BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: ‘Bị đánh đổi cho năng lượng xanh’: Ngành đánh bắt thương mại đối diện sự tuyệt chủng nếu tuabin gió ngoài khơi tiếp tục phát triển
Những người ủng hộ [ngành đánh bắt] cảnh báo rằng nếu như các nhà phát triển và các nhà đầu tư ngoại quốc của họ xây dựng thành công các tuabin gió ngoài khơi dọc theo bờ biển phía đông, thì một nguồn thực phẩm quan trọng và di sản văn hóa phong phú được bảo tồn nơi các ngư dân sẽ bị đe dọa.
Bà Meghan Lapp nói với The Epoch Times: “Nhiều thế hệ ngư dân có thể bị đánh đổi cho năng lượng xanh.”
Bà Lapp là người đại diện cho một công ty đánh bắt thương mại ở North Kingstown, Rhode Island, tên là Seafreeze Ltd.
Theo bà Lapp, đánh bắt thương mại là ngành được quản lý chặt chẽ thứ bảy trên toàn quốc, được quản lý nhiều hơn ngành dược phẩm và khai thác dầu khí.
“Chúng tôi không được tự do đi đến nơi chúng tôi muốn, thời điểm chúng tôi muốn, và bắt những gì chúng tôi muốn,” bà Lapp nói. “Kết quả là, đại dương thành một nơi rất nhỏ.”
Bà Lapp cho biết với việc các công ty phong năng ngoài khơi thuê địa điểm ở các vùng biển đánh bắt thương mại phồn thịnh, thì đại dương đó thậm chí còn trở thành một nơi nhỏ bé hơn.
Bà Lapp và những người khác trong ngành đánh bắt thương mại phát hiện ra rằng Cục Quản lý Năng lượng Đại dương (BOEM) có thể cấp các hợp đồng cho thuê địa điểm ở bất kỳ đâu mà không bị yêu cầu phải phân tích tác động trước, cũng không có yêu cầu theo dõi để xem hợp đồng cho thuê có mâu thuẫn với ngư nghiệp hay không.
“Vì vậy, những gì chúng tôi đã và đang thấy trong ngành đánh bắt thương mại là một lượng lớn ngư trường của chúng tôi chính xác là đang bị lấy đi, và không ai bận tâm cả,” bà Lapp nói. “Còn chính phủ liên bang thì đang tiến tới với tốc độ chóng mặt để cho thuê dọc theo bờ biển Đại Tây Dương.”
Theo bà Lapp, đã có 2.3 triệu mẫu Anh được cho thuê để xây dựng 3,500 tuabin dọc theo vùng biển phía đông, trong khi 1.7 triệu mẫu Anh dự kiến sẽ được cho thuê trong tương lai.
“Những mâu thuẫn là rất lớn,” bà cho biết. “Chúng tôi sẽ không thể đánh cá ở những khu vực này vì thiết bị của chúng tôi là một tấm lưới được kéo phía sau một con tàu lướt qua đáy đại dương. Chúng tôi không thể kéo lưới xung quanh các tuabin vì có lớp bảo vệ chống xói mòn — mà có rất nhiều đá — ở chân các tuabin này, và không chỉ lưới của chúng tôi sẽ bị những hòn đá xé toạc ra mà thiết bị của chúng tôi cũng sẽ bị mắc vào kết cấu dưới nước của những trang trại phong năng này.”
Bà Lapp cho hay đây không chỉ là mối đe dọa đối với thiết bị, mà còn tạo ra mối nguy hiểm nghiêm trọng vì khi lưới bị mắc, thì có thể làm lật thuyền.
Lạm quyền quản lý
Bà Lapp cho biết BOEM thừa nhận rằng ngư dân không thể hoạt động đánh bắt cá một cách an toàn trong quá trình xây dựng.
“Vì vậy, BOEM cho biết họ sẽ giảm thiểu tác động, nhưng để giảm thiểu tác động, thì quý vị cần phải làm giảm mâu thuẫn,” bà Lapp nói. “Nhưng BOEM chiều lòng 100% theo ý nhà phát triển bất kể vấn đề là gì. Đó là một trường hợp lạm quyền quản lý.”
Lạm quyền quản lý là một lý thuyết kinh tế mô tả một tình huống trong đó các cơ quan quản lý bị khuất phục trước các công ty mà họ chịu trách nhiệm quản lý, dẫn đến việc các cơ quan quản lý đó không ra quyết định vì lợi ích cộng đồng mà vì lợi ích của công ty, lợi ích chính trị, hoặc một hệ tư tưởng.
Trong trường hợp này, bà Lapp cho rằng BOEM đang đứng về phía các nhà phát triển vốn đang gấp rút thực hiện quy trình để kiếm tiền từ các khoản trợ cấp thuế liên bang nhận được từ Đạo luật Giảm Lạm Phát, điều này đã gây ra một cơn sốt vàng về khảo sát và phát triển cho quang năng và phong năng ngoài khơi.
Bà Lapp nói: “Vì điều này, mà ngành đánh bắt thương mại dọc theo bờ biển phía đông vốn lâu đời nhất trong cả nước có nguy cơ bị tuyệt chủng, và điều đó là không thể chấp nhận được.”
Bà Lapp cho biết một vấn đề khác là các tuabin gió gây nhiễu không chỉ radar hàng hải mà còn cả radar của Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ, từ đó sẽ tạo ra những vấn đề cho các hoạt động tìm kiếm cứu nạn và an ninh quốc gia.
“Quý vị thậm chí không thể đi qua những thứ này một cách an toàn, và BOEM vẫn sẽ chấp thuận chúng,” bà Lapp nói. “Vì vậy, chúng ta không chỉ mất đi những ngư trường có giá trị, mà còn đang mất đi khả năng vận chuyển an toàn.”
‘Thật thảm khốc’
Công ty Seafreeze Ltd. là nguyên đơn chính trong một vụ kiện (pdf) phản đối trang trại phong năng đầu tiên được liên bang cho phép ở Hoa Kỳ có tên là Vineyard Winds.
Trong số các cơ quan liên bang mà các nguyên đơn đang kiện đòi bồi thường khai báo và bồi thường bắt buộc có Bộ Nội vụ, cơ quan giám sát BOEM, và Bộ Thương mại, cơ quan giám sát Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA).
Đơn kiện cáo buộc các cơ quan liên bang đã vi phạm một vài đạo luật môi trường như Chính sách Môi trường Quốc gia, Các loài có Nguy cơ Tuyệt chủng, Bảo vệ Động vật Có vú ở Biển, và Đạo luật Nước Sạch.
Đơn kiện lập luận rằng, mỗi bị cáo liên bang này đã vi phạm luật liên bang vì cho thuê và chấp thuận việc xây dựng Vineyard Wind 1, dự án gồm có 62 tuabin gió cách nhau một hải lý, 15 dặm về phía nam của Vườn nho Martha và Nantucket, và cách đất liền Massachusetts 35 dặm.
Bà Lapp nói: “Chính phủ liên bang đã không động lòng trước những tác động đối với chúng tôi, và có một chính sách liên bang rõ ràng để thúc đẩy phong năng ngoài khơi và hoàn thành việc này, bất kể tác động là gì.”
Còn tác động đối với ngư dân, thì bà Lapp cho biết là sẽ không thể bù đắp lại được.
“Chúng ta đang nói về việc chiếm hàng triệu mẫu Anh dưới đáy biển và biến nó thành một nhà máy công nghiệp, ép nước dưới đáy đại dương bằng các trường điện từ,” Bà Lapp nói. “Cá sử dụng các trường điện từ tự nhiên của trái đất để di chuyển, và trường điện từ tự nhiên này sẽ bị gián đoạn rất lớn.”
Bà Lapp cho biết các tuabin cao tới 1,000 feet (khoảng 305 mét) tạo ra sóng hạ âm tần số thấp, liên tục có thể gây tử vong cho các sinh vật biển, chẳng hạn như mực.
“Chúng bị tổn thương ở cơ quan nội tạng, và chúng chết,” bà Lapp cho hay.
Sau đó, còn có vấn đề với việc đóng cọc, bà Lapp nói.
“Khi quý vị đang đóng những tuabin cao 1,000 feet xuống đáy đại dương, điều đó có tác động rất lớn đến môi trường biển,” bà nói. “Trong trường hợp đó, sinh vật biển có thể chết vì chấn thương do lực tác động mạnh, và khi quý vị nói về toàn bộ những gì sẽ tạo ra ở phía trên và phía dưới dọc theo bờ biển phía đông, thì hậu quả thật là thảm khốc.”
‘Một kịch bản ngày tận thế’
Hiệp hội Đánh bắt Thương mại Long Island ở Montauk, New York, là một hiệp hội đánh bắt thương mại khác thuộc phía nguyên đơn trong vụ kiện này.
Bà Bonnie Brady, giám đốc điều hành của hiệp hội này, nói với The Epoch Times rằng việc công nghiệp hóa đại dương để phát triển phong năng là “một kịch bản ngày tận thế.”
“Đây là mối đe dọa lớn nhất đối với ngành của chúng tôi trong khoảng thời gian tôi tham gia quản lý nghề đánh cá trong 20 năm qua,” bà Brady cho biết. “Đối với tôi thì, điều khiến việc phát triển các trang trại phong năng này trở nên điên rồ như vậy là, chẳng phải chúng ta đã học được từ COVID rằng điều thực sự quan trọng là phải biết thực phẩm của quý vị đến từ đâu và phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia sao?”
Bà Brady đã tham chiếu Đạo luật Bảo tồn và Quản lý Ngư nghiệp Magnus-Stevens (MSA), luật căn bản chi phối việc quản lý nghề cá biển ở vùng biển liên bang.
Trong số các quy định của đạo luật này là bảo đảm nguồn cung cấp hải sản bền vững và bảo vệ môi trường sống của cá.
Trước khi đạo luật này được thông qua vào năm 1976, vùng biển quốc tế cách bờ biển Hoa Kỳ 12 dặm đã đang bị các đội tàu ngoại quốc đánh bắt.
NOAA cho biết: “MSA đã mở rộng quyền tài phán của Hoa Kỳ lên 200 hải lý và thành lập tám hội đồng quản lý nghề cá khu vực có đại diện từ các tiểu bang ven biển và các bên liên quan đến ngư nghiệp.”
Các kế hoạch quản lý nghề cá bền vững được thiết lập phù hợp với mười tiêu chuẩn quốc gia.
Vì Quốc hội đã sửa đổi MSA với Đạo luật Ngư nghiệp Bền vững và Đạo luật Tái chấp thuận MSA, nên cả hai đạo luật này đều được soạn thảo để sửa đổi và tăng cường các quy định quản lý nghề cá.
Năm 1983, cựu Tổng thống Ronald Reagan đã thông qua Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ), mà giống như MSA, đã thiết lập ranh giới hàng hải 200 hải lý xung quanh lãnh thổ ven biển của Hoa Kỳ.
Sang nhượng cho nhà đầu tư ngoại quốc
“Toàn bộ mục đích của EEZ là để đẩy các đội tàu ngoại quốc vốn đã ở gần bờ ra kế sau các tàu thuyền của Hoa Kỳ ở ngoài khơi 200 dặm để chúng ta có thể phát triển ngành đánh bắt cá trong nước của mình,” bà Brady cho biết. “Vì vậy, mà chúng ta mới có được cơ ngơi này ở đây sau 50 năm, thế mà chính phủ liên bang của chính chúng ta đã sang nhượng EEZ cho các công ty năng lượng thuộc sở hữu của chính phủ ngoại quốc.”
Hôm 27/06, cơ quan lập pháp New Jersey đã thông qua một dự luật cho phép Orsted — một công ty phong năng do chính phủ Đan Mạch sở hữu 51% — giữ lại các khoản tín thuế mà lẽ ra công ty này phải trả lại cho những người đóng thuế của tiểu bang nếu dự luật đó không được thông qua.
Theo các nhà lập pháp, dự luật này được soạn thảo để giảm tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và lạm phát đối với các nhà phát triển.
“Copenhagen Infrastructure Partners, công ty đã mua Vineyard Winds từ OffshoreMW — một công ty của Blackstone, ban đầu được thành lập bởi PensionDanmark, một trong những quỹ hưu trí lao động lớn nhất Đan Mạch,” bà Brady cho biết. “Vì ngành phong năng ngoài khơi chiếm 8.5% GDP của Đan Mạch, nên họ phải tiếp tục đóng góp. Và thế có nghĩa là gì? Điều đó có nghĩa là họ đấu thầu chúng, xây dựng chúng, bán tháo chúng cho bất kể ai muốn mua một phần để phục vụ cho bất kể yêu cầu về ESG nào mà họ cần, rồi sau đó thoát khỏi vụ việc và tiếp tục xây dựng để họ không còn ở đó khi trách nhