Báo cáo của Ủy ban Quốc hội: Hồng Kông ngày càng bị cô lập và nằm dưới trướng của ĐCSTQ
Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Hoa Kỳ-Trung Quốc mới đây đã công bố báo cáo thường niên của mình, được trình bày trước Quốc hội Hoa Kỳ hôm 15/11. Trong chương về Hồng Kông, ủy ban cố vấn này đã chỉ ra rằng Hồng Kông ngày càng bị Bắc Kinh cô lập và kiểm soát, hơn nữa đã bước vào một kỷ nguyên mới chịu sự kiểm soát toàn diện của các nhà chức trách Đại lục.
Báo cáo cho biết ảnh hưởng của đại lục đối với Hồng Kông đang gia tăng, dẫn đến những thay đổi đối với nhiều phương diện của cuộc sống ở Hồng Kông. Kết quả là ngày càng có nhiều người Hồng Kông đang di cư.
Các nhà chức trách ở Bắc Kinh tiếp tục phá hoại một cách có hệ thống các tổ chức dân sự ở Hồng Kông đồng thời cài cắm những người trung thành trong nội bộ chính phủ Hồng Kông. Với một trưởng đặc khu do Bắc Kinh “đích thân lựa chọn”, Trung Quốc hiện kiểm soát toàn bộ các nhánh của chính phủ Hồng Kông.
Các cơ quan an ninh tiếp tục xâm phạm các quyền tự do của Hồng Kông; quyền tự do tôn giáo và quyền tự do ngôn luận gần như biến mất. Ví dụ, hồng y danh dự cao niên của giáo phận Công Giáo Hồng Kông, ông Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen Ze-kiun), đã bị cảnh sát an ninh quốc gia bắt giữ hồi tháng Năm năm nay. Ngoài ra, bằng cách sửa đổi hệ thống bầu cử, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tạo ra cái mà báo cáo này gọi là “một quốc hội bù nhìn với toàn những người được gọi là nhân sĩ yêu nước.”
Báo cáo này tiếp tục cho biết rằng hệ thống tư pháp của Hồng Kông “ngày càng bắt chước theo” hệ thống tư pháp của đại lục, với việc đe dọa các ký giả, xã hội dân sự, công dân ngoại quốc, và doanh nghiệp ở Hồng Kông. Vì chỉ những thẩm phán được chỉ định mới có thể xét xử các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia, nên tính độc lập của ngành tư pháp bị suy yếu.
Báo cáo lưu ý rằng hệ thống giáo dục của Hồng Kông cũng đang bị giám sát chặt chẽ khi Bắc Kinh tìm cách sửa đổi lịch sử bằng cách viết lại sách giáo khoa để củng cố bản sắc quốc gia.
Bất chấp rủi ro chính trị tăng cao, các nhà đầu tư ngoại quốc vẫn phụ thuộc vào Hồng Kông như một con đường dẫn đến thị trường đại lục.
Tuy nhiên, dữ liệu gần đây chỉ ra rằng ngày càng có nhiều người dân địa phương và người ngoại quốc rời khỏi Hồng Kông khi chính phủ kiềm hãm chỉ trích của công chúng đối với Bắc Kinh và thực hiện “chính sách zero COVID” hà khắc.
Báo cáo này cảnh báo, tình trạng thất thoát chất xám (brain drain) theo sau ở Hồng Kông có thể trở thành một chướng ngại đối với triển vọng kinh tế của Hồng Kông. Các công ty ngoại quốc sẽ nhận ra Hồng Kông kém hấp dẫn hơn khi họ phải đối mặt với những thách thức trong việc giữ chân nhân viên và “đối phó với một mức độ đàn áp và kiểm soát chính trị cao hơn.”
Báo cáo lưu ý rằng một số công ty Hoa Kỳ đang tái cấu trúc các hoạt động của họ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và đang chuẩn bị chuyển dần các hoạt động trong khu vực cũng như trụ sở chính ra khỏi Hồng Kông. Các công ty và ngân hàng từ Trung Quốc đại lục sẽ vào thống trị môi trường kinh doanh của Hồng Kông khi những công ty do Hoa Kỳ sở hữu và các công ty ngoại quốc khác rời đi.
Báo cáo này khuyến nghị rằng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nên tăng cường hỗ trợ cho những người Hồng Kông bị buộc phải rời Hồng Kông để đến Hoa Kỳ, bao gồm cả việc gia hạn quy chế “Tạm hoãn Thi hành Cưỡng ép Trục xuất” (Deferred Enforced Departure, nhằm bảo vệ một số cá nhân khỏi bị trục xuất và cho phép họ sống ở Hoa Kỳ trong một khoảng thời gian nhất định). Báo cáo này cũng đề nghị rằng các nhà chức trách Hoa Kỳ nên xem xét ban hành luật yêu cầu các công ty Hoa Kỳ có các hoạt động dữ liệu ở Hồng Kông phải nộp báo cáo thường niên, làm rõ liệu họ đã bao giờ được các quan chức Hồng Kông hoặc đại lục yêu cầu nộp dữ liệu hay chưa.
Báo cáo này cũng khuyến nghị loại bỏ các đặc quyền ngoại giao mà Văn phòng Kinh tế và Thương mại Hồng Kông (ETO) tại Hoa Kỳ hiện đang được hưởng. Điều này sẽ có hiệu lực nếu ĐCSTQ và Hoa Kỳ không đạt được thỏa thuận xem ETO Hồng Kông là một phần chính thức trong phái bộ của ĐCSTQ tại Hoa Kỳ căn cứ theo các quy định tương tự. Việc loại bỏ này cũng sẽ bị đảo ngược nếu ĐCSTQ nới lỏng quyền kiểm soát đối với Hồng Kông để cho phép vùng đất này có đủ quyền tự trị và tuân theo chính sách “một quốc gia, hai chế độ.”
Danny Tang và Harry McKenny thực hiện
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times