Bê bối của giới truyền thông khi đưa tin về những vụ bê bối, đâu là giả đâu là thật
Khi nào thì bê bối không phải là bê bối? Khi giới truyền thông bảo vậy.
Trong tuần từ 05-11/10, có một chuyện lớn mà giới truyền thông không đưa tin, đó là tiết lộ trong các tài liệu mật về việc bà Hillary Clinton liên kết với Nga nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ — bằng cách thiết lập một cuộc điều tra nhằm vào Tổng thống Donald Trump cho chính cáo buộc thông đồng với Nga để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử nói trên.
Khi ông Trump bị nghi (oan) có liên quan, thì qua lời giới truyền thông, đó là vụ bê bối lớn nhất lịch sử Hoa Kỳ – “thậm chí còn tồi tệ hơn cả vụ Watergate”, còn khi bà Clinton quả thực có liên quan thì vụ việc bỗng nhiên trở nên nhẹ tựa hư không.
Câu chuyện động trời của tuần lễ từ 12-18/10 không được các phương tiện truyền thông đăng tải, bắt nguồn từ việc tìm ra chiếc máy tính xách tay bị thất lạc của Hunter Biden, đó là việc cha của anh ta, ông Joe Biden, hiện là ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân Chủ, gần như chắc chắn đã nói dối khi ông ta tuyên bố không hề hay biết về các giao dịch kinh doanh của con trai mình ở Ukraine.
Trên thực tế, một hãng thông tấn lớn, tờ New York Post, đã đưa tin về vụ việc Biden kể trên. Tuy nhiên, Twitter và Facebook, theo một cách ngớ ngẩn (ý kiến cá nhân tôi) đã nhập hội cùng cánh truyền thông thiên tả, nhanh chóng chặn tài khoản của bất kỳ ai cố gắng chia sẻ câu chuyện trên, trong khi phần còn lại của giới truyền thông thì xoay sở để hợp lý hóa các bản tin ủng hộ Biden của họ — mà quý vị nên nhớ, họ lấy phương châm là: “Sự thật chiến thắng dối trá”.
Tờ Washington Post đã đăng tiêu đề, “Ba tuần trước Ngày Bầu cử, các đồng minh của Trump nhắm vào Hunter và Joe Biden”.
Cả tờ New York Times và tờ Los Angeles Times đều coi xác nhận đáng tin cậy này – mà trong vòng hơn một năm qua đã có rất nhiều nghi ngờ tương tự – về hành vi tham nhũng của Joe Biden, không hơn gì một tin hành lang đáng ngờ, “chưa được kiểm chứng” so với điều mà họ coi là quan trọng hơn, chính là những mẩu tin về trừng trị mạng xã hội vì đưa “thông tin sai lệch”.
Suhauna Hussain, Chris Megerian và Samantha Masunaga đã viết trên LA Times, “Trong vòng bốn năm qua, các công ty truyền thông mạng xã hội, từng bị buộc tội dửng dưng đứng ngoài cuộc khi ‘những tin giả’ và các tài khoản giả tràn lan trên các nền tảng của họ trong giai đoạn nước rút của cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, đã và đang dần áp dụng các chính sách mạnh mẽ hơn để ngăn chặn sự lan truyền của thông tin sai lệch.”
Giờ đây, việc họ ngăn chặn câu chuyện về Biden, được ngụ ý là “thông tin sai lệch”, cho thấy những chính sách này cuối cùng đã trở nên thực sự mạnh mẽ — vừa kịp lúc để bầu cử cho một Biden thanh liêm (giả định là vậy), người mà giới truyền thông hẳn là vui mừng nếu đắc cử hơn là ông Trump, trong trường hợp quý vị chưa biết điều đó.
Giới truyền thông quyết định
Bản thân tôi có thể không để ý cái mà họ thường gọi là “vụ lợi một cách trung thực” trong việc ông cụ Joe đang giúp đỡ chút đỉnh cho cậu con trai vô tích sự của mình, bằng cách trò chuyện với một số quan chức nước ngoài mà đằng nào thì cũng sẽ hưởng lợi từ sự giúp đỡ của ông ta. Nhưng thật khó để bỏ qua tiêu chuẩn kép rõ rành rành trong việc việc giới truyền thông coi câu chuyện này là không có gì to tát trong khi liên tục đăng tin dồn dập về các bê bối của TT Trump — thậm chí chỉ vì ông Trump muốn điều tra thêm về những vụ việc ông Joe Biden đã thực hiện ở Ukraine trong các phiên điều trần hồi năm ngoái.
Thôi thì, theo quan điểm của giới truyền thông, đó là vẻ đẹp của việc giới hạn tin tức chính trị, ít nhất là dưới chính quyền của Đảng Cộng Hòa, đối với tất cả các vụ bê bối, bởi vì truyền thông được quyền quyết định điều gì là bê bối và điều gì không phải là bê bối.
Tin tức giả mạo (như việc ông Trump bị cáo buộc “thông đồng” với Nga) có thể được coi là thật và tin tức thật (chẳng hạn như việc khả năng ông Biden gây ảnh hưởng ở Ukraine) có thể bị coi là giả, tùy theo ý họ.
Họ biết rằng các tin tức thiên vị trắng trợn như vậy sẽ không bị chú ý ở bất cứ nơi đâu bên ngoài phòng cách âm của các phương tiện truyền thông cánh hữu, thứ mà họ coi thường và không thèm để ý chứ đừng nói đến việc trả lời.
Ngành biện hộ bản tin
Nhưng có thêm một câu chuyện khác bị ngó lơ trong vài tuần qua, mà có vẻ như họ khó mà lờ đi được, giá như các nhà báo có tư tưởng độc lập cố gắng hơn nữa trong việc công bố nó.
Hôm 04/10, ba nhà dịch tễ học hàn lâm đáng kính đã ban hành một thứ gọi là Tuyên bố Great Barrington thể hiện một sự bất đồng trong quan điểm khoa học vốn được đồng thuận — hoặc những gì mà giới truyền thông thể hiện như sự đồng thuận khoa học — rằng việc đóng cửa phần lớn nền kinh tế và đời sống xã hội thông thường là cần thiết để ngăn chặn hàng loạt sự thiệt mạng do virus corona.
Theo như The Epoch Times đã đưa tin hôm 13/10, hơn 34,000 chuyên gia y tế — những người mà giới truyền thông trong các bối cảnh khác sẽ gọi là “các chuyên gia” — đã ký vào bản tuyên bố này.
Có thể quý vị nghĩ rằng đây sẽ là một câu chuyện khá lớn, đặc biệt xét trên khía cạnh tốn kém giấy mực báo chí và hàng giờ phát sóng truyền hình dành cho ý kiến của “những chuyên gia” hay “khoa học” liên quan đến virus corona. Nhưng có thể quý vị đã nhầm.
Rốt cuộc, ngoại trừ việc ngó lơ câu chuyện trong hơn một tuần, cả tờ The New York Times và The Washington Post đều chạy tin về Bản Tuyên bố — theo cách mà quý vị không thể ngờ — để biến nó thành một vụ bê bối khác của ông Trump.
Tờ The New York Times đã giật tít “Tòa Bạch Ốc chống lưng cho tuyên bố từ các nhà khoa học về việc phản đối phong tỏa và tin tưởng vào ‘miễn dịch cộng đồng’”, và họ còn đưa ra một nhóm chuyên gia của riêng mình nhằm cố gắng vạch trần điều này.
Tờ The Washington Post tuyên bố: “Đề xuất tăng cường khả năng miễn dịch cộng đồng đối với virus corona thu hút sự chú ý của Tòa Bạch Ốc nhưng lại khiến các nhà khoa học hàng đầu kinh hãi” — họ nhận định những ai ký vào tuyên bố Great Barrington không phải là các nhà khoa học “hàng đầu” mà chỉ đơn thuần là “những người thích đi ngược với số đông”.
Lúc này đây, quý vị có biết tại sao giới truyền thông lại vô cùng háo hức để vùi dập ý kiến chuyên gia này, trong khi nó mang đến tin tốt lành là chúng ta có thể bảo vệ những người dễ nhiễm bệnh nhất mà không làm tổn hại nền kinh tế, nhằm tránh dẫn đến các hậu quả còn tồi tệ hơn cả dịch bệnh đối với những người nghèo nhất (như bản Tuyên bố đã chỉ ra)?
Quý vị biết câu trả lời rồi đó. Việc giới truyền thông nỗ lực minh bạch hóa điều hư cấu rằng dịch bệnh hầu như là bản án tử đối với bất kỳ ai mắc phải nó (mà đã bị lật tẩy bởi sự hồi phục nhanh chóng của chính ông Trump hồi đầu tháng 10) đã giúp ích cho Đảng chính trị yêu thích của họ qua hai cách: thứ nhất là làm tê liệt nền kinh tế từng rất thịnh vượng dưới thời TT Trump bởi các đợt phong tỏa liên tục (ít nhất là cho đến khi bầu cử) và thứ hai là dựng lên câu chuyện rằng tổng thống bằng cách này hay cách khác phải chịu trách nhiệm cho 200,000 người tử vong do xem thường sự việc.
Việc hai điểm trên rõ ràng mâu thuẫn với nhau chẳng làm giới truyền thông hay ông Biden bận tâm; ông Biden còn không ngần ngại trách móc tổng thống về số người tử vong lẫn tình trạng của nền kinh tế hậu COVID — mà hiển nhiên chỉ lâm vào tình trạng như vậy do ông ta làm theo những gì mà giới truyền thông ấn định là “khoa học” vào thời điểm đó và đóng cửa tất cả, trừ các hoạt động kinh tế thiết yếu nhất.
Giờ đây, hóa ra chính những người reo rắc nỗi hoang mang sợ hãi đã quan trọng hóa sự việc này, ít nhất là khi nó ảnh hưởng hầu hết chỉ chừa ra một số ít người — theo bản tin mới nhất từ giới “khoa học”. Đừng mong đợi bất kỳ sự thừa nhận nào về thực tế này từ những người làm tin tức trước đây, hiển nhiên giờ đây họ đã không còn sản xuất tin nữa mà thay vào đó là biện hộ cho các câu chuyện của mình.
Ông James Bowman là một học giả thường trú tại Ethics and Public Policy Center. Tác giả của cuốn sách “Danh dự: Một Lịch sử”, ông là nhà phê bình phim cho The American Spectator và là nhà phê bình truyền thông cho The New Criterion.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.