Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ: ĐCSTQ muốn thao túng quyền diễn ngôn về vấn đề Tân Cương
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra cảnh báo về các chiến thuật mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang sử dụng để thao túng quyền diễn ngôn toàn cầu về vấn đề Tân Cương.
Theo báo cáo hôm 24/08, ĐCSTQ đang khai triển chiến thuật lan truyền thông điệp để tìm cách bao phủ mạng internet bằng những luận điệu ủng hộ ĐCSTQ để át đi những thông điệp mà đảng này cho là ảnh hưởng tiêu cực đến các lợi ích của họ, đồng thời để tạo ra một lớp vỏ bọc ủng hộ các chính sách của đảng.
Bản báo cáo này cho biết, mục đích của ĐCSTQ là làm mất uy tín của các nguồn tin độc lập đưa tin về tội ác diệt chủng và tội ác phản nhân loại đang tiếp diễn nhắm vào người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số và nhóm tôn giáo thiểu số khác ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương.
Chiến thuật lan truyền thông điệp
Với nhan đề “Những nỗ lực của CHND Trung Hoa nhằm thao túng dư luận toàn cầu về vấn đề Tân Cương”, báo cáo này đã xem xét cách ĐCSTQ thao túng không gian mạng để có lợi cho họ.
Ví dụ, các quan chức tuyên truyền ở Tân Cương đã tạo ra hàng ngàn video về người Duy Ngô Nhĩ mà rõ ràng là phủ nhận hành vi lạm dụng trong khu tự trị này và khẳng định người dân ở đó “rất tự do”. Những thông điệp này lần đầu tiên xuất hiện trên các nền tảng do ĐCSTQ kiểm soát, sau đó lan truyền sang YouTube và Twitter, nhằm thao túng dư luận.
ĐCSTQ cũng sử dụng các hình ảnh tinh vi do công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra để làm cho hồ sơ người dùng giả mạo nhìn có vẻ chân thực. Một số tài khoản giả mạo này liên tục phủ nhận các hành động tàn bạo của ĐCSTQ ở Tân Cương, khẳng định rằng bằng chứng khách quan và có tính áp đảo về các hành động tàn bạo là sự bịa đặt của Hoa Kỳ và các nước đồng minh.
Báo cáo cho biết chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực bịt miệng những người bất đồng chính kiến bằng cách tham gia vào “cuộc đàn áp kỹ thuật số xuyên quốc gia”, quấy rối trực tuyến bằng thông điệp gây tranh cãi (trolling), và bắt nạt trên mạng. Đặc biệt trong các cộng đồng Hoa kiều ở hải ngoại, hành vi quấy rối cả trên mạng lẫn ngoài đời nhằm mục đích ngăn người dùng chia sẻ câu chuyện của họ hoặc đe dọa họ tự kiểm duyệt. Các chiến dịch troll thường xuyên leo thang thành những đe dọa đến tính mạng, cưỡng gian, hoặc hành hung.
Trung Quốc sử dụng các công ty truyền thông tư nhân và những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đa ngôn ngữ để tiếp cận dư luận toàn cầu. Theo báo cáo, những kẻ troll (thủy quân mạng) đóng một vai trò chính trong việc “tấn công, khuấy động các cuộc tranh cãi, lăng mạ, và sách nhiễu cư dân mạng, nhằm đầu độc môi trường thông tin” cũng như đánh lạc hướng dư luận khỏi những câu chuyện quan trọng.
Chiến thuật đánh lạc hướng và làm chệch hướng dư luận
Báo cáo lưu ý rằng ĐCSTQ sử dụng câu hỏi vặn “thế còn nước bạn thì sao?” (whataboutism) và ngụy biện về những sai lầm mà các nước khác cũng có để đánh lạc hướng/né tránh [những chỉ trích] về các chính sách của mình ở Tân Cương và mô tả những người tố cáo là đạo đức giả. Báo cáo cho biết, “Các lập luận của họ không phải để biện minh rằng CHND Trung Hoa vô tội; mà thay vào đó, họ muốn làm rõ một điều là các quốc gia khác đều đang phạm tội lạm dụng giống nhau.”
Khuếch đại “những câu chuyện tích cực” để phản bác/bác bỏ các cáo buộc về tội diệt chủng và tội ác phản nhân loại ở Tân Cương là một chiến thuật khác của ĐCSTQ. Báo cáo đã lấy ví dụ về trường hợp những tay sai cho ĐCSTQ sử dụng các hashtag bắt đầu bằng dấu # như #Tân-Cương-Mỹ-Lệ và #Tân-Cương để phô trương hình ảnh chung sống hài hòa của một xã hội đa văn hóa. Điều đó trái ngược hoàn toàn với thực tế là Trung Quốc đang giám sát sâu rộng người Duy Ngô Nhĩ, trong đó có một chính sách của đảng, cụ thể là các quan chức ĐCSTQ sẽ chung sống với các gia đình Duy Ngô Nhĩ hoặc Kazakhstan như “họ hàng”, sống trong nhà của họ ít nhất sáu tuần một năm.
Theo báo cáo, công ty phân tích Miburo Solutions đã xác định hơn 200 người có ảnh hưởng của nước thứ ba liên kết với truyền thông nhà nước Trung Quốc để tiếp cận khán giả trẻ quốc tế. Những người có ảnh hưởng này tạo ra nội dung trên mạng xã hội bằng ít nhất 38 ngôn ngữ, bao gồm tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Ả Rập và tiếng Nga, mỗi người nổi tiếng đó có trung bình khoảng 309,000 người theo dõi. Báo cáo cho biết, những người này giúp thúc đẩy luận điệu của ĐCSTQ về Tân Cương bằng cách che giấu sự liên đới với nhân viên truyền thông nhà nước. Trung Quốc cũng đã tổ chức các chuyến thăm quan để những người phương Tây có ảnh hưởng và ủng hộ ĐCSTQ đến Tân Cương, sử dụng họ để tuyên truyền về Tân Cương.
Tội diệt chủng và tội ác phản nhân loại
Báo cáo nêu chi tiết các bài báo về những tội ác của ĐCSTQ ở Tân Cương. Ví dụ, dự án “thiết kế nhân khẩu” của ĐCSTQ có mục đích tăng dân số người Hán ở Tân Cương một cách có hệ thống đồng thời “làm loãng” mật độ dân số Duy Ngô Nhĩ trong khu vực. ĐCSTQ bắt người Duy Ngô Nhĩ phải lao động cưỡng bức; cụ thể là chuyển khoảng 100,000 người Duy Ngô Nhĩ ra khỏi Tân Cương theo diện “cưỡng bức lao động tái định cư” để làm việc trong các nhà máy ở những nơi khác tại Trung Quốc. ĐCSTQ đã bỏ tù khoảng một triệu người, trong đó có bằng chứng đáng tin cậy về tra tấn, cưỡng bức triệt sản, và các hành vi lạm dụng khác.