Bức tranh Tướng quân Washington băng qua sông Delaware
Chạm đến nội tâm: Những điều nghệ thuật truyền thống mang đến trái tim
Chúng ta thường được khích lệ thực hiện ước mơ của mình trong suốt cuộc đời. Một số muốn bắt đầu kinh doanh; một số muốn trở thành nhà toán học hoặc nhà khoa học; và những người khác muốn chơi nhạc, diễn xuất, hoặc sáng tạo. Tuy nhiên, chúng ta thường gặp khó khăn khi cố gắng đạt được mục tiêu của mình.
Gần đây, tôi đã xem lại một bức tranh mà tôi thường đến thăm khi sống ở New York: “Tướng Washington băng qua sông Delaware” của họa sĩ Emanuel Leutze. Những gì họa sĩ Leutze thể hiện khiến tôi tập trung vào tự do và lòng dũng cảm khi chúng ta mong muốn đạt được điều gì đó vĩ đại.
Một họa sĩ Leutze đầy cảm hứng
Mặc dù được coi là một họa sĩ người Mỹ, nhưng thực ra Leutze sinh ra ở Đức. Ông đã dành cả tuổi thanh xuân ở Philadelphia với cha mình cho đến năm 25 tuổi, sau đó ông trở về Đức để đăng ký vào Học Viện Nghệ Thuật Hoàng Gia ở Düsseldorf. Vào thời gian trở lại Đức, ông mới thấy trân quý lý tưởng tự do mà rất nhiều người Mỹ tôn vinh.
Trở lại Đức, những hạn chế của chính phủ đối với quyền tự do đã khiến Leutze “hình thành một lòng kính trọng to lớn đối với George Washington và tinh thần mẫu mực của người đã tuyên bố độc lập cho các thuộc địa của Anh Quốc ở Bắc Mỹ”, theo cuốn sách “Washington Băng Qua Delaware: Khôi Phục Một Kiệt Tác Mỹ,” do Bảo Tàng Nghệ Thuật Metropolitan ở New York xuất bản.
Họa sĩ trẻ Leutze quyết định rằng ông sẽ mô tả, càng chính xác càng tốt, một khung cảnh lịch sử khi tướng quân Washington băng qua sông Delaware. Đó là đêm Giáng Sinh khi Washington tấn công quân Hessians (lính Đức được quân Anh hỗ trợ). Trước thời điểm này, quân Mỹ đã bị đánh tơi tả. Tuy nhiên, đêm Giáng Sinh năm 1776 sẽ là minh chứng cho bước ngoặt của cuộc chiến.
Lấy cảm hứng từ câu chuyện này, họa sĩ Leutze đã thuê những người bạn Mỹ của mình làm người mẫu cho nhóm những người đàn ông được mô tả trong bức tranh, bao gồm Đại tá James Monroe, người đang cầm cờ và Tướng Nathanael Greene, đang nghiêng người ở mép thuyền phía trước. “Các nhân vật khác là đại diện cho những người trung thành như ngư dân địa phương và dân quân được tuyển dụng để phục vụ cho chuyến đi vượt sông đầy nguy hiểm.”
Thậm chí, họa sĩ Leutze đã mua lại các bản sao đồng phục từ Văn Phòng Sáng Chế Hoa Kỳ để có được mô tả chính xác nhất có thể. Ông cũng sử dụng bức tượng điêu khắc bán thân của Washington do Jean-Antoine Houdon chế tác làm tài liệu tham khảo cho bức tranh của mình.
Leutze đã vẽ hai phiên bản “Washington băng qua sông Delaware,” phiên bản đầu tiên bị hư hại do hỏa hoạn vào năm 1850 và bị hủy hoại trong Đệ nhị Thế chiến. Bức thứ hai hiện ở Bảo Tàng Nghệ Thuật Metropolitan ở New York.
Bảo tàng này cho biết, “Sự nổi tiếng của bức tranh, do quy mô và chủ đề mang tính biểu tượng, đã bảo đảm rằng hình ảnh được khắc sâu vào tâm trí của những người Mỹ giữa thế kỷ 19.” Và nó tiếp tục tồn tại như một “tác phẩm chính của tiêu chuẩn lịch sử nghệ thuật Hoa Kỳ, và là một trong những hình ảnh dễ nhận ra nhất đối với công chúng đến với bảo tàng.”
Tác phẩm ‘Tướng Washington băng qua sông Delaware’
Ngài Leutze đã mô tả tướng Washington là tâm điểm của bức tranh với thanh kiếm bọc vỏ được để lộ. Vị tướng can đảm đứng phía trước con thuyền đang tiến về phía trái, ông phải đối mặt với hiểm nguy trước mắt.
Ba người đàn ông ở phía trước thuyền và hai người đàn ông ở phía sau đang điều hướng chiếc thuyền qua vùng nước băng giá. Một số người khác ở phía đuôi thuyền có vẻ lo lắng, cho thấy sự nguy hiểm của sự kiện này và tương phản với sự tự tin điềm tĩnh của Washington.
Phía sau Ngài Washington là Ngài Monroe, người cầm cờ, và Ngài Greene, đang nghiêng mình qua mép thuyền. Cả hai đều chăm chú nhìn về mục tiêu của chính mình.
Có một vài chiếc thuyền ở phía xa đi cùng Washington trong vùng nước băng giá trên sông Delaware. Các màu lạnh như xanh lam, xanh lục và tím càng làm tăng thêm cảm giác lạnh lẽo.
Ngài Washington băng qua Delaware vào ban đêm. Họa sĩ Leutze đã vẽ Sao Kim, ngôi sao của bình minh, ở trên cùng phía bên trái bố cục, gợi ý rằng trời sắp sáng.
Theo Bảo tàng Metropolitan, “Ngôi sao đóng một vai trò quan trọng trong bố cục, cả trong việc thiết lập thời gian của sự kiện là trước khi trời sáng, và là biểu tượng của bình minh hy vọng trong những ngày đen tối nhất của Cách mạng Mỹ.”
Đối mặt với mọi thách thức
Ban đầu, quân Mỹ đã thua trong Chiến Tranh Cách Mạng. Quân Anh đã chứng minh rằng họ là đội quân mạnh mẽ và hiệu quả. Vì những khó khăn này, quốc gia non trẻ có thể đã phải soạn thảo lại Tuyên Ngôn Độc Lập và bỏ cuộc, nhưng quốc gia mới thành lập này thì không, và trận chiến này tiềm ẩn cả rủi ro và phần thưởng là tự do và thành công.
Tự do và thành công thật trân quý vì chúng không dễ dàng có được; nó đòi hỏi sự hy sinh và khả năng vượt qua khó khăn gian khổ với sự tự tin và lòng dũng cảm của Ngài Washington.
Đối mặt với khó khăn trước mắt; Ngài Washington đã không chạy trốn hay lo lắng về nó. Ngài đã có một mục tiêu, mục tiêu tự do, và việc hoàn thành mục tiêu dường như đã tiếp thêm dũng khí.
Điều thú vị là ở một quốc gia được thành lập dựa trên quyền tự do cá nhân, nhưng tướng Washington đã không thể hoàn thành nhiệm vụ này một mình. Ông cần sự trợ giúp của tất cả những người khác có mặt trong tranh. Tất cả họ phải bảo đảm quyền tự do cá nhân bằng cách làm việc cùng nhau.
Tất cả những người lính phải đương đầu với những nguy hiểm và vùng nước băng giá ngay trước mắt. Cả hành trình và đích đến của đêm nay đều đầy rẫy nguy hiểm, khó khăn và phức tạp. Ngay cả bóng tối bên phải bầu trời cũng cho thấy những thử thách đã trải qua của những chiến binh.
Tuy nhiên, điều quan trọng là mục tiêu cuối cùng của tự do, được thể hiện bằng hình ảnh sao mai. Không để những khó khăn ngăn cản bước tiến về phía trước, những người lính tiến về phía vì tinh tú này; những người lính tiến tới thành công và tự do.
Khi chúng ta rảo bước trên đường đời và cố gắng hoàn thành các mục tiêu của mình, bức tranh này và sự kiện mà nó mô tả có thể nhắc nhở chúng ta về dũng khí cần có để đạt được các mục tiêu hàng ngày, và thật sự trân quý tự do.
Phương Du biên tập
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times