Bị ma quỷ mê hoặc nảy sinh ý nghĩ hão huyền: Mua chức quan Âm Phủ để được phú quý ở cõi âm
Vào thời nhà Thanh, ở vùng Bảo Định có một sinh viên (học sinh vượt qua khảo thí hợp cách trong thời phong kiến, nhập học vào các trường của huyện, châu, phủ) mang họ Giáp. Ông muốn đến đô thành quyên quan (nộp tiền cho triều đình để được ban cho chức quan) cầu một chức Huyện doãn. Chẳng may, đúng lúc ấy thì Giáp đổ bệnh, kéo dài hơn một tháng mà vẫn không dậy nổi. Một hôm, đột nhiên có một vị khách không mời đến nhà thăm hỏi ông. Lúc này, họ Giáp quên mất mình đang bị bệnh, đứng dậy đi gặp khách. Người đến mặc trang phục sang quý giống thượng khách. Sau khi chắp tay thi lễ ba cái, họ Giáp mời vị khách vào chỗ ngồi, hỏi ông là nhân sĩ nơi nào. Vị khách đáp: “Tôi là Công Tôn Hạ, là khách của Thập Nhất Hoàng tử. Tôi nghe nói ông muốn mưu cầu một chức quan Huyện doãn. Đã có chí hướng như thế, sao không mưu cầu chức Thái thú, như vậy chẳng phải tốt hơn sao?”
Họ Giáp khách khí cảm tạ vị khách, rồi nói: “Tài lực không đủ, không dám mong ước quá xa.” Vị khách đề nghị ra tay trợ giúp, chỉ cần trả trước một nửa tiền, sau khi nhận chức quan rồi giao đủ số còn lại là được. Trong lòng Giáp mừng rỡ, bèn hỏi sâu hơn về sách lược. Vị khách nói: “Đốc, phủ đều là bằng hữu tương giao hợp ý nhất của tôi, giao 5,000 xâu tiền là có thể thành ngay. Hiện nay Chân Định đang trống một chức quan, rất nhanh ông sẽ có thể có được vị trí này.”
Giáp mỗ rất kinh ngạc và tỏ vẻ hoài nghi, bởi vì Chân Định cũng trực thuộc tỉnh, mà chiếu theo quy củ, thì người trong tỉnh không được phép làm quan trong tỉnh đó. Vị khách cười nói: “Ông đúng là cổ hủ! Chỉ cần có tiền vuông (đồng tiền ngày xưa đúc bằng đồng có lỗ hình vuông ở giữa), thì sợ gì trong tỉnh với ngoài tỉnh?” Ông Giáp vẫn do dự nghi hoặc, cho rằng những lời nói của vị khách bất thường này thực không đáng tin cậy.
Vị khách nói: “Không cần nghi ngờ. Xin được nói thẳng với ông, hiện nay vị trí còn thiếu đó chính là chức Thành Hoàng ở Âm phủ. Dương thọ của ông đã hết, tên ông đã được viết trong sổ tử rồi. Nhân lúc này, hãy lo liệu một chút, còn có thể đạt được phú quý ở Âm phủ.” Nói xong, vị khách liền đứng dậy cáo biệt, nói: “Ông cứ suy nghĩ thêm đi, ba ngày sau lại gặp nhau.” Nói rồi, vị này bước ra khỏi cửa, cưỡi ngựa rời đi.
Họ Giáp đang mê man trong cơn bệnh chợt mở mắt ra, nói lời vĩnh biệt với vợ, đồng thời sai người lấy hết tiền bạc cất giấu trong nhà ra mua một vạn xâu tiền giấy (tiền để cúng tế). Tiền âm phủ bán trên thị trường trong quận, ông ta đều mua hết, kể cả các hình nộm đồ mã. Tất cả được chất đống trong sân, ngày đêm đốt cháy, tro bụi bay tứ phương. Ba ngày sau, vị khách đó quả nhiên lại tới.
Ông Giáp giao ra số tiền mà vị khách đã yêu cầu, người này liền dẫn ông đến quan nha ở Âm phủ. Ông nhìn thấy một vị quan lớn ngồi trên điện, bèn quỳ xuống đất bái lạy. Vị quan lớn xem qua họ tên, rồi động viên Giáp rằng: “Thanh liêm, cẩn thận.” Đồng thời, vị quan lấy công văn ra, gọi Giáp đến trước án rồi giao cho ông ta. Giáp dập đầu bái tạ rồi bước ra khỏi quan nha.
Họ Giáp thầm nghĩ, mình xuất thân giám sinh hèn mọn như này, nếu không có y phục, ngựa xe sang trọng thì không đủ uy phong khiến các đồng sự thuộc cấp kính nể. Thế là, ông ta liền mua cỗ kiệu và xe ngựa loại tốt; lại sai quỷ dịch khiêng kiệu hoa đi đón người ái thiếp xinh đẹp của mình. Tất cả chuẩn bị xong xuôi, thì lúc đó đội nghi trượng Chân Định đến đón họ Giáp nhậm chức cũng đã tới. Họ Giáp dẫn đầu đoàn người diễu võ giương oai nghênh ngang đi hơn một trăm dặm, rất đắc ý.
Bỗng nhiên, tiếng nhạc của đoàn nhạc dẫn đường phía trước ngừng lại, cờ xí tung bay cũng rũ xuống. Trong khi Giáp đang ngạc nhiên nghi hoặc, thì thấy những người cưỡi ngựa trong đội ngũ của mình đều xuống ngựa quỳ phục bên đường. Mỗi người dường như nhỏ bé chỉ còn một thước, ngựa chỉ to bằng con mèo rừng. Phu xe phía trước hoảng sợ nói: “Quan Đế đến rồi!” Họ Giáp kinh sợ, cũng vội xuống xe quỳ phủ phục bên đường. Xa xa, Quan Đế Quân cưỡi ngựa chậm rãi đi đến. Râu của ông rất rậm, vòng tới bên gò má; hai mắt dài gần như đến giáp tai. Thần thái của ông uy nghiêm dũng mãnh, nhưng nhìn không giống hình dáng Quan Đế Quân mà họ Giáp thường thấy. Quan Đế cùng bốn, năm người tùy tùng cưỡi ngựa đi phía sau, tiến về phía họ Giáp.
Quan Đế Quân ngồi trên ngựa, hỏi: “Đây là vị quan nào?” Tùy tùng đáp: “Thái thú Chân Định.” Quan Đế Quân nói: “Chỉ là quan một quận, sao lại dám phô trương như vậy!” Họ Giáp nghe xong lời này thì nhất thời hoảng sợ rùng mình, thân thể co nhỏ lại. Ông nhìn lại, thấy thân hình của mình nhỏ bé như em bé sáu, bảy tuổi.
Quan Đế Quân lệnh cho họ Giáp đứng dậy, đi theo phía trước ngựa của ông. Khi đi đến một tòa cung điện bên đường, Quan Đế dẫn Giáp đi vào. Ngài ngồi hướng về phía Nam, lệnh cho Giáp viết ra họ tên, làng xã, quê quán. Giáp viết xong trình lên cho Đế Quân. Đế Quân xem xong, nổi giận nói: “Chữ viết sai không ra hình tượng gì! Đây là hạng đầu cơ buôn bán, sao có thể đảm nhận chức Thái thú của một quận được!”
Tiếp đó, Đế Quân lại sai người tra xét sổ đức hạnh của họ Giáp. Một người ở bên quỳ xuống tấu, không biết là đã tấu những gì. Đế Quân nghe xong, nghiêm giọng nói: “Người này luồn cúi mua chức quan, tội nhẹ. Kẻ mua bán quan tước, để vơ vét tiền tài, là tội nặng!” Quan Đế lập tức gọi Kim Giáp Thần mang theo xiềng xích đi bắt kẻ tham ô bán chức quan. Hai người khác thì bắt giữ Giáp, lột bỏ quan phục, dùng gậy trúc đánh 50 roi, đánh đến mức mông trầy da thịt bong, sau đó đuổi ra khỏi điện.
Sau khi bị đuổi ra khỏi quan nha, họ Giáp quay đầu nhìn tứ phía, xe ngựa đều không còn, chỉ còn lại thân thể của mình đau nhức vô cùng. Ông không thể cất bước, đành phải nằm dài trên bãi cỏ. Ông cẩn thận quan sát xung quanh, phát hiện ra chỗ này cách nhà của mình không quá xa. Ông cố hết sức, mất một ngày một đêm mới về đến nhà. Lúc này, họ Giáp cảm thấy giống như đột nhiên tỉnh giấc mộng, nằm trên giường rên rỉ thành tiếng. Người nhà đều tới hỏi han ông. Thì ra ông nằm trên giường như đã chết bảy ngày rồi. Ông nhìn thấy người nhà thì sực nhớ tới ái thiếp, bèn hỏi: “Vì sao A Liên (ái thiếp) không đến thăm ta?” Sau khi trở về dương gian, ông quên mất rằng, mình đã sai người rước ái thiếp đến Âm Phủ rồi.
Lại nói chuyện một ngày trước đó, ái thiếp A Liên bỗng nhiên nói với người trong nhà rằng: “Phu quân đã làm Thái thú Chân Định rồi, sai người đến đón ta.” Thế là nàng đi vào trong phòng, trang điểm, mặc trang phục thật xinh đẹp, sau đó thì tắt thở qua đời. Nghe người trong nhà kể lại như vậy, ông Giáp hối hận không thôi, đấm ngực dậm chân, sai người giữ lại thi thể của nàng không cho mai táng, hy vọng hồn phách của A Liên có thể trở về. Song đã qua mấy ngày mà vẫn không có dấu hiệu gì, lúc này người nhà mới đem nàng đi chôn cất.
Bệnh của họ Giáp dần dần khỏi, thế nhưng vết thương ở trên đùi vẫn đau đớn không chịu đựng nổi, sau nửa năm mới có thể đứng dậy được. Ông bị lừa hết tiền để dành dự định quyên quan, lại phải chịu hình phạt không ngờ tới của Âm Phủ, hơn nữa còn mất đi ái thiếp. Hết thảy điều này đều vì một niệm tham, một niệm bất chính tạo thành, chính là tự làm tự chịu!