Bức tranh ‘Triết gia giảng về Mô hình vũ trụ’ và sự cực đoan của tư tưởng Khai sáng
Nhiều người tin rằng khoa học có thể cung cấp những chân lý tuyệt đối, và vì thế nó trở thành nguồn thông tin để họ đưa ra kết luận. Thời đại Khai sáng đã giúp khoa học có được chỗ đứng vững chắc hơn tôn giáo và đức tin. Một số người trong thời đại này thậm chí coi sự tín Thần như là những niềm tin lỗi thời và có hại.
Tuy nhiên, khoa học vẫn đang phát triển, và những sự thật của khoa học trong quá khứ – mặc dù được coi là tuyệt đối – thường lại bị lật đổ bởi những bằng chứng mới. Khi khoa học tiếp tục phát triển và tiến hóa, liệu có chỗ cho những thứ tồn tại bên ngoài phạm vi của khoa học, chẳng hạn như tôn giáo và đức tin?
Những câu hỏi này khiến tôi nhớ đến đến một hoạ sĩ có kỹ thuật cao mà tôi yêu thích khi còn nhỏ, Joseph Wright of Derby. Tuy nhiên, khi trưởng thành, tôi thấy mình xa rời tư tưởng Khai sáng mà Wright ủng hộ. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn có thể xem xét liệu tác phẩm của ông ấy có mang lại cho trái tim và khối óc chúng ta sự minh triết nào không.
Họa sĩ Joseph Wright of Derb
Joseph Wright of Derby (1734–1797) là một họa sĩ người Anh vào thế kỷ 18 hứng thú với sự phát triển của triết học Khai Sáng và cuộc cách mạng công nghiệp. Theo trang web của Bảo tàng J. Paul Getty, “Wright đã sáng tác ra những bức tranh về chủ đề Khai sáng có kỹ thuật cao: các cảnh thí nghiệm, máy móc mới và các nhà lãnh đạo của cách mạng công nghiệp”.
Bảo tàng Tate ủng hộ tuyên bố của Bảo tàng Getty: “Các bức tranh của Wright về sự ra đời của khoa học từ thuật giả kim, thường dựa trên các cuộc họp của Hiệp hội những kẻ mất trí Birmingham (Lunar Society of Birmingham), một nhóm các nhà khoa học và nhà công nghiệp sống ở vùng trung du nước Anh, là một ghi chép quan trọng về cuộc đấu tranh của khoa học chống lại các giá trị tôn giáo trong thời kỳ được gọi là Thời đại Khai sáng.”
Wright, chịu ảnh hưởng của các hoạ sĩ như Rembrandt và Caravaggio, đã sử dụng tenebrism [từ gốc là tenebroso mang nghĩa huyền bí hoặc truyền cảm hứng tối tăm, u ám, rùng rợn, lo lắng] – một phương pháp nghệ thuật có độ tương phản cao, trong đó các hình thể được chiếu sáng trong môi trường tối – để thể hiện các tìm tòi khoa học của thời Cách mạng công nghiệp.
‘Triết gia giảng về Mô hình vũ trụ’
Trong tác phẩm ‘Triết gia giảng về Mô hình vũ trụ’ (Philosopher Lecturing on the Orrery), Wright đã mô tả 8 nhân vật được chiếu sáng trong một căn phòng tối. Căn phòng này là một trong những nơi nghiên cứu và học tập, được thể hiện qua mô hình vũ trụ – một mô hình cơ học của hệ mặt trời – ở trung tâm của bố cục bức tranh và giá sách được được kéo màn che ở trên cùng bên phải của bố cục bức tranh.
Tâm điểm là nhà triết học: một nhân vật to lớn với mái tóc hoa râm và áo choàng đỏ, ông cao lớn hơn những nhân vật khác khi đưa ra lời giải thích khoa học về hệ mặt trời. Tuy nhiên, nhà triết học không nhìn vào mô hình vũ trụ, mà nhìn về phía bên phải của mình, nơi một thanh niên đang ghi chép về bài giảng.
Các nhân vật khác xung quanh mô hình vũ trụ dường như đang ở trong trạng thái chiêm nghiệm sâu lắng và vô hồn. Người ngồi cách xa bên trái trông vô cảm và lạnh lùng, một trong những người ngồi bên phải nhìn nhà triết học, còn một người khác ở phía bên phải đặt tay lên đầu như thể đang tập trung sâu sắc.
Chỉ có hai nhân vật dường như không ở trong trạng thái tập trung sâu sắc: hai đứa trẻ. Ánh sáng từ mô hình vũ trụ, ánh sáng tượng trưng cho mặt trời, chiếu sáng mạnh nhất trên những đứa trẻ và chúng có biểu hiện tò mò.
Một đứa trẻ khác gần như xuất hiện dưới dạng hình tối và quay lưng về phía chúng ta. Wright đặt cô bé quay lưng lại với chúng ta và đối diện của mô hình vũ trụ từ phía nhà triết học; điều này đã làm tăng tính ba chiều của toàn bộ bố cục bức tranh. Việc tất cả các nhân vật đứng xung quanh mô hình vũ trụ khiến chúng ta “phiên dịch” không gian tối là một căn phòng có chiều sâu.
Thời đại khai sáng và chủ nghĩa lãng mạn
Để hiểu những ý nghĩa của bức tranh, điều quan trọng trước tiên là phải hiểu về Thời đại Khai sáng.
Thời đại Khai sáng tương ứng với giai đoạn tìm hiểu triết học vào thế kỷ 17 và 18. Các triết gia Khai sáng theo đuổi những chân lý tuyệt đối mà lấy khoa học, lý trí và logic làm trung tâm thay vì dựa vào đức tin.
Triết học Khai sáng đã cố gắng tạo ra những chân lý tuyệt đối và lý trí thông qua trí tuệ con người. Nói cách khác, nhà triết học Khai sáng đã tìm cách định nghĩa sự tồn tại của con người bằng sự logic của tư duy.
Theo truyền thống, triết gia là người đặt những câu hỏi để theo đuổi sự thông thái. Triết học Khai sáng cũng bắt đầu bằng việc đặt ra những câu hỏi, nhưng nó kết thúc với những định nghĩa tuyệt đối xoay quanh cách con người tư duy và trải nghiệm thế giới, tất cả dường như đều thiếu vắng niềm tin vào sự tồn tại của Thần.
Nếu bây giờ chúng ta quay lại bức tranh của Wright và xem xét nó, không phải từ quan điểm của Wright mà từ quan điểm rằng đức tin là quan trọng, thì sẽ dễ dàng thấy được các nguyên tắc đạo đức của Thời đại Khai sáng. Ví dụ, nhà triết học có vẻ quan tâm đến những ghi chép của sinh viên bên phải của mình hơn là mô hình vũ trụ trước mặt ông ấy.
Có thể cho rằng, những ghi chép này chẳng qua chỉ là những suy nghĩ của triết gia về thế giới; đây có thể là biểu tượng của tư tưởng thuần túy và lý trí, cái đã trở thành mục đích trong việc tìm tòi của triết gia Khai sáng.
Nhà triết học không còn quan tâm đến mô hình vũ trụ, cách vũ trụ vận hành – chính thứ mà đã khơi mào các câu hỏi triết học của ông – nhưng giờ đây ông bận tâm nhiều hơn đến tính chính xác của việc học sinh ghi lại các định nghĩa mà triết gia giảng.
Chúng ta có thể thấy ảnh hưởng của những định nghĩa này đối với các học sinh khác. Một số học sinh lớn tuổi xung quanh mô hình vũ trụ biểu lộ thái độ lạnh lùng hoặc lãnh đạm. Những phản ứng này sau đó đã bị các nhà triết học Lãng mạn chỉ trích.
Các nhà triết học Lãng mạn đã tranh cãi rằng triết học Khai sáng quá lạnh lùng và tính toán, và do đó có xu hướng đối xử với con người như những đồ vật thay vì là những sinh mệnh có tri giác. Trong nỗi ám ảnh về tư tưởng lý trí, triết học Khai sáng đã bỏ lại phía sau trái tim và cảm giác, hay là cảm xúc và trực giác của con người, và cả niềm tin vào sự tồn tại của Thần.
Đặt câu hỏi về vũ trụ với sự kinh ngạc
Tuy nhiên, hai đứa trẻ đại diện cho hy vọng. Chúng vẫn nhìn vào vũ trụ với sự tò mò và kinh ngạc. Sự quan tâm của chúng thể hiện rằng có một vấn đề đáng tìm hiểu – vì trẻ nhỏ có xu hướng đặt câu hỏi về mọi thứ – và điều này ẩn chứa một sự tuyệt diệu.
Sự tìm tòi khoa học và triết học duy lý tuyệt đối vẫn chưa định rõ vũ trụ là gì và do đó đã hạn chế sự kinh ngạc của đứa trẻ. Chúng không bị choáng ngợp bởi tính hợp lý tuyệt đối của bài giảng của nhà triết gia. Nếu có thể hiểu được thì chúng hiểu rất ít. Chúng thậm chí chẳng mấy quan tâm đến thứ gì trong phòng ngoài mô hình hệ mặt trời trước mặt chúng.
Liệu đây có phải là lý do tại sao mô hình vũ trụ chiếu ánh sáng mạnh nhất vào những đứa trẻ – bởi vì chúng vẫn còn tiếp xúc với những bí ẩn của vũ trụ, của cuộc sống, với sự kinh ngạc, sự tò mò và những câu hỏi chân thành?
Bất cứ điều gì cực đoan đều có thể gây ra hậu quả tồi tệ. Tôi nghĩ rằng triết học Khai sáng đã đi đến sự cực đoan của tính logic trong những khám phá khoa học, bỏ lại phía sau những vấn đề được xem là không lý trí (như cảm xúc và đức tin), và bận tâm đến những định nghĩa của nó hơn là với những bí ẩn của vũ trụ.
Điều này không có nghĩa là để cảm xúc ngự trị ở vị trí tối cao. Các nhà triết học Lãng mạn, giống như các nhà triết học Khai sáng, cũng có nguy cơ đi đến một cực đoan – đỉnh điểm của sự không lý trí. Nhưng các nhà tư tưởng Khai sáng chỉ nhìn vũ trụ qua thấu kính lập luận của con người, bất cứ điều gì khác dường như không hợp lý và đáng ngờ.
Nhưng nghi ngờ đức tin có hợp lý không? Xét cho cùng, chẳng phải khoa học dựa trên niềm tin vào tính logic và phương pháp khoa học sao? Đó không phải là vấn đề người ta đặt niềm tin vào điều gì sao? Và, chẳng phải niềm tin vào tính logic sẽ chỉ hạn định trong những gì con người đã biết?
Đối với Kierkegaard, nhà triết học sau này đặt ra khái niệm “bước nhảy của lòng tin (leap of faith)” [là hành động tin hoặc chấp nhận một điều gì đó nằm ngoài ranh giới của lý trí], niềm tin là một sức mạnh tuyệt vời giúp chúng ta tồn tại, nhưng lại bị các nhà triết học Khai sáng coi là phi lý trí. Đối với ông ấy, những sự thật khách quan và mơ hồ của khoa học không thể định nghĩa chúng ta và không bao giờ có thể biểu lộ tính chân thực của con người hoặc lòng tôn kính của chúng ta dành cho Thần.
Có thể, sự hiện diện của hai đứa trẻ này nhằm nhắc nhở chúng ta cân bằng giữa lập luận lạnh lùng, lý trí và sự tuân thủ khoa học với thực tế rằng: chúng ta là những sinh vật có niềm tin, những người thường tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống thông qua một sự hiếu kỳ ngây thơ về những bí ẩn của vũ trụ và lòng sùng kính Thần.
Eric Bess là một hoạ sĩ theo trường phái nghệ thuật đại diện.
Eric Bess
Định Trần & Văn Thanh Bùi biên dịch
Xem thêm: