Biên bản họp: Các quan chức Fed cho biết ‘không nên xem nhẹ’ mức tăng lạm phát mới đây
Con đường đạt được mục tiêu 2% của Hệ thống Dự trữ Liên bang có thể sẽ còn gập ghềnh.
Theo biên bản họp của Fed, các quan chức Hệ thống Dự trữ Liên bang đã thừa nhận rằng dữ liệu lạm phát mới nhất đã không củng cố lòng tin cho họ về việc lạm phát đang giảm dần về mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.
Những người tham gia cuộc họp chính sách tháng Ba của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã đồng thuận về tính không chắc chắn xung quanh tình trạng lạm phát cao kéo dài. Trong khi còn đó những tranh luận về việc liệu lạm phát cao có phải là những va chạm trên con đường đạt đến mục tiêu hay không, hay là một thứ gì đó khác, thì một số quan chức đã gợi ý về việc mức tăng lạm phát mới đây đã xảy ra rộng khắp trên nhiều lĩnh vực như thế nào “và không nên xem đó chỉ là những sai lệch thống kê.”
“Tuy nhiên, một số người tham gia đã lưu ý rằng tính thời vụ còn sót lại có thể ảnh hưởng đến chỉ số lạm phát vào đầu năm,” biên bản nêu rõ. “Những người tham gia nhìn chung đã nhận xét rằng họ vẫn rất chú ý đến những rủi ro lạm phát nhưng họ cũng đã dự đoán rằng sẽ có một chút mất cân đối trong chỉ số lạm phát hàng tháng trong quá trình lạm phát quay trở lại mức mục tiêu.”
Biên bản cuộc họp cho thấy các thành viên của ủy ban ấn định lãi suất này đã gợi ý rằng các điều kiện tài chính hiện tại có thể đang không hạn chế đến mức như họ nghĩ, điều có thể làm hồi sinh nguy cơ lạm phát. Ngoài ra, xung đột địa chính trị có thể là một mối đe dọa khác gây áp lực tăng giá.
“Khả năng các sự kiện địa chính trị hoặc nhu cầu trong nước tăng cao khiến giá năng lượng tăng cao cũng đã được xem là một nguy cơ làm tăng lạm phát,” biên bản tóm tắt cuộc họp nêu rõ. “Một số người tham gia đã lưu ý về những bất ổn liên quan đến mức độ thắt chặt của các điều kiện tài chính và rủi ro liên quan với việc này là các điều kiện đã hoặc có thể sẽ trở nên ít thắt chặt hơn mong muốn, một yếu tố có thể góp phần tạo thêm động lực cho tổng cầu và gây áp lực tăng cho lạm phát.”
Các quan chức Fed đã giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang chuẩn không đổi ở phạm vi từ 5.25% đến 5.5% vào tháng trước. Bản cập nhật tháng Ba của báo cáo Tóm tắt các Dự báo Kinh tế (SEP) cho thấy các quan chức vẫn mong đợi ba đợt cắt giảm lãi suất ¾ điểm phần trăm, hạ mức lãi suất chính sách trung bình xuống 4.6%.
Biên bản cho thấy các thành viên đã đồng ý rằng nên áp dụng một cách tiếp cận “thận trọng.”
Phản ứng của thị trường
Thị trường tài chính đã tiếp tục chìm trong sắc đỏ sau biên bản của Fed.
Sau báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới nhất, các chỉ số chuẩn hàng đầu đã giảm tới 1.2%.
Lợi suất công khố phiếu Hoa Kỳ đã tăng trên diện rộng, với lợi suất công khố phiếu kỳ hạn 10 năm chuẩn tăng lên 4.55%, mức cao nhất trong vòng sáu tháng. Lợi suất công khố phiếu kỳ hạn 2 năm tăng vọt khoảng 21 điểm cơ bản lên 4.96%, trong khi lợi suất công khố phiếu kỳ hạn 30 năm tăng lên vượt quá mức 4.62%.
Chỉ số USD (DXY), thước đo của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ, vẫn giữ nguyên mức tăng, tăng trên 106.00.
Các nhà quan sát thị trường đã cảnh báo rằng một làn sóng lạm phát thứ hai tiềm ẩn sẽ khiến ngân hàng trung ương Hoa Kỳ gặp khó khăn hơn trong việc tiến hành ba đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay.
“Chỉ số CPI tăng cao lên 3.5% sẽ gây khó khăn cho Hệ thống Dự trữ Liên bang trong việc tiến hành kế hoạch cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm nay,” ông David Miller, CIO và giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại Catalyst Funds, cho biết. “Nhiều khả năng, họ sẽ mắc kẹt trong kịch bản [lãi suất] cao hơn trong thời gian dài hơn nếu muốn duy trì mục tiêu lạm phát 2%. Kịch bản này sẽ gây áp lực lên các công khố phiếu có kỳ hạn dài hơn.”
Tổng thống Joe Biden cũng bình luận về chủ đề này, nói với các phóng viên rằng ông tin là sẽ có một đợt cắt giảm lãi suất trước khi năm nay kết thúc.
“Tôi giữ nguyên dự đoán của mình rằng sẽ có một đợt cắt giảm lãi suất trước khi hết năm,” ông Biden nói, đồng thời cho biết thêm rằng “kết quả lạm phát gần đây có thể trì hoãn đợt cắt giảm đó ra sau một tháng.”
Giữ nguyên hay cắt giảm lãi suất?
Nền kinh tế Hoa Kỳ đã chứng kiến bốn tháng liên tiếp chỉ số lạm phát nóng hơn dự kiến, dẫn đến lo ngại rằng áp lực giá đang gia tăng trở lại trên diện rộng.
Tỷ lệ lạm phát hàng năm đã tăng lên 3.5% trong tháng Ba, tăng từ mức 3.2% trong tháng Hai. Con số này cao hơn mức ước tính đồng thuận 3.4%.
Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng cơ bản (hay CPI cốt lõi), loại trừ các thành phần năng lượng và thực phẩm, đã không đổi ở mức 3.8%. Tuy nhiên, CPI cơ bản trong ba tháng và sáu tháng tính theo năm lần lượt là 4.9 và 3.9%.
Chủ tịch Fed Jerome Powell gần đây đã nhắc lại rằng không rõ liệu các chỉ số lạm phát cao hơn là do điều chỉnh theo mùa hay do nguyên nhân nào khác.
“Về lạm phát, còn quá sớm để nói liệu các số liệu gần đây có phản ánh nhiều hơn là chỉ một chút va chạm hay không,” ông Powell cho biết hôm 03/04 trong một bài nói đã được chuẩn bị sẵn từ trước trong phiên hỏi đáp tại Đại học Stanford.
“Chúng tôi không kỳ vọng việc hạ lãi suất chính sách là phù hợp cho đến khi chúng tôi tin tưởng hơn rằng lạm phát đang giảm xuống mức 2% một cách bền vững. Với sức mạnh của nền kinh tế và những tiến bộ về lạm phát cho đến nay, chúng tôi có thời gian để chờ cho dữ liệu sắp tới dẫn hướng cho các quyết định về chính sách của chúng tôi.”
Đối với các nhà phân tích thị trường, quỹ đạo đi lên của thước đo lạm phát siêu cốt lõi ưa thích của Fed, đo lường các dịch vụ trừ đi chi phí nhà ở, có thể ngăn ngân hàng trung ương kích hoạt cắt giảm lãi suất.
Lạm phát siêu cốt lõi trong tháng Ba đã tăng gần 5% so với cùng thời kỳ năm trước. Sự thay đổi hàng năm trong ba tháng về lạm phát siêu cốt lõi đã vượt quá 8%, và mức điều chỉnh hàng năm trong sáu tháng là 6%.
Ông Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng tại Apollo, cho biết: “Chúng tôi vẫn giữ quan điểm rằng Fed sẽ không cắt giảm lãi suất vào năm 2024.”
Theo CME FedWatch Tool, thị trường tương lai đã từ bỏ kịch bản cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu. Các nhà đầu tư hiện chỉ đưa ra tín hiệu về hai lần giảm lãi suất, với lần đầu tiên diễn ra tại cuộc họp chính sách vào tháng Chín. Bước sang năm 2024, các nhà giao dịch đã đặt cược vào sáu lần cắt giảm lãi suất ¼ điểm phần trăm.
Bà Nancy Tengler, Giám đốc điều hành và CIO của Laffer Tengler Investments, cho biết trong những tuần gần đây, một loạt các quan chức Fed đã bình luận rằng còn quá sớm để xem xét việc cắt giảm lãi suất, buộc thị trường phải tập trung vào từng lời nói của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ.
Bà nói trong một ghi chú phân tích: “Cuối cùng, Fed tiếp tục đưa ra những tuyên bố mà họ phải xem xét lại, và việc thị trường tiếp tục tập trung vào từng lời nói làm tăng thêm sự biến động.”
Bà Tengler lưu ý, hiện tại, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng Ba sẽ là chỉ số lạm phát quan trọng đối với các nhà đầu tư.
Bà Tengler nêu trong một ghi chú phân tích, “Tôi đã bày tỏ lo ngại rằng chỉ số CPI/lạm phát rất khó điều chỉnh. Chúng tôi hình thành quan điểm này vì các dữ liệu PPI gần đây nhất đang rất nóng và PPI đã dẫn đầu trong cấu trúc lạm phát này. Báo cáo ngày mai sẽ là rất quan trọng.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times