BlackPink và những bài học đằng sau câu chuyện của bốn cô gái Hàn
Sau hai đêm diễn ‘bùng nổ’ tại sân vận động Mỹ Đình trên sân khấu lớn cùng hiệu ứng âm thanh, ánh sáng và pháo hoa hiện đại, với hàng loạt màn trình diễn sôi động, Blackpink mang về cho nhóm nhạc cũng như đơn vị tổ chức món tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng. Kết thúc “bữa tiệc” âm nhạc thịnh soạn, Blackpink rời Hà Nội ngay trong đêm, và để lại… một núi rác từ fans hâm mộ Việt Nam.
Với những “cỗ máy hút tiền” như BlackPink, khán giả sẵn sàng chi ra số tiền gấp vài lần thu nhập trung bình của người dân Việt. Những người trẻ, không biết bằng cách nào đó có thể bỏ ra một số tiền lớn so với mặt bằng chung của toàn xã hội, thể hiện tâm lý sẵn sàng chịu chơi, để “đu thần tượng,” gào khóc, lăn lộn, hạnh phúc tột đỉnh vì được tận mắt chiêm ngưỡng idol, và sau đó lại thể hiện nét văn hoá lạ kỳ trên chính mảnh đất của mình.
Khắp các lối đi từ trong đến ngoài sân là áo mưa dùng một lần, vỏ chai nước, rác thải nhựa bao kín. Lượng khán giả xem concert BlackPink trong hai đêm lên đến hơn 67,000 người khiến lượng rác thải càng khổng lồ. Sân Mỹ Đình, cứ sau các sự kiện lớn như bóng đá, âm nhạc lại “ngập rác” và trở thành nỗi ám ảnh của các công nhân vệ sinh môi trường, trái ngược với không khí sôi động, văn minh mà các fans Việt Nam thể hiện.
“Tôi làm công nhân môi trường được 20 năm nhưng chưa thấy lượng rác của chương trình nào nhiều như hai đêm nhạc này, thậm chí còn nhiều hơn cả khi sân Mỹ Đình có bóng đá.” Đó là tâm sự của một công nhân vệ sinh đã 50 tuổi, người đã phải thức đến 2 giờ sáng dọn dẹp hậu quả của những bạn trẻ “đu idol” để lại sau hai đêm nhạc của Blackpink.
Có đám đông là có rác, đám đông càng lớn thì rác càng nhiều. Còn nhớ, sau chương trình đón giao thừa ở Sài Gòn và Hà Nội, cả biển người hân hoan rời những điểm vui chơi công cộng về đón Xuân, bỏ lại không gian ngập ngụa rác. Nhìn lại, bất kỳ sự kiện ‘văn hoá’ nào được tổ chức với quy mô lớn thì sau đó cũng tràn ngập hình ảnh về biển rác sau lễ hội.
Sự kiện có thể khác nhau nhưng điểm chung là một thứ ‘văn hoá’ không còn xa lạ với bạn bè quốc tế, như một thứ ‘đặc sản’ của nhiều người Việt – đó là thói quen xả rác bừa bãi nơi công cộng.
Thói quen này thành tệ nạn, chợ họp xong, cả khu chợ thành đống rác. Một xóm nhỏ, con mương sau nhà thành con sông rác, ở chung cư thì từ trên vứt xuống… bất kể những phong trào nếp sống mới, giữ vệ sinh thỉnh thoảng lại được hô hào phát động… nhưng thói quen xấu vẫn tồn tại, vẫn hoành hành.
Dường như nhiều người cứ nghĩ đơn giản rằng một mình mình có vứt rác ra như thế, cũng chẳng thấm vào đâu. Ở các điểm dừng, các ngã tư thành phố… ta thường bắt gặp hình ảnh các tiếp thị viên phát tờ rơi quảng cáo, người ta thường vứt luôn tờ giấy đó ra đường sau khi liếc qua hoặc thậm chí chẳng cần nhìn. Tâm lý mất tiền mua vé, mất tiền vào nhà hàng, mất tiền sử dụng dịch vụ là có quyền xả rác, vì đã có người khác dọn dẹp.
Văn hóa đổ rác của người Hàn
Bãi rác khổng lồ của fan hâm mộ Blackpink, cho thấy rất nhiều giới trẻ Việt Nam phát cuồng bởi những cô gái đến từ Nam Hàn, nhưng họ lại không mấy hiểu gì về chính đất nước, văn hoá và con người nơi mà thần tượng của họ đến. Nếu có, hẳn các bạn đã biết người Hàn có văn hoá đối xử với rác đáng học hỏi như thế nào.
Với người Hàn, xử lý rác thải không đơn giản chỉ đổ rác mà là “phân loại rác và đổ rác đúng nơi quy định.” Ngay từ nhỏ, trẻ em đã được giáo dục về “văn hóa đổ rác” từ cách nhận biết các chất liệu, cách thu gom, phân loại rác và ý thức để rác đúng nơi, đúng chỗ. Rồi màu sắc của túi đựng rác ở mỗi địa phương cũng khác nhau… Nếu đổ rác không đúng quy định, người ta sẽ bị phạt rất nặng.
Đó là lý do vì sao khi tham gia các lễ hội, các sự kiện lớn có đến hàng ngàn người ở Nam Hàn, thật khó để thấy người dân vứt rác bừa bãi. Hàng biển người khi xem bắn pháo hoa ở sông Hàn, họ cùng gia đình mang đồ ăn theo, trải bạt trên các bãi đất trống dọc bờ sông vừa ăn vừa xem pháo hoa. Nhưng khi ra về, tất cả đều được thu dọn sạch sẽ, từ người lớn đến trẻ nhỏ, không ai tiện tay vứt một bịch nilon hay hộp bánh kẹo ra đường.
Nếu đến làm việc ở Nam Hàn, việc đầu tiên bạn phải học là học văn hóa đổ rác của họ. Có những vị giáo sư trước khi đi làm, đã thắng bộ vest nhưng tay vẫn xách theo túi rác đến điểm đặt thùng rác, rồi cẩn thận và tỉ mỉ, lấy ra từng loại cho vào những thùng khác nhau. Với các chai nước suối, họ gỡ nhãn bỏ riêng, dốc sạch nước trong chai, bóp xẹp vỏ chai rồi mới cho vào thùng rác tái chế, sau đó lên xe hơi đến trường.
Thập niên 60, Nam Hàn là một trong những quốc gia nghèo nhất Á Châu. Năm 1968, người Nam Hàn quyết định thay đổi giáo dục bằng cách bê nguyên sách giáo khoa của người Nhật về dịch sang tiếng Hàn và giảng dạy, ngoại trừ các môn xã hội như địa lý, lịch sử và văn học. Lúc đó cũng có nhiều người chỉ trích vì tính sĩ diện của người Nam Hàn rất cao, lẽ nào lại không tự soạn được một bộ sách giáo khoa. Nhưng họ vẫn quyết tâm thực hiện, vì để có chương trình giáo dục đó, người Nhật đã mất cả trăm năm cải biến từ cách đào tạo của giáo dục phương Tây phù hợp với đặc trưng châu Á, bắt đầu từ thời Minh Trị Thiên Hoàng.
Ðể rút ngắn thời gian, chẳng có cách nào ngoài việc lấy kinh nghiệm của người khác, để còn lo việc khác nữa. Vì Nam Hàn muốn trở thành một bản sao mới của Nhật, nền kinh tế dựa trên lòng tự tôn dân tộc, tính kỷ luật và đạo đức của toàn thể xã hội.
Ðúng 20 năm, đến 1988, Nam Hàn đăng cai Olympic Seoul, cả thế giới không ai tin vào mắt mình khi thấy kỳ tích bên bờ sông Hàn lại ‘khủng’ như thế. Xe hơi, xe máy, dệt nhuộm, hóa chất, đóng tàu, điện tử, bánh kẹo… bên Nhật có cái gì thì bên Hàn có cái đó, dù dân số chỉ bằng 1/3. Không ai biết trong 20 năm đó, cả dân tộc Nam Hàn đã nắm chặt tay với quyết tâm thoát nghèo như thế nào.
Trên Tivi chỉ có hai chương trình là “dạy làm người” và “dạy làm ăn,” từ cái văn minh nhỏ xíu như nụ cười của một nhân viên bán hàng, đến cách quản lý chi phí của một quán cà phê, đến cách tạo dựng một nhà máy. Từ một dân tộc “xin việc,” tức các doanh nghiệp nước ngoài đến đặt nhà máy tại Nam Hàn và thuê lao động Hàn, Nam Hàn bắt đầu khan hiếm lao động và trở thành dân tộc đi “cho việc,” tức xây dựng các nhà máy ở ngoại quốc, hàng triệu người Trung Quốc, Thái Lan, Philippines đứng xếp hàng xin các ông chủ Nam Hàn cho họ việc làm. Nam Hàn đã thành công trong việc tiếp nối Nhật Bản thành dân tộc đi cho việc người khác.
Giới trẻ Việt Nam học được gì sau câu chuyện của bốn cô gái Hàn
Black Pink thực chất là công nghệ idol, đó là một gói nghe nhìn thời thượng được thiết kế hết sức kỹ lưỡng, công phu từ một ngành công nghiệp giải trí có thâm niên hàng chục năm. Concert BlackPink khiến khán giả tiêu tiền trong hạnh phúc để mua trải nghiệm đã mắt, đã tai, mua cả cảm giác sành điệu, trẻ trung, hợp thời. Họ không chỉ bán ca vũ nhạc, họ bán một câu chuyện, họ bán một trải nghiệm vay mượn qua câu chuyện đó.
Câu chuyện của Black Pink là hành trình gian khổ của các cô gái nhỏ phấn đấu để trở thành idols, những hoàn cảnh từ đứa trẻ nghèo nhưng có đam mê và hăng say luyện tập đến trở thành idol là một hành trình khó khăn.
Câu chuyện của Black Pink là một câu chuyện của người Nam Hàn, luôn nỗ lực vươn lên bằng sự kiên nhẫn, khiêm tốn và một ý chí bền bỉ thầm lặng. Sẽ thật tuyệt nếu các bạn trẻ khi trải nghiệm Blackpink, cũng nhân đó vay mượn câu chuyện của họ. Nếu chỉ dừng lại ở xem Blackpink, xài mỹ phẩm Hàn, trang điểm ăn mặc như sao Hàn thì còn xa mới khiến chúng ta có những thành tựu như họ. Nếu không tự nỗ lực hoàn thiện mình, với một ý chí khát khao thay đổi bộ mặt đất nước như người Hàn, thì chúng ta mãi mãi là những kẻ khóc lóc, quỳ rạp và để cỗ máy hút tiền đó hút sạch những đồng tiền trong túi, vì một thứ cảm giác mơ hồ về sự thành công… của người khác.
Tất nhiên, chẳng ai có thể vay mượn câu chuyện của người khác để sống cuộc đời mình, mà mỗi người đều đang viết nên câu chuyện của chính mình, một cách chân thực và trần trụi hơn nhiều qua chính phẩm cách cá nhân.
Cách ta đối xử với rác thải cho thấy cốt cách của chính ta. Cũng ở Mỹ Đình cách đây không lâu, sau trận đấu giữa tuyển Việt Nam – tuyển Nhật Bản, cả cầu thủ và cổ động viên Nhật Bản đã khiến người hâm mộ Việt Nam “phát sốt” chỉ bằng một hành động nhỏ: ở lại và nhặt rác. Hình ảnh này còn được người Nhật thể hiện ở World Cup 2022 và trở thành một trong những hình ảnh đẹp nhất, được FIFA khen ngợi.
Nếu như lòng hâm mộ cuồng nhiệt những cô gái Hàn của người Việt giúp họ tìm hiểu về văn hoá của đất nước thần tượng của mình, thì có lẽ họ đã ứng xử lịch sự, văn minh hơn. Nhưng tại sao điều đó không xảy ra? Bởi vì khoảng cách giữa giải trí đại chúng và văn hoá văn minh là một khoảng cách đôi khi là rất xa nhau. Tiếc rằng, nhiều người vẫn hay tưởng rằng bỏ một số tiền lớn để tham gia vào ‘sự kiện văn hoá’ là họ đang có một đời sống tinh thần đầy đủ. Ánh sáng hào nhoáng của trên sân khấu, hoa hòe lòe loẹt, có khi nào chỉ để che đậy những bãi rác văn hoá khổng lồ bên trong?
Đan Thư thực hiện