Bán vũ khí có thể hỗ trợ tham vọng tiếp cận quân sự Đại Tây Dương của Trung Quốc
Thành công của Trung Quốc trong việc mở rộng các mối quan hệ quân sự thông qua mua bán vũ khí chiến lược đang làm dấy lên mối lo ngại của các nhà lãnh đạo quân sự Hoa Kỳ về việc Trung Quốc có thể tiếp cận quân sự đến các căn cứ trên Đại Tây Dương.
Nếu Trung Quốc thành công, họ có thể buộc Hoa Kỳ chuyển hướng chú ý về mặt chính trị và quân sự ra khỏi việc bảo vệ bạn bè và đồng minh của Hoa Kỳ ở Á Châu, những nước cũng đang đối mặt với các mối đe dọa quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh.
Trong một phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ của Thượng viện hôm 22/04/2021, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Phi Châu của Hoa Kỳ (AFRICOM), Tướng Stephen Townsend cảnh báo rằng tham vọng thể hiện sức mạnh của Trung Quốc bao gồm “một mạng lưới các căn cứ trên toàn cầu … trên bờ biển Đại Tây Dương của Phi Châu.”
Một mục tiêu rõ ràng của Trung Cộng trong việc tiếp cận quân sự Đại Tây Dương là Nigeria, đối tác thương mại Phi Châu lớn thứ hai của Trung Quốc.
Đầu tháng 06/2018, Trung Quốc đã cử khinh hạm Type 054A trang bị hỏa tiễn Yencheng tham gia cuộc tập trận hải quân đa phương do Hải quân Nigeria đăng cai tổ chức. Một hội nghị được tổ chức cùng với cuộc tập trận có sự tham dự của Phó Đô đốc Shen Jinlong, Tư lệnh hiện tại của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân (PLAN).
Nigeria đã mua một số vũ khí của Trung Cộng trong những năm gần đây, bao gồm chiến đấu cơ hạng nhẹ F-7 của Tập đoàn Phi cơ Thành Đô và chiến đấu cơ không người lái CH-3 (UCAV) của Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (CASIC).
Cũng trong năm 2018, lần đầu tiên Trung Quốc đã bán chiến đấu cơ hạng nhẹ FC-1 cho Phi Châu do Tổ hợp Hàng không Pakistan đồng sản xuất với tên gọi JF-17 và được chuyển giao cho Nigeria hồi tháng 04/2021 vừa qua.
Đầu tiên Nigeria mua ba chiếc, nhưng một bản tin ngày 07/11/2020 trên trang Defense World.net lưu ý rằng, “Các tin tức chưa được xác nhận trên mạng xã hội cho biết Nigeria đang đàm phán để đặt hàng thêm 40 phi cơ.”
Mặc dù không đắt, ở mức giá vào khoảng 30 đến 35 triệu USD/phản lực cơ, nhưng phiên bản Block III mới nhất JF-17 trên thực tế là một chiến đấu cơ có khả năng hoạt động thế hệ 4+. Được trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) của Trung Quốc, lần gần đây nhất chiến đấu cơ này được trang bị hỏa tiễn không đối không tầm ngắn thế hệ 5 (AAM) Luoyang PL-10 thế hệ thứ 5 có hiển thị gắn trên mũ bảo hiểm (HMD).
Block III cũng có thể sử dụng Luoyang PL-15, một AAM tự dẫn đường với tầm bắn ước tính lớn hơn 124 dặm (200 km), có thể bằng hoặc tốt hơn các AAM tầm xa hiện tại của Hoa Kỳ và Âu Châu.
Các phiên bản JF-17 trước đó có thể sử dụng hỏa tiễn tấn công mặt đất siêu thanh CASIC CM400 tầm 249 dặm (400 km). Không quân PLA sử dụng phiên bản chống hạm dẫn đường thụ động CM400 rất khó bị đánh bại với các hệ thống phòng thủ hiện nay do Hoa Kỳ sản xuất.
Khả năng PLA tiếp cận các cơ sở quân sự của Nigeria có thể sớm được bổ sung thêm với việc PLA tiếp cận các cơ sở ở Argentina.
Từ khoảng năm 2010 đến 2015 dưới sự lãnh đạo của cựu Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner, Argentina đang trên đường mua sắm lượng lớn vũ khí từ Trung Quốc, bao gồm khoảng 24 chiếc JF-17, tối đa 5 tàu hộ vệ cỡ nhỏ và khoảng 100 chiếc xe bọc thép lội nước Norinco VN. -1. Những thỏa thuận đó đã bị hủy bỏ sau khi bà Fernandez rời nhiệm sở vào năm 2015.
Tuy nhiên, vào tháng 12/2017, bà trở lại nắm quyền, với tư cách là Phó Tổng thống Argentina; và đến giữa năm 2020, [trong] các báo cáo đã nổi lên sự quan tâm trở lại của Argentina đối với vũ khí Trung Quốc như chiến đấu cơ JF-17.
Trong thập kỷ vừa qua, Argentina đã không thành công trong việc mua chiến đấu cơ phản lực mới do nhiều hạn chế về tài chính hoặc do sự phản đối chính trị của Vương quốc Anh, nước đã thắng Argentina trong một cuộc chiến ngắn ngủi nhưng đẫm máu năm 1982 trên quần đảo Falklands.
Nhưng hôm 06/05/2021, ấn phẩm Indodefensa của Tây Ban Nha đưa tin rằng một phái đoàn từ Tổng công ty Xuất nhập cảng Công nghệ Hàng không Quốc gia Trung Quốc (CATIC) khi đó đã đến Argentina để thảo luận về việc bán và tài trợ cho JF-17.
Một bản tin hôm 14/05 của Defense World.net lưu ý rằng, “Được biết là phái đoàn đã thảo luận về việc bán 12 chiếc JF-17 và thăm các cơ sở của FADEA [Fabrica Argentina de Aviones], một nhà sản xuất phi cơ Argentina, có thể tham gia vào một [quy trình] lắp ráp hoặc dịch vụ bảo dưỡng các chiến đấu cơ.”
Tại Hội chợ Hàng không năm 2013 tại Paris, các quan chức FADEA đã nói với trang phân tích này về tham vọng hợp tác sản xuất và bán JF-17 ở Mỹ Châu Latin. Nếu Argentina mua JF-17, các vụ mua bán vũ khí khác được coi là của Trung Quốc trước đây có thể được phục hồi.
Cũng như vào đầu những năm 2010, [do] ngày nay, Argentina thiếu tiền để hỗ trợ các hoạt động mua và hợp tác sản xuất như vậy, và sẽ yêu cầu nguồn tài chính ưu đãi đáng kể của Trung Quốc, điều này sau đó sẽ làm tăng đòn bẩy của Bắc Kinh để mở rộng mối quan hệ quân sự với Buenos Aires.
Argentina đã cho Trung Quốc thuê 50 năm [vị trí] để lắp đặt radar theo dõi và kiểm soát không gian, điều này sẽ rất quan trọng đối với tham vọng không gian quân sự và dân sự của Trung Quốc.
Vì vậy, vào thời điểm PLA đang nhanh chóng tăng cường khả năng mở rộng sức mạnh của mình – bao gồm hàng không mẫu hạm, tàu cung ứng lớn, đội tàu đổ bộ lớn, phi cơ tiếp nhiên liệu và vận tải quân sự lớn—họ cũng đang cố gắng để tạo ra các cơ hội đối với việc tiếp cận chiến lược lớn hơn ở Đại Tây Dương.
Nếu Trung Quốc thành công trong việc tiếp cận quân sự, chúng ta có thể tưởng tượng rằng phi cơ tiếp nhiên liệu Y-20U của Không quân Trung Quốc (PLAAF) có thể cho phép các chiến đấu cơ JF-17 của Argentina và Nigeria tập trận với lực lượng PLA ở hai bên bờ Đại Tây Dương.
Hoặc cùng với một nhóm tấn công hàng không mẫu hạm của PLAN, các phi cơ Y-20U của PLAAF có thể cho phép các chiến đấu cơ JF-17 của Nigeria tham gia cùng với các chiến đấu cơ JF-17 của Argentina trong các hoạt động quân sự cưỡng chế của Trung Quốc-Argentina-Nigeria nhằm buộc London bắt đầu đàm phán về việc trao trả quần đảo Falklands cho Argentina.
Không giống như năm 1982, trong giai đoạn hiện tại, các nước láng giềng của Argentina có thể ủng hộ áp lực quân sự do Trung Quốc hỗ trợ để giành lại quần đảo Falklands, cô lập London và Hoa Thịnh Đốn trong khu vực.
Venezuela có thể cho phép Argentina không kích một nhóm hàng không mẫu hạm quá cảnh của Anh Quốc, những chiến đấu cơ F-35B của Anh Quốc có thể bị thách thức để ngăn chặn các cuộc tấn công của hỏa tiễn CM400.
Một trạng thái ngang bằng về vũ trang sẽ làm tăng đòn bẩy của Trung Quốc ở Mỹ Châu Latin; Việc Anh Quốc nhượng bộ trong các cuộc đàm phán sẽ được coi là một chiến thắng đối với Trung Quốc.
PLA có thể bắt đầu giành quyền tiếp cận quân sự ở bán cầu của chúng ta, buộc Hoa Thịnh Đốn phải chuyển hướng sự chú ý chiến lược và nguồn lực ra khỏi các khu vực khác.
Tác giả Rick Fisher là thành viên cao cấp của Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế.
Quan điểm trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Rick Fisher thực hiện
Chánh Tín biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: