Bộ Tứ sẽ cạnh tranh với chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Các quốc gia trong liên minh Bộ Tứ—Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản—đang chống lại chính sách ngoại giao vaccine của Trung Cộng.
Tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa các nguyên thủ của Đối thoại An ninh Tứ giác diễn ra hôm 12/03, các quốc gia đã tuyên bố hợp tác để chấm dứt đại dịch, mở rộng sản xuất vaccine với các cơ sở ở Ấn Độ, và cung cấp hỗ trợ về việc chích ngừa và các cơ chế đa phương hiện thời cho các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn.
“Cùng nhau, các nhà lãnh đạo của Bộ Tứ đang thực hiện hành động chung cần thiết để mở rộng việc sản xuất loại vaccine COVID-19 an toàn và hiệu quả vào năm 2021 và sẽ làm việc cùng nhau để tăng cường và hỗ trợ các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về việc chích ngừa, phối hợp chặt chẽ với các cơ chế đa phương liên quan hiện có, gồm cả WHO và COVAX,” Tòa Bạch Ốc cho biết trong một tờ thông tin được công bố sau hội nghị thượng đỉnh.
Các chuyên gia cho rằng nghị trình lớn hơn của diễn đàn chiến lược không chính thức này—nhằm xây dựng một liên minh các nền dân chủ chống lại các chính phủ độc tài—đang thể hiện trong liên kết đối tác về vaccine, và Ấn Độ đã trở thành một giải pháp thay thế ổn định và khả thi cho chuỗi cung ứng vaccine của Trung Quốc.
Ông Joe Chalil, nhà điều hành chăm sóc sức khỏe và là tác giả của cuốn sách “Vượt qua Đại dịch COVID-19: Hình dung một Thế giới Tốt đẹp hơn bằng cách Thay đổi Tương lai của ngành Chăm sóc sức khỏe,” nói với The Epoch Times rằng, “Họ cam kết mở rộng và đẩy nhanh việc sản xuất các loại vaccine an toàn, dễ tiếp cận và hiệu quả tại Ấn Độ và hợp tác ở từng giai đoạn để bảo đảm rằng vaccine được phân phối trên toàn khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào năm 2022.”
Sự hợp tác bao gồm cả Úc, nước đang hỗ trợ cung cấp vaccine cho các cộng đồng khó tiếp cận ở Đông Nam Á, với khoản đóng góp 77 triệu USD. Úc đã cam kết 407 triệu USD dành cho việc cung cấp vaccine và an ninh để bảo đảm việc chích ngừa đầy đủ cho 9 đảo quốc ở Thái Bình Dương và Đông Timor.
Tòa Bạch Ốc cho biết, “Nhật Bản sẽ hỗ trợ các chương trình chích ngừa của các nước đang phát triển như mua vaccine và hỗ trợ dây chuyền lạnh, bao gồm thông qua việc cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 41 triệu USD và các khoản vay ưu đãi mới bằng đồng Yên Nhật, bảo đảm việc phù hợp với và sự hỗ trợ của COVAX.”
Theo tuyên bố này, các chương trình vaccine hiện tại sẽ được Hoa Kỳ tận dụng. Đối tác Bộ Tứ sẽ cung cấp 100 triệu USD cho các nỗ lực khu vực tập trung vào việc chủng ngừa.
Ông Chalil cho biết, “Họ quyết định kết hợp sự khéo léo khoa học, tài trợ tài chính, năng lực sản xuất lớn, và lịch sử lâu dài của liên kết đối tác y tế toàn cầu để tăng cường cung cấp vaccine cứu người trong sự hợp tác chặt chẽ với các tổ chức đa phương, bao gồm cả WHO và Cơ sở Covax.”
Tổng thống Joe Biden, khi trả lời một câu hỏi về “cuộc gặp gỡ của các nền dân chủ” trong cuộc họp báo chính thức đầu tiên của ông hôm 25/03, đã nhấn mạnh sự cần thiết phải chống lại các chế độ chuyên quyền.
Ông nói, “Rõ ràng, hoàn toàn rõ ràng … rằng đây là một cuộc chiến giữa lợi ích của các nền dân chủ trong thế kỷ 21 và các chế độ chuyên chế.”
Ông Chalil cho biết các bình luận này là cực kỳ thẳng thắn khi ông Biden chỉ ra một “trận chiến” giữa các chế độ dân chủ và chuyên chế và mối liên kết đối tác về vaccine phải được xem xét trong bối cảnh này.
Ông nói, “Chính phủ của ông ấy nhận thấy Hoa Kỳ và các quốc gia dân chủ khác bị bế tắc trong một cuộc cạnh tranh ý thức hệ với Trung Quốc, Nga, và các quốc gia độc tài khác để giành ảnh hưởng toàn cầu.”
Ông Michael Kugelman, phó giám đốc chương trình Á Châu tại Trung tâm Wilson có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, nói với The Epoch Times rằng mục tiêu của liên kết đối tác vaccine của Bộ Tứ là chống lại chính sách ngoại giao vaccine của Trung Cộng.
“Rõ ràng là Bộ Tứ muốn dựa vào các tuyến tiếp vận có sẵn này thông qua mạng lưới của Úc và Nhật Bản và cả Ấn Độ để chống lại các tuyến tiếp vận của Trung Cộng. Ý tưởng để bốn quốc gia cùng hợp tác phát triển, sản xuất và phân phối vaccine trong khu vực này, là điều cần thiết để chống lại những gì Trung Cộng đã và đang làm với chính sách ngoại giao vaccine trong khu vực,” ông Kugelman nói.
Quyền lực mềm
Ông Jeff M. Smith, viện sĩ chuyên nghiên cứu về Nam Á tại Quỹ Di sản, nói với The Epoch Times trong một email rằng liên kết đối tác vaccine cho phép Bộ Tứ thực thi một số quyền lực mềm trong thời gian khủng hoảng.
Ông Smith nói, “Nhóm Bộ Tứ có khởi điểm là những người ứng cứu đầu tiên và cung cấp các dịch vụ viện trợ nhân đạo/cứu trợ thảm họa ngay sau trận sóng thần năm 2004 ở Ấn Độ Dương. Phối hợp phân phối vaccine là một cách tương tự để Bộ Tứ tận dụng khả năng của mình để cung cấp hàng hóa công toàn cầu trong khi chứng minh rằng họ có khả năng thực hiện nhiều hơn các cuộc thảo luận tập trung vào an ninh và các cuộc tập trận quân sự.”
Ông cho biết thêm rằng đây cũng sẽ là cơ hội tốt để bốn quốc gia “có được kinh nghiệm hợp tác về chức năng trong một vấn đề mà mỗi quốc gia trong số bốn quốc gia có thể tận dụng thế mạnh của mình để phục vụ một mục tiêu lớn hơn.”
Các nhà lãnh đạo của Bộ Tứ này cũng quyết định thành lập Nhóm Chuyên gia cao cấp về Vaccine của Bộ Tứ, bao gồm các quan chức và các nhà khoa học hàng đầu từ bốn nền dân chủ. Tòa Bạch Ốc tuyên bố trong tờ thông tin rằng nhóm này sẽ làm việc để thiết kế một nỗ lực thực hiện, xác định các rào cản, làm việc để mở rộng các nguồn cung tài chính và các cơ sở sản xuất để phân phối rộng rãi hơn các loại vaccine, điều phối việc phân phối đến các cộng đồng khó tiếp cận, và đưa ra các khuyến nghị trước khi kết thúc năm.
Các nhà lãnh đạo quyết định rằng Nhóm Chuyên gia Vaccine của Bộ Tứ cũng sẽ “tăng cường và hỗ trợ công việc cứu người của các tổ chức quốc tế, bao gồm WHO, COVAX, Gavi, CEPI, UNICEF, G-7, ASEAN, và các chính phủ, đồng thời kêu gọi các quốc gia khác cũng làm như vậy.”
Ông Chalil cho biết quyết định thành lập một nhóm chuyên gia là khởi đầu cho lời kêu gọi tất cả các nền dân chủ nỗ lực phối hợp loại trừ Trung Quốc và Nga.
“Liệu Bộ Tứ sẽ chuyển từ một liên minh sản xuất trong đại dịch thành một NATO mới của tương lai? Thời gian sẽ trả lời,” ông nói.
Ông Kugelman nói rằng liên kết đối tác vaccine là một cách tốt để tận dụng “mối đe dọa hiện thời, đại dịch” và Trung Quốc không có khả năng chống lại sáng kiến này. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng Trung Quốc, quốc gia có khả năng phát triển, sản xuất, tài chính, và phân phối vaccine, sẽ luôn tìm được thị trường.
Ông cho biết, “Tôi nghĩ điều quan trọng cần chỉ rõ ở đây là mặc dù có thể có sự đồng thuận ngày càng tăng trên toàn thế giới, nhưng các quốc gia sẽ không cắt đứt mối liên kết thương mại với Bắc Kinh bởi vì [Trung Quốc là] một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới.”
Sản xuất ở Ấn Độ
Các đối tác của Bộ Tứ đang hợp tác để đạt được mục tiêu mở rộng sản xuất vaccine tại các cơ sở của Ấn Độ, theo sự chấp thuận của Cơ quan Quản lý dược Nghiêm ngặt (SRA). SRA, ban đầu do Ban Thư ký WHO và Quỹ Phòng chống AIDS Toàn cầu tạo lập, được cộng đồng quản lý và đấu thầu quốc tế sử dụng rộng rãi.
“Các đối tác của Bộ Tứ sẽ đáp ứng các nhu cầu về tài chính và hậu cần cho việc sản xuất, cung ứng, và phân phối các loại vaccine an toàn và hiệu quả,” Tòa Bạch Ốc cho biết trong tờ thông tin.
“Các đối tác của Bộ Tứ sẽ làm việc để sử dụng các công cụ và kiến thức chuyên môn chung của chúng tôi, thông qua các cơ chế tại các tổ chức bao gồm Tập đoàn Tài chính Phát triển Hoa Kỳ (DFC), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), và, để thích hợp, thì cả Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC), cũng như các tổ chức khác.”
Hoa Kỳ đã quyết định hợp tác với Biological E Ltd., một công ty dược phẩm sinh học tư nhân có trụ sở tại Ấn Độ, để hỗ trợ mục tiêu sản xuất 1 tỷ liều vaccine COVID-19 vào cuối năm 2022.
Tờ thông tin của Tòa Bạch Ốc nêu rõ, “Nhật Bản, thông qua JICA, đang đàm phán để cung cấp các khoản vay ưu đãi bằng đồng Yên Nhật cho Chính phủ Ấn Độ nhằm mở rộng việc sản xuất vaccine COVID-19 để xuất cảng, với ưu tiên việc sản xuất vaccine đã nhận được sự chấp thuận của Danh sách Sử dụng Khẩn cấp của WHO (EUL) hoặc Các Cơ quan Quản lý dược Nghiêm ngặt.”
Ông Chalil nói, “Đây là một bước đi thông minh của Hoa Kỳ và các đồng minh trong Bộ Tứ. Họ coi Ấn Độ là một giải pháp thay thế khả thi và ổn định cho Trung Quốc trong việc sản xuất vaccine.”
Ông cho biết thêm rằng chính phủ Ấn Độ đã cung cấp các liều vaccine miễn phí hoặc những liều vaccine với chi phí rất thấp cho 75 quốc gia trên thế giới.
“Ấn Độ đang tận dụng khả năng sản xuất của họ để đưa ra sáng kiến nhằm củng cố hình ảnh toàn cầu của mình với tư cách là ‘hiệu thuốc của thế giới,’” ông nói.
Viện Huyết thanh của Ấn Độ, nhà máy sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, hiện sản xuất 2.5 triệu liều vaccine AstraZeneca/Oxford mỗi ngày, sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khởi động sáng kiến nhân đạo “Vaccine Maitri” (tiếng Hindi có nghĩa là “vaccine hữu nghị”) hồi tháng 01/2021.
“Tổng thống Biden đã thông báo vào hồi tháng 02/2021 rằng Hoa Kỳ dự định cung cấp 4 tỷ USD cho Liên minh Vaccine Gavi, hỗ trợ việc chủng ngừa của các nước đang phát triển mà sử dụng sáng kiến COVAX do Viện Huyết thanh của Ấn Độ sản xuất,” ông Chalil nói.
Do Venus Upadhayaya thực hiện
Nguyễn Lê biên dịch
Xem thêm: