Biên bản họp: Hệ thống Dự trữ Liên bang lo ngại về lạm phát gia tăng
Một số quan chức Fed cho rằng việc tiến hành tăng lãi suất có thể là hành động phù hợp.
Các quan chức Hệ thống Dự trữ Liên bang đồng ý rằng sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến để đạt được niềm tin lớn hơn rằng lạm phát đang hướng tới mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương, theo biên bản mới từ cuộc họp hoạch định chính sách diễn ra từ ngày 01/04 đến ngày 01/05.
Được công bố hôm 22/05, bản tóm lược cuộc họp kéo dài hai ngày này xoay quanh việc các nhà hoạch định chính sách thảo luận về nguyên nhân khiến lạm phát gia tăng trong quý 1/2024, với các ý kiến khác nhau, từ những thay đổi theo mùa đến các mức tăng tiềm năng trên diện rộng mà không nên “xem nhẹ quá mức.”
Biên bản nêu bật việc cân nhắc về thời điểm thích hợp để nới lỏng chính sách tiền tệ, với những người tham gia cuộc họp đánh giá rằng lộ trình tương lai của lập trường hạn chế của Fed là không chắc chắn.
“Những người tham gia quan sát thấy rằng mặc dù lạm phát đã giảm bớt trong năm qua nhưng trong những tháng gần đây vẫn chưa có tiến triển hơn nữa hướng tới mục tiêu 2% của Ủy ban,” biên bản nêu rõ. “Dữ liệu hàng tháng gần đây cho thấy sự gia tăng đáng kể trong các thành phần của lạm phát giá hàng hóa và dịch vụ.”
Một số bên tham gia thị trường cho rằng việc tiến hành tăng lãi suất có thể là hành động phù hợp.
Biên bản viết: “Nhiều người tham gia đã đề cập đến sự sẵn lòng thắt chặt chính sách hơn nữa nếu rủi ro lạm phát xảy ra theo cách mà hành động đó trở nên phù hợp.”
Các quan chức đã ám chỉ về việc lạm phát đang gây áp lực như thế nào đối với người tiêu dùng Mỹ, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.
“Nhiều người tham gia lưu ý các dấu hiệu cho thấy tài chính của các gia đình có thu nhập thấp và trung bình đang ngày càng chịu áp lực, điều mà những người tham gia này xem là rủi ro làm giảm triển vọng tiêu dùng,” bản tóm lược cho biết. “Họ lưu ý rằng việc sử dụng thẻ tín dụng và các dịch vụ mua ngay trả sau, cũng như tỷ lệ quá hạn đối với một số loại khoản vay tiêu dùng đã tăng lên.”
Các nhà kinh tế là nhân viên của Fed cảnh báo rằng tình hình tài chính gia đình đang xấu đi, đặc biệt là đối với các gia đình có thu nhập thấp và điều này có thể “là lực cản lớn hơn so với những gì mà các nhân viên dự đoán đối với hoạt động.”
Đầu tháng này, Fed đã giữ nguyên lãi suất trong mức phạm vi từ 5.25% đến 5.5%, mức cao nhất trong vòng 23 năm.
Cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày tiếp theo sẽ diễn ra hôm 11 và 12/06.
Phản ứng của thị trường
Thị trường tài chính Hoa Kỳ đã chuyển biến tiêu cực sau khi biên bản báo hiệu rằng Fed đang lo ngại về thiếu tiến bộ trong nỗ lực chống lạm phát.
Các chỉ số chuẩn hàng đầu đã giảm tới 0.5%.
Lợi suất công khố phiếu Hoa Kỳ đã tăng trên diện rộng, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chuẩn tăng trên 4.43%. Lợi suất công khố phiếu kỳ hạn 2 năm tăng trên mức 4.88%, trong khi công khố phiếu kỳ hạn 30 năm đạt mức 4.55%.
Chỉ số USD, thước đo của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ, đã tăng lên 104.80, nâng mức tăng từ đầu năm lên gần 3.5%.
Các quan chức Fed đang nói gì
Bất chấp các chỉ số lạm phát nóng hơn kể từ đầu năm 2024 khiến ngân hàng trung ương lo sợ, các quan chức Fed vẫn hoan nghênh việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tư giảm nhẹ 0.1%.
Phó Chủ tịch Fed Philip Jefferson cho biết tại hội nghị của Hiệp hội Ngân hàng Cho vay Thế chấp (MBA) hôm 20/05, “Còn quá sớm để biết liệu sự chậm lại gần đây trong tiến trình giảm phát có kéo dài hay không. Dữ liệu tốt hơn trong tháng Tư là điều đáng khích lệ.”
Trước khi công bố biên bản cuộc họp, các quan chức Fed khẳng định lạm phát có thể sẽ tiếp tục giảm nhưng với tốc độ chậm hơn. Tuy nhiên, họ nhắc lại quan điểm rằng họ sẽ chờ đợi cho đến khi có nhiều dữ liệu lạm phát khởi sắc hơn trước khi ủng hộ việc cắt giảm lãi suất.
Về việc khi nào điều đó có thể xảy ra, thì có nhiều ý kiến khác nhau.
Trình bày tại Hội nghị Thị trường Tài chính ở Đảo Amelia, Florida hôm 21/05, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta Raphael Bostic nói rằng ông không mong đợi một đợt cắt giảm lãi suất xảy ra trước quý 4 năm nay.
“Tôi không vội cắt giảm lãi suất,” ông Bostic nói tại sự kiện của ngân hàng trung ương khu vực. “Chúng tôi cần bảo đảm rằng khi chúng ta bắt đầu đi theo con đường đó, thì rõ ràng là lạm phát đang trên đà về mức 2%. Sự tồn tại của tâm lý hưng phấn tiềm ẩn này có nghĩa là chúng ta phải rất thận trọng khi thực hiện bước đi đầu tiên đó, và điều đó có thể có nghĩa là việc cắt giảm lãi suất phải xảy ra vào thời gian sau.”
Thành viên hội đồng quản trị Fed Christopher Waller cho biết tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson rằng ông sẽ không chia sẻ về thời điểm cắt giảm lãi suất vào lúc này.
Theo bản Tóm lược Dữ liệu Dự báo Kinh tế tháng Ba, các quan chức Fed vẫn dự đoán sẽ có 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, với lãi suất chính sách trung bình giảm xuống 4.6%.
Thị trường tương lai đang định giá theo hai đợt giảm lãi suất hai phần tư điểm phần trăm trong năm nay, bắt đầu từ tháng Chín.
Chỉ số lạm phát quan trọng tiếp theo sẽ là chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) ưa thích của Fed. Chỉ số này đạt mức cao hơn một chút so với dự kiến vào tháng Ba, tăng từ 2.5% lên 2.7%.
Bất chấp chỉ số CPI cho thấy áp lực giá cả trên diện rộng, cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke nói rằng Hoa Kỳ sẽ cần phải trải qua sự yếu kém trên thị trường lao động để chống lạm phát thành công và khôi phục tỷ lệ mục tiêu 2%.
Ông Bernanke đồng viết trong một bài báo của Viện Brookings: “Một số quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, có thể cần nới lỏng các điều kiện thị trường lao động để đạt được mục tiêu lạm phát của mình.”
Tháng trước, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 3.9% từ mức 3.8%.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times