Brazil đang trở thành một quốc gia độc tài xã hội chủ nghĩa
Giờ đây, hành động biểu tình ôn hòa phản đối một cuộc bầu cử gây tranh cãi lại trở thành một tội hình sự nghiêm trọng ở Brazil, với các bản án lên tới 15 năm tù hoặc hơn. Ít nhất 1,200 người đã bị giam giữ trong quá trình giải tán khu trại của người biểu tình ở Brasilia, Brazil, vào ngày 09/01.
Họ đã bị buộc tội với “tội danh” cắm trại trước trụ sở quân đội, [khi] tin rằng họ được bảo vệ bởi quân đội, và biểu lộ bản thân vì tự do và dân chủ. Và chưa hết, hàng trăm cảnh sát trong trang phục chống bạo động còn một số thì cưỡi ngựa đã tập trung tại khu cắm trại này trong khi các binh lính quân đội trong khu vực thì rút lui.
Kể từ ngày 30/10 năm ngoái, hàng ngàn người Brazil đã cắm trại bên ngoài trụ sở quân đội ở Brasilia, yêu cầu hủy bỏ cuộc bầu cử tổng thống mà ứng cử viên cực tả Luiz Inacio Lula da Silva đã vượt qua ông Jair Bolsonaro với cách biệt sít sao.
Những người biểu tình đã bị giam giữ và đưa đi bằng xe buýt đến trụ sở cảnh sát theo sau các chỉ thị đề nghị dỡ bỏ khu trại này. Tất cả được thực hiện mà không có cuộc điều tra thích hợp nào, cũng không có sự chỉ định rõ về hành vi.
“Chúng tôi đã nhận được thông tin rằng họ đang thiếu nước uống và thực phẩm … Trong số những người bị giam giữ có những người biểu tình hành động ôn hòa. Trong mọi trường hợp, mọi người đều cần những điều kiện căn bản,” Dân biểu Carla Zambelli (Đảng Tự Do-São Paulo) cho biết.
Đáp lại, Bộ trưởng Nhân quyền Silvio Almeida, đã đưa ra một thông báo chính thức tuyên bố rằng những người biểu tình đó không xứng đáng nhận được bất kỳ quyền con người nào từ Nhà nước.
Các quan điểm chính trị bất đồng đang nhanh chóng bị dập tắt
Hôm 11/01, Hội đồng Tư pháp Quốc gia thông báo rằng hơn 1,400 tù nhân chính trị sẽ bị đưa đến nhà tù nơi họ sẽ bị buộc tội là những kẻ khủng bố.
Khi những người biểu tình này bị đưa vào tù, họ đã trải qua một quá trình sàng lọc. Những người bất đồng chính kiến này không được phát chăn gối vì “những lý do an ninh”, tránh khả năng những đồ vật này bị sử dụng cho “các hành động bạo lực”.
Những tù nhân chính trị này đã bị cưỡng bức chích nhiều loại vaccine khác nhau, một trong số đó là vaccine COVID-19. Hành động này rõ ràng đã vi phạm Bộ luật Nuremberg.
Các tù nhân thông thường trong chế độ bán tự do (ban ngày ra ngoài làm việc, ban đêm phải về lại tù) đã được phóng thích để các nhà tù quá đông đúc có chỗ chứa các tù nhân chính trị này.
Hôm 13/01, Thẩm phán Alexandre de Moraes của Tối cao Pháp viện Brazil đã ban hành các lệnh tư pháp xóa bỏ tài khoản mạng xã hội của nhiều chính trị gia và những người có ảnh hưởng xã hội. Họ đã bị trừng phạt bằng cách chặn các tài khoản Twitter, Instagram, Facebook, và TikTok của họ.
Trên Twitter, ông Gleen Greenwald, một ký giả người Mỹ hoạt động tại Brazil từ năm 2005, đã đặt câu hỏi về những lần đình chỉ mạng xã hội gần đây này, cho rằng những biện pháp tư pháp này là “vô đạo đức”. Theo ông, “chế độ kiểm duyệt ở Brazil đang phát triển nhanh chóng, hiện nay hầu như là hàng ngày.”
Ông Greenwald cũng giải thích rằng ông sợ đưa tin về chế độ kiểm duyệt đang áp dụng ở Brazil vì sợ bị trả thù, dành hàng giờ thảo luận với các luật sư và tham khảo luật pháp Brazil để bảo đảm ông có thể đưa tin mà không trở thành mục tiêu sách nhiễu của pháp luật.
Gốc rễ xã hội chủ nghĩa của ông Lula da Silva
Có lẽ điều quan trọng là phải tiết lộ lai lịch đáng lo ngại của vị đương kim tổng thống Brazil. Tháng 09/2009, ông Lula đã ví cuộc đàn áp tàn bạo đối với những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Iran với một cuộc ẩu đả giữa những người hâm mộ của các câu lạc bộ bóng đá kỳ phùng địch thủ.
Theo như United Press International đưa tin, thì ông Lula thậm chí còn đặt câu hỏi về quyền dân chủ của người Iran để phản đối những cuộc bầu cử rõ ràng là gian lận đó, ông cho biết: “Ở Brazil, chúng tôi cũng có những người không chấp nhận những thất bại trong bầu cử.”
Năm 2002, tờ Le Monde của Pháp đã đăng một câu chuyện nói rằng ông Lula “tin tưởng mạnh mẽ rằng mọi cuộc bầu cử đều là một trò hề và chẳng qua chỉ là một biện pháp để lên nắm quyền.”
Vị Tổng thống này là thành viên sáng lập của Forum de São Paulo (FSP), một tổ chức xã hội chủ nghĩa quốc tế cực đoan.
Người kế nhiệm ông Lula làm chủ tịch FSP là cố vấn ngoại giao đương thời Marco Aurélio Garcia của ông. Năm 2002, trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo La Nación của Argentina, ông Garcia tuyên bố rằng một khi lên nắm quyền, ông Lula sẽ không quan tâm đến việc bảo vệ nền dân chủ.
Ông nói với tờ Le Monde: “Ban đầu, chúng tôi phải trước tiên tạo ấn tượng rằng chúng tôi là những người dân chủ; chúng tôi phải chấp nhận một số điều. Nhưng việc đó sẽ không kéo dài.”
Ông Lula cũng tự nhận là một người ngưỡng mộ cố lãnh tụ Fidel Castro — nhà độc tài cộng sản của Cuba. Tháng 04/2003, chính phủ của ông đã bỏ phiếu trắng tại Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc không lên án vụ ám sát những người bất đồng chính kiến ở Cuba.
Thay mặt cho chính phủ của ông Lula, đại sứ Brazil đương thời tại Cuba đã gọi những người bất đồng chính kiến đó là “những kẻ phản quốc” đang “làm mất ổn định” chế độ cộng sản đó.
Kỳ lạ là, cách đây vài thập niên, khi được tạp chí Playboy hỏi về những nhà lãnh đạo nào mà ông ấy ngưỡng mộ nhất, thì ông Lula đã dẫn ra những nhân vật như Che Guevara, Fidel Castro, Mao Trạch Đông, và Adolf Hitler.
Ông Lula nói rằng có một điểm mà ông thực sự ngưỡng mộ nhà độc tài người Đức, đó là: “Dũng cảm đề xướng làm một điều gì đó và cố gắng thực hiện.”
Tuy nhiên, ít ai từng có thể tưởng tượng rằng chúng ta sẽ chứng kiến việc thành lập trại tập trung lần đầu tiên trong lịch sử Brazil; vì những cảnh tượng được quan sát gần đây ở Brazil gợi nhớ một cách rõ ràng đến nước Đức từ những năm 1930.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times