Bất thường trong nội bộ ĐCSTQ: Ông Thái Kỳ đang thay thế vị thế của Thủ tướng Lý Cường?
Nhiều thân tín của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đều có mặt trong Thường vụ Bộ Chính trị, và sự phân bổ quyền lực giữa họ gần đây đã trở nên bất bình thường. Sau khi ông Thái Kỳ đồng thời giữ chức vụ Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương, quyền lực của ông đã được mở rộng. Với sự trợ giúp của ông Tập Cận Bình, ông Thái được cho là đã tước quyền quản lý Tổng bí thư chính phủ vốn do Thủ tướng Lý Cường phụ trách theo lệ cũ.
Theo cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) CCTV loan tin, Hội nghị Đảng ủy toàn quốc và Tổng bí thư Chính phủ được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 13/09 đến ngày 14/09. Tại hội nghị, ông Tập Cận Bình đã đưa ra “những chỉ thị quan trọng” và được ông Thái Kỳ, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương ĐCSTQ, truyền đạt. Ông Thái Kỳ cũng có bài diễn văn tại hội nghị.
Ông Tập yêu cầu các bí thư hàng đầu của ĐCSTQ “cải thiện lập trường chính trị” và “duy trì mức độ đoàn kết cao với Ban Chấp hành Trung ương Đảng”, v.v.
Trương mục công khai của chính quyền ĐCSTQ “Chính Tri Kiến” (政知见) đề cập rằng hội nghị lần này có “sự thay đổi” so với trước đây. Theo đó, ông Tập Cận Bình đã tổ chức ít nhất 5 cuộc họp tổng bí thư đảng toàn quốc kể từ khi lên nắm quyền, cụ thể là vào các năm 2013, 2014, 2016, 2018 và 2023. Quốc vụ viện cũng đã tổ chức một số cuộc họp của Tổng bí thư chính phủ và chủ nhiệm văn phòng quốc gia vào các năm 2019, 2020 và 2021. Cuộc họp gần đây nhất là vào ngày 12/01 năm nay.
Tên hội nghị tháng 9 năm nay là “Hội nghị Đảng ủy toàn quốc và Tổng bí thư Chính phủ,” thể hiện đảng và chính phủ đã được hệ thống cấp ủy thống nhất và nắm giữ.
Theo đoạn video trên truyền thông chính thức, ông Thái Kỳ, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương, và ông Ngô Chính Long, Ủy viên Quốc vụ viện kiêm Tổng Thư ký Quốc vụ viện, tham dự cuộc họp; ông Mạnh Tường Phong, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương ĐCSTQ phụ trách công tác hàng ngày cũng có mặt. Ông Thái Kỳ là thành viên duy nhất của Thường vụ Bộ Chính trị tham dự cuộc họp.
Kiểm tra các thông tin trước đây, từ ngày 19/10 đến ngày 20/10/2019, Hội nghị Tổng Bí thư Đảng ủy toàn quốc đã được tổ chức tại Bắc Kinh. Ông Đinh Tiết Tường (Ding Xuexiang), khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương, đã có bài diễn văn tại hội nghị.
Sau đó, vào ngày 18/12/2019, ông Lý Khắc Cường, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Thủ tướng Quốc vụ viện, tiếp kiến toàn thể đại biểu Hội nghị toàn quốc các Tổng bí thư Chính phủ và Chánh văn phòng tại Bắc Kinh, và có bài diễn văn quan trọng. Ông Hàn Chính, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện, đã tham dự cuộc họp.
Nói cách khác, vào thời điểm đó, nội các của ông Lý Khắc Cường và Ban Chấp hành Trung ương của ông Tập Cận Bình không can thiệp lẫn nhau về vai trò lãnh đạo của Tổng Bí thư. Ông Tập nắm quyền đảng và ông Lý Khắc Cường nắm chính phủ. Lần này, tổng bí thư đảng và chính phủ cùng họp, nhưng ông Lý Cường lại không tham dự; toàn bộ tổng bí thư chính phủ đều có mặt để nghe ông Thái Kỳ đọc diễn văn.
Lần này, ông Tập Cận Bình sáp nhập quyền quản lý các bí thư đảng và chính phủ trên toàn quốc dưới sự lãnh đạo của ông Thái Kỳ, ngụy trang giành quyền lực từ ông Lý Cường. Điều này khiến ngoại giới không khỏi ngạc nhiên.
Ông Lý Cường từng là Chánh văn phòng của ông Tập Cận Bình trong những năm đầu, và trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20 hồi năm ngoái. Khi nhậm chức Thủ tướng vào tháng Ba năm nay, ông Lý lập tức tổ chức một cuộc họp để nhấn mạnh việc duy trì “hạch tâm của chủ tịch Tập” và định vị Quốc vụ viện là “cơ quan điều hành của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.”
Theo cải cách thể chế đảng-nhà nước của ĐCSTQ trong năm nay, nhiều quyền lực của Quốc vụ viện trên danh nghĩa khi ông Lý Khắc Cường còn tại vị đã được chuyển giao cho chính quyền trung ương. Ví dụ, Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao của Quốc vụ viện sẽ chỉ là một bảng hiệu bổ sung của Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao mới thành lập của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 2023.
Ông Tống Quốc Thành (Song Guochen), nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Bang giao Quốc tế của Đại học Quốc gia Chengchi, trước đây từng nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng trong thời kỳ của ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường, quyền lực thủ tướng của ông Lý Khắc Cường đã bị suy yếu. Sau đợt cải cách thể chế gần đây, Quốc vụ viện đã trở thành cơ quan điều hành cá nhân của ông Tập. Ông Tập và ông Lý Cường đã trở thành mối quan hệ chủ-tớ.
Ông Tống nói: “Ngay cả khi trao toàn bộ quyền lực kinh tế cho ông Lý Cường, nếu ông Lý Cường giải quyết không tốt, thì ông ấy sẽ trở thành vật tế thần. Nếu giải quyết tốt, thì công lao cũng sẽ thuộc về ông Tập Cận Bình.”
Mới đây, Quốc vụ viện do ông Lý Cường chủ trì đã xảy ra hàng loạt vụ việc liên quan đến các Ủy viên Quốc vụ viện. Đầu tiên là ông Tần Cương bị cách chức Bộ trưởng Ngoại giao hồi tháng Bảy, sau khi mất tích một tháng. Mới đây có thông tin Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc bị cách chức, Ngoại trưởng Vương Nghị cũng được cho là phải viết bản kiểm điểm ở nhà.
Hôm 15/09, nhà bình luận cao cấp Thái Thận Khôn (Cai Shenkun) nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng kể từ Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ vào năm ngoái, chính trường Trung Quốc vẫn luôn có nhiều sự biến động. Bởi vì đối với ông Tập, xung quanh không có ai khiến ông có thể tin tưởng; ngoại trừ ông Thái Kỳ. Ngay cả ông Lý Cường cũng không thể khiến ông Tập hoàn toàn yên tâm.
Ông Thái Kỳ là người đứng thứ năm trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, đồng thời giữ chức vụ Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương hồi tháng Ba, và chức vụ Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia hồi tháng Sáu. Ông Thái cũng là người phụ trách tư tưởng. Tháng Tư năm nay, ông Thái cũng lãnh đạo phong trào nghiên cứu “Tư tưởng Tập Cận Bình” do chính quyền ĐCSTQ phát động.
Ninh Hải Chung thực hiện
Mai Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