Bức họa ‘Ian Usmovets ngăn chặn con bò đực nổi điên’: Sức mạnh của sự kiềm chế
Thay đổi bản thân để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, đó là điều mong muốn của rất nhiều người trong chúng ta. Biết bao lần chúng ta soi gương và tự nhủ, “Hôm nay mình phải hướng nội, tự suy xét bản thân, thực hiện thay đổi cần thiết để trở thành người tốt nhất.”
Và rất nhiều người đã cố gắng thực hiện việc này, nhưng không được bao lâu chúng ta thấy mình lại mắc phải chính những khuyết điểm cũ, nó ngăn cản chúng ta trong việc cải thiện bản thân.
Khi ngắm nhìn bức tranh “Ian Usmovets ngăn cản con bò đực nổi điên” của họa sĩ người Nga ở thế kỷ 19 là Evagraf Semenovich Sorokin, tôi nhận thấy rằng tác phẩm này đại diện cho một số khía cạnh trong việc cải thiện cá nhân.
Về bức họa “Ian Usmovets ngăn cản con bò đực nổi giận”
Nghệ sĩ Sorokin đã mô tả Ian Usmovets, anh hùng dân gian Nga – với dáng vẻ to lớn vạm vỡ đứng bên phải bố cục.
Truyện kể rằng: vào năm 992, Usmovets đã đánh bại Pechenegs, là một nhóm người bán du mục Turk từ Trung Á. Các Pechenegs tập hợp những người khỏe mạnh nhất của họ để thách đấu với người hùng của Đại công tước Vladimir.
Usmovets, đã được cha của mình giới thiệu chàng – vốn là con trai út trong gia đình – với đại công tước, Usmovets sẵn sàng tham chiến cho công tước với sự tức giận sẵn có. Sức mạnh của Usmovets được thử thách bằng việc khống chế một con bò đực hung dữ. Và cuối cùng, dưới đôi tay không của người hùng, con bò đực đã không còn nguyên vẹn, nhóm người Pechenegs cũng đã bỏ chạy trong thất bại.
Trong bức tranh, Usmovets với bàn chân đứng vững chãi trên mặt đất; phần thân trên ngả ra sau, và với vẻ mặt điềm tĩnh, chàng siết chặt con bò để khống chế sự hung dữ của nó.
Con bò đực lao về phía trước và đang bị Usmovets tóm chặt trên không. Chuyển động lùi của Usmovets tương phản với chuyển động lao lên trên không của con bò đực, tạo ra sự căng thẳng ở trung tâm bức tranh.
Trên mặt đất, giữa hai chân của Usmovets có hình ảnh một người lực lưỡng khác, dường như đã bị con bò giẫm đạp. Chiếc áo choàng màu đỏ rơi xuống và phủ lên người nạn nhân.
Những khán giả ở hậu cảnh có thể là đại công tước và nhóm Pechenegs. Một số mặc trang phục trong giới thượng lưu hoặc quân trang, điều này cho thấy đây là một sự kiện thể hiện niềm tự hào dân tộc mà người dân hữu ý tới xem.
Sức mạnh của sự kiềm chế
Chúng ta thường thúc đẩy bản thân để hoàn thành mục tiêu. Chúng ta muốn trở thành phiên bản hoàn hảo nhất, vì vậy chúng ta cố gắng đẩy mình tới giới hạn của bản thân.
Tuy nhiên với cách tiếp cận này, có thể mang lại cảm giác mệt mỏi và căng thẳng khi những nỗ lực bỏ ra chỉ đạt được chút ít kết quả, nó không như điều bản thân chúng ta mong đợi. Tương tự như người trong tranh đang nằm dưới đất, những nỗ lực cuối cùng trở nên vô ích; chúng ta bị chà đạp bởi chính những điều cản trở sự tiến bộ của chúng ta.
Vậy điều gì cản trở việc hoàn thiện bản thân? Những ham muốn bốc đồng – những ham muốn này đã kiểm soát chính chúng ta thay vì chúng ta kiểm soát nó. Đối với tôi, con bò đực kia đại diện cho những ham muốn bốc đồng của chúng ta.
Ví dụ như, đã bao nhiêu lần chúng ta quyết định sẽ thực hiện một lối sống lành mạnh hơn? Thời điểm ban đầu chúng ta có thể rất nỗ lực trong việc thực hiện, nhưng thôi thúc muốn ăn đồ ăn vặt và ham muốn ăn uống trỗi dậy, nó đã ngăn cản việc đạt mục tiêu mà chúng ta đã đặt ra.
Điều gì sẽ xảy ra nếu thay vì đẩy bản thân tới giới hạn chịu đựng thì trước tiên chúng ta nên kéo những bốc đồng của mình lại, tức là kiềm chế bản thân mình? Usmovets là hình ảnh đại diện cho việc kiềm chế này. Bàn chân của chàng đứng vững trên mặt đất, nó thể hiện sự quyết tâm từ bên trong; chàng đang khống chế con bò bằng cả cơ thể, sức mạnh của chàng thật vô cùng mạnh mẽ.
Toàn bộ con người của Usmovets rất chú tâm kiềm chế con bò, khuôn mặt chàng rất điềm tĩnh, điều này thể hiện tâm trí của chàng rất thanh tĩnh bất chấp con bò tót đang hung hãn tức giận trước mặt. Hoàn toàn không bị ảnh hưởng tâm lý bởi cuộc đấu căng thẳng giữa chàng và con bò, sự bình tĩnh của Usmovets khiến cho chàng càng dũng mãnh hơn.
Điều này không có nghĩa là sự nỗ lực để hoàn thành mục tiêu luôn là vô ích mà còn để hỏi rằng sự kiềm chế với tâm thái bình tĩnh có tác dụng gì trong việc chúng ta trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Phải chăng để tiến gần hơn với phiên bản tốt nhất của mình, chúng ta cần phải kiềm chế những bốc đồng và sở hữu một tâm thái bình tĩnh? Sự bĩnh tĩnh khi kiềm chế giúp cho chúng ta một sức mạnh, mà nếu không có nó thì sẽ là điều khuyết thiếu cốt yếu không?
Và sự kiềm chế một cách bình tĩnh này không chỉ rất tốt cho cuộc sống của chính chúng ta mà còn có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của những người khác? Phải chăng việc tiếp cận các tình huống một cách bình tĩnh và có sự kiềm chế thì ta sẽ có những góc nhìn nhận và đánh giá người khác tốt hơn? Cũng giống như khán giả trong bức tranh, liệu những người xung quanh ta có thấy tự hào về những điều thay đổi tích cực này không?
Các tác phẩm nghệ thuật truyền thống thường chứa đựng những đại diện tâm linh và có nhiều ý nghĩa biểu tượng mà chúng có thể bị thất lạc trong tư tưởng hiện đại của chúng ta. Trong loạt bài “Chạm đến nội tâm: Những điều nghệ thuật truyền thống mang lại cho trái tim” chúng tôi diễn giải nghệ thuật thị giác theo những cách sâu xa hơn về mặt đạo đức. Chúng tôi không giả định đưa ra câu trả lời tuyệt đối cho những câu hỏi mà các thế hệ đã phải trăn trở, nhưng hy vọng rằng những câu hỏi của chúng tôi sẽ truyền cảm hứng cho một hành trình phản chiếu hướng tới việc trở thành con người chân chính, nhân ái và can đảm hơn.
Eric Bess là một nghệ sĩ. Ông hiện đang học Tiến sĩ tại Viện nghiên cứu Tiến sĩ về Nghệ thuật Thị giác (IDSVA).
Eric Bess
Tiên Tiên biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: