Buông bỏ tiếc nuối
Chủ nghĩa tối giản không chỉ là buông bỏ tài sản dư thừa và những vật dụng mà chúng ta không còn dùng đến hoặc không còn hứng thú sử dụng. Về phương diện tổng thể con người, đó còn là một sự giải thoát khỏi tất cả những gì khiến chúng ta không hạnh phúc. Có những thứ khiến cho cuộc sống của chúng ta trở nên phức tạp hơn nhiều so với sự hỗn độn mà chúng ta có thể nhìn thấy. Đó chính là gánh nặng mà sự tiếc nuối mang lại.
Sự tiếc nuối có khả năng khiến chúng ta lưu luyến với quá khứ, tước đi hiện tại của bản thân. Nó có thể len lỏi vào những khoảnh khắc hạnh phúc nhất, khiến cảm giác bình an của chúng ta trở nên ảm đạm.
Trên bước đường đời, chúng ta đã từng thực hiện ít nhất một vài điều mà sau đó chúng ta ước rằng mình đã không làm; hoặc chúng ta đã không làm được một số điều mà sau đó chúng ta ước rằng giá như mình có thể làm được. Một số lựa chọn mà chúng ta ước gì mình có thể thay đổi, thường chỉ có tác động đến nội tâm của chúng ta mà không thực sự ảnh hưởng đến người khác. Rồi lại có những tiếc nuối phức tạp hơn nảy sinh từ những hạt giống mà chúng ta đã gieo, khiến người khác đau lòng và tổn thương.
Mười tám năm về trước, tôi từng đứng bên giường [bệnh] [chứng kiến] sự ra đi của cha mình. Sáu năm trước, cảnh tượng đau lòng ấy lại tái hiện trong một phòng săn sóc đặc biệt nơi tôi chứng kiến cuộc sống tươi đẹp của mẹ mình dần trôi đi. Trong phần lớn cuộc đời mình, cha mẹ tôi đã phải chật vật với bóng hình của sự tiếc nuối về những sai lầm và thất bại của họ. Chứng kiến cả hai trút hơi thở cuối cùng khiến tôi sáng suốt nhận ra rằng thật vô ích khi cứ mãi hối tiếc. Đây là năm bài học mà tôi ước gì cha mẹ thân yêu của mình biết được trước khi họ ra đi.
1. Chấp nhận thực tại về điều mà bạn hối tiếc
Những sai lầm là có thật. Mọi chuyện đã xảy ra, và lịch sử không thể được viết lại. Cố gắng thoái thác trách nhiệm chỉ là một giải pháp tình thế vô ích nhằm che đậy sai lầm. Chấp nhận thực tại và thừa nhận sự thật là bước khởi đầu để giúp chúng ta buông bỏ sự hối tiếc.
2. Tha thứ cho bản thân
Hãy vị tha với chính mình như cách mà bạn mong người khác sẽ dành cho bạn mỗi khi bạn mắc lỗi với họ. Hãy ngừng dằn vặt bản thân vì đã làm những điều mà bạn không thể làm lại lần nữa. Nếu có thể, bạn sẽ muốn quay trở lại thời điểm trước khi mọi chuyện xảy ra. Hãy mở lòng để đón nhận yêu thương và giải thoát bản thân khỏi sự oán trách. Tha thứ cho bản thân sẽ không phủ nhận những gì mà bạn hối tiếc, đồng thời sẽ giúp bạn thoát khỏi sự kìm kẹp của nó.
3. Bù đắp những tổn thất
Nếu như bạn thấy ân hận vì đã làm tổn thương người khác, hãy xin lỗi họ một cách chân thành và không bào chữa. Hãy làm những gì bạn có thể một cách hợp lý để sửa chữa hành động của mình mà không phải bù đắp một cách quá mức. Tôi nói “hợp lý” là bởi vì có những người sẽ đòi hỏi bạn nhiều hơn mức cần thiết, đặc biệt nếu như họ bị tổn thương và muốn bạn phải trả giá cho sai lầm của mình. Điều này có thể trở nên rắc rối bởi vì sự hối tiếc có thể khỏa lấp những gì dường như là hợp lý. Chính sự an yên trong [nội tâm] bạn là người dẫn đường đáng tin cậy giúp bạn biết khi nào là đủ.
4. Bỏ lại sau lưng những nuối tiếc
Hãy để quá khứ ngủ yên. Đừng tiếp tục nói về những thất bại và sai lầm của bạn. Bạn càng lên tiếng, chúng lại càng xuất hiện nhiều hơn. Hãy buông bỏ bất kỳ điều gì khiến bạn nhớ đến hành động đáng tiếc đó. Tôi đã vô cùng hối hận khi mà một quyết định để đời của vợ chồng tôi đã làm tổn thương đến tinh thần của con trai chúng tôi. Có điều gì khó vượt qua hơn sự hối hận khi nuôi dạy con trẻ? Tôi đã ước hàng ngàn lần rằng giá như chúng tôi lựa chọn khác đi, thế nhưng chuyện đã rồi. Chúng tôi đã buông bỏ mọi thứ hữu hình có thể gợi lại ký ức về quãng thời gian ấy và điều đó đã giúp ích cho chúng tôi trên hành trình chữa lành. Việc làm sống lại những hành động đáng tiếc chỉ khiến chúng ta thêm khốn khổ. Hãy trân quý hôm nay thay vì lãng phí thời gian với những ước muốn “giá như.”
5. Đi ngược lại những gì mà bạn hối tiếc
Chúng ta không thể thay đổi quá khứ, nhưng chúng ta có thể thay đổi cuộc sống của mình trong tương lai. Sự tiếc nuối mang lại cho chúng ta nỗi đau, nhưng cũng là một người thầy tốt. Hãy học từ chính những sai lầm của bạn. Miễn là chúng ta còn sống thì chúng ta sẽ còn tiếp tục phạm sai lầm, nhưng việc ghi nhớ những bài học từ sự nuối tiếc có thể giúp chúng ta không lặp lại những hành động mà rất có thể chúng ta sẽ hối hận trong tương lai. Thay vì hồi tưởng và tiếc nuối, hãy hành động một cách tích cực. Hãy chủ động khi mong muốn thực hiện mọi việc một cách khác biệt tràn ngập tâm trí bạn. Hãy hướng suy nghĩ của bạn vào những điều phấn chấn. Đọc một điều gì đó truyền cảm hứng cho bạn. Làm một điều tốt đẹp cho ai đó. Chìa bàn tay nhân từ [đón nhận]. Đối xử tử tế với mọi người mà bạn gặp. [Và] mỉm cười.
Vào một lúc nào đó, tất cả chúng ta đều ước rằng mình [có thể] hành động khác đi, nhưng thật tuyệt khi chúng ta có thể giảm bớt gánh nặng ấy bằng cách làm một điều gì đó tích cực, hiệu quả, và mang tính xây dựng.
Cô Cheryl Smith viết blog tại trang web Biblical Minimalism.com. Để trang trải nợ nần, gia đình cô đã phải bán nhà và buông bỏ 90% tài sản vật chất của họ. Giờ đây cô chia sẻ câu chuyện của gia đình mình cũng như đức tin vào Cơ Đốc giáo trên trang blog của họ. Cô là tác giả của các cuốn sách có nhan đề “Biblical Minimalism” và “Homespun Devotions: Volume One.”
Thành Trang biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: