Báo cáo: Bắc Kinh mở rộng hoạt động kiểm duyệt trên toàn cầu với sự trợ giúp của công nghệ Hoa Kỳ
Báo cáo cho biết nỗ lực kiểm duyệt của Bắc Kinh ‘đặt ra một thách thức lớn đối với các lợi ích về ngoại giao, kinh tế, và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.’
Hệ thống kiểm duyệt của nhà cầm quyền Trung Quốc là một bộ máy “phức tạp và thâm nhập sâu rộng nhất thế giới,” kiểm soát mọi phát ngôn mà công dân nước này nói ra trên chính mảnh đất quê hương mình. Theo một báo cáo mới của Quốc hội Hoa Kỳ, trong thập niên vừa qua, hoạt động kiểm duyệt của Bắc Kinh đã ngày càng bành trướng trên toàn thế giới, đặt ra thách thức đáng kể đối với lợi ích của Hoa Kỳ.
Theo báo cáo của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Hoa Kỳ-Trung Quốc (USCC) được công bố hôm 20/02, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tăng gấp đôi nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lan truyền các quan điểm và ngôn luận mà họ cho là có hại cho lợi ích của mình trên toàn thế giới.
Báo cáo này cho biết, “Điều này được tiến hành đồng thời theo nhiều hướng tiếp cận, bao gồm trừng phạt các công ty tư nhân và cá nhân Hoa Kỳ bày tỏ các quan điểm mà ĐCSTQ cho là không thích hợp, hạn chế quyền truy cập của Hoa Kỳ vào dữ liệu kinh tế, cũng như tiến hành các chiến dịch tin giả nhằm gieo rắc sự chia rẽ trong xã hội Hoa Kỳ.”
Báo cáo cho thấy đảng này đã đầu tư những nguồn lực rất lớn vào việc nâng cao khả năng định hình dư luận toàn cầu. Ví dụ, để ngăn chặn cuộc thảo luận về các vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh ở Tân Cương và Tây Tạng, hoặc các chủ đề nhạy cảm khác như Đài Loan, các nhà kiểm duyệt Trung Quốc thường xuyên đăng tải tràn lan các nội dung không liên quan trên các nền tảng truyền thông xã hội ở ngoại quốc.
Sự trợ giúp đắc lực từ công nghệ của Hoa Kỳ
Theo báo cáo, ĐCSTQ sử dụng hệ thống kiểm duyệt như một công cụ để duy trì sự độc quyền về tính chính danh chính trị của mình và kiểm soát hành vi của công dân.
Tuy nhiên, phần lớn sự kiểm soát chặt chẽ của họ đối với mạng Internet được xây dựng dựa trên công nghệ và chuyên môn của Hoa Kỳ. Theo báo cáo, Trung Quốc trong quá khứ “phụ thuộc rất nhiều vào các linh kiện phần cứng và phần mềm có nguồn gốc từ Hoa Kỳ để xây dựng và vận hành phương thức kiểm duyệt trực tuyến của mình.”
Báo cáo cho biết một ví dụ là Trung Quốc bị cáo buộc đã sử dụng bộ định tuyến, tường lửa, và sản phẩm chống virus từ các công ty Hoa Kỳ như Cisco và Symantec vào đầu những năm 2000, vốn là những công cụ cho phép nhà cầm quyền Trung Quốc thực hiện kiểm duyệt nâng cao.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng mặc dù nhà cầm quyền nước này đã thúc đẩy mục tiêu tự cung tự cấp về công nghiệp trong những năm gần đây, nhưng “bộ máy kiểm duyệt của ĐCSTQ vẫn phụ thuộc vào hàng nhập cảng từ Hoa Kỳ, đặc biệt là những loại hàng hóa được sử dụng trong các công nghệ mới nổi như AI, học máy (machine learning), và ứng dụng dữ liệu lớn.”
Báo cáo cho biết, “Nhiều công cụ ‘định hướng dư luận’ sử dụng AI này dựa vào các linh kiện sẵn có được nhập cảng từ Hoa Kỳ, chẳng hạn như bộ xử lý chung (GPU) và cơ sở hạ tầng điện toán đám mây.” Tài liệu này trích dẫn một báo cáo năm 2019 cho thấy một số đại công ty công nghệ Mỹ như Google và IBM có thể đang hợp tác với các công ty Trung Quốc để đóng góp cho chế độ kiểm duyệt của ĐCSTQ.
Báo cáo cho thấy một số công ty Mỹ có thể vô tình tiếp tay cho bộ máy kiểm duyệt của nhà cầm quyền này, nhưng trong nhiều trường hợp, “các công ty ngoại quốc làm việc tại Trung Quốc cố tình che giấu mối liên hệ của họ với các cơ quan an ninh của Trung Quốc, điều này làm phức tạp thêm quá trình thẩm định nhằm tránh giúp sức cho bộ máy kiểm duyệt này.”
COVID-19
Báo cáo cho biết, dưới thời người đứng đầu hiện tại của ĐCSTQ là ông Tập Cận Bình, ĐCSTQ đã “mở rộng đáng kể về phạm vi và mức độ nghiêm ngặt của bộ máy kiểm duyệt, đặc biệt tập trung vào việc củng cố quyền kiểm soát đối với nội dung trên mạng Internet.”
Thay vì kiểm soát hoàn toàn mọi chủ đề, ĐCSTQ sử dụng biện pháp kiểm duyệt linh hoạt cho phép thảo luận giới hạn về các vấn đề nhạy cảm, chẳng hạn như tình trạng tham nhũng và quản lý yếu kém của quan chức địa phương, miễn là những cuộc thảo luận này không đe dọa đến việc duy trì quyền lực của đảng. Bằng cách đó, công chúng Trung Quốc vừa có thể bày tỏ sự bất bình của mình, còn đảng thì có thể đẩy trách nhiệm cho các quan chức cấp thấp hơn, những người được cho là đã thực hiện “không đúng” mệnh lệnh của chính quyền trung ương.
Cuộc trấn áp thông tin ngày càng được siết chặt trong nước cũng là mối đe dọa đối với người dân ở ngoại quốc. Báo cáo nhấn mạnh cách ĐCSTQ ứng phó với đợt bùng phát dịch COVID-19, một căn bệnh xuất hiện lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc vào cuối năm 2019, để minh họa cho cái giá phải trả quá đắt của những nỗ lực kiểm duyệt ngày càng tăng của chế độ này.
Bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), một bác sĩ nhãn khoa đến từ Vũ Hán, đã cố gắng cảnh báo công chúng về một loại virus “giống SARS” vào tháng 12/2019, nhưng ông đã bị công an địa phương khiển trách và cáo buộc lan truyền tin đồn, trong khi chính quyền cố gắng hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát này. Bác sĩ Lý sau đó đã qua đời vì COVID-19.
Báo cáo cho biết, khi thế giới theo đuổi cuộc điều tra tìm hiểu nguồn gốc của đại dịch COVID-19, thì “Trung Quốc lại ngăn chặn các nhà nghiên cứu bằng cách hạn chế những gì có thể được công bố, và sau đó họ tung tin giả trên khắp các nền tảng truyền thông trong nước và quốc tế.”
Do Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích Tình báo Exovera, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Virginia thực hiện, báo cáo này đã đề ra một loạt khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ để ứng phó với sự kiểm duyệt của ĐCSTQ. Chẳng hạn như tăng cường hợp tác với các công ty tư nhân, đồng thời trợ giúp “việc phát triển và lan truyền các công cụ nhằm ngăn chặn các kỹ thuật ‘làm bão hòa thông tin’ phổ biến như sử dụng botnet để chiếm quyền điều khiển và thao túng các cuộc hội thoại trực tuyến về các chủ đề nhạy cảm theo thuật toán.”
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times