Bốn ‘con khỉ’ vật chất – Rào cản của chủ nghĩa tối giản
Hãy tưởng tượng có một viên thuốc. Nó giúp bạn giảm bớt nợ nần, khiến bạn cảm thấy viên mãn hơn, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng sạch sẽ cho bạn và còn giúp bạn làm những công việc lớn lao như giải cứu hành tinh. Công dụng phụ có thể làm bạn vui cười nhiều hơn.
Nếu như viên thuốc này có thật trên đời thì mọi người sẽ uống nó, phải không? Mọi người sẵn sàng trả rất nhiều tiền để có được nó. Trên TV sẽ chỉ tập trung quảng cáo cho viên thuốc. Tất cả các công ty dược phẩm lớn sẽ tìm mọi cách để đăng ký bằng sáng chế viên thuốc ấy.
Bây giờ hãy tưởng tượng viên thuốc được miễn phí. (Bạn có tin không?)
Chủ nghĩa tối giản không phải là một viên thuốc, nó là một liệu pháp kỳ diệu. Và nó được miễn phí. Chủ nghĩa tối giản có thể có ý nghĩa khác nhau đối với những người khác nhau. Cá nhân tôi định nghĩa đó là: chỉ dùng những thứ mà bạn đã cẩn thận lựa chọn, để giúp bạn sinh hoạt với mục đích duy nhất.
Vậy tại sao cả thế giới vẫn chưa nuốt viên thuốc? Tại sao phong trào tối giản – dần phổ biến và đang phát triển – lại không được thực hiện ngay lập tức trên toàn thế giới?
Có lẽ có cái gì đó đang ngăn cản chúng ta uống viên thuốc thần diệu ấy. Trên thực tế – theo những gì tôi thấy- chính là: có bốn con khỉ đang nhảy nhót, lôi kéo sự chú ý của chúng ta, và đập vụn viên thuốc đó, hủy đi. Điều này được ghi lại trong cuốn sách Tiêu dùng tối giản (A Life Less Throwaway) của tôi.
Hãy để tôi giới thiệu với bạn về bốn con khỉ của chủ nghĩa vật chất và những gì chúng ta có thể làm để đánh bại chúng
Con khỉ thứ nhất tên là Quảng cáo
Hàng trăm lần một ngày, con khỉ thứ nhất khẳng định rằng mua thứ này thứ kia sẽ khiến chúng ta hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn, xinh đẹp hơn và thoải mái hơn. Chúng ta cố gắng phớt lờ và giữ cho những lời nói của con khỉ không ghi sâu trong đầu, nhưng mức độ ảnh hưởng của nó thật vô cùng bất ngờ. Bởi vì nếu không có hiệu quả, các nhà quảng cáo đã không chi tiền để tạo quảng cáo.
Con khỉ quảng cáo rất thông minh, trong khi lý trí của chúng ta có thể đang suy nghĩ về những việc khác thì nó nói trực tiếp với phần vô thức của chúng ta, mà những phần này tạo ra sự thôi thúc tiềm ẩn sâu xa và ham muốn mua sắm trỗi dậy.
Chúng ta phải loại bỏ tiếng con khỉ quảng cáo, nếu có thể, và dạy con cái của chúng ta không nghe nó trên TV và internet, hãy tắt tiếng của nó đi. Ở những nơi không thể tránh khỏi quảng cáo, như trên đường phố, chúng ta có thể bẻ gãy sức mạnh của nó bằng cách giao tiếp trực tiếp với nó. Hãy nhìn thẳng vào mắt con khỉ và nói, “Tôi đang rất ổn theo cách của tôi, cảm ơn nhé.”
Giao tiếp với con khỉ quảng cáo một cách có tỉnh táo và tự tin là cách duy nhất khiến nó im lặng.
Con khỉ thứ hai tên là Xu hướng
Con khỉ thứ hai trêu chọc đôi giày của bạn! Nó đang nói: “Bạn không thể đi lại đôi giày này lần nữa, mọi người đã nhìn thấy nó nhiều lần trước đây. Ngoài ra, nó đã lỗi mốt rồi.”
Con khỉ Xu hướng cũng miêu tả về chiếc ghế dài ở nhà bạn là “hơi giống những năm 90”, nó như thôi miên, làm cho bạn nghĩ rằng những thứ bạn đã từng yêu thích, theo cách nào đó không còn đẹp và đã lỗi thời.
Để làm cho con khỉ này im lặng, hãy dành thời gian tìm hiểu sâu hơn để định hình phong cách cá nhân của bạn. Dành một vài giờ để cân nhắc xem màu sắc nào phù hợp với cơ thể bạn, đồng thời nó cũng giúp bạn cảm thấy thoải mái và có hứng khởi trong từng môi trường cụ thể. Hãy dành một ngày cuối tuần để tạo ra phong cách và hình ảnh cá nhân khiến bạn cảm thấy hạnh phúc nhất.
Khi bạn xây dựng một cách có ý thức về gu thẩm mỹ của riêng mình, bạn có thể loại bỏ những mốt nhất thời và nói với con khỉ xu hướng rằng bạn sẽ không quan tâm nếu “chấm bi lên ngôi” hay “kẻ sọc lỗi thời”, bạn đã biết rõ mình nên làm gì để có sức hấp dẫn cá nhân.
Con khỉ thứ ba tên là Địa vị
Con khỉ Địa vị (còn gọi là Danh lợi), nó và Xu hướng là hai anh em sinh đôi xấu xa. Địa vị tồn tại trong đầu bạn và liên tục chỉ cho bạn thấy những thứ mà người khác sở hữu và liệu rằng họ “hơn” hay “kém” so với bạn.
Loài khỉ Địa vị bị ám ảnh bởi việc ở trên đỉnh cao, vì trong thời cổ đại, một người có địa vị thấp có thể bị đuổi ra khỏi bộ lạc và chết đói. Đây là một con khỉ hoang tưởng, rối loạn nhân cách! Vậy nên, nó đang lên giọng chì chiết vào tai bạn:“ Ngôi nhà chúng ta đang ở tồi tàn nhất trong khu phố, chiếc xe hơi thì cà tàng. Cô gái kia có chiếc nhẫn đính hôn mới đắt tiền làm sao. Mọi người đều sắm balo mới cho con họ mỗi năm.”
Con khỉ Địa vị luôn được con khỉ Quảng cáo hậu thuẫn, song hành. Sự kiêu kỳ của người mẫu trong chương trình quảng cáo hoặc trên sàn catwalk bởi vì, dù hữu ý hay vô ý, họ vẫn đang kích hoạt con khỉ này trong đầu bạn. Nó chỉ vào người mẫu trên quảng cáo và nói: “Hãy xem cách cô ấy nhìn bạn kìa! Điều đó có nghĩa là bạn đang không bằng cô ấy! Nếu bạn mua chiếc túi hàng hiệu kia, nó có thể nâng tầm giá trị và bạn sẽ cảm thấy ‘sang chảnh’, “ đẳng cấp”hơn.
Trẻ em có thể phải chịu đựng một cách tàn khốc dưới sự độc tài của con khỉ địa vị. “Đứa nào cũng đều có một cái!” là một câu mè nheo quen thuộc.
Thay cho việc đánh giá từ những gì bạn sở hữu, bạn nên thực hiện việc nâng cao giá trị bản thân từ những điều bạn làm và phẩm chất con người bạn, đó là cách duy nhất để khiến con khỉ địa vị im lặng.
Với bọn trẻ, hãy hỏi vì sao chúng kết bạn với nhau. Chắc chắn không phải vì những món đồ chơi mới nhất mà là vì chúng vui nhộn, tốt bụng – những bản chất bên trong của con người. Đảm bảo với con bạn rằng đó chính là thứ mà những đứa trẻ khác cũng quan tâm. Tất nhiên, đây cũng là cơ hội để bạn tự nhắc nhở chính bản thân mình.
Điều này cũng được chứng minh rằng cho dù bạn giàu hay nghèo, cảm giác của bạn về tình trạng (địa vị) của mình có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và liên quan đến tuổi thọ của bạn. Vì vậy, xin đừng để con khỉ địa vị lừa bạn, đừng nghĩ rằng những người sở hữu nhiều thứ hoặc có đồ đắt tiền hơn thì sẽ có địa vị cao hơn. Bạn chính là người đặt địa vị cho bản thân mình.
