Bộ trưởng Thương mại Raimondo: Hoa Kỳ ‘sẽ không bao giờ tìm cách tách rời’ khỏi Trung Quốc
Hôm thứ Ba, (29/08), Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo nói với các quan chức cao cấp Trung Quốc rằng Hoa Kỳ sẽ không thỏa hiệp về an ninh quốc gia nhưng không tìm cách tách rời khỏi Bắc Kinh.
Bà Raimondo đang ở ngày thứ hai của cuộc đàm phán tại Trung Quốc trong khuôn khổ nỗ lực của chính phủ Tổng thống Biden nhằm mở lại các tuyến liên lạc với chính quyền cộng sản này. Mối quan hệ song phương giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn đã xấu đi trong năm nay do hàng loạt các vấn đề, từ thương mại, thuế quan, và Đài Loan cho đến cáo buộc gián điệp. Các sự việc gần đây nhất bao gồm việc các tin tặc có liên kết với Trung Quốc xâm nhập thư điện tử của chính phủ Hoa Kỳ.
Bà Raimondo, quan chức cao cấp thứ tư của Mỹ tới Trung Quốc trong vòng 10 tuần trở lại đây, đã gặp một vài quan chức cao cấp của Trung Quốc vào hôm thứ Ba trước khi hội đàm với Thủ tướng Lý Cường.
“Cho đến nay, tôi đã có một chuyến đi rất hiệu quả,” bà Raimondo nói với ông Lý trước phiên họp kín. “Tổng thống Biden đã yêu cầu tôi đến đây để truyền tải một thông điệp rằng chúng tôi không tìm cách tách rời; chúng tôi tìm cách duy trì mối quan hệ thương mại trị giá 700 tỷ USD với Trung Quốc.”
Ông Lý nhấn mạnh rằng quan hệ kinh tế và thương mại rất quan trọng cho sự ổn định của mối bang giao Mỹ-Trung. Tuy nhiên, ông hy vọng Hoa Thịnh Đốn “có thể làm việc cùng hướng với Trung Quốc” và phát triển mối quan hệ song phương với “những hành động chân thành và cụ thể hơn.”
Trước đó vào hôm thứ Ba, bà Raimondo cũng đã ngồi lại với Phó Thủ tướng Hà Lập Phong (He Lifeng), đồng minh thân cận của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, người phụ trách giám sát nền kinh tế nước này.
Bà Raimondo nói khi bắt đầu cuộc họp: “Mặc dù chúng tôi sẽ không bao giờ thỏa hiệp để bảo vệ an ninh quốc gia của mình, nhưng tôi muốn nói rõ rằng chúng tôi sẽ không bao giờ tìm cách tách rời hoặc kìm hãm nền kinh tế Trung Quốc.”
Theo bản tin chính thức từ Bộ Thương mại Trung Quốc, ông Hà nêu lên những lo ngại về thuế quan, kiểm soát xuất cảng, và hạn chế đầu tư của Hoa Kỳ.
Đối thoại về kiểm soát xuất cảng
Ngoài ra, các quan chức cao cấp của Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn dự kiến sẽ có buổi “trao đổi thông tin” đầu tiên về kiểm soát xuất cảng vào hôm thứ Ba.
Nền tảng này được thiết lập trong cuộc gặp trực tiếp kéo dài hơn bốn giờ hôm thứ Hai giữa bà Raimondo và người đồng cấp Trung Quốc, ông Vương Văn Đào (Wang Wentao).
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, hai vị bộ trưởng thương mại cũng đồng ý tổ chức các cuộc đàm thoại thường xuyên và gặp nhau “ít nhất mỗi năm một lần.” Bộ này mô tả cuộc trao đổi đầu tiên của họ là “hợp lý, thẳng thắn, và mang tính xây dựng.”
Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết một thỏa thuận khác đạt được trong cuộc trao đổi là thành lập một nhóm làm việc mới về “các vấn đề thương mại” để “tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề thương mại và đầu tư và thúc đẩy lợi ích thương mại của Hoa Kỳ tại Trung Quốc.”
Đầu tháng này, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ký một sắc lệnh nhằm hạn chế đầu tư vào các công nghệ nhạy cảm của Trung Quốc, bao gồm các lĩnh vực điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo, và chất bán dẫn. Lệnh này, có thể có hiệu lực vào năm tới, sẽ cấm vốn cổ phần tư nhân và vốn đầu tư mạo hiểm của Mỹ chảy vào Trung Quốc, tài trợ cho chế độ này để nâng cao năng lực quân sự và tình báo của họ. Hành động này diễn ra sau lệnh kiểm soát sâu rộng xuất cảng chất bán dẫn sang Trung Quốc, được Tổng thống Biden công bố hồi tháng Mười năm ngoái (2022).
Chính quyền Trung Quốc đã thắt chặt kiểm soát xuất cảng của chính mình. Bộ Thương mại thông báo hồi tháng Bảy rằng, bắt đầu từ hôm 01/08, gallium và germanium – hai kim loại quý hiếm quan trọng trong sản xuất chất bán dẫn – sẽ bị hạn chế xuất cảng, với lý do cần phải bảo vệ an ninh quốc gia.
Trung Quốc giữ vị thế thống trị trong khai thác hai loại khoáng sản quý hiếm này. Theo Liên minh các Nguyên liệu Thô Quan trọng, nước này cung cấp khoảng 80% lượng gallium và 60% lượng germanium trên thế giới.
Bắc Kinh cũng áp đặt các lệnh trừng phạt đối với nhà sản xuất vi mạch Micron Technology của Hoa Kỳ. Hồi tháng Năm, cơ quan quản lý an ninh mạng của Trung Quốc cho biết Micron đã không vượt qua đợt đánh giá bảo mật mà không nêu rõ những rủi ro họ đã phát hiện ra. Hành động đó có nghĩa là các công ty Trung Quốc đang vận hành các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng sẽ bị cấm sử dụng các sản phẩm của Micron. Công ty này cảnh báo rằng “tỷ lệ phần trăm thấp hai chữ số” trong doanh thu toàn cầu của họ “có nguy cơ bị ảnh hưởng” bởi lệnh trừng phạt của Bắc Kinh.
Hôm thứ Hai, bà Raimondo cho biết bà đã nêu lên những lo ngại về các hạn chế của Bắc Kinh đối với Micron Technology, Intel, và các doanh nghiệp khác của Hoa Kỳ trong cuộc gặp với ông Vương.
Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, sáng thứ Ba, bà Raimondo đã gặp Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc Hồ Hòa Bình (Hu Heping), trong cuộc gặp, bà “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trao đổi trực tiếp đối với mối quan hệ song phương Mỹ-Trung rộng lớn hơn.”
Gần đây, Trung Quốc đã dỡ bỏ lệnh cấm du lịch theo nhóm trong thời đại dịch đến Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Úc, và các quốc gia khác, bảy tháng sau khi nối lại các chuyến du lịch theo nhóm đến các quốc gia như Nga, Thái Lan, và Cuba. Đầu tháng này, Hoa Kỳ tuyên bố sẽ tăng các chuyến bay đến Trung Quốc.
Bà Raimondo cho biết việc nới lỏng sẽ “tạo việc làm và phát triển nền kinh tế của cả hai nước và thúc đẩy sự hiểu biết tốt hơn giữa người dân và văn hóa của hai quốc gia.”
‘Không phải lúc để nhượng bộ’
Trước cuộc đàm phán hôm thứ Ba, các nhà quan sát bên ngoài dự đoán các quan chức Trung Quốc sẽ phá bỏ lập trường ngoại giao gây hấn của Bắc Kinh khi Trung Quốc tìm cách thu hút đầu tư ngoại quốc trước những nguy cơ đi chệch hướng.
Ông Bart Marcois, cựu phó trợ lý chính Vụ trưởng Vụ Quốc tế thuộc Bộ Năng lượng, nói với NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times, rằng: “Người Mỹ đã và đang liên lạc với Trung Quốc trong hai năm rưỡi và bị khước từ thẳng thừng; Trung Quốc cộng sản đối xử với chính phủ Tổng thống Biden như một kẻ tôi tớ.”
Giờ đây, “họ đang phải đối mặt với sự sụp đổ của đế chế địa ốc và suy thoái kinh tế, thì họ đột nhiên lại quan tâm đến việc nói chuyện với Mỹ, và tất nhiên, đó là về thương mại và mậu dịch.”
Nền kinh tế Trung Quốc đang sa sút. Một phần năm thanh niên Trung Quốc, trong độ tuổi từ 16 đến 24, thất nghiệp. Lĩnh vực địa ốc, vốn đóng góp tới gần 1/3 GDP của Trung Quốc, đang gặp khó khăn. Đầu tháng này, đại công ty địa ốc Evergrande đã đệ đơn đề nghị bảo hộ phá sản và Country Garden, một nhà phát triển địa ốc lớn khác, hiện có nguy cơ vỡ nợ. Nhà đầu tư ngoại quốc đang rút tiền ra khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Đầu tháng này, Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen cho biết suy thoái kinh tế của Trung Quốc là một “yếu tố rủi ro” đối với Hoa Kỳ, và Tổng thống Biden mô tả nền kinh tế Trung Quốc là một “quả bom hẹn giờ” trong một buổi gây quỹ chính trị.
Ông Marcois dự đoán chính quyền Trung Quốc sẽ “đưa ra nhiều đề nghị và hành động như thể họ đang nhượng bộ” với Hoa Kỳ khi đang phải đối mặt với một nền kinh tế ốm yếu.
Ông nói thêm: “Nhưng điều họ thực sự muốn là có thể tiếp tục đầu tư vào địa ốc chiến lược và công nghệ chiến lược” ở Hoa Kỳ mà không có sự can thiệp và muốn “tăng đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc.”
Ông Marcois cho rằng chuyến đi Trung Quốc của bà Raimondo có tầm quan trọng đối với Bắc Kinh hơn là với Hoa Thịnh Đốn.
“Chuyến đi này không quan trọng như thế đối với chúng ta vì chúng ta chiếm thế thượng phong ở đây,” ông nói. “Chỉ cần bà ấy có thể giữ vững lập trường, thì chúng ta có thể đạt được tiến triển.” Nhưng nếu bà Raimondo tập trung vào việc làm dịu căng thẳng ngoại giao, thì “chúng ta đang hành động theo ý đồ của Trung Quốc thay vì ý đồ của Mỹ.”
Ông nói: “Bây giờ không phải là lúc để nhượng bộ. Bây giờ là lúc yêu cầu Trung Quốc nhượng bộ.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times