BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Hoa Kỳ tăng cường các hạn chế chất bán dẫn, gây bất hòa về công nghệ với Trung Quốc
Các công ty công nghệ cao đang chứng kiến lợi nhuận ngày càng giảm ở Trung Quốc, khiến họ phải đánh giá lại các chiến lược thị trường của mình.
Sau những hành động của Hoa Kỳ và các đồng minh, Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng trong việc tiếp cận các chất bán dẫn tiên tiến và công nghệ sản xuất chúng. Người ta có thể nhận thấy sự chuyển biến này ngay cả tại các hội nghị hàng đầu toàn cầu về trí tuệ nhân tạo (AI), nơi các chủ đề liên quan đến Trung Quốc đã trở nên vắng bóng rõ rệt.
Hôm 29/03, chính phủ Tổng thống Biden đã công bố bản sửa đổi các quy định nhằm hạn chế hơn nữa khả năng Trung Quốc có thể mua được vi mạch AI của Mỹ và các thiết bị cần thiết cho quá trình sản xuất của họ. Những sửa đổi này được xây dựng dựa trên các biện pháp được đưa ra lần đầu hồi năm ngoái, nhằm ngăn chặn việc xuất cảng vi mạch AI tiên tiến, do các công ty như Nvidia phát triển, sang Trung Quốc. Hoa Kỳ đang lo ngại rằng những tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc có thể củng cố năng lực quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Các quy định sửa đổi này, được trình bày chi tiết trong một tài liệu dài 166 trang bắt đầu được ban hành hôm 04/04, mở rộng các hạn chế xuất cảng đối với máy điện toán xách tay và các thiết bị khác được trang bị những vi mạch bán dẫn tinh vi này. Vòng hạn chế này được đặc trưng bởi một cách tiếp cận ngày càng nghiêm ngặt, với các cập nhật mới nhất được thực thi chỉ sáu ngày sau khi công bố, trái ngược với thời hạn thông báo 30 ngày như những năm trước.
Các báo cáo cho biết Hoa Kỳ cũng đang chuẩn bị xác định các nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu của Trung Quốc sẽ bị cấm mua các công cụ sản xuất thiết yếu. Hành động này nhằm mục đích hạn chế hiệu quả hơn dòng chảy công nghệ quan trọng vào Trung Quốc và bảo đảm các công ty Hoa Kỳ tuân thủ những hạn chế này. Danh sách các cơ sở bị nhắm mục tiêu này dự kiến sẽ sớm được công bố.
Trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ đang leo thang với Hoa Kỳ, Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn (SMIC), nhà sản xuất vi mạch hàng đầu Trung Quốc, đã báo cáo lợi nhuận ròng giảm đáng kể 60% trong năm ngoái. Theo báo cáo thường niên được công bố hôm 28/03, doanh thu của SMIC giảm xuống 45.25 tỷ nhân dân tệ (6.26 tỷ USD), giảm 8.61% so với năm trước đó, trong khi lợi nhuận ròng thuộc về công ty mẹ giảm mạnh xuống 4.823 tỷ nhân dân tệ (670 triệu USD), giảm so với năm trước 60.25 phần trăm.
Sự suy thoái này đánh dấu sự sụt giảm lợi nhuận đầu tiên của SMIC kể từ khi công ty này bị Hoa Kỳ trừng phạt hồi năm 2020, sau những cáo buộc liên quan đến việc cung cấp công nghệ cho các nỗ lực quân sự của ĐCSTQ.
Các đồng minh quốc tế và lệnh cấm vận chất bán dẫn
Hoa Kỳ không chỉ tăng cường các hạn chế đối với công nghệ bán dẫn mà còn đã và đang vận động các đồng minh như Hà Lan, Đức, Nam Hàn, và Nhật Bản cùng tham gia thắt chặt lệnh cấm vận công nghệ đối với Trung Quốc. Các quốc gia này đóng vai trò là những người tham gia quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu, điều này nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của sự hợp tác của họ.
Trong một chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc từ hôm 26 đến 27/03, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã tham gia các cuộc thảo luận được cho là xoay quanh ASML, một công ty hàng đầu của Hà Lan và là nhà cung cấp máy in thạch bản hàng đầu thế giới để sản xuất vi mạch bán dẫn. Đã có nhiều đồn đoán về việc liệu các cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có ảnh hưởng đến quyết định của chính phủ Hà Lan cho phép ASML bảo trì các thiết bị in thạch bản có giá trị cao mà họ đã bán cho Trung Quốc hay không.
Hồi năm 2023, Hà Lan đã thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất cảng hạn chế việc vận chuyển thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc. Các biện pháp kiểm soát này bao gồm việc bảo trì và bảo dưỡng các thiết bị như vậy sau khi giấy phép hiện tại hết hạn, vì nhiều giấy phép sẽ hết hạn vào ngày 31/12 năm nay.
Sau các cuộc thảo luận, truyền thông nhà nước Trung Quốc không đề cập đến vấn đề thiết bị nhưng nhấn mạnh khẳng định của ông Tập rằng quyền phát triển của Trung Quốc là hợp pháp và “không có thế lực nào” có thể cản trở tiến bộ công nghệ của nước này, ngụ ý rằng các cuộc đàm phán đã không có lợi cho Trung Quốc.
Vai trò của Đức trong chuỗi cung ứng này, thể hiện qua việc nhà sản xuất Carl Zeiss AG cung cấp các linh kiện quang học cho ASML để sản xuất vi mạch bán dẫn công nghệ cao, cũng đang được xem xét kỹ lưỡng. Hoa Kỳ đã bày tỏ mong muốn công ty này của Đức ngừng vận chuyển các linh kiện như vậy sang Trung Quốc.
Ngoài ra, năm ngoái, chính phủ Đức đã cân nhắc xem có nên hạn chế xuất cảng hóa chất bán dẫn sang Trung Quốc hay không. Khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Quốc sắp tới vào tháng Tư, thì lập trường của ông về vấn đề này vẫn chưa rõ ràng.
Tương tự, Hoa Kỳ cũng khuyến khích các công ty Nhật Bản hạn chế xuất cảng sang Trung Quốc các hóa chất chuyên dụng để sản xuất vi mạch bán dẫn, trong đó có chất cản quang, rất quan trọng cho sản xuất chất bán dẫn. Các cuộc thảo luận giữa Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và các quan chức Hoa Kỳ tại hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-Hoa kỳ hôm 10/04 được kỳ vọng sẽ giải quyết sâu hơn các vấn đề về chuỗi cung ứng bán dẫn này.
Quan điểm toàn cầu về kiểm soát xuất cảng chất bán dẫn
Chính phủ Nam Hàn hiện đang cân nhắc lời khuyên của Hoa Kỳ trong việc áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất cảng thiết bị bán dẫn cho Trung Quốc. Hôm 13/03, Hãng thông tấn Yonhap đưa tin Hoa Kỳ đã và đang vận động Nam Hàn thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất cảng kể từ nửa cuối năm ngoái. Mặc dù chính phủ Nam Hàn vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng, nhưng họ nhận thấy tầm quan trọng của việc tuân theo các yêu cầu của Hoa Kỳ ở một mức độ đáng kể.
Tháng 12 năm ngoái, Đài Loan, một đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ và là trung tâm then chốt của công nghệ bán dẫn, đã có một bước đi đáng chú ý khi công bố “Danh sách Công nghệ Quan trọng Cốt lõi Quốc gia.” Danh sách đầy đủ này bao gồm các công nghệ quan trọng trong năm lĩnh vực: quốc phòng, vũ trụ, nông nghiệp, chất bán dẫn, và an ninh mạng.
Đáng chú ý, phân khúc bán dẫn bao gồm các quy trình sản xuất tiên tiến cho các mạch tích hợp (IC) dưới 14 nanomet và các công nghệ đóng gói tích hợp không đồng nhất phức tạp, bao gồm đóng gói ở cấp độ vi mạch, đóng gói tích hợp quang tử silicon, và các công nghệ thiết bị và vật liệu cần thiết.
Trong một hành động nhằm bảo vệ những tài sản công nghệ này, tháng Năm năm ngoái, Viện Lập pháp Đài Loan đã sửa đổi “Luật An ninh Quốc gia.” Dự luật sửa đổi này hình sự hóa việc chuyển giao các công nghệ quan trọng cốt lõi của quốc gia cho các tổ chức ngoại quốc, bao gồm cả Hồng Kông, Ma Cao, và các thế lực thù địch khác, đồng thời áp dụng hình phạt lên tới 12 năm tù.
Tiền phạt cũng có thể được áp dụng, có khả năng tăng gấp đôi dựa trên lợi nhuận bất hợp pháp thu được từ các hoạt động như thế. Nhân viên tham gia vào các lĩnh vực công nghệ nhạy cảm và nhận tài trợ của chính phủ phải được cho phép trước khi đến Hoa lục.
Hôm 02/04, ông Jason Ma, một chuyên gia AI tại Hoa Kỳ đã chia sẻ những hiểu biết sâu sắc với The Epoch Times, giải thích những hành động này là một nỗ lực tập thể của các nước phương Tây nhằm tách rời khỏi ĐCSTQ một cách chiến lược trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến.
Ông nhấn mạnh rằng những hạn chế này là một trở ngại đáng kể đối với ĐCSTQ, đặc biệt là làm tăng chi phí phát triển liên quan đến AI. Cách tiếp cận có phối hợp này nhấn mạnh một nỗ lực quốc tế rộng lớn hơn nhằm giảm thiểu rủi ro liên quan đến việc chuyển giao các năng lực công nghệ quan trọng cho Trung Quốc, phản ánh những lo ngại ngày càng tăng về an ninh quốc gia và bối cảnh cạnh tranh toàn cầu trong các ngành công nghệ cao.
Hội nghị AI toàn cầu nêu bật sự chuyển dịch trọng tâm ra khỏi Trung Quốc
“Hội nghị Công nghệ GPU NVIDIA (GTC),” một trong những sự kiện toàn cầu hàng đầu về trí tuệ nhân tạo, diễn ra từ hôm 18 đến 21/03 tại San Jose, California, cũng như trực tuyến. Giám đốc điều hành NVIDIA Jensen Huang đã có bài diễn thuyết quan trọng chủ chốt mang tên “Chứng kiến Khoảnh khắc Đột phá AI, nêu bật vai trò của hội nghị này là một cầu nối cho những phát triển mới nhất về AI. Với hơn 900 buổi họp, hơn 200 nhà trưng bày, và hơn 20 cuộc thảo luận về chuyên môn, sự kiện này là một sự kết hợp của các cơ hội đổi mới và kết nối.
Tuy nhiên, giữa cuộc trưng bày và thảo luận về công nghệ, một trong những ông trùm vốn sở hữu tư nhân Trung Quốc tham dự đã đưa ra nhận xét đáng chú ý: Trung Quốc đặc biệt vắng mặt trong các cuộc đàm luận. Nhận xét này được chia sẻ bởi một blogger có tên “Left Hand Ink,” người có lượng người theo dõi đáng kể trên nền tảng truyền thông xã hội X. Blogger này lặp lại quan điểm cho rằng sự kiện này dường như đã gạt bỏ vai trò và đóng góp của Trung Quốc trong lĩnh vực AI.
Trải nghiệm của ông trùm này tại hội nghị, vốn được mô tả là “màn trình diễn của trí tuệ và sự vĩ đại,” đã bị làm cho lu mờ khi nhận ra rằng rõ ràng là không hề có cuộc đối thoại về sự phát triển AI của Trung Quốc hoặc quan điểm của các công ty Mỹ đối với Trung Quốc.
Người ta nhận thấy sự bỏ quên này cho dù có sự hiện diện của nhiều kỹ sư và nhà đầu tư Trung Quốc, một số người trong số họ rõ ràng đã đến từ Trung Quốc để tham dự hội nghị này. Blogger này lưu ý rằng danh tính hoặc lý lịch của những người Trung Quốc tham gia dường như không thu hút được sự chú ý hoặc quan tâm, làm nổi bật sự rút lui rõ ràng hơn khỏi Trung Quốc.
Sự chuyển biến này một phần là do NVIDIA đã giảm sự phụ thuộc tài chính vào thị trường Trung Quốc, vốn hiện chiếm chỉ 5% doanh thu của công ty này, giảm đáng kể so với mức cao trước đó là 20 đến 25%. Ngụ ý rằng NVIDIA, cùng với nhiều công ty khác, có thể đang điều chỉnh lại các chiến lược kinh doanh và lĩnh vực trọng tâm của mình, rời xa một thị trường từng có ảnh hưởng đáng kể.
Bình luận của nhà báo chuyên mục Chu Hiểu Huy của The Epoch Times về bài viết đó làm sáng tỏ thêm xu hướng này, cho thấy sức hấp dẫn ngày càng giảm của thị trường Trung Quốc không phải là một hiện tượng cá biệt.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times