Báo cáo: Hoa Kỳ có thể rút ra bài học từ Đài Loan trong việc chống lại thông tin sai lệch từ Trung Cộng
Theo báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Hoa Kỳ có thể học hỏi từ Đài Loan trong cách đương đầu với những thông tin sai lệch của chế độ Trung Cộng.
Báo cáo có tiêu đề “Bảo vệ Nền Dân Chủ trong Thời đại Thông tin sai lệch: Bài học từ Đài Loan” đã phân tích các chiến dịch của Trung Cộng trong việc lan truyền thông tin sai lệch về cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 của Đài Loan và đại dịch COVID-19.
Hoa Kỳ cũng đã chứng kiến thông tin sai lệch về đại dịch và cuộc bầu cử năm 2020 được quảng bá trên mạng xã hội thông qua các quan chức Trung Cộng và các tài khoản giả mạo có nguồn gốc Trung Quốc.
Tổ chức tư vấn trên xác nhận rằng “các chiến dịch thông tin sai lệch do Trung Cộng tiến hành thường ẩn nấp sau sự bí mật và mờ ám của phương pháp tiếp cận ‘mặt trận thống nhất’ của đảng này, điều này gây khó khăn cho việc đánh giá chính xác và nắm bắt trọng tâm vấn đề thông tin sai lệch, khiến cho nỗ lực nhằm tạo ra các giải pháp hiệu quả trở nên phức tạp.”
Tuy nhiên, các chiến thuật của chính phủ Đài Loan – chẳng hạn như thiết lập một cơ quan kiểm chứng tính xác thực của thông tin và quảng bá các meme trên internet để xua tan các tin tức sai lệch – có thể cho thấy tính hiệu quả, báo cáo lưu ý.
Phương sách của Trung Cộng
Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung Cộng (UFWD) là cơ quan điều hành của Trung Cộng đứng sau các nỗ lực “mặt trận thống nhất” của Bắc Kinh, nhằm thuyết phục các tổ chức hoặc cá nhân truyền bá tuyên truyền của đảng ở cả trong và ngoài Trung Quốc. Hồi tháng 10 năm ngoái (2020), Bộ Ngoại giao đã xác định Hiệp hội Quốc gia vì Thống nhất Hòa bình của Trung Quốc có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn – một tổ chức do UFWD kiểm soát – là một đại sứ quán hoặc cơ quan ngoại giao nước ngoài vì “ảnh hưởng xấu” của tổ chức này tại Hoa Kỳ.
Bắc Kinh coi Đài Loan như một tỉnh nổi loạn, bất chấp vị thế của Đài Loan là một hòn đảo tự trị với chính phủ được bầu cử dân chủ của riêng mình. Bắc Kinh ra sức đưa hòn đảo này về dưới quyền kiểm soát của mình, bất kể thông qua các hành động quân sự hay các biện pháp hòa bình. Sau cùng là bao gồm các chiến thuật xoay chuyển dư luận Đài Loan theo hướng có lợi cho Bắc Kinh – bằng cách thuyết phục khiến người dân Đài Loan mất niềm tin vào nền dân chủ của họ hay chấp thuận những lời kêu gọi của chế độ Trung Cộng về sự hội nhập mạnh mẽ hơn giữa đôi bên.
Báo cáo cho biết: “Sự tồn tại của Đài Loan giống như một lời chỉ trích dân chủ đối với mô hình xã hội chủ nghĩa toàn trị mà Bắc Kinh đã đưa ra. Điều này có thể đã củng cố thêm tham vọng của Trung Cộng trong việc làm suy giảm và làm xói mòn niềm tin trong nước vào sự lâu bền của các thể chế dân chủ tại hòn đảo này.”
Do đó, thông tin sai lệch của Bắc Kinh đã nhắm vào các sự kiện chính trị và xã hội của Đài Loan.
Các kênh sẵn có khác nhau để Bắc Kinh tiến hành những chiến dịch thông tin sai lệch như vậy – chẳng hạn như việc tuyển dụng các doanh nhân Đài Loan có các hoạt động kinh doanh đáng kể ở đại lục để thúc đẩy các lợi ích thân Trung Cộng ở hòn đảo tự trị này – khiến rất khó để xác định liệu một trường hợp mang thông tin sai lệch là “do Bắc Kinh hậu thuẫn” hay là “do có liên kết với Trung Quốc,” báo cáo lưu ý. Thông thường là không có bằng chứng cụ thể hay bằng chứng có thể xác minh được nào chỉ ra được sự tham gia của các tổ chức được Bắc Kinh hậu thuẫn.
“Chắc chắn rằng Bắc Kinh đứng sau một lượng ngày càng gia tăng số vụ tấn công thông tin sai lệch, nhưng không có nghĩa là họ đứng sau tất cả. Chính người dân Đài Loan đã góp phần vào việc khởi xướng, phổ biến và khuếch tán thông tin sai lệch trong nước,” báo cáo cho biết.
Các dẫn chứng
Trích dẫn một báo cáo năm 2019 của Hội đồng An ninh Quốc gia Đài Loan, nhóm nghiên cứu đã xác định một số phương thức thông tin sai lệch chính của Trung Cộng.
Trung Cộng bóp méo những câu chuyện tin tức có thật từ Đài Loan và lan truyền qua các phương tiện truyền thông xã hội và truyền thông nhà nước Trung Cộng, nơi mà nội dung có thể được lựa chọn bởi các nền tảng truyền thông xã hội của người Đài Loan.
Trung Cộng cũng làm sai lệch thông tin về các chủ đề tin tức gây tranh cãi ở Đài Loan và có những kẻ chuyên chọc ghẹo trên internet là người Trung Quốc, bao gồm cả các dư luận viên đến từ đội quân “năm mươi xu” để lan tỏa thông tin sai lệch trên khắp các phương tiện truyền thông xã hội của Đài Loan, nhằm thay đổi dư luận tại hòn đảo này.
Ở Trung Quốc đại lục, thuật ngữ “đội quân năm mươi xu” dùng để chỉ những người dùng internet được Trung Cộng trả một khoản tiền ít ỏi 50 xu cho mỗi bình luận mà họ để lại trên các bài báo và bài đăng trên mạng xã hội. Đối với các bài báo miêu tả tích cực cho Trung Cộng thì các dư luận viên này sẽ nhiệt tình tán thành. Còn đối với các bài báo chỉ trích Trung Cộng thì họ lại phản ứng giận dữ và khơi dậy tình cảm chủ nghĩa dân tộc.
Trung Cộng cũng tạo ra nội dung giả và tải lên các diễn đàn nội dung là những trang web có bộ sưu tập lớn các bài báo chất lượng thấp hoặc nông cạn. Sau đó, chế độ cộng sản này chờ đợi các nội dung giả mạo trên được các nhóm truyền thông xã hội tại Đài Loan chọn xem.
Cuối cùng, Trung Cộng cũng trực tiếp cung cấp thông tin sai lệch cho các hãng thông tấn thân Bắc Kinh của Đài Loan, hoặc cung cấp cho họ các chỉ dẫn đưa tin với mục tiêu dẫn dắt các phương tiện truyền thông khác tuân theo.
COVID-19
Báo cáo cho biết: “Khi Covid-19 phát triển thành đại dịch toàn cầu, Đài Loan đã chứng kiến sự gia tăng đều đặn của các nỗ lực thông tin sai lệch xung quanh dịch bệnh này.”
COVID-19 là một căn bệnh do virus Trung Cộng, thường được gọi là virus corona chủng mới gây ra. Virus này có nguồn gốc từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc trước khi lây lan sang các quốc gia và khu vực khác trên thế giới.
Đài Loan đã nhận được nhiều lời khen ngợi trong nước vì khả năng kiểm soát hiệu quả sự lây lan của virus sau khi trường hợp lây nhiễm đầu tiên của hòn đảo này được xác nhận vào ngày 21/01 năm ngoái (2020). Tính đến ngày 31/01/2021, Đài Loan có tổng cộng 911 trường hợp nhiễm bệnh đã được xác nhận và 8 trường hợp tử vong.
Báo cáo của tổ chức tư vấn trích dẫn một số ví dụ về thông tin sai lệch, tất cả đều thúc đẩy một kịch bản tương tự về sự kém hiệu quả của chính phủ Đài Loan trong việc giải quyết sự bùng phát dịch bệnh tại nước này.
Một người dùng Facebook đã chia sẻ trên một nhóm Facebook rằng mẹ của anh ta đã biết được từ bạn thời trung học của cô, một nhà lập pháp Đài Loan, rằng chính phủ Đài Loan đã không thể truy tìm được những bệnh nhân bị nhiễm bệnh.
Trong một ví dụ khác, một người dùng Facebook đã viết rằng chính quyền địa phương đã nhanh chóng hỏa táng một thi thể mà người này nghi ngờ là một bệnh nhân đã chết vì COVID-19. Người này nói bóng gió rằng các quan chức y tế Đài Loan từ chối đưa ra kết luận tương tự như vậy.
Các tài liệu giả mạo của chính phủ Đài Loan cũng đã được lưu hành trên internet. Một tài liệu giả mạo được cho là từ chính quyền thành phố Đào Viên, thông báo rằng thành phố sẽ bị phong tỏa sau khi phát hiện ca nhiễm COVID-19 tại một trong những bệnh viện của thành phố.
Thực tế Đài Loan chưa bao giờ bắt đầu việc phong tỏa. Theo truyền thông địa phương, cảnh sát đã lần ra địa chỉ IP của người đăng tài liệu giả mạo trên ở một địa điểm tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.
“Nhìn chung, tác động của các chiến dịch của họ [Trung Cộng] dường như còn hạn chế,” báo cáo cho biết. “Nhiều bài đăng trực tuyến đã mắc những lỗi cẩu thả, thường sa vào các lối hành văn theo văn phong của đại lục, điều này đã tiết lộ nguồn gốc thực sự của chúng.”
Hai khu vực này đôi khi sử dụng các từ ngữ khác nhau trong tiếng Hoa để chỉ cùng một danh từ. Ví dụ, người Trung Quốc sử dụng từ bao’an (保安) cho “an ninh”, nhưng người Đài Loan thì sử dụng từ baoquan (保全).
Sự ứng phó của Đài Loan
Báo cáo hoan nghênh sự ứng phó của Đài Loan đối với các chiến dịch thông tin sai lệch của Trung Cộng.
Đài Loan đã dựa vào các công chức trong các cơ quan chính phủ khác nhau để ứng phó kịp thời với những thông tin sai lệch bằng cách đăng các thông điệp phản đối hoặc meme trên mạng xã hội, được viết theo phong cách hài hước hoặc ngôn từ dùng trên internet để gia tăng sự thu hút của các thông điệp này đối với người đọc.
Ngoài ra, hòn đảo này có hệ thống kiểm chứng thông tin mạnh mẽ. Trung tâm Kiểm chứng Thông tin Đài Loan, một tổ chức vô vụ lợi được thành lập vào năm 2018, công bố quy trình đánh giá và tài liệu tham khảo cho mọi nhận định liên hệ đến thực tế. Ngoài ra, Line, một ứng dụng nhắn tin thường được sử dụng tại Đài Loan, chứa một chatbot dùng để xác minh tính xác thực có tên là Cofact, nơi người dùng có thể chuyển tiếp các tin nhắn đáng ngờ để các biên tập viên của Line xem xét.
Báo cáo lưu ý: “Phương pháp tiếp cận đa diện của Đài Loan đối với thông tin sai lệch sẽ không thể thực hiện được nếu không có mức độ tín nhiệm cao của công chúng trong nước.”
Global Views, một tạp chí địa phương, đã thăm dò ý kiến của 1,032 người từ ngày 03/12 đến ngày 07/12 năm ngoái (2020). Cuộc thăm dò đã cho thấy Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn có tỷ lệ tán thành là 54.6%. Trong khi đó, ông Trần Thời Trung, Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Đài Loan và là người đứng đầu trung tâm chỉ huy dịch bệnh của hòn đảo, có tỷ lệ ủng hộ là 74.3%.
Báo cáo kết luận rằng cần có sự hợp tác quốc tế sâu rộng để ứng phó với các chiến dịch thông tin sai lệch của Trung Cộng.
“Các nền dân chủ cần trao đổi thông tin tình báo về những nỗ lực của Trung Cộng và chia sẻ các phương pháp hay nhất để giảm thiểu và chống lại các chiến dịch thông tin sai lệch,” báo cáo cho biết. “Những nỗ lực này cần có sự tham gia của các cơ quan chính phủ, các nhà lãnh đạo truyền thông và các nhóm xã hội dân sự.”
Frank Fang
Hạo Văn biên dịch
Xem thêm: