Báo cáo: Tổ chức do Nga dẫn đầu và các nhóm tội phạm đã trộm vũ khí và hàng viện trợ của Ukraine
Theo một báo cáo mới công bố của tổng thanh tra Bộ Quốc phòng, nhiều vũ khí và hàng viện trợ dành cho các khu vực tiền tuyến ở Ukraine đã rơi vào tay những kẻ buôn bán vũ khí và các tổ chức tội phạm khác.
Mùa thu năm ngoái, tổng thanh tra Bộ Quốc phòng đã lưu hành một báo cáo nội bộ, phát hiện các vấn đề liên quan đến vũ khí và hàng viện trợ mà Hoa Kỳ đã và đang gửi đến Ukraine.
Báo cáo dài 19 trang (pdf) được xuất bản vào ngày 06/10/2022, và ban đầu được đánh dấu là “MẬT//NOFORN [Không thể Lưu hành cho Người Ngoại quốc],” cho biết đây là một tài liệu mật không được chia sẻ với người ngoại quốc. Kể từ đó đến giờ tài liệu này mới chính thức được giải mật và phát hành cho Dự án Giám sát của Quỹ Di sản hồi tuần trước theo sau một đề nghị dựa vào Đạo luật Tự do Thông tin (FOIA).
Báo cáo nhấn mạnh một số trường hợp, trong đó vũ khí và thiết bị do Hoa Kỳ viện trợ xuất hiện ở những nơi bất hợp pháp.
Trong một sự cố hồi tháng 06/2022, cơ quan tình báo SBU của Ukraine được cho là đã bắt được một nhóm buôn vũ khí đang bán vũ khí và đạn dược đánh cắp từ tiền tuyến ở miền nam Ukraine.
Trong một sự cố khác hồi tháng 06/2022, SBU được cho là đã bắt được những tên tội phạm Ukraine giả làm thành viên của một tổ chức nhân đạo chuyên phân phát áo chống đạn. Thay vì phân phối những chiếc áo đó, nhóm này được cho là đã nhập cảng trái phép và bán mặt hàng này cho quân đội Ukraine. Một thành viên của nhóm tội phạm này bị phát hiện sở hữu một kho áo trị giá 17,000 USD.
Trong một vụ việc hồi tháng 08/2022, SBU đã bắt quả tang một tiểu đoàn tình nguyện Ukraine đang lấy hơn 60 khẩu súng trường và gần 1,000 viên đạn, sau đó đem cất giữ trái phép trong một nhà kho, có lẽ là để bán trên thị trường chợ đen vào một thời điểm nào đó trong tương lai.
Ngoài việc bán lại trên thị trường chợ đen, các giao thức phân phối vũ khí và hàng viện trợ lỏng lẻo ở Ukraine dường như cũng đã thu hút các tác nhân Nga tìm cách chuyển những vũ khí này sang phía chống lại Ukraine.
Tháng 06/2022, SBU đã làm gián đoạn hoạt động của một tổ chức tội phạm được cho là do một quan chức Nga lãnh đạo. Nhóm tội phạm này đã sử dụng các tài liệu giả mạo để được tham gia vào một tiểu đoàn tình nguyện Ukraine với mục đích chiếm đoạt vũ khí. Nhóm do Nga hậu thuẫn này được cho là đã thu thập được súng phóng lựu và súng máy, với ý định “tiến hành các hoạt động gây mất ổn định.”
Hoa Kỳ không đủ khả năng để theo dõi hoạt động viện trợ cho Ukraine
Báo cáo của vị tổng thanh tra này cho thấy một trong những vấn đề góp phần vào bài toán giải trình trách nhiệm này là việc các quan chức Hoa Kỳ không thể tiến hành giám sát sử dụng cuối (EUM) của thiết bị được viện trợ. Báo cáo cho rằng việc các quan chức Hoa Kỳ không theo dõi được điểm sử dụng cuối của hàng viện trợ là do sự hiện diện hạn chế của Hoa Kỳ ở trong Ukraine và có hàng ngàn thiết bị nhỏ được gửi đến quốc gia này nên việc theo dõi đầy đủ là rất khó khăn.
Báo cáo nêu rõ: “Các phương pháp tình báo cung cấp một số thông tin giải trình cụ thể cho các nền tảng có thể quan sát được, chẳng hạn như hỏa tiễn và trực thăng, nhưng các món hàng nhỏ hơn, chẳng hạn như thiết bị nhìn đêm, có thông tin giải trình hạn chế.”
Cuộc chiến đang diễn ra giữa Nga và Ukraine, vốn đã thúc đẩy nhiều đợt viện trợ quân sự của Hoa Kỳ và phương Tây cho Ukraine, cũng khiến các quan chức Hoa Kỳ gặp nguy hiểm khi tiến hành loại theo dõi EUM trực tiếp cần thiết để giám sát phần lớn thiết bị đã được gửi đi.
Báo cáo hôm 06/10 tuyên bố rằng văn phòng của tổng thanh tra Bộ Quốc phòng không đưa ra bất kỳ khuyến nghị cụ thể nào để cải thiện hoạt động theo dõi EUM đối với vũ khí và thiết bị được gửi đến Ukraine vì Bộ này đã thực hiện một số nỗ lực để đạt được mục tiêu đó. Hôm 30/10, một quan chức Ngũ Giác Đài nói với các ký giả rằng nhân viên của Văn phòng Hợp tác Quốc phòng của DOD và tùy viên quốc phòng Ukraine đã vào nước này để tiếp tục “các cuộc thanh sát tại chỗ để đánh giá các kho vũ khí trong nước bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào điều kiện an ninh cho phép.”
Kêu gọi giám sát hoạt động viện trợ cho Ukraine
Ngoài những ví dụ về vũ khí và thiết bị được chuyển sang bán trên thị trường chợ đen, DOD đã xác định các lỗi kế toán trị giá hàng tỷ USD trong khoản viện trợ mà họ đã phân bổ cho Ukraine tính cho đến nay.
Do Hoa Kỳ tiếp tục phân bổ hàng chục tỷ USD tiền thuế của người dân cho hoạt động tiếp viện liên quan đến Ukraine, một số nhà lập pháp đã kêu gọi giám sát nhiều hơn về cách sử dụng khoản viện trợ này.
Hôm 14/06, Hạ viện do Đảng Cộng Hòa kiểm soát đã thông qua một phiên bản của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm 2024 bao gồm điều khoản yêu cầu cắt cử một tổng thanh tra đặc biệt đảm trách riêng hoạt động viện trợ liên quan đến Ukraine.
Do Ryan Morgan của NTD News thực hiện
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times