học. Trên thực tế, tự sát là nguyên nhân thứ hai gây tử vong trong các sinh viên đại học.
Tuổi vị thành niên (từ 9 đến 25 tuổi) là một giai đoạn quan trọng của sự phát triển não phải, chỉ đứng sau lứa tuổi từ 0–3. Ở độ tuổi này, bộ não đang trong một quá trình loại bỏ tất cả các khớp thần kinh và tế bào dư thừa, được xem là trọng yếu đối với sức khỏe tinh thần và cảm xúc cũng như sự phát triển mạnh mẽ trong những năm đầu đời của trẻ em. Trong giai đoạn này, bộ não đang được thiết kế để trở thành bộ não của người trưởng thành về sau, do đó sự căng thẳng có tác động lớn nhất đối với quá trình phát triển này.
Chưa bao giờ những sinh viên đại học phải chịu đựng căng thẳng nhiều như vậy. Một phần, tình trạng này liên quan đến những kỳ vọng có chủ ý hoặc vô thức của các bậc cha mẹ và một hệ thống giáo dục thúc ép sinh viên hướng đến thành tích cao và sự cạnh tranh khốc liệt. Học sinh trung học gặp áp lực phải đạt những điểm số và điểm kiểm tra hoàn hảo trong các kỳ thi tuyển sinh đại học để thậm chí được xem xét vào các trường đại học danh giá. Ngoài ra, các em buộc phải suy nghĩ về tương lai theo cách của người lớn mà các em chưa hề có sự chuẩn bị nào. Các em cũng đang làm việc trong các kỳ thực tập và các công việc thực sự giống như người lớn để có chỗ đứng trong thị trường việc làm, ngay cả trước khi các em có thể khám phá nhiều sự lựa chọn của mình ở trường đại học. Sự tập trung tới mức căng thẳng vào tương lai này là bất bình thường, và không lành mạnh, đối với học sinh trung học và sinh viên đại học — những người đang tập trung phát triển vào hiện tại.
Thật không may, việc không có khả năng suy nghĩ về tương lai lại làm tăng xác suất tự tử của các em. Tự tử là một hành động do một người trẻ thực hiện khi không vượt qua nghịch cảnh hoặc đau khổ hiện tại của bản thân để hướng tới một tương lai tươi sáng hơn hoặc đầy hy vọng hơn, điều này khiến nỗi đau của người đó trong lúc này trở nên quá sức chịu đựng và tuyệt vọng hơn bao giờ hết. Đối với người trưởng thành, bởi vì chúng ta có vỏ não trước trán hoạt động, nhờ vậy chúng ta không chỉ có thể thấy rằng ngày mai có thể tốt hơn, mà chúng ta còn có chính kiến để giúp chúng ta vượt qua nghịch cảnh và căng thẳng.
Ngoài ra, do sự phát triển không đồng đều giữa các phần khác nhau của não phải ở thanh thiếu niên và những người trẻ tuổi, nên các phần não này dễ bị tổn thương hơn trước sự suy sụp. Hạch hạnh nhân, hay phần não cảm nhận mối đe dọa, và vùng vân bụng, hệ thần kinh tưởng thưởng, đang phát triển với một tốc độ nhanh hơn so với vỏ não trước trán, phần điều tiết cảm xúc, phần mà vẫn chưa phát triển hoàn thiện cho đến năm 25 tuổi. Điều này dẫn đến trạng thái bốc đồng hơn, mẫn cảm hơn với căng thẳng, với nỗi đau lớn hơn từ bất kỳ hình thức mất mát nào và đối với sự chỉ trích hoặc từ chối, cũng đưa đến như khả năng phán đoán và khả năng nhìn nhận mọi thứ kém hơn. Tất cả những yếu tố này nói lên rằng các thanh thiếu niên, ngay cả với các em đang học đại học, cần được đối xử bằng sự nhạy cảm, đồng cảm, và thấu hiểu hơn là phán xét và chỉ trích gay gắt.
Áp lực môi trường cũng độc hại đối với thanh thiếu niên và những người trẻ tuổi, lứa tuổi thường bị choáng ngợp bởi công nghệ và truyền thông xã hội, những thứ nhắm tới tới sự hoàn hảo, bởi các kỳ vọng cao của cha mẹ và cá nhân, và bởi một nền văn hóa so sánh. Các em nhận thức rõ về một thị trường việc làm không ổn định và nền kinh tế chính trị khiến tương lai của các em có cảm giác bấp bênh hơn, kèm theo sự nóng lên toàn cầu, những điều này cho thấy có thể không có tương lai nào dành cho các em cả.
Tuổi vị thành niên thường là thời điểm xảy ra các rối loạn gắn bó (attachment disorder) và những hậu quả của sự bất an về cảm xúc đã được gieo trồng từ thời thơ ấu được biểu hiện ra thành trầm cảm, lo lắng, và rối loạn nhân cách. Đó là một điểm yếu trong quá trình phát triển khi bất kỳ cuộc xung đột hoặc nỗi mất mát nào trước đó được biểu hiện ra bên ngoài. Đối với các sinh viên đại học, sống xa nhà và nỗi căng thẳng khi xa cách gia đình và phải tự chăm sóc bản thân trong một môi trường mới có thể là sự hội tụ của những tình huống tồi tệ nhất (the perfect storm) cho các vấn đề sức khỏe tinh thần nảy sinh.
Các bậc cha mẹ có thể làm gì?
Vậy thì chúng ta, với tư cách là những bậc cha mẹ, có thể làm gì trước cuộc khủng hoảng này? Điều này bắt đầu ngay trong những năm đầu đời. Trẻ em không có được sự kiên cường bẩm sinh. Là cha mẹ, chúng ta hãy giúp con mình xây dựng tính bền bỉ, không phải bằng sự cứng rắn, mà bằng sự dịu dàng, nhạy cảm, đồng cảm, và sự hiện hữu hữu hình cũng như hiện hữu trong tâm tưởng của chúng ta. Chúng ta cần chuẩn bị cho các em bước vào một giai đoạn tuổi vị thành niên đầy căng thẳng bằng cách hiện hữu cạnh các em nhiều nhất có thể trong những năm đầu đời để có thể đặt nền tảng cho sự an toàn về cảm xúc mà các em sẽ cần để chống chọi với những căng thẳng, nghịch cảnh, sự cạnh tranh, và áp lực mà các em sẽ gặp phải khi trở thành những người trưởng thành trẻ tuổi bước vào đại học.
Khi trẻ em dưới 3 tuổi, và thậm chí trong suốt thời thơ ấu của các em, chúng ta có thể giúp điều tiết sự lo âu, cơn buồn rầu, tức giận, sợ hãi, và sự phấn khích của trẻ em bằng cách giúp các em giải quyết các cảm giác đó mà không phán xét, chỉ trích, xua đuổi, hoặc chối bỏ. Chúng ta cũng nên giúp các em trở nên kiên cường bằng cách mang đến cho các em một cảm giác an toàn và chính kiến về những gì thực sự quan trọng. Chúng ta có thể làm gương cho các em rằng chúng ta không hoàn hảo và cũng đang gặp khó khăn, nhưng hãy nhấn mạnh rằng chúng ta luôn chú tâm vào những điều quan trọng — gia đình và các mối quan hệ — chứ không phải là tiền bạc, địa vị, và thành tích cao.
Thời điểm tốt nhất để chuẩn bị cho các thanh thiếu niên của chúng ta bước vào giai đoạn trưởng thành là ngay khi các em còn nhỏ và sống cùng cha mẹ. Điều này không có nghĩa là khi các con vào đại học, thì chúng ta không thể chia sẻ với các con nhiều sự đồng cảm, nhạy cảm, và giúp con giải quyết vấn đề về cảm xúc nữa, mà khi đó, chúng ta sẽ bị hạn chế hơn, vì các con thường ở xa cha mẹ.
Một vài lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ để nhận ra những dấu hiệu trầm cảm hoặc ý định tự tử ở các bạn trẻ. Hãy xem con của bạn có các biểu hiện sau hay không:
- trạng thái vui buồn thất thường gia tăng,
- nỗi buồn về quá khứ thường lặp lại và gia tăng, hoặc lo lắng về tương lai
- vô vọng hoặc tuyệt vọng về tương lai
- tách biệt với xã hội hoặc khó khăn trong giao tiếp xã hội
- hoạt động thể chất giảm
- các vấn đề về giấc ngủ (ngủ quá nhiều hoặc quá ít, khó ngủ)
- các vấn đề về ăn uống (ăn uống vô độ, tăng cân, hoặc giảm cân quá mức)
- kết quả học tập giảm sút
- mức độ sử dụng rượu hoặc thuốc tăng
- thiếu động lực để tham gia vào các hoạt động ở trường
- vấn đề về bạn cùng phòng (các em đang sống xa nhà, vốn là một nơi rất an toàn, và hiện buộc phải sống trong một không gian nhỏ với một người mà có thể phát sinh mâu thuẫn).
Nếu bạn thấy bất kỳ dấu hiệu nào trong các dấu hiệu được liệt kê trên đây, và trong một thời gian kéo dài hai tuần, thì hãy hành động ngay để giúp con bạn. Hãy tìm cho con bạn một nhà trị liệu; nếu có thể gặp trực tiếp thì tốt nhưng điều trị từ xa cũng có thể hiệu quả, khi mà ở trường không có đủ nhà trị liệu để đáp ứng nhu cầu này. Hãy đến gặp con bạn ở trường càng sớm càng tốt, để bạn có thể nắm bắt được tình hình thực sự của con. Việc đánh giá những vấn đề này từ xa luôn khó khăn hơn. Nếu bạn phát hiện ra những điều khiến bạn lo lắng, đừng chờ đợi để tìm kiếm sự giúp đỡ.
Điểm dừng chân đầu tiên phải là một nhà trị liệu tâm lý được đào tạo bài bản, chứ không phải là một nhà trị liệu liệu pháp nhận thức hành vi CBT hay liệu pháp biện chứng hành vi DBT (điều này chỉ dành cho những trẻ em không biết nói và gặp khó khăn trong việc diễn đạt cảm xúc bằng lời nói). Nếu các em có thể nói về những cảm xúc của mình, thì hãy tìm một người đã được đào tạo để giúp các em bày tỏ những cảm xúc của mình sâu hơn thay vì chỉ tập trung vào việc giảm nhẹ triệu chứng. Và cuối cùng là, đừng vội đến gặp một bác sĩ tâm thần để được kê toa thuốc (đây nên là biện pháp cuối cùng), trừ khi bạn đã thử liệu pháp trò chuyện và trẻ em đã tiến triển tới mức trầm cảm và lo lắng, trong trường hợp đó, có thể cần dùng thuốc để giúp các em trở lại trạng thái mà có thể sử dụng liệu pháp trò chuyện.
Cuối cùng, một phần quan trọng của giải pháp cho cuộc khủng hoảng sức khỏe tinh thần này ở các bạn trẻ là chúng ta, với tư cách là những người lớn, các bậc cha mẹ, và các nhà lãnh đạo giáo dục, hãy thay đổi cách thức của chúng ta. Chúng ta cần nhìn vào trong gương thật lâu, thật kỹ để soi xét lại những gì chúng ta đang làm với các con mình trong việc biểu hiện tính tự giác, độc lập, và lòng kiên trì với các con trước khi các em hình thành một cảm giác an toàn và an tâm trong môi trường của các em. Chúng ta đang kỳ vọng quá nhiều vào các con của chúng ta và cho đi quá ít. Chúng ta đang tạo ra một nền văn hóa độc hại, trong đó các em cảm thấy không còn lựa chọn nào khác ngoài việc kết liễu cuộc đời mình.
Vẫn chưa quá muộn để người lớn khắc phục điều này, nhưng chúng ta cần hành động nhanh chóng để tạo ra những thay đổi — nghĩa là hãy ưu tiên các con hơn mọi thứ khác trong cuộc sống của chúng ta, kể cả thành công về mặt vật chất lẫn công việc, đồng thời cho phép các em được sống đúng với bản tính của mình. Điều đó có nghĩa là hãy loại bỏ áp lực cho các em, cả bên trong lẫn bên ngoài. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể hy vọng xoay chuyển tình trạng tự tử ở giới trẻ hiện nay.
Minh Châu biên dịch
Quý vị tham khảo bài gốc từ The Epoch Times