Bàn ăn thịnh soạn: ‘Tranh tĩnh vật với phô mai, hạnh nhân và bánh pretzel’ của họa sĩ Clara Peeters
Lời bình nhẹ nhàng về tác phẩm mỹ thuật đầy thú vị
Người dân Hà Lan yêu mến các bức tranh tĩnh vật, từ thường dân, đến thương nhân, cho đến giới quý tộc. Kỳ thực, tên gọi “still life” (tĩnh vật) có nguồn gốc từ cụm “still leven” trong ngôn ngữ Hà Lan. Tất cả mọi người đều muốn có một bức tranh tĩnh vật trong nhà, đặc biệt là vào thế kỷ 17, một thời kỳ phồn vinh nhất từ trước tới nay. Sự thịnh vượng đã lên những chuyến tàu của Hãng Đông Ấn Hà Lan, mang theo nhiều thực phẩm và gia vị mới cho các bàn ăn của họ.
Họa sĩ người Flemish Clara Peeters đã gặt hái thành công vang dội với dòng tranh tĩnh vật. Trong các họa phẩm của mình, bà lựa chọn những thực phẩm và vật dụng vừa quen thuộc vừa lạ lẫm đối với các nhà bảo trợ người Hà Lan. Đồng thời, bà vẽ thuần thục đến mức người ta gần như có thể chạm vào món ăn được bà bày trí trong bố cục của mình.
Bức họa “Still Life With Cheeses, Almonds and Pretzels” (Tranh tĩnh vật với phô mai, hạnh nhân và bánh pretzel) (khoảng năm 1615) thể hiện một bữa tiệc có các món ăn và thức uống bản địa lẫn được nhập cảng, có thể tìm thấy trên bàn ăn tối của bất kỳ người Hà Lan giàu có nào.
Ở phía dưới bên trái của bức tranh, họa sĩ Peeters vẽ hai chiếc bánh pretzel. Tương truyền loại bánh này được phát minh vào đầu những năm 600. Món bánh thơm ngon có vỏ ngoài giòn rụm và phần ruột bánh dai này từng rất phổ biến ở khắp vùng Bắc Âu, và mỗi quốc gia đều có phiên bản của riêng mình. Người Hà Lan gọi phiên bản ngọt hơn của họ là “zoute krakeling.”
Ở phía trên những chiếc bánh pretzel, trong chiếc đĩa bằng thiếc, những miếng phô mai chiếm một phần lớn của bố cục. Phô mai không được nhập cảng, mà được sản xuất ở Hà Lan. Phô mai cũng từng là món hàng xuất cảng chủ yếu. Ở phía trước, nữ họa sĩ vẽ một miếng phô mai màu xanh lục xám được làm đậm màu bằng nước ép rau mùi tây (parsley) hoặc cải ngựa (horseradish), và có lẽ có nguồn gốc từ đảo Texel ở miền bắc Hà Lan.
Ở ngay đằng sau là phân nửa bánh phô mai Gouda. Nữ họa sĩ Peeters nổi danh với kỹ năng vẽ chi tiết, và bà thể hiện điều đó trong họa phẩm này bằng cách vẽ các lỗ hổng khi người nếm thử lấy một vụn phô mai rồi để lại miếng nhỏ ở phía trên sau khi thử xong. Bên trên là miếng phô mai nhỏ hơn làm từ sữa cừu. Đặt trên cùng các miếng phô mai là chiếc đĩa có phết thìa bơ.
Ở phía dưới bên phải, nữ họa sĩ bài trí một chiếc đĩa sứ Trung Hoa từ thời Vạn Lịch, vị hoàng đế thứ 14 của Triều Đại Nhà Minh. Chiếc đĩa này từng được đặt tên là “đồ sứ Kraak” theo những chuyến tàu carrack của Bồ Đào Nha nhập cảng nó vào Hà Lan. Chiếc đĩa đựng các hạt hạnh nhân và nho khô từ khắp vùng Địa Trung Hải, và những quả sung khô có sẵn ở Hà Lan.
Ở phần hậu cảnh, phía bên phải là một ổ bánh mì cỡ nhỏ, từng được coi là món ăn xa xỉ vì nó được làm từ lúa mì. Các tầng lớp thấp đành phải dùng loại bánh mì lúa mạch đen, dễ gây khó tiêu hơn.
Ở phía trước ổ bánh mì là một ly rượu trang trí hoa văn có nắp đậy, gọi là ly “façon de Venise” (phong cách Venice) được chế tác bởi các nghệ nhân thổi thủy tinh người Ý từng mưu sinh ở thành phố Antwerp vào thời đó. Trong khi những người bình dân uống bia, thì rượu được nhập cảng từ Đức, Pháp, hoặc Tây Ban Nha từng là thức uống chính trong bữa ăn của tầng lớp thương nhân và quý tộc giàu có. Đồ thủy tinh phản chiếu ánh sáng trong bức tranh tĩnh vật cho phép họa sĩ thể hiện tài nghệ của họ khi vẽ các chi tiết.
Ở trung tâm, nữ họa sĩ vẽ một chiếc bình Bellarmine bằng đá, trên nắp bình có ảnh phản chiếu của bà. Bà Peeters từng là một trong những họa sĩ đầu tiên ở vùng Bắc Âu vẽ chân dung tự họa trên các bề mặt phản chiếu.
Nữ họa sĩ Peeters sử dụng phông nền tối của bức tranh tĩnh vật để làm nổi bật các món ăn. Bố cục được thiết kế cẩn thận để cân bằng màu sắc, hình thức, kết cấu, và độ bóng.
Người ta tin rằng bà từng sống ở thành phố Antwerp và được biết bà đã chế tác 40 bức tranh có chữ ký. Bà ký tên vào những họa phẩm của mình theo nhiều cách độc đáo. Trong bức tranh này, chữ ký nằm trên cán của con dao bằng bạc ở trên bàn.
Theo trang web Britannica, bà từng nổi tiếng với “nét vẽ tỉ mỉ, cách bày trí yếu tố công phu, góc phối cảnh thấp, và khả năng nắm bắt chính xác kết cấu của các đồ vật khác nhau mà bà vẽ.”
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times