Bình luận sách: ‘Cách Để Sống Một Cuộc Đời: Chỉ Dẫn Cổ Xưa Về Cách Sử Dụng Thời Gian Một Cách Khôn Ngoan’
Một quyển sách xuất hiện đúng lúc để chỉ dẫn chúng ta cách trân quý thời gian
Trong tuyển tập đang phát hành “Ancient Wisdom for Modern Readers” (Trí Tuệ Cổ Xưa dành cho các Độc Giả Hiện Đại) của Nhà xuất bản Đại học Princeton, thì cuốn “How to Have a Life: An Ancient Guide to Using Our Time Wisely” (Cách Để Sống một Cuộc Đời: Chỉ Dẫn Cổ Xưa Về Cách để Sử Dụng Thời Gian Một Cách Khôn Ngoan) có lẽ là một trong những ấn bản xuất hiện đúng lúc dịp khởi đầu năm mới. Với danh sách những lời hứa sẽ thực hiện trong năm thường thấy, thì danh sách này hầu như chiếm trọn thời gian của chúng ta.
Trong cuốn sách này, dịch giả James S. Romm, cũng chính là giáo sư về cổ điển học James H. Ottaway Jr. tại Đại học Bard, đã lấy ra những đoạn trích từ hai tác phẩm của triết gia La Mã Seneca là “On the Shortness of Life” (Bàn về Sự Ngắn Ngủi của Cuộc Đời) và “Moral Epistles” (Những Bức Thư Đạo Đức).
Dịch giả Romm bắt đầu quyển sách này bằng lời giới thiệu ngắn về mục đích của các tác phẩm của triết gia Seneca, và phần tiểu sử thậm chí còn ngắn hơn nữa về vị triết gia La Mã cổ đại này. Trong phần giới thiệu, ông Romm chỉ ra một trong số những chủ đề thảo luận quan trọng của triết gia Seneca khi gợi ý nên “tính tổng số ngày đã dành cho các công việc nhàm chán, làm hài lòng những mong muốn của người khác, hoặc sa vào những thú vui nhàn rỗi, nhất thời. Và khi bạn nhìn vào những gì còn sót lại … bạn sẽ thấy rằng mình kỳ thực đang chết trẻ.”
‘Bàn về sự ngắn ngủi của cuộc đời’
Trong tác phẩm “Bàn về Sự Ngắn Ngủi của Cuộc Đời”, quan điểm của Seneca về thời gian là ít chú trọng về tuổi tác mà chú trọng hơn về cách sử dụng thời gian. Vị triết gia người La Mã này tuyên bố “cuộc đời là dài lâu nếu bạn biết tận dụng nó” và sau đó nói thêm rằng “bạn sẽ thấy rằng số năm [cuộc đời] của bạn không được đo lường bằng số năm bạn sống.” Đó thật sự là một tư tưởng nghiêm túc. Câu ngạn ngữ cổ “cuộc đời là ngắn ngủi” sẽ mang một ý nghĩa mới khi bạn đi theo quan điểm triết học của Seneca.
Triết gia Seneca không hoàn toàn trực tiếp chỉ dẫn cách mọi người nên sống cuộc đời của họ như thế nào; ông không nói rằng một người nên làm việc A hay việc B. Ông nói rất ít về những gì mà một người nên làm mà nói nhiều hơn về những gì người đó không nên làm. Một người không nên theo đuổi cuộc sống xa hoa hoặc là bị cuốn vào công việc.
Độc giả có thể hiểu sai một số lời khuyên của ông là một sự cổ xúy cho tính vị kỷ khi ông cảnh báo không nên đáp ứng những nhu cầu của người khác. Ông không hề có ý rằng đừng bao giờ giúp đỡ người khác, mà là làm việc đó trong chừng mực; nếu không, một người sẽ không bao giờ được sống cuộc đời của chính họ.
Tuy nhiên, cuộc đời của ông đã dành để phụng sự những người khác — cụ thể là các vị hoàng đế, và đặc biệt là hoàng đế Nero. Ông Romm nêu lên rằng, những sử gia và những người theo chủ nghĩa cổ điển đã nhận thấy thói ra vẻ đạo đức của triết gia Seneca trong những bài viết của ông, khi ông chỉ trích những người bị sa lầy vào chính trị và công việc của họ, trong khi cuộc đời của ông đã bị người khác chiếm mất hoàn toàn.
Mặc dù ông Romm không đi sâu vào thái độ ra vẻ đạo đức của Seneca, nhưng một cách hợp lý độc giả có thể đưa ra nhìn nhận rằng, triết gia Seneca là một người có khả năng cố vấn cho người khác nhưng lại không có khả năng làm theo lời khuyên của chính mình. Xem xét đến vị thế của Seneca ở Đế chế La Mã, người ta có thể dành cho ông một ngoại lệ.
Phép loại suy và Những lời cảnh tỉnh
Trong khi chấp nhận sự ngoại lệ này, độc giả khó có thể bỏ qua những điểm hợp lý và những phép loại suy [so sánh những điểm tương đồng quan trọng của hai sự việc để rút ra kết luận] của triết gia Seneca. Một phép loại suy đáng nhớ đã nêu lên sự tương phản giữa việc tồn tại đơn thuần với việc sống một cuộc đời thực sự:
“Không có lý do gì để nghĩ rằng ai đó đã sống lâu dựa vào mái tóc bạc và nếp nhăn của họ. Người đó chỉ là tồn tại, không phải đã sống, trong một thời gian dài. Liệu bạn có thể nói rằng một người đàn ông đã thực hiện được nhiều chuyến hải trình, nếu ngay khi anh ta vừa rời khỏi bến cảng, một cơn bão dữ dội đã cuốn lấy anh ta, và những cơn cuồng phong dữ dội nổi lên từ mọi hướng cuốn anh ta xoay vòng vòng hết lần này đến lần khác trên cùng một quãng đường? Anh ta đã không thực hiện được nhiều chuyến hành trình, anh ấy chỉ bị quăng quật nhiều mà thôi.”
Triết gia Seneca khuyến khích mọi người dành thời gian cho nhiều điều và không nên quá bận rộn với chuyện nhân thế. Ông nói thêm rằng một người không nên sống trong sự mong đợi cho tương lai bởi vì “điều đó lệ thuộc vào ngày mai trong khi lại đang lãng phí ngày hôm nay.” Ông cũng đưa ra lời tuyên bố trái ngược với ý kiến số đông rằng một người có thể lựa chọn gia đình cho riêng mình, bởi vì “ngoài kia có những gia đình ra vẻ trí thức cao quý; hãy chọn một người mà bạn muốn kết duyên cùng.”
Và cuối cùng, trong tác phẩm “Bàn Về Sự Ngắn Ngủi của Cuộc Đời”, ông cảnh báo phải tránh xa việc theo đuổi tiền bạc và quyền lực, điều mà ngày nay người ta thường gọi là leo lên nấc thang sự nghiệp, ông viết: “Những người khác, sau khi họ đã chật vật vượt qua hàng ngàn sự sỉ nhục để đến được những đỉnh cao của địa vị, đã bị đánh gục bởi ý nghĩ khủng khiếp rằng, họ đã làm việc vất vả chỉ để khắc lên bia mộ của họ mà thôi.”
Triết gia Seneca viết thư cho một người bạn là Lucilius (nhân vật có thật hoặc hư cấu), giống như cách mà những người cổ đại khác đã làm, như triết gia Cicero và Plato, để truyền đạt những quan điểm của mình. Cách này giúp người ta có thể đưa ra những câu hỏi và câu trả lời cũng như những lời phản biện mà có thể được thảo luận.
Triết gia Seneca cầu xin người bạn Lucilius hãy thực sự suy xét rằng thời gian, mà đó chính là cuộc đời ông ta, đã rời bỏ ông ta như thế nào và kết quả là sự tổn thất:
“Một số khoảng thời gian đã bị tước đoạt khỏi chúng ta; một số bị bòn rút, một số bị rò rỉ mất. Tuy nhiên mất mát tồi tệ nhất của tất cả đến từ sự thờ ơ. Thật vậy, nếu bạn chú ý kỹ, phần lớn nhất của cuộc đời đã âm thầm trôi qua đối với những người không hoàn thành công việc, một phần đáng kể đối với những người không làm gì cả, và tất cả cuộc đời đối với những người làm điều gì đó khác với những gì họ nên làm.”
Theo nhiều cách, triết gia Seneca đang gợi ý rằng độc giả hãy khám phá ra họ là ai, họ mong muốn làm gì, và rồi hãy theo đuổi điều đó. Độc giả sẽ được khuyến khích để cân nhắc hoặc xem xét lại vị trí hiện tại của mình trong cuộc sống và điều gì họ nên thay đổi, bất kể là về thể chất hay về tinh thần.
Ông Romm, rất nhanh chóng, đã cung cấp những chi tiết về triết lý của Seneca, khá ngắn gọn và có thể đọc xong chỉ trong vài giờ.
Khi nói đến cuốn “Cách Để Sống một Cuộc Đời,” thì sự súc tích của tác phẩm này là ở mức hoàn hảo vì cuốn sách cho phép độc giả suy ngẫm triết lý của Seneca về giá trị của thời gian mà không cần tốn quá nhiều thời gian để đọc các tác phẩm của ông.
Sách: ‘How to Have a Life: An Ancient Guide to Using Our Time Wisely’
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bảng gốc từ The Epoch Times