Bạo lực gần đây chống lại người Mỹ gốc Á nêu bật sự khác biệt cơ bản giữa Trung Cộng và người dân Trung Quốc
Sự bùng nổ bạo lực gần đây đối với người Mỹ gốc Á, nổi bật là vụ xả súng ở Atlanta, đã cướp đi sinh mạng của tám người, trong đó có sáu phụ nữ Á Châu bao gồm bốn người gốc Nam Hàn, đã làm cả đất nước Hoa Kỳ bàng hoàng. Nó đang khiến mỗi người chúng ta trong cộng đồng người Mỹ gốc Á [tại Hoa Kỳ], đi tìm kiếm danh tính thực sự và tương lai của mình trên mảnh đất mà chúng ta gọi là quê hương này. Bầu không khí rõ ràng là rất căng thẳng; một người bạn sống ở Atlanta đã gọi điện thông báo cho tôi rằng anh ấy đang dự định chuyển đến sống ở Thái Lan trong một vài năm.
Việc có rất ít các trường hợp phân biệt đối xử với người Mỹ gốc Ấn – một thành phần chính của cộng đồng người Mỹ gốc Á – cho thấy mục tiêu không phải là “người Mỹ gốc Á” mà là “người Mỹ gốc Á có khuôn mặt Trung Quốc.” Có thể đoán trước được là, việc kết luận vội vàng và khái quát đơn giản rằng người Mỹ gốc Á, không phải người Mỹ gốc Hoa, là mục tiêu của các cuộc công kích này, đã gây ra phản ứng dữ dội từ một số bộ phận cộng đồng Châu Á, những người cảm thấy họ bị đổ lỗi một cách sai trái. Ông Sery Kim, một người Mỹ gốc Hàn đồng thời là ứng cử viên của Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện ở Texas, đã đưa ra nhận xét công khai về người nhập cư Trung Quốc sau vụ xả súng ở Atlanta: “Tôi không muốn họ ở đây chút nào… họ ăn cắp tài sản trí tuệ của chúng ta, họ làm virus lây sang chúng ta, họ ‘không tự chịu trách nhiệm.’”
Thật vậy, nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng đột biến hơn 1,000% các vụ tấn công nhằm vào người Á Châu có những nét đặc trưng trên khuôn mặt của người Trung Quốc trong năm qua, không phải là do sự phân biệt đối xử trong thời gian dài đối với người Mỹ gốc Á, theo một tuyên bố của những người cấp tiến như một lời than phiền mới của phong trào thức tỉnh. Thay vào đó, nó là từ sự liên đới về mặt sắc tộc của người Mỹ gốc Hoa với kẻ được cho là khởi nguồn và lan truyền virus Trung Cộng (virus corona mới): nhà cầm quyền Trung Cộng hay Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Việc miễn cưỡng hoặc không xác định được thủ phạm của đại dịch Covid vì Trung Cộng đã vô tình và vô cớ gieo giắc mầm mống nhầm lẫn trong diễn ngôn quốc gia về vấn đề này, và theo quy trình tương tự về khía cạnh này đã tước đoạt của người Mỹ gốc Hoa – và tất cả người Mỹ gốc Á với những khuôn mặt được cho là người Trung Quốc – những lá chắn hiệu quả nhất chống lại những trào lưu ngầm về những ác cảm đối với họ.
Trong một bài bình luận gần đây trên tạp chí Wall Street Journal (WSJ), cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo và cố vấn chính về Trung Quốc của mình, ông Miles Yu, đã nhận định rằng “[Đảng] Cộng sản Trung Quốc bị ám ảnh về các loại virus… Điều đáng lo ngại hơn là sự bất cẩn của đảng này trong vấn đề an toàn sinh học… như được minh chứng qua việc virus corona mới đã rò rỉ khỏi Vũ Hán.”
Vào giữa tháng 01/2021, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố rằng cộng đồng tình báo Hoa Kỳ đã phát hiện ra bằng chứng không thể chối cãi cho thấy một số nhân viên tại phòng thí nghiệm của Viện Virus học Vũ Hán (WIV) đã bị mắc các triệu chứng bệnh tương tự như những người nhiễm COVID vào đầu mùa thu năm 2019, và phòng thí nghiệm Vũ Hán đã hợp tác với quân đội Trung Cộng trong các dự án nghiên cứu. Ngẫm lại, hơn bốn năm trước, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã gửi những bức điện cảnh báo mạnh mẽ đến Hoa Thịnh Đốn. Họ đã rất choáng váng trước các tiêu chuẩn an toàn lỏng lẻo tại WIV liên quan đến việc định ra mức độ an toàn cao nhất (an toàn sinh học cấp độ 4-BSL-4) của tổ chức này, và trước các tuyên bố của các nhà khoa học của WIV rằng họ đã tìm thấy các virus corona mới từ dơi, có thể dễ dàng lây nhiễm sang các tế bào của con người.
Lịch sử cho chúng ta biết rằng người dân Hoa Kỳ hiểu rõ sự khác biệt giữa một chế độ xấu xa – cho dù là Đức Quốc Xã, quân phiệt hay cộng sản – và những người dân vô tội, bất lực đã bị khủng bố. Họ cũng có thể dễ dàng phân biệt được kẻ thù và những người bạn thực sự của mình và thậm chí cả những người anh hùng mặc dù họ có màu da khác nhau, bằng chứng là việc thể hiện sự kính trọng dành cho Người đàn ông vô danh đã đứng chặn xe tăng trên Quảng trường Thiên An Môn.
Không còn nghi ngờ gì nữa, sự gia tăng đáng kể các vụ phân biệt đối xử đối với người nhập cư Trung Quốc – được ghi lại trong các video trên điện thoại thông minh của những người cao tuổi không có khả năng tự vệ ở các khu phố Tàu bị đẩy ngã xuống đất giữa ban ngày – là dấu hiệu của sự gia tăng các hành vi đáng chỉ trích, hèn nhát và mù quáng nhắm vào một bộ phận dễ bị tổn thương và vô tội của người dân chúng ta. Mặt khác, sự phân biệt đối xử này cũng là một lời cảnh tỉnh cho cộng đồng người Hoa rằng đã đến lúc họ phải vạch một ranh giới với Trung Cộng. Nếu không họ sẽ phải đối mặt với hậu quả từ sự xa lánh của công chúng Hoa Kỳ do mối liên hệ của họ với nhà cầm quyền Trung Cộng.
Trong vài thập kỷ qua, Trung Cộng đã sử dụng các nguồn lực đáng kể để biến đổi các cộng đồng người Hoa thành một pháo đài gây ảnh hưởng và đầu tàu trong việc hợp tác. Theo một báo cáo năm 2018 của Viện Hudson có tiêu đề “Hoạt động Can thiệp Nước ngoài của Đảng Cộng sản Trung Quốc: Cách Hoa Kỳ và các nền dân chủ khác cần phản ứng,” những chiếc vòi bạch tuộc của Trung Cộng đã thâm nhập vào mọi ngóc ngách trong đời sống xã hội của chúng ta, bao gồm cả chính trị, giáo dục, truyền thông, Hollywood, các viện nghiên cứu chính sách, và các hoạt động cơ sở trong cộng đồng người Hoa.
Chẳng hạn như, trong giai đoạn 2012–2018, báo cáo trên cho biết, Trung Cộng “đã chi 12,936,243 USD cho các hợp đồng với các trường đại học và cao đẳng Hoa Kỳ.” Trung Cộng đã cử các đặc vụ của mình, giả danh là các nhà lãnh đạo cộng đồng, để thao túng các cộng đồng người Hoa vì lợi ích chính trị của riêng mình, bao gồm cả việc quấy rối các học viên Pháp Luân Công. Nếu cộng đồng người Hoa có thể thể hiện lập trường công khai lên án vai trò của Trung Cộng trong đại dịch và cắt đứt quan hệ với Trung Cộng, điều này chắc chắn sẽ giúp làm tiêu tan làn sóng bạo lực hiện nay.
Những người nhập cư Trung Quốc ở thế hệ của tôi hẳn là nhớ có một thời kỳ người dân Hoa Kỳ đã nhiệt tình ủng hộ các sinh viên và nhà hoạt động ủng hộ dân chủ từ Trung Quốc. Đáng buồn thay, một ranh giới từng phân biệt rõ ràng người dân Trung Quốc và Trung Cộng, một chế độ nhuốm máu đã sát hại hàng trăm sinh viên vào mùa xuân năm 1989, đã trở nên mờ nhạt; những ký ức về hàng triệu người Trung Quốc kêu gọi tự do và xóa bỏ Trung Cộng đã phai nhạt, thay vào đó là hình ảnh một quốc gia bị ám ảnh bởi sự thịnh vượng kinh tế.
Trong hai thập kỷ qua, sự xâm nhập của Trung Cộng vào mọi khía cạnh của đời sống xã hội Hoa Kỳ, đã khiến việc lên án Trung Cộng về bất kỳ hành động sai trái nào là hầu như sai trái về mặt chính trị, trừ những trường hợp vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Nhưng tất cả các dấu hiệu đều cho thấy Trung Cộng chưa bao giờ thay đổi, và Trung Quốc dưới sự cầm quyền của nó, luôn ở trong tình thế xung đột với Hoa Kỳ. Cho đến khi nào ký ức chung của chúng ta về lịch sử này được hồi sinh – và cho đến khi nào mọi người đều biết COVID chỉ là một tên gọi khác của “virus Trung Cộng” – thì cộng đồng người Hoa sẽ vẫn sống trong sợ hãi; sự thù địch đối với người nhập cư Trung Quốc đơn giản là sẽ tiếp tục tồn tại.
Tác giả Eric Chen sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Là người tham gia phong trào ủng hộ dân chủ của Trung Quốc vào năm 1989, ông hiện đang sống ở Bắc California và thường xuyên đưa ra quan điểm của mình về mối bang giao Trung Quốc-Hoa Kỳ dựa trên kinh nghiệm lâu năm của mình ở cả hai quốc gia.
Quan điểm trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Eric Chen thực hiện
Yến Nhi biên dịch
Xem thêm: