Biến cố lịch sử bị Bắc Kinh che giấu: Cuộc thảm sát người Hoa ở Vladivostok
Trong lịch sử, Nga và Liên Xô cũ không chỉ xâm chiếm lãnh thổ Trung Quốc mà còn nhiều lần tàn sát những công dân Trung Quốc vô tội, và nhiều người Trung Quốc biết rất ít về cuộc thanh lọc sắc tộc diễn ra ở Vladivostok.
Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), một nhà sử học Trung Quốc hiện đang sống ở Úc, đã kể lại biến cố lịch sử ở Vladivostok (Hải Sâm Uy) trên chương trình “Diễn đàn Tinh anh” (Pinnacle View) của NTD TV.
Vùng Vladivostok là một phần lãnh thổ của Trung Quốc qua các triều đại nhà Nguyên, nhà Minh, và nhà Thanh. Tuy nhiên, hiện trạng này đã thay đổi sau năm 1630 khi một đội thám hiểm người Nga phát hiện ra Vladivostok, một cảng không bị đóng băng, là cảng biển Viễn Đông mà họ đang tìm kiếm. Ông Lý cho biết, sau đó, họ bắt đầu thèm muốn vùng đất này.
Khi uy thế quốc gia của nhà Thanh suy yếu, tham vọng của [Đế quốc] Nga muốn chiếm giữ vùng đất này ngày càng mạnh mẽ. Khi Anh và Pháp gây chiến với Trung Quốc trong Chiến tranh Nha phiến lần thứ hai, Nga đã lợi dụng tình thế này và buộc triều đình nhà Thanh phải ký Hiệp ước Ái Hồn năm 1858, trong đó quy định rằng 400,000 km2 lãnh thổ (khoảng 154,441 dặm vuông) phía đông sông Ussuri sẽ thuộc quyền quản lý chung của Nga và Trung Quốc.
Hai năm sau, sau khi Chiến tranh Nha phiến lần thứ hai kết thúc, Nga đã lợi dụng cuộc khủng hoảng này và, lấy cớ giúp triều đình nhà Thanh làm trung gian hòa giải, yêu cầu triều đình nhà Thanh ký Hiệp ước Bắc Kinh (1860), trong đó tiếp tục nhượng lại lãnh thổ này, kể cả Vladivostok, cho Nga. Mối quan tâm lớn nhất của triều đình nhà Thanh lúc bấy giờ là dập tắt cuộc nổi dậy Thái Bình Thiên Quốc, một cuộc nổi dậy ở miền nam Trung Quốc nguyên khởi đầu là một cuộc nổi dậy của nông dân và biến thành một cuộc nội chiến vô cùng đẫm máu. Vì vậy, họ đã đồng ý nhượng lại đất đai để đổi lấy sự trợ giúp của Nga, Anh, và Pháp để chinh phục Thái Bình Thiên Quốc, một chế độ quân chủ thần quyền dựa trên Cơ Đốc Giáo.
Bà Quách Quân (Guo Jun), tổng biên tập ấn bản Hồng Kông của The Epoch Times, nói thêm rằng Vladivostok có ý nghĩa to lớn đối với Nga.
“Sa hoàng Nga Peter Đại đế, từng học tập ở Tây Âu, cảm nhận được thời đại bá chủ hàng hải đang đến gần và mơ ước sở hữu một cảng biển,” bà Quách nói. “Do đó, Nga đã tiến hành các cuộc chiến tranh chống lại Thụy Điển và Đế chế Ottoman, giành được hai lối ra biển: Vịnh Phần Lan — nơi Saint Petersburg được thành lập, và Crimea. Tuy nhiên, Biển Baltic, phải đi qua Saint Petersburg, là một vùng biển nội địa, cũng như Hắc Hải phải đi qua Crimea, cả hai đều nằm dưới sự kiểm soát của các quốc gia khác. Do đó, các lựa chọn đường hàng hải của Nga bị thu hẹp xuống còn hai hướng: đi về phía nam, hy vọng đến được Ấn Độ Dương thông qua Iran hoặc Afghanistan, nhưng cuối cùng lại không thể qua Afghanistan; và đi về phía đông, bao gồm cuộc chinh phục Siberia và cuối cùng giành được các vùng đất phía đông sông Ussuri từ nhà Thanh, trong đó Vladivostok là vùng đất quan trọng nhất.”
Vladivostok là cảng duy nhất của Nga có lối đi thẳng ra biển mà không bị đóng băng vào mùa đông. Bà cho biết, vì vậy mà Vladivostok, có nghĩa là “chinh phục phương Đông” trong tiếng Nga, tượng trưng cho giấc mơ tiếp cận Thái Bình Dương từ địa điểm này. Vladivostok cũng từng là căn cứ của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, từng bị Nhật Bản tiêu diệt hoàn toàn trong Chiến tranh Nga-Nhật năm 1905.
Cuộc thảm sát di dân gốc Hoa
Ông Lý Quân (Li Jun), một nhà sản xuất truyền hình Hoa ngữ độc lập, nói trên chương trình Pinnacle View rằng nếu Đệ nhất Thế chiến và Cách mạng Tháng Mười không xảy ra thì vùng Vladivostok này sẽ trở thành giống như Singapore.
Do điều kiện giao thông lúc bấy giờ nên rất ít người Nga sẵn sàng chuyển đến đó. Trong khoảng 20 năm, từ 1860 đến 1881, chỉ có khoảng 10,000 người nhập cư từ Nga, trong khi đối với người Hoa, đặc biệt là những người từ Đông Bắc Trung Quốc và Sơn Đông, việc di cư đến Vladivostok tương đối dễ dàng. Do đó, ngày càng có nhiều người Hoa sống ở Vladivostok.
Những người định cư gốc Nga chủ yếu là binh sĩ hoặc nông dân tiên phong đến sống ở nông thôn. Tại các thành phố lớn như Vladivostok, người Hoa chiếm hơn một nửa dân số.
Vào thời điểm đó, phần lớn cơ sở hạ tầng, bao gồm Ga xe lửa Vladivostok và Đường sắt Vladivostok ở Siberia, đều do người Hoa xây dựng. Các phố mua sắm chính ở Vladivostok hầu hết thuộc sở hữu của người Hoa và một số phố đi bộ sầm uất nhất ở Vladivostok ngày nay là do các doanh nhân người Hoa điều hành vào thời điểm đó. Điều này tương tự như tình hình ở Đông Nam Á, nơi có nhiều thành phố do người Hoa nhập cư xây dựng. Công bằng mà nói thì người Hoa và người Nga đã cùng nhau phát triển vùng Viễn Đông này. Về mặt quân sự và chính trị, người Nga nắm quyền kiểm soát. Nhưng về mặt thương mại, người Hoa chiếm ưu thế hơn.
Ông Lý cho rằng nếu như Đệ nhất Thế chiến và Cách mạng Tháng Mười không xảy ra thì có thể ngày càng nhiều người Hoa đã di cư đến đó và nơi đây sẽ trở thành Singapore hoặc Malaysia của Đông Bắc Á.
“Các khẩu hiệu của Đảng Cộng sản Liên Xô (CPSU) rất hấp dẫn, chẳng hạn như ‘bình đẳng cho mọi người’ và ‘xóa bỏ bóc lột và áp bức.’ Vào thời điểm đó, người ta nói rằng có ít nhất 50,000 người Hoa tham gia trợ giúp CPSU chiến đấu chống lại Nga hoàng. Ông Lý cho biết, sau này, khi Liên Xô giành được quyền lực, thì tình hình dần dần thay đổi.”
Theo các tài liệu liên quan, số lượng người Hoa ở Viễn Đông bắt đầu giảm liên tục, từ 200,000 xuống còn 60,000, rồi xuống còn 40,000. Đến những năm 1930, chỉ còn lại khoảng 30,000 người Hoa.
“Vào thời điểm đó, giữa cuộc Đại Thanh Trừng của Nga, Liên Xô bắt đầu áp dụng các biện pháp cưỡng chế và thực hiện hàng loạt vụ bắt giữ quy mô lớn, trong đó có việc bắt giữ hơn 6,000 người ở tỉnh Bình Hải vì tin rằng những người Hoa này là gián điệp. Hơn 3,000 người Hoa đã bị bắn chỉ trong một chiến dịch,” ông Lý cho biết. “Sau đó, nhiều người Hoa bị kết án cải tạo lao động, và nhiều người đã bỏ mạng trong các trại lao động. Thống kê sau đó cho thấy số người Hoa bị Liên Xô sát hại trong cuộc Đại Thanh Trừng từ năm 1936 đến năm 1938 là khoảng 8,000 người. Cùng với những người thiệt mạng trong các trại lao động, hơn 10,000 người Hoa đã qua đời.”
“Khoảng 8,000 người Hoa còn lại đã vô cùng khiếp sợ, sống trong nỗi sợ hãi thường trực vì người thân và bằng hữu của họ đã bị sát hại. Do vậy, cuối cùng chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đã đưa nhóm người Hoa này trở về. Sau đó người ta nói rằng ở Viễn Đông chỉ còn lại khoảng hai hoặc ba trăm người Hoa. Ông Lý nói thêm rằng thời đại mà hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn người Hoa [sinh sống] ở Vladivostok Viễn Đông, đã hoàn toàn chấm dứt.”
Theo ông Lý, có thể có hai lý do khiến Đảng Cộng sản Liên Xô quyết định tiến hành cuộc thảm sát người Hoa này.
“Có lẽ một mặt là những người cộng sản này muốn xóa bỏ sở hữu tư nhân, và vì người Hoa ở đó đều là doanh nhân và nhà tư bản nên họ xem phần lớn người Hoa là kẻ thù giai cấp của mình. Họ dùng đủ mọi biện pháp để đàn áp và áp bức người Hoa, buộc họ phải rời đi. Mặt khác, sau khi Liên Xô thành lập, xu hướng dân tộc chủ nghĩa ngày càng mạnh mẽ. người Nga coi những người Á Châu không phải gốc Nga và không phải gốc Âu Châu là một mối đe dọa đối với họ nên họ bắt đầu áp dụng chính sách trục xuất người Nam Hàn, người Nhật, và người Hoa,” ông Lý cho biết.
Sự che giấu của ĐCSTQ
Ông Thạch Sơn (Shi Shan), một cây viết kỳ cựu và là cộng tác viên cho The Epoch Times ấn bản Hoa ngữ, cho biết trong chương trình rằng ĐCSTQ thường thổi phồng cái gọi là xu hướng bài Hoa hay Đạo luật Bài trừ người Hoa ở Hoa Kỳ, Canada, và Úc, nhưng che giấu người dân Trung Quốc về cuộc thảm sát ở Vladivostok.
Hân Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times