BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Các y tá Hoa Kỳ đang kiệt sức, sẵn sàng nghỉ việc – Các bệnh viện trên toàn quốc sắp thiếu nhân viên
Ông Jay Cuesta trưởng thành với dự định theo đuổi ngành y khoa. Sau đó, hồi năm 2000, đứa con sinh non của ông đã qua đời khi mới hai tuần tuổi, nên tầm nhìn về tương lai của ông Cuesta đã được sắp xếp lại.
Ông Cuesta nói với The Epoch Times rằng các y tá đã ở bên cạnh hai vợ chồng ông trong suốt giai đoạn đầy thử thách của họ. Các y tá đã ở bên cạnh họ khi đứa con mà họ biết sẽ không thể sống sót được chào đời. Các y tá còn ở bên cạnh họ khi họ đau buồn trong môi trường bệnh viện vô trùng này.
Họ đã ở bên cạnh hai vợ chồng ông trong suốt quá trình trải qua nỗi đau này.
Ông Cuesta nói: “Tôi đã biết được tôi muốn [đi theo] loại nghề nghiệp y khoa nào,” ông Cuesta nói. “Đó là nghề nghiệp mà tôi muốn theo đuổi.”
Theo các thống kê gần đây, nhiều y tá, có lẽ chính là những y tá đã truyền cảm hứng cho ông Cuesta, hiện đã kiệt sức, chán nản, và sẵn sàng nghỉ việc.
Một cuộc khảo sát về y tá hồi tháng 05/2021 của Vivian Health — một hãng cung cấp dịch vụ việc làm dành cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe — vẽ ra một bức tranh ảm đạm. Vivian đã khảo sát 1,273 y tá trên tất cả 50 tiểu bang và ngành đào tạo này sau một năm xảy ra đại dịch.
54% cho biết họ bi quan về tương lai của ngành chăm sóc sức khỏe tại Hoa Kỳ. 20% cho biết họ lạc quan và 27% không chắc chắn.
Theo báo cáo của Vivian, “Gần 3/4 [người được hỏi] cho biết kể từ thời điểm này hồi năm ngoái, tinh thần của nhân viên đã trở nên tồi tệ hơn trong bệnh viện hoặc cơ sở chăm sóc sức khỏe của họ.”
Hồi năm 2005, ông Cuesta đã lấy bằng hành nghề điều dưỡng (registered nursing, RN) và ông hiện đang nỗ lực để trở thành một y tá điều dưỡng (nurse practitioner). Ông Cuesta yêu thích công việc của mình và dự định sẽ làm nghề này càng lâu càng tốt. Theo các chuyên gia, ông chỉ thuộc thiểu số. Ông Cuesta cũng đồng tình với nhận định đó.
Ông Cuesta nói: “Đúng là có rất nhiều (y tá) nói rằng: ‘Chúng tôi sẽ về hưu sớm.’”
Tình trạng kiệt sức vì công việc là một vấn đề nghiêm trọng
Ông Robert Rossetter là giám đốc truyền thông của Hiệp hội các Trường cao đẳng Điều dưỡng Hoa Kỳ (AACN).
Ông Rossetter viết trong một thư điện tử gửi tới The Epoch Times, “Kể từ khi xảy ra đại dịch, chúng tôi nhận thấy có nhiều báo cáo hơn về sự bất mãn của các y tá do tình trạng kiệt sức, không đủ nhân sự, và điều kiện làm việc tồi tệ, những điều này có thể dẫn đến việc nhiều y tá bỏ nghề.”
Theo ông Cuesta, khi những người hàng xóm của họ phong tỏa và làm việc từ xa trong giai đoạn đầu của đại dịch, thì các nhân viên y tế đã phải làm thêm giờ và làm giảm bớt các mối lo ngại về việc lây bệnh cho bằng hữu và người thân của họ.
Theo cuộc khảo sát năm 2021 của Vivian, 83% số người được hỏi cảm thấy sức khỏe tinh thần của họ đã bị ảnh hưởng do căng thẳng liên quan đến đại dịch. 43% cảm thấy người chủ cơ sở làm việc của họ đã không giải quyết các mối quan tâm về sức khỏe tâm thần của họ.
Ông Ronnie Cubley đã làm y tá được gần 30 năm. Ông nói rằng nhiều điều dưỡng viên đồng nghiệp kỳ cựu của ông thật sự mệt mỏi.
Ông Cubley viết trong một thư điện tử gửi tới The Epoch Times, “Các nhân viên rất cần sự quân bình giữa công việc và cuộc sống và sẽ không tiếp tục hành nghề nếu không đạt được điều này. Trên khắp Hoa Kỳ, nhiều y tá đang mau chóng về hưu.”
Ông Cuesta cho biết vấn đề không chỉ là nhu cầu thể chất của việc tăng giờ làm. Ông nói rằng đối với hầu hết các y tá, những phần thưởng về tinh thần mà công việc điều dưỡng mang lại cũng quan trọng không kém tiền lương. Tuy nhiên, khi lương làm thêm giờ tăng lên, những phần thưởng trừu tượng hơn này bị giảm đi. Họ có cảm giác rằng họ có thể đang không làm hết chức trách của mình.
Ông Cuesta cho biết việc gặp bệnh nhân của mình trong cửa hàng thực phẩm hoặc những nơi khác là chuyện bình thường. Việc giúp họ [bệnh nhân] vượt qua một số trải nghiệm khó khăn hơn trong cuộc đời họ sẽ tạo ra một mối quan hệ lâu bền.
Ông Cuesta nói, “Đúng là một công việc rất có ý nghĩa. Hạnh phúc biết bao khi thấy những người ở Walmart muốn ôm chầm lấy quý vị. Đó là lý do tại sao tôi làm công việc này.”
“Khi quý vị đang săn sóc cho những người hàng xóm của mình, thì quý vị mong muốn làm cho thật tốt.”
Tuy nhiên, khi một y tá chỉ có chút ít thì giờ để chạy từ giường này sang giường khác, thì quý vị sẽ dễ bắt đầu cảm thấy như thể mình đang đối xử không đủ tử tế với những người hàng xóm đó.
Ông Cuesta nói: “Điều đó thật sự khiến khó có thể mang đến sự săn sóc chất lượng cao và nhất quán.”
Các hậu quả của việc thiếu nhân sự
Một bài báo trên Tập san Y học New England cho thấy các mối lo ngại của ông Cuesta là có cơ sở.
Hồi tháng 03/2011, tập san này đã công bố một nghiên cứu về những tác động của tình trạng thiếu nhân viên điều dưỡng đối với tỷ lệ tử vong của bệnh nhân. Một nhóm do ông Jack Needleman, giáo sư tại Khoa Quản lý và Chính sách Y tế tại Đại học California–Los Angeles, đứng đầu đã thực hiện nghiên cứu này.
Theo bài báo này, nguy cơ tử vong đối với bệnh nhân ở các đơn vị thiếu nhân viên cao hơn khoảng 6% so với các đơn vị có đầy đủ nhân viên. Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy nguy cơ tử vong gia tăng khi khối lượng công việc của một y tá tăng lên do tỷ lệ bệnh nhân nhập viện và xuất viện cao.
Ông Cubley đã bày tỏ mối lo ngại giống như ông Cuesta. Ông cho biết cá nhân ông đã nhìn thấy tác động của đại dịch này.
Ông Cubley cho biết: “Rất nhiều y tá đã bỏ nghề trong thời kỳ đại dịch vì kiệt sức với căng thẳng quá mức do khối lượng công việc quá tải gây ra.”
Tuy vậy, không phải y tá nào cũng bỏ nghề. Một số chỉ nghỉ việc. Áp lực ngày càng tăng đối với công việc và cuộc sống gia đình đã khiến nhiều y tá phải tìm những công việc được trả lương cao hơn. Nhiều người đã trở thành y tá lưu động (travel nurse).
Thu nhập của nghề điều dưỡng
Các y tá lưu động là các điều dưỡng viên được cấp phép làm việc cho các cơ quan nhân sự và tạm thời lấp đầy các vị trí trống. Các công việc cần di chuyển là phổ biến vì họ thường trả nhiều tiền hơn. Các y tá được thực hiện công việc chăm sóc bên giường bệnh mà họ yêu thích và tránh được nhiều công việc hành chính mà một y tá toàn thời gian tại bệnh viện phải làm.
Theo NurseProcess.org, các y tá lưu động có thể kiếm được từ 32 đến 86 USD mỗi giờ, trung bình là 56 USD. Hầu hết các vị trí bao gồm một khoản trợ cấp sinh hoạt, và một số trang trải các chi phí khác. Trong thời kỳ đại dịch, mức lương trung bình của y tá lưu động đã tăng vọt lên ba con số, thu hút nhiều y tá vào lĩnh vực đó.
Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, mức lương trung bình quốc gia cho các y tá có bằng hành nghề là 77,600 USD mỗi năm, tương đương khoảng 37 USD mỗi giờ.
Nhiều nhân viên y tá thấy bực mình với ban giám đốc bệnh viện đã trả mức giá cao cho y tá lưu động tạm thời thay vì thuê y tá địa phương hoặc trả nhiều tiền hơn cho y tá hiện tại.
Theo khảo sát của Vivian, 78% số người được hỏi cho biết các ưu tiên tìm kiếm việc làm của họ đã thay đổi. Nếu họ từ bỏ những khía cạnh của công việc họ yêu thích, ít nhất họ cũng muốn được đền bù xứng đáng. 66% số người trả lời khảo sát mức lương là yếu tố quan trọng nhất.
Ông Cuesta nói: “Rốt cuộc thì, cuối cùng, chúng tôi phải chăm sóc gia đình của mình.”
Tuy nhiên, lương thưởng chỉ là vấn đề trước mắt. Các nhà quản lý nói rằng lương thưởng sẽ tự được điều tiết thông qua các lực lượng cung và cầu của thị trường. Các chuyên gia cho biết, một vấn đề khác trầm trọng hơn đang diễn ra.
Thiếu hụt nhân công
Cục Thống kê Lao động dự đoán lực lượng nhân công ngành điều dưỡng đã được cấp bằng sẽ tăng 6% trong 10 năm tới từ 3.1 triệu vào năm 2021 lên 3.3 triệu vào năm 2031. Đây là mức tăng của 195,400 y tá. Tuy nhiên, Cục dự tính nhu cầu về y tá sẽ tăng lên hơn 203,000 người mỗi năm.
Nói chung, các chương trình điều dưỡng tại các trường cao đẳng và trường dạy nghề sẽ đáp ứng cho nhu cầu này. Tuy vậy, các trường điều dưỡng chỉ đào tạo được một phần nhỏ số y tá mới cần thiết. Ông Rossetter cho biết lý do không phải là không có ai muốn trở thành một y tá.
Ông Rossetter viết trong tuyên bố của mình: “Dữ liệu hàng năm cho thấy hàng ngàn ứng viên đủ điều kiện đã bị các trường điều dưỡng từ chối mỗi năm vì các trường đã đạt đủ số lượng tuyển sinh.”
Nói một cách đơn giản, Hoa Kỳ cần nhiều trợ giáo cho điều dưỡng hơn.
Theo AACN, trợ giáo điều dưỡng trung bình kiếm được khoảng 65,000 USD mỗi năm, ít hơn mức thu nhập của một y tá đang làm việc. Với hầu hết các y tá được cấp bằng đều trên 50 tuổi, thì một đợt y tá đã về hưu sẽ mang theo kinh nghiệm của họ.
Khi những người thuộc thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh về hưu, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe kỳ vọng nhu cầu về y tá sẽ tiếp tục tăng mà các y tá trẻ, thiếu kinh nghiệm sẽ đáp ứng phần nào.
Ông Cuesta kể lại rằng hồi ông mới vào nghề, một số bài học quan trọng nhất mà ông học hỏi được về công việc này là từ các y tá giàu kinh nghiệm. Ông nói rằng ông đã cố gắng noi theo tấm gương đó bằng cách dạy cho các y tá trẻ mà ông gặp. Tuy nhiên, khi công việc chăm sóc bệnh nhân trở nên gấp rút hơn, khối lượng công việc tăng lên sẽ khiến việc chỉ bảo cho các y tá mới trở nên khó khăn hơn.
Ông Cuesta cho biết ông và các đồng nghiệp lo ngại tình hình hiện tại có thể dẫn đến một tình trạng thiếu hụt kinh nghiệm làm việc.
Bà Sarah Szanton là trưởng Khoa Điều dưỡng của Đại học Johns Hopkins ở Baltimore. Hồi tháng Hai, bà nói với Ủy ban Y tế, Giáo dục, Lao động và Lương hưu của Hạ viện Hoa Kỳ rằng tình hình này rất nghiêm trọng, nhưng một số việc vẫn có thể được thực hiện.
“Đất nước chúng ta đang thiếu y tá trầm trọng,” bà Szanton nói với ủy ban này. “Độ tuổi trung bình của các y tá có bằng hành nghề là 54. Chúng ta cần mọi người trở thành các y tá mới và chúng ta cần giữ lại các y tá hiện tại.”
Các chuyên gia cho biết có các giải pháp
Bà Szanton cho biết Đạo luật Thúc đẩy Tương lai của Điều dưỡng Học thuật (Đạo luật FAAN), được giới thiệu trong Quốc hội nhiệm kỳ vừa qua, sẽ mất một chặng đường dài để giải quyết những vấn đề này.
Đạo luật FAAN sẽ ủy quyền cho Cơ quan Quản lý Dịch vụ và Tài nguyên Y tế trao các khoản tài trợ cho các trường điều dưỡng để nâng cao khả năng đáp ứng của họ nhằm nâng cao các chương trình giáo dục điều dưỡng. Đạo luật FAAN sẽ ưu tiên các chương trình tại các trường cao đẳng và đại học lâu đời dành cho người Mỹ gốc Phi Châu cũng như các trường lấy người thuộc nhóm thiểu số làm trung tâm.
Cũng làm chứng trước ủy ban này, Bác sĩ Leonard Seoane, giám đốc học thuật của Ochsner Health ở New Orleans, đã đồng tình.
Ông cho biết tổ chức của ông có 1,200 vị trí cần tuyển dụng, bao gồm cả các công việc bác sĩ và điều dưỡng, và chi phí nhân sự của họ đã tăng 900% trong thời kỳ đại dịch. Ông cho biết Ochsner Health đang thăm dò các quan hệ đối tác với các trường đại học và trường y khoa để hình thành các chương trình học nghề nhằm tuyển dụng và đào tạo các nhân viên y tế mới.
Ông Seoane nói với ủy ban này, “Nhưng để mở rộng những chương trình này, chúng tôi cần sự giúp đỡ từ các trường đại học của chúng ta; chúng tôi cần sự giúp đỡ từ các trường cao đẳng cộng đồng của chúng ta; chúng tôi cần sự giúp đỡ từ các chính phủ của chúng ta. Tôi nghĩ đó là một sự hợp tác.”
Ông Cubley và ông Cuesta nói rằng những chương trình như vậy có thể hữu ích nếu chúng được khai triển đúng cách và sớm. Theo ông Cubley, hệ thống chăm sóc sức khỏe không thể tiếp tục dựa vào các nhân viên tạm thời và lương làm thêm giờ.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times