BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Các nhà lập pháp Ấn Độ lo ngại về cuộc khủng hoảng nhân quyền ở Trung Quốc
Bằng cách thể hiện sự ủng hộ chưa từng có dành cho các nạn nhân bị ĐCSTQ xâm phạm nhân quyền, các nhà lập pháp Ấn Độ đã kêu gọi hành động.
NEW DELHI — Bằng một hành động đầu tiên, các nhà lập pháp Ấn Độ đã chính thức nêu lên mối lo ngại về cuộc khủng hoảng nhân quyền dai dẳng ở Trung Quốc.
Trong khi một nhà lập pháp nêu lên mối lo ngại của mình tại Quốc hội Ấn Độ hôm thứ Ba (05/12), cùng ngày, những người khác cũng đã bày tỏ sự lo lắng trong một cuộc họp bao gồm các nhà lập pháp, nhà hoạt động nhân quyền, những công dân có liên quan cùng giới truyền thông.
Hôm thứ Ba, ông Aneel Prasad Hegde, một thành viên tại Thượng viện của Quốc hội Ấn Độ — Rajya Sabha (Hội đồng Nghị sĩ Bang) — đã nêu ra vấn đề đàn áp các học viên Pháp Luân Công và tín đồ Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ trước Quốc hội. Ông kêu gọi chính phủ Ấn Độ bắt đầu chiến dịch phản đối những hành vi vi phạm như vậy.
Ông Hegde nói trước Quốc hội Ấn Độ: “Hàng triệu người bao gồm các học viên Pháp Luân Đại Pháp [và] người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đang bị cưỡng bức lao động tại các nhà tù ở Trung Quốc.”
Nhà lập pháp Ấn Độ sau đó nói với The Epoch Times rằng ông đã cố gắng nêu ra vấn đề vi phạm nhân quyền của Trung Quốc trong hơn một năm nay, tuy nhiên “vì nhiều nguyên nhân, lý do ngoại giao v.v…, việc đó là không được phép.”
Ông Hegde nhấn mạnh rằng các hành vi vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc có tác động trực tiếp đến kinh tế Ấn Độ.
Ông cho biết: “Do các vi phạm về nhân quyền, luật lao động, và luật môi trường, mà quốc gia láng giềng của chúng tôi mới có thể sản xuất hàng hóa giá rẻ, nên điều này khiến chúng tôi trở nên kém cạnh tranh hơn.”
Ông cũng nêu ra vấn đề thu hoạch nội tạng bất hợp pháp từ các học viên Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ, đồng thời cho biết nạn thu hoạch nội tạng là một hoạt động buôn bán phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc. Ông kêu gọi chính phủ Ấn Độ giữ lập trường đạo đức về vấn đề này.
“Chừng nào chúng ta không ngăn chặn được bằng cách khởi động chiến dịch chấm dứt hành vi vi phạm nhân quyền, vi phạm luật lao động, vi phạm luật môi trường ở Trung Quốc, thì tôi nghĩ rằng ngành sản xuất của Ấn Độ sẽ còn khó cải thiện,” ông Hedge, một thành viên của đảng chính trị Janata Dal cho biết.
Gây chú ý đến vị lãnh đạo tinh thần bị bắt cóc
Ngày thứ Ba (05/12) cũng đánh dấu sự khởi đầu của Sáng kiến Nhận thức Ban Thiền Lạt Ma (Panchen Lama), một chiến dịch nhằm thu hút lại sự chú ý đến “tù nhân chính trị trẻ nhất thế giới,” trong vụ bắt cóc Ban Thiền Lạt Ma.
Chỉ đứng thứ hai sau Đức Đạt Lai Lạt Ma, Ban Thiền Lạt Ma là một nhân vật quan trọng trong Cách Lỗ Phái (Gelug) của Phật Giáo Tây Tạng. Năm 1995, chế độ cộng sản Trung Quốc đã bắt giữ Ban Thiền Lạt Ma thứ 11, khi đó vị này mới sáu tuổi, và phong cho “cậu bé linh hồn” của riêng họ làm Ban Thiền Lạt Ma. Tung tích của nhà lãnh đạo tinh thần bị bắt cóc — hiện nay đã 33 tuổi — và gia đình ông vẫn chưa được xác định. Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ đã nhiều lần kêu gọi trả tự do cho ông.
Tại buổi phát động chiến dịch diễn ra tại Câu lạc bộ Hiến Pháp New Delhi, các thành viên khác của Quốc hội đã nêu ra mối lo ngại về hành vi vi phạm nhân quyền của chính quyền Trung Quốc.
Ông Sujeet Kumar, một thành viên Rajya Sabha của Đảng Biju Janata Dal, đã tham gia vào chiến dịch kêu gọi các nhà lập pháp Ấn Độ can thiệp để trả tự do cho Ban Thiền Lạt Ma. Ông lên án các chính sách của Trung Quốc ở Tây Tạng cũng như ở Tân Cương.
“Trung Quốc đã phạm tội diệt chủng một cách có hệ thống ở Tây Tạng và Tân Cương. Người Tây Tạng đã trở thành công dân hạng hai [hoặc] công dân hạng ba trên chính quê hương của họ,” ông Kumar nói.
Ông Kumar, một luật sư kiêm thẩm phán được đào tạo đang hành nghề tại Tòa án Tối cao Ấn Độ, lưu ý rằng mặc dù “mặt trời không bao giờ lặn ở đế quốc Anh,” nhưng cuối cùng sự cai trị kéo dài hai thế kỷ của Anh quốc đối với tiểu lục địa Ấn Độ cũng đã chấm dứt.
“Một ngày điều tương tự cũng sẽ xảy ra với đế chế [cộng sản] Trung Quốc,” ông nói.
Sự đạo đức giả của chính quyền Trung Quốc
Các nhà lập pháp Ấn Độ tham gia cuộc thảo luận của Câu lạc bộ Hiến Pháp đã nói rằng cuộc khủng hoảng ở Trung Quốc ngày nay không chỉ giới hạn ở vấn đề nhân quyền mà còn liên quan đến hòa bình toàn cầu và bản sắc văn minh.
Ông Jamyang Tsering Namgyal, người đại diện cho khu vực Ladakh, cho biết: “Đây không chỉ là một nghị trình chính trị mà còn có liên quan đến các vấn đề về nhân quyền, trí tuệ cổ xưa, hòa bình, và bản sắc dân tộc.” Ấn Độ có số ghế Quốc hội nhiều nhất về mặt địa lý, và tại khu vực này cũng có chung đường biên giới dài và đầy tranh chấp với Trung Quốc.
Vào giữa năm 2020, binh lính Ấn Độ và Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) đã đụng độ ngay dọc biên giới ở Ladakh, tại Thung lũng Galwan hẹp và lạnh giá, khiến một số binh sĩ Trung Quốc chưa xác định được danh tính và 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.
Ông Namgyal, một thành viên của Đảng Bharatiya Janata (BJP) đã lưu ý rằng các tông phái Phật Giáo Tây Tạng có nguồn gốc từ Ấn Độ. Từ “panchen” (“Ban Thiền”), gồm chữ “pan” trong tiếng Phạn có nghĩa là “học giả”, và chữ “chen” trong tiếng Tây Tạng có nghĩa là “vĩ đại”, do đó Panchen Lama (Ban Thiền Lạt Ma) có nghĩa là “học giả vĩ đại.”
Mặc dù những tín đồ thuộc các tông phái cổ xưa của Phật Giáo Tây Tạng chỉ trích vụ bắt cóc và mất tích của Ban Thiền Lạt Ma, nhưng ông Namgyal nói rằng, “Đó không chỉ là về tín ngưỡng. Anh ấy là tù nhân chính trị trẻ nhất. Đó là một điều đáng tiếc của cả thế giới.”
Ông gọi Ban Thiền Lạt Ma do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bổ nhiệm là một “bản sao” và gọi các chính sách của ĐCSTQ liên quan đến vị này là “sự đạo đức giả huênh hoang nhất.”
“Không ai trên thế giới này công nhận anh ta cả,” ông Namgyal cho biết. “Ấn Độ cần phải vấn an Ban Thiền Lạt Ma.”
Một thành viên khác của Rajya Sabha, ông Sushil Kumar Modi, diễn thuyết tại cuộc họp tại Câu lạc bộ Hiến Pháp, cho rằng trong thế giới ngày nay, sự thông cảm dành cho chế độ cộng sản Trung Quốc gần như không tồn tại.
“ĐCSTQ bị cô lập trên toàn thế giới. Nền kinh tế của quốc gia này đang đi xuống và các cuộc bầu cử chỉ trên danh nghĩa,” ông Modi, thành viên của BJP cho biết.
Ông nhớ lại về một chuyến thăm Trung Quốc, khi đó ông được mời tham dự một diễn đàn của nhiều đảng phái chính trị khác nhau.
“Chúng tôi được thông báo rằng tất cả các đảng ‘đối lập’ này đang ủng hộ đảng cầm quyền của Trung Quốc,” ông Modi nói, tự hỏi một cách giễu cợt rằng làm thế nào các đảng đối lập có thể ủng hộ một đảng cầm quyền. Ông lên án ĐCSTQ vì đã tạo ra cái mà ông gọi là “Ban Thiền Lạt Ma bù nhìn.”
Một cuộc chiến vì lẽ phải
Các nhà lập pháp Ấn Độ cho biết việc lên tiếng phản đối hành vi tàn bạo của ĐCSTQ là vấn đề bảo vệ lẽ phải. Họ cho rằng, với tư cách là một quốc gia, Ấn Độ cần lên tiếng phản đối các chính sách vô nhân đạo của chính quyền Trung Quốc.
Ông R. K. Khrimey là một cựu thành viên Quốc hội Ấn Độ và cũng là cựu thành viên nội các. Hiện nay, ông là người phụ trách triệu tập toàn quốc của Nhóm Nòng cốt vì Chính nghĩa của Tây Tạng, một nhóm bảo trợ cho quyền của người Tây Tạng. Ông Khrimey cho rằng chủ quyền của Tây Tạng liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia của Ấn Độ. Chỉ sau khi Mao Trạch Đông sáp nhập Tây Tạng, biên giới Tây Tạng-Ấn Độ mới trở nên bất ổn, ảnh hưởng đến an ninh Ấn Độ.
Ông đánh đồng ĐCSTQ với khái niệm “adharma” của Ấn Độ Giáo — [tiếng Phạn] nghĩa là phi Đạt Ma, nghĩa là vô Pháp hay vô đạo đức — và lên án vụ bắt cóc Ban Thiền Lạt Ma. “Adharma không thể thắng được dharma (Đạt Ma) [Pháp hay đạo đức],” ông nói.
Xuất thân từ Arunachal Pradesh, ông Khrimey là thành viên Quốc hội đầu tiên được bầu đến từ bang biên giới mà ĐCSTQ tuyên bố là lãnh thổ của Trung Quốc. Ông lưu ý rằng người dân Arunachal Pradesh gọi đường biên giới gây tranh cãi này là “biên giới Ấn-Tây Tạng” chứ không phải “biên giới Ấn-Trung.” Ông cho biết thêm rằng việc này gửi một thông điệp đến cho ĐCSTQ.
Sự kiện tại Câu lạc bộ Hiến Pháp còn có sự tham dự của ông Penpa Tsering, Chủ tịch Chính quyền Trung ương Tây Tạng, có trụ sở tại Dharamshala, Ấn Độ.
Khi hồi đáp về vấn đề vi phạm nhân quyền được nêu ra tại Quốc hội Ấn Độ hôm thứ Ba (05/12), ông Tsering nói với The Epoch Times rằng điều quan trọng là các chính trị gia Ấn Độ phải nhận thức được những gì đang xảy ra ở bên trong Trung Quốc.
“Có một sự thiếu hụt về niềm tin rất lớn giữa Ấn Độ và Trung Quốc,” người đứng đầu chính phủ lưu vong Tây Tạng cho biết. “Vì vậy, điều tối quan trọng là các bộ và ban ngành cần biết về động cơ và ý đồ của Trung Quốc trên toàn thế giới, đặc biệt là vấn đề biên giới Ấn Độ.” Ông nhấn mạnh rằng Ấn Độ có chung hơn 6,000 km đường biên giới lỏng lẻo với Tây Tạng — vùng đất hiện đang diễn ra sự khai triển chưa từng có của PLA.
Nhà lập pháp Tây Tạng kêu gọi các nhà lập pháp Ấn Độ cần có một lập trường về đạo đức. Ông cũng khuyến khích họ xem người Tây Tạng như những đối tác để thay đổi từ trong Trung Quốc.
Tuệ Chân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times