Hãy xoa dịu con khỉ địa vị bằng cách nói với nó rằng bạn đánh giá cao việc nó quan tâm đến sự tồn tại của bạn, nhưng nó không cần phải lo lắng vì bạn là chủ, là chúa tể của khu rừng, nơi nó luôn tồn tại.
Con khỉ thứ tư tên là Bám chấp
Nhiều người trong chúng ta muốn tiết kiệm và bỏ đi những thứ dư thừa vốn không làm chúng ta vui vẻ. Tuy nhiên, con khỉ bám chấp quyến luyến ôm giữ tất cả tài sản của bạn, bất kể điều gì, và lôi kéo bạn với ánh mắt thân thiết, níu kéo.
“Sao bạn lại loại bỏ nó đi? Nó là của bạn mà. Bạn đã phải bỏ tiền để mua, nó đáng giá! Nếu bạn lại cần thì sao? Nó là những kỷ niệm của bạn. Có thể bạn sẽ dùng nó vào một ngày nào đấy! ”
Con khỉ này cần hiểu rằng những đồ vật không được sử dụng hoặc không được đánh giá cao thì không phải là đồ vật. Trên thực tế, chúng đang rút cạn mọi thứ, là những vật thể tiêu cực. Chúng chỉ là sự lộn xộn, là vật liệu lãng phí và lãng phí thời gian. Việc bạn sở hữu chúng không phải là lý do để lưu giữ chúng.
Làm thế nào chúng ta có thể đánh bại con khỉ này?
Chà, nếu con khỉ nói rằng bạn có thể sử dụng đồ vật một ngày nào đó, hãy chọn một giới hạn thời gian cụ thể. Viết ngày tháng và dán lên đồ vật. Hãy thỏa thuận với con khỉ rằng đây là ngày hết hạn của đồ vật ấy, đến ngày đó nếu bạn chưa sử dụng lại hoặc không còn thấy giá trị của nó thì nó sẽ phải ra đi.
Hãy thử bán nó để lấy lại chút tiền nếu như sự lãng phí tiền bạc khiến con khỉ khó chịu. Nhưng hãy nhớ rằng, thà rằng mất một ít tiền, và cũng hay ho gì nếu số tiền lãng phí đang nằm một chỗ khiến cho bạn cảm thấy tội lỗi. Chẳng ai muốn chi tiền cho một thứ khiến họ cảm thấy khó chịu mỗi khi nhìn thấy nó?
Khi nói đến kỷ vật, thay vì ôm giữ tất cả, hãy thỏa mãn con khỉ bằng cách chọn một hoặc hai vật phẩm đặc biệt có thể đại diện cho tất cả các vật phẩm bạn không sử dụng hoặc cần lưu giữ.
Bốn con khỉ này đều khẳng định chúng vô cùng quan tâm đến bạn, nhưng đồng thời, chúng tìm mọi cách ngăn cản chúng ta, không cho chúng ta làm những gì thực sự sẽ khiến ta hạnh phúc hơn, nó cản trở chúng ta giảm chi tiêu, ít mắc nợ hơn và kết nối nhiều hơn với những gì thực sự là quan trọng.
Vây nên với bất kỳ con khỉ nào chúng ta hãy đều đối xử: tử tế nhưng kiên quyết, và nói với chúng: “Cảm ơn rất nhiều vì lời khuyên, nhưng thực ra bạn không biết điều gì là tốt nhất cho tôi. Bạn là một con khỉ. “
Sau đó uống viên thuốc.
Tara Button là người sáng lập trang web Mua cho tôi một lần( Buy Me Once), “chén thánh dành cho những người muốn ưu tiên chất lượng hơn số lượng”, theo Guardian. Cô cũng là tác giả của cuốn sách Tiêu dùng tối giản (A Life Less Throwaway) và Nghệ thuật đã mất mua hàng cho cuộc sống (The Lost Art of Buy for Life), hiện đã ra mắt.
Bài báo này đã được xuất bản trên Becoming Minimalist.
Tara Button
Ngân Hà biên dịch
Xem thêm: