Bộ An ninh Nội địa dự trù sẽ tích hợp AI để giải quyết các nhiệm vụ quan trọng
Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS) dự trù thành lập một lực lượng đặc nhiệm sẽ khám phá công dụng của trí tuệ nhân tạo (AI) để thúc đẩy “các nhiệm vụ an ninh nội địa quan trọng.”
Theo một thông cáo báo chí hôm 21/04, Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas cho biết sự phát triển nhanh chóng của môi trường mang tính đe dọa đòi hỏi Bộ phải thích ứng với điều đó.
Tuyên bố kể trên cho hay lực lượng đặc nhiệm này sẽ tìm cách tích hợp AI để tăng cường tính toàn vẹn của chuỗi cung ứng của Mỹ, xác định và ngăn chặn dòng chảy tiền chất hóa học để chống lại dòng fentanyl, và nhắm mục tiêu vào các mạng lưới tội phạm. Theo các nhà chức trách Hoa Kỳ, Trung Quốc là nguồn cung cấp tiền chất chính.
Theo tuyên bố này, Bộ cũng sẽ sử dụng các công cụ AI để giải cứu những nạn nhân của việc lạm dụng và bóc lột tình dục trẻ em trực tuyến cũng như bắt giữ các thủ phạm của những hành vi phạm tội đó.
Bộ sẽ làm việc với các học viện, ngành công nghiệp, và các đối tác chính phủ khác để đánh giá cách mà AI có thể được sử dụng trong việc bảo đảm cơ sở hạ tầng quan trọng.
Ông Mayorkas nói, “Thay đổi với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết, sự phát triển sâu sắc trong môi trường đe dọa đến an ninh nội địa đã đòi hỏi Bộ An ninh Nội địa của chúng tôi phải thích ứng với môi trường này.”
Hôm 21/04, ông nói rằng Hoa Kỳ phải giải quyết nhiều cách mà AI sẽ “làm thay đổi đáng kể bối cảnh của môi trường đe dọa này.”
“Bộ phận của chúng tôi sẽ dẫn đầu trong việc sử dụng AI một cách có trách nhiệm để bảo vệ quê hương và ngăn chặn việc sử dụng phần mềm độc hại của công nghệ mang tính biến đổi này. Khi chúng tôi làm điều này, chúng tôi sẽ bảo đảm rằng việc sử dụng AI của chúng tôi được kiểm tra nghiêm ngặt để tránh thiên kiến và tác động không cân xứng.”
AI: Con dao hai lưỡi
Việc tích hợp AI của Bộ An ninh Nội địa vào các hoạt động của chính phủ diễn ra khi các chuyên gia cảnh báo rằng công nghệ này là một mối đe dọa đối với các quyền tự do của con người khi rơi vào tay các chính quyền áp bức.
Trong một bài bình luận hôm 04/01, ông Anders Corr, người đứng đầu tại Corr Analytics, cho biết, “Công nghệ với sự giúp đỡ của AI sẽ có khả năng giám sát, nhắm mục tiêu vi mô, và tác động đến các nhóm dân chủ theo những cách mà trước đây không thể thực hiện được thông qua hoạt động giám sát truyền thống của nhà nước và các thuật toán truyền thông xã hội do tư nhân phát triển.”
“Thông qua nhắm mục tiêu vi mô, sản xuất vi mô, và phân phối vi mô tuyên truyền tinh vi, AI có thể định đoạt những kết quả của quá trình ra quyết định liên quan đến dân chủ theo cách chưa từng có trong lịch sử, do đó khiến các quy trình trước đây từng là dân chủ này trở nên phi dân chủ.”
Chính phủ Tổng thống Biden đã bắt đầu tích hợp AI với các hệ tư tưởng thiên vị trong các hoạt động của chính phủ. Hồi tháng Hai, ông Biden đã phê chuẩn một sắc lệnh chỉ thị các cơ quan liên bang sử dụng AI để đạt được các mục tiêu “công bằng.”
Sắc lệnh này nêu rõ, “Khi thiết kế, phát triển, mua lại, và sử dụng trí tuệ nhân tạo và các hệ thống tự động trong Chính phủ Liên bang, thì các cơ quan đều phải làm như vậy, theo luật pháp hiện hành, theo cách thúc đẩy sự công bằng.”
Xuất phát từ hệ tư tưởng của chủ nghĩa Marx, công bằng khác với khái niệm bình đẳng, trong đó mọi người trong xã hội đều được đối xử bình đẳng, và được đối xử như nhau bất kể sự khác biệt về chủng tộc, tôn giáo, và các yếu tố khác.
Mặt khác, công bằng tập trung vào việc bắt buộc phân phối lại các nguồn lực. Trong một kịch bản công bằng theo kiểu xã hội chủ nghĩa, các đặc quyền được phân phối dựa trên những tình trạng bất công trong nhận thức. Những quyết định như vậy thường được thực hiện bởi một nhóm những người ủng hộ cấp tiến không được bầu chọn.
Nhà sinh vật học tiến hóa Colin Wright, một biên tập viên sáng lập của ấn phẩm ủng hộ tự do ngôn luận Reality’s Last Stand, đã cảnh báo về những sáng kiến như vậy.
Trong một bài đăng trên Twitter hôm 21/02, ông nói, “Ông Biden không phải là một người ôn hòa. Đây là một cuộc chạy nước rút hợp pháp để đưa tư tưởng cấp tiến vào một cách rộng rãi và sâu sắc nhất có thể trong chính phủ của chúng ta. Điều này không thể được cho phép. Nếu Đảng Cộng Hòa nắm quyền kiểm soát, thì họ phải loại bỏ hoàn toàn căn bệnh ung thư về ý thức hệ và xã hội này.”
Cuộc đua giành ưu thế về AI
Trong lĩnh vực AI, Hoa Kỳ có thể phải đối mặt với các mối đe dọa đáng kể từ Trung Quốc. Một báo cáo tháng 03/2021 (pdf) do Ủy ban An ninh Quốc gia về Trí tuệ Nhân tạo (NCSAI) công bố cảnh báo rằng “Mỹ chưa sẵn sàng bảo vệ hoặc cạnh tranh trong kỷ nguyên AI. Đây là thực tế khó khăn mà chúng ta phải đối mặt. Và chính thực tế này đòi hỏi phải có hành động toàn diện, toàn dân tộc.”
Báo cáo cho thấy rằng sự cạnh tranh trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo cũng là một “sự cạnh tranh về các giá trị.” Báo cáo nói rằng việc sử dụng AI trong nước của Trung Quốc là một “tiền lệ đáng sợ đối với bất kỳ ai … trân trọng quyền tự do cá nhân.”
“Việc Trung Quốc sử dụng AI như một công cụ đàn áp và giám sát — ở trong nước và, ngày càng nhiều hơn ở ngoại quốc — là một điểm đối lập mạnh mẽ đối với cách chúng ta tin rằng AI nên được sử dụng.”
Báo cáo cho biết, “Chúng ta phải giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh AI vốn đang làm tăng lực độ cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Các kế hoạch, nguồn lực, và sự tiến triển của Trung Quốc nên khiến tất cả người Mỹ lưu tâm. … Chúng ta cần xem trọng tham vọng của Trung Quốc trong việc vượt qua Hoa Kỳ để trở thành nhà lãnh đạo AI của thế giới trong vòng một thập niên.”
Trước đó, ông Biden đã gọi thập niên này là một thập niên “quyết định” đối với thế giới, nơi mà AI tạo sinh và các mối đe dọa do chính quyền Trung Quốc gây ra sẽ tác động đến thế giới.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times