Biên bản họp cho thấy, Fed dự tính cuộc khủng hoảng ngân hàng sẽ gây ra suy thoái kinh tế vào cuối năm nay
Biên bản từ cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) tháng Ba tiết lộ, nhân viên Cục Dự trữ Liên bang đang dự đoán rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng sẽ gây ra suy thoái kinh tế vào cuối năm nay.
Đúng như dự đoán, tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng là trọng tâm chính của cuộc họp chính sách tháng trước, với nhiều người tham gia Fed bày tỏ lo ngại rằng sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và Signature Bank sẽ dẫn đến các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn, sau đó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, tuyển dụng và lạm phát. Nhưng không có sẵn dữ liệu kinh tế nào vào thời điểm đó để xác định ngay các sự kiện trong lĩnh vực ngân hàng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế rộng lớn hơn ra sao.
Trong nhiều tháng, nền kinh tế Hoa Kỳ đã được dự đoán sẽ cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP thực tế ảm đạm và thị trường lao động yếu đi. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng trung ương hiện kỳ vọng rằng nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái vào cuối năm nay và sau đó sẽ phục hồi trong hai năm tiếp theo.
Bản tóm tắt cuộc họp đã nêu: “Dựa trên đánh giá của họ về tác động kinh tế tiềm tàng của những phát triển gần đây của ngành ngân hàng, dự đoán của nhân viên của Fed tại thời điểm diễn ra cuộc họp tháng Ba bao gồm một cuộc suy thoái nhẹ bắt đầu vào cuối năm nay, với sự phục hồi trong hai năm tiếp theo.”
“Tăng trưởng GDP thực tế vào năm 2024 được dự đoán sẽ duy trì dưới mức ước tính của nhân viên Fed về tăng trưởng sản lượng tiềm năng, và sau đó tăng trưởng GDP vào năm 2025 dự kiến sẽ cao hơn mức tiềm năng. Việc sử dụng tài nguyên trong cả thị trường sản phẩm và thị trường lao động được dự báo sẽ ít cải thiện hơn nhiều so với dự đoán vào tháng Một.”
Do các sự kiện xảy ra vào đầu tháng trước, một số quan chức đã khuyến nghị việc tạm dừng tăng lãi suất. Các quan chức khác lập luận rằng ủy ban thiết lập lãi suất cần phải có sự linh hoạt về chính sách.
Biên bản này cho biết, “Trước triển vọng kinh tế rất bất ổn, những người tham dự cuộc họp này đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi chặt chẽ thông tin sắp tới và đánh giá tác động đối với các quyết định chính sách tiền tệ trong tương lai.”
“Những người tham dự cuộc họp này lưu ý rằng điều đặc biệt quan trọng là phải xem xét thông tin sắp tới về những thay đổi về điều kiện tín dụng và dòng tín dụng cũng như những thay đổi lớn hơn về điều kiện tài chính và để đánh giá tác động đối với hoạt động kinh tế, thị trường lao động, và lạm phát. Một số người tham gia đã nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì tính linh hoạt và tùy chọn trong việc xác định lập trường phù hợp của chính sách tiền tệ với triển vọng kinh tế rất bất ổn.”
Về mặt lạm phát, những người tham dự cuộc họp kỳ vọng giá sẽ tiếp tục giảm. Tuy nhiên, các quan chức đã đồng ý rằng có rất ít bằng chứng để xác nhận một xu hướng giảm phát đối với các dịch vụ cốt lõi, ngoại trừ thị trường nhà đất.
Các quan chức ngân hàng trung ương ủng hộ lập trường chính sách hạn chế vì những rủi ro đối với triển vọng lạm phát.
Biên bản nêu rõ, “Một số người tham dự đã lưu ý tầm quan trọng về các kỳ vọng lạm phát dài hạn vẫn cố hữu và nhận xét rằng lạm phát càng duy trì ở mức cao lâu, thì nguy cơ không thay đổi được kỳ vọng lạm phát trở thành càng lớn.”
Tháng trước, Fed đã tăng lãi suất thêm 25 điểm căn bản, nâng lãi suất quỹ liên bang chuẩn (FFR) lên mức 4.75 và 5.00%.
Dừng lại hay đẩy về phía trước?
Trong năm ngoái, ngân hàng trung ương Hoa Kỳ đã tăng lãi suất chính sách thêm 475 điểm căn bản và hiện đang ở mức cao nhất kể từ cuối năm 2007.
Theo CME FedWatch Tool, các nhà đầu tư kỳ vọng rằng các quan chức sẽ kích hoạt một đợt tăng lãi suất thêm một phần tư điểm nữa tại cuộc họp FOMC vào tháng tới, đặc biệt là khi lạm phát hàng năm duy trì xu hướng giảm.
Khảo sát Dự báo Kinh tế (SEP) của Fed cho thấy các thành viên Hội đồng Fed và chủ tịch ngân hàng khu vực dự đoán lãi suất quỹ liên bang trung bình là 5.1% và sau đó giảm xuống 4.3% vào năm 2024 và 3.1% vào năm 2025.
Tuy nhiên, có sự khác biệt ngày càng lớn giữa các nhà hoạch định chính sách của Fed, cho rằng lạm phát vẫn còn quá cao, đặc biệt là chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi (CPI), chỉ số vốn loại bỏ các lĩnh vực năng lượng và thực phẩm dễ biến động.
Hồi tháng Ba, tỷ lệ lạm phát căn bản hàng năm đã tăng lên 5.6%, tăng từ mức 5.5% trong tháng Hai. Lạm phát dịch vụ cũng vẫn duy trì ở mức cao 7.3% hồi tháng Ba, mặc dù đã giảm từ 7.6%.
Chủ tịch Ngân hàng Fed tại Richmond, ông Thomas Barkin, hôm thứ Tư (12/04) đã tuyên bố rằng ông vẫn đang chờ cho lạm phát “suy giảm.”
Ông Barkin nói với CNBC, “Tình hình đã như dự tính. Tôi đặc biệt tập trung vào lạm phát cốt lõi, vẫn đang chạy hơn 5% một chút so với năm trước. Và quý vị biết đấy, chúng ta đã có một số tin tốt về năng lượng, nhưng tôi nghĩ vẫn còn nhiều việc phải làm để đưa lạm phát căn bản trở lại mức chúng tôi mong muốn.”
“Tôi đang chờ lạm phát suy giảm. Lạm phát đang đi đúng hướng… nhưng nếu không có một hoặc hai tháng hoặc ba tháng mà lạm phát ở mức mục tiêu của chúng tôi, thì thật khó để chứng minh rằng chúng tôi đang hướng tới đó một cách thuyết phục.”
Ông Patrick Harker, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Philadelphia, khuyến nghị đưa FFR lên trên 5% và sau đó để yên ở đó một thời gian.
Ông Harker cho biết trong một bài nói hôm 11/04 tại Sáng kiến Wharton về Chính sách và Quy định Tài chính, “Vì có thể mất tới 18 tháng để tác động đầy đủ của các hành động chính sách tiền tệ để có tác dụng với nền kinh tế, chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét kỹ dữ liệu hiện có để xác định những hành động bổ sung mà chúng tôi có thể cần thực hiện.”
Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee kêu gọi các đồng nghiệp của mình thực hành “thận trọng và kiên nhẫn,” ám chỉ rằng tổ chức này cần nhấn nút tạm dừng các nỗ lực thắt chặt tiền tệ khi hệ thống ngân hàng gặp căng thẳng tài chính.
Trong một bài nói hôm 11/04 trước Câu lạc bộ Kinh tế Chicago, ông Goolsbee cho biết: “Với đầy rẫy bất ổn về những yếu tố ngăn cản tăng trưởng này sẽ đi về đâu, tôi nghĩ chúng ta cần phải thận trọng. Chúng ta nên thu thập thêm dữ liệu và cẩn thận về việc tăng lãi suất quá mạnh cho đến khi chúng ta thấy được những yếu tố này đang đem đến cho chúng ta bao nhiêu công việc để giảm lạm phát.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times