Báo cáo nhân quyền: Trung Quốc buộc người Tây Tạng ở nông thôn rời khỏi nơi định cư của họ
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ước tính từ năm 2000 đến năm 2025 số người Tây Tạng bị Đảng Cộng sản Trung Quốc cưỡng bức rời khỏi các vùng nông thôn sẽ lên tới 930,000 người.
Theo một báo cáo mới do Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) công bố hôm 21/05, các quan chức chính quyền Trung Quốc đang dần dần gây áp lực mạnh mẽ lên những người chăn nuôi vùng nông thôn và người chăn nuôi du mục ở Tây Tạng, buộc họ phải rời bỏ những nơi định cư lâu đời của mình.
Theo một báo cáo của tổ chức phi chính phủ (NGO) có trụ sở tại thành phố New York chuyên tiến hành nghiên cứu và vận động nhân quyền, tỷ lệ di cư cưỡng bức đã gia tăng kể từ năm 2016. Mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khẳng định rằng những cuộc di cư này, thường là chuyển tới những nơi cách xa hàng trăm dặm, là tự nguyện, và là để “cải thiện sinh kế của người dân” và “bảo vệ môi trường sinh thái,” nhưng Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho rằng họ bị cưỡng ép phải rời đi.
“Chính quyền Trung Quốc đã sử dụng hình thức gây áp lực cực đoan để cưỡng bức người dân Tây Tạng ở nông thôn phải rời khỏi những ngôi làng mà họ đã định cư từ lâu,” phó giám đốc khu vực châu Á thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Maya Wang cho biết trong một bài đăng trên truyền thông xã hội.
Dựa trên các con số chính thức, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ước tính rằng từ năm 2000 đến năm 2025 số người Tây Tạng bị ĐCSTQ cưỡng bức rời khỏi các vùng nông thôn sẽ lên tới hơn 930,000 người. Tổ chức phi chính phủ này cho biết 76% số vụ tái định cư diễn ra kể từ năm 2016.
Tổ chức này cũng cho biết thêm rằng lúc đầu có 200 trong số 262 gia đình thuộc cộng đồng du mục Nagqu đã phản đối việc tái định cư ở một nơi cách xa hàng ngàn kilomet (hơn 620 dặm). Mặc dù vậy, người dân địa phương vẫn đồng ý di cư.
Theo Chính quyền Trung ương Tây Tạng, chính phủ Tây Tạng lưu vong đặt trụ sở tại Ấn Độ, tổng dân số Tây Tạng ở Tây Tạng là 6 triệu người, trong đó có 2.09 triệu người sống tại Khu tự trị Tây Tạng (TAR) của Trung Quốc, và phần còn lại sống ở các khu vực thuộc Tây Tạng nằm ngoài Khu tự trị.
Người Tây Tạng là một dân tộc thiểu số thuộc quốc gia này, có ngôn ngữ, văn hóa, tập quán riêng, và phong tục ẩm thực cũng như may mặc độc đáo.
Báo cáo cũng cho biết thêm rằng một bài phân tích về hơn “1,000 bản tin của truyền thông chính thức của Trung Quốc” từ năm 2016 đến năm 2023 cùng với các ấn phẩm của chính quyền quốc gia này và các nghiên cứu trong lĩnh vực học thuật cho thấy truyền thông nhà nước Trung Quốc thường mâu thuẫn với chính các tuyên bố rằng việc những người được tái định cư đều đưa ra sự đồng thuận của họ.
Những bản tin này nêu ra rằng việc tham gia vào các chương trình “tái định cư toàn làng” ở Tây Tạng trên thực tế là bắt buộc. Những bản tin này cũng cho thấy một số lượng đáng kể những người Tây Tạng tái định cư một cách miễn cưỡng.
Tại một ngôi làng khác dự kiến sẽ được tái định cư, toàn bộ cư dân, trừ một số nhà hoạt động ĐCSTQ, lúc đầu đã phản đối việc di dời. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết những người dân làng này cuối cùng đã đồng ý tái định cư. Theo tổ chức phi chính phủ, không có bất cứ ngôi làng hay người dân làng nào đã được sắp xếp phải tái định cư lại có thể tránh khỏi việc này.
Theo báo cáo, để ngăn chặn việc những người phải di cư quay trở lại nơi ở cũ, chính quyền Trung Quốc đã phá bỏ những ngôi nhà cũ của họ trong vòng một năm kể từ khi họ chuyển đi.
“Chính quyền Trung Quốc nói rằng việc tái định cư những ngôi làng của người Tây Tạng là tự nguyện, tuy nhiên bản tin của các hãng truyền thông chính thức lại mâu thuẫn với tuyên bố này,” bà Wang viết trong báo cáo. “Những bản tin đó đã cho thấy rõ một điều rằng toàn bộ ngôi làng bị nhắm mục tiêu để tái định cư, trên thực tế thì các cư dân không thể từ chối chuyển đi, nếu không sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng.”
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết thêm rằng những người Tây Tạng tái định cư thường xuyên phải đi đến tình trạng thiếu chỗ ở và bị hạn chế cơ hội việc làm, gây ra sự bất ổn kinh tế và xã hội đáng kể.
Hàng loạt những cuộc đàn áp nhân quyền
Theo báo cáo năm 2016, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tuyên bố rằng cuộc tái định cư do ĐCSTQ thực hiện khiến hơn 2 triệu người dân tộc Tây Tạng ở nông thôn phải rời bỏ lối sống truyền thống của họ là vi phạm luật nhân quyền quốc tế
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói thêm rằng theo Kế hoạch Nông thôn Mới Xã hội Chủ nghĩa, Bắc Kinh đã cưỡng bức hơn 2/3 trong số 2.7 triệu cư dân nông thôn phải di cư đến các thị trấn không đạt chuẩn, mà tại đó nhiều người phải chật vật để có được việc làm.
Vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc được các cơ quan và quốc gia quốc tế tra xét định kỳ, trong đó có Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, và Canada. Các tổ chức phi chính phủ quốc tế, chẳng hạn như Tổ chức Nhân quyền về Trung Quốc và Tổ chức Ân xá Quốc tế, cũng như các công dân, luật sư, và những người bất đồng chính kiến tại Trung Quốc, đã thường xuyên báo cáo chính quyền Hoa lục luôn cho phép hay thực hiện các cuộc đàn áp nhân quyền.
Các tổ chức phi chính phủ cũng như các cơ quan chính phủ như Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liên tục cung cấp bằng chứng về việc ĐCSTQ vi phạm quyền tự do ngôn luận, quyền tự do đi lại, và quyền tự do tôn giáo đối với công dân của mình và những người khác thuộc phạm vi quyền tài phán của họ.
Chẳng hạn, trong Báo cáo Quốc gia năm 2023 về Thực thi Nhân quyền ở Trung Quốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nêu bật những vụ diệt chủng và tội ác phản nhân loại chủ yếu nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi cũng như những sắc dân và nhóm tôn giáo thiểu số khác ở Tân Cương.
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, những hoạt động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng gồm có việc sát nhân tùy tiện hay sát nhân trái pháp luật, cưỡng bức mất tích, tra tấn theo sự trừng phạt của chính quyền, cùng với các thủ đoạn trong y tế và tâm lý có tính chất cưỡng ép hoặc không tự nguyện. Báo cáo nhận thấy rằng có hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ cùng người dân của các nhóm sắc dân thiểu số khác mà chủ yếu là người Hồi Giáo đã phải đối mặt với những hoàn cảnh khắc nghiệt và nguy hiểm đến tính mạng ở trong nhà tù và các trại tạm giam.
Năm 2021, các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức đối với người Duy Ngô Nhĩ, cấm nhập cảng các mặt hàng được sản xuất bằng lao động cưỡng bức tại Tân Cương, nơi người Duy Ngô Nhĩ bị đàn áp vì các giá trị tôn giáo và văn hóa của họ.
“Người Tây Tạng nói riêng, cùng với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, ngày càng bị chính quyền xem là những người bị tình nghi về mặt chính trị và là mối đe dọa an ninh,” theo báo cáo mới của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.
Báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm thứ Tư (22/05) cũng nêu rõ hoạt động cưỡng ép tái định cư không tự nguyện kéo dài của chính quyền Trung Quốc. Báo cáo cho thấy kể từ những năm 1950, ĐCSTQ đã cho tái định cư khoảng 70 triệu công dân Trung Quốc, chủ yếu để tạo thuận tiện cho các dự án phát triển đô thị khắp Trung Quốc. Báo cáo cho biết, kể từ năm 1982, chính quyền đã áp dụng “di cư sinh thái” làm một chiến thuật nhằm giải quyết tình trạng nghèo đói ở những khu vực được xem là không phù hợp cho ngành nông nghiệp hoặc các sinh kế bền vững khác.
Khi phát hiện ra cảnh ngộ khốn khổ của các cộng đồng Tây Tạng, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận thấy mặc dù việc di cư hàng loạt là phổ biến ở các vùng nông thôn nghèo khó của Trung Quốc, nhưng những sáng kiến này đã gây ra mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng đối với sự phồn vinh của những cộng đồng người Tây Tạng.
Tuệ Chân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times