Biến động nhân sự trong Quốc vụ viện cho thấy ông Tập đang thanh trừng ảnh hưởng của ông Lý Khắc Cường
Phân tích: Trạng thái tranh đấu nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể gây ra mâu thuẫn nội bộ bên trong các phe cánh của ông Tập
Quốc vụ viện của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) được cho là đang tiến hành một cuộc đại tu quy mô lớn về nhân sự, trong đó có thông tin cho rằng gần như toàn bộ các quan chức lãnh đạo hiện tại sẽ bị sa thải. Các chuyên gia tin rằng hành động này phần nào cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường có hiềm khích rất sâu sắc.
Ông Lý Khắc Cường đã bị gạch tên khỏi danh sách ủy viên trung ương tại Đại hội Đảng lần thứ 20 vào ngày 22/10/2022, tại đó ông Tập đã bảo toàn thành công nhiệm kỳ thứ ba của mình. Theo thông lệ của Đảng, thì ông Lý Khắc Cường sẽ chính thức rời khỏi vị trí thủ tướng của mình trong Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 14 được triệu tập vào ngày 05/03/2023 sắp tới.
Ông Lý Khắc Cường được cho là sẽ hết nhiệm kỳ trong vòng một tháng nữa, nhưng người của ông Tập đang tìm cách tiếp quản Quốc vụ viện, cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của ĐCSTQ.
Hôm 26/01, tờ Minh Báo có trụ sở tại Hồng Kông đăng một bài viết cho biết chính quyền của ông Tập sẽ chốt danh sách nhân sự trong Quốc vụ viện tại kỳ họp thứ hai của Ủy ban Trung ương khóa 20 vào tháng 02/2023, và nhân sự sẽ được thay thế hoàn toàn, sẽ không giữ lại một ai trong ban lãnh đạo cũ, và sẽ có những thay đổi lớn đối với các chức vụ bộ trưởng.
Trong số 37 bộ, ban ngành, cũng như văn phòng của Quốc vụ viện, 27 người đứng đầu gần đây đã được thay thế hoặc sẽ bị thay thế trong vòng một năm, và ít nhất 70% người đứng đầu các bộ dự kiến sẽ được thay thế. Bài báo viết: “Sự thay đổi nhân sự trong ban lãnh đạo này là chưa từng có trong lịch sử của Quốc vụ viện.”
Ông Vương Quân Đào (Wang Juntao), Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Dân Chủ Trung Quốc và là một nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng, nói với The Epoch Times hôm 29/01 rằng, “Lần này, cuộc thanh trừng của ông Tập đối với ảnh hưởng của ông Lý trong Quốc vụ viện có thể nói là rất mãnh liệt.”
Ông Tập và ông Lý có hiềm khích sâu sắc
Theo tờ Minh Báo, thủ tướng đương nhiệm Lý Khắc Cường, phó thủ tướng Hàn Chính (Han Zheng), bà Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan), ông Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua), và ông Lưu Hạc (Liu He), cũng như các ủy viên khác của Quốc vụ viện như ông Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe), ông Vương Dũng (Wang Yong), ông Vương Nghị (Wang Yi), ông Tiêu Tiệp (Xiao Jie), và ông Triệu Khắc Chí (Zhao Kezhi), đều sẽ là những nhân tố sẽ phải ra đi.
Ông Vương nói rằng Quốc vụ viện đã trở thành một cơ quan răm rắp nghe theo lệnh ông Tập. “Đảng và chính quyền giờ hòa làm một, và ông Tập nói rằng đảng phải lãnh đạo mọi thứ, vì thế nên ông ấy phải là người ra phán quyết cuối cùng về các vấn đề bổ nhiệm nhân sự.”
Hôm 29/01, trong chương trình bình luận về các vấn đề thời sự trên kênh YouTube của mình, ông Trần Phá Không (Chen Pokong), một nhà bình luận sinh sống tại Hoa Kỳ, cho biết rằng sự thay đổi hoàn toàn về nhân sự này báo hiệu rằng ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường từ lâu đã có mối tư thù sâu đậm.
Hồi cuối tháng 05/2020, ông Lý cho biết trong một cuộc họp báo rằng Trung Quốc “có 600 triệu người kiếm được thu nhập trung bình hàng tháng khoảng 1,000 nhân dân tệ (148 USD).” Tuyên bố này được xem là sự phản bác thẳng thừng đối với cái gọi là “hiện thực hóa một xã hội tiểu khang (xã hội có mức độ khá giả vừa phải) vào năm 2020” của ông Tập Cận Bình.
Ông Trần còn nói thêm rằng ông Tập sẽ thay thế toàn bộ người của ông Lý Khắc Cường trong Quốc vụ viện bằng những người thân cận của chính mình, hoặc ít nhất là những người có triển vọng theo phe ông Tập trong tương lai.
Trong trường hợp này, mô hình tách biệt giữa đảng và chính quyền, vốn được áp dụng cùng với chính sách “cải cách và mở cửa” vào cuối năm 1978, sẽ bị lật đổ hoàn toàn, ông Trần nói.
Theo ông Trần, sau thời đại của Mao Trạch Đông, ĐCSTQ nhấn mạnh việc tách biệt hệ thống hành chính của Quốc vụ viện khỏi hệ thống hành chính của Đảng. Tuy nhiên, trong thời đại của ông Tập, ông Tập đã dùng mọi cách có thể để từ chối các đề nghị điều hành của thủ tướng Lý Khắc Cường và trực tiếp cài thân tín của ông vào Quốc vụ viện, điều này đã biến tất cả các bộ ngành thành bù nhìn và đặt quyền lực thực sự vào tay ông Tập.
“Vì vậy, những hậu quả [của sự cai trị toàn trị này] sẽ còn tồi tệ hơn cả những hậu quả thời Mao Trạch Đông,” ông Trần nói.
Mặt khác, theo phân tích của ông Trần, ông Lý Khắc Cường và người của ông ấy có lẽ đã chủ động rời đi hồi tháng Mười năm ngoái tại đại hội đảng khi họ biết rằng ông Tập có khả năng sẽ tiếp tục giữ chức lãnh đạo ĐCSTQ trong năm năm tới.
Ông Vương cũng chia sẻ quan điểm tương tự rằng các quan chức cao cấp của ĐCSTQ biết rằng một khi lãnh đạo cao nhất, như ông Tập, bảo họ phải làm cái gì thì họ sẽ phải làm cái đó, và cuối cùng họ sẽ phải gánh chịu hậu quả, “một số người không sẵn lòng làm việc cho ông Tập nữa vì họ cảm thấy nếu họ làm vậy, thì họ sẽ phải gánh tội thay cho ông trong tương lai.”
Dưới sự cai trị của ông Tập, chính sách zero COVID kéo dài nhiều năm và việc đảo ngược hoàn toàn các biện pháp chống dịch hà khắc đã khiến đất nước rơi vào suy thoái kinh tế và khiến hàng triệu người đứng trước bờ vực của một khủng hoảng sống còn, một số người thậm chí còn mất đi mạng sống.
Ông Trần nói, bất kể ai là người khởi xướng những thay đổi nhân sự trong Quốc vụ viện, thì cũng chỉ có một kết luận đó là “hai người họ [ông Tập và ông Lý] xác thực là có hiềm khích sâu sắc về quan điểm chính trị.”
Cách ông Tập bổ nhiệm quan chức
Ông Vương tin rằng nguyên tắc bổ nhiệm quan chức của ông Tập Cận Bình không dựa trên chỉ số thông minh (IQ) hay chỉ số tình cảm (EQ) của họ, mà dựa trên lòng trung thành của cá nhân họ đối với ông.
Vào ngày 29/01/2016, Bộ Chính trị đã đề xướng rằng ‘cán bộ’ cần tăng cường “bốn ý thức” của ĐCSTQ, đó là: “ý thức chính trị, ý thức đại cục, ý thức nòng cốt, và ý thức noi theo.” Tháng 09/2018, Bộ Chính trị đề ra “hai bảo đảm”: “kiên quyết giữ vững sự lãnh đạo tập trung của Đảng và Ủy ban Trung ương; kiên quyết giữ vững nòng cốt của Ban Chấp hành Trung ương và nòng cốt của toàn Đảng là Tổng bí thư Tập Cận Bình.”
Ông Vương cho hay những cán sự nào không đáp ứng được “bốn ý thức” và “hai bảo đảm” nói trên sẽ bị loại khỏi vòng tròn quyền lực của ông Tập.
Theo tờ Minh Báo, ban lãnh đạo mới của ông Tập trong Quốc vụ viện bao gồm ông Lý Cường (Li Qiang) là thủ tướng, ông Đinh Tiết Tường (Ding Xuexiang) là phó thủ tướng điều hành, và ba phó thủ tướng lần lượt là ông Hà Lập Phong (He Lifeng), ông Lưu Quốc Trung (Liu Guozhong), và ông Trương Quốc Thanh (Zhang Guoqing); các ủy viên Quốc vụ viện có thể sẽ là ông Vương Tiểu Hồng (Wang Xiaohong, cũng là Bộ trưởng Bộ Công an), ông Lý Thượng Phúc (Li Shangfu, cũng là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng), ông Ngô Chính Long (Wu Zhenglong, cũng là Tổng bí thư Quốc vụ viện), bà Thầm Di Cầm (Shen Yiqin), và ông Tần Cương (Qin Gang, cũng là Bộ trưởng Ngoại giao).
Các phe cánh địa phương của ông Tập
Ông Tập Cận Bình có thực sự là người “được ăn cả ngã về không”?
Ông Trần giữ quan điểm rằng một cuộc đấu tranh quyền lực mới sẽ sớm diễn ra trong nội bộ ĐCSTQ. “Ngay cả khi người của ông Tập chiếm ưu thế, thì tranh đấu nội bộ cũng sẽ sớm xảy ra và nội bộ có thể phân ra thành sáu phe chính.”
Theo ông Trần, người của ông Tập gồm các quan chức đến từ Thượng Hải, tỉnh Phúc Kiến, tỉnh Chiết Giang, và tỉnh Thiểm Tây, quê hương của cha ông, tạo thành bốn phe địa phương; còn có phe Thanh Hoa do ông Trần Hi (Chen Xi), Bộ trưởng Bộ Tổ chức Trung ương, từ Đại học Thanh Hoa gây dựng nên; và phe quân sự-công nghiệp do ông Lý Cán Kiệt (Li Ganjie) và ông Trương Quốc Thanh (Zhang Guoqing) lãnh đạo, hai người này hiện đều là thành viên Bộ Chính trị của Ủy ban Trung ương và nguyên là bí thư tỉnh ủy.
Ngoài ra, còn có một “phe theo phu nhân của ông Tập.” Đệ nhất phu nhân của ông Tập là bà Bành Lệ Viện, người giao hảo với các quan chức của tỉnh Sơn Đông. “Tỷ dụ như, ông Mã Hưng Thụy (Ma Xingrui), hiện là Bí thư Thành ủy Tân Cương kiêm Ủy viên Bộ Chính trị, đến từ tỉnh Sơn Đông, và ông Doãn Lực (Yin Li), Bí thư Thành ủy Bắc Kinh, cũng đến từ tỉnh Sơn Đông,” ông Trần cho biết.
Ông tin rằng các cuộc tranh đấu trong nội bộ ĐCSTQ sẽ không bao giờ ngừng nghỉ, và đặc điểm này của ĐCSTQ xác định rằng sáu phe phái lớn này sẽ sớm bước vào trạng thái tranh đấu.
Về việc ai sẽ là người kế nhiệm ông Tập, vấn đề này chắc chắn sẽ được định ra sau một trận chiến đẫm máu và khốc liệt phía trước, ông Trần nói và cho biết thêm rằng chỉ riêng trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị đã có một số phe phái lớn. Ví dụ, ông Đinh Tiết Tường, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban An ninh Nhà nước Trung ương, đại diện cho phe Thượng Hải; ông Thái Kỳ, Bí thư thứ nhất của Ban Bí thư Trung ương, đại diện cho phe Phúc Kiến; và ông Lý Cường đại diện cho phe Chiết Giang. Mỗi phe cánh sẽ sớm phát triển nhân lực của riêng họ trong hệ thống cơ quan này.
Xét cho cùng, cho dù ông Tập Cận Bình có đuổi hết những người ủng hộ đối thủ của mình ra khỏi Quốc vụ viện, thì ông ấy cũng không bao giờ có thể giữ được thái bình bên trong vương triều của mình, ông Trần nói.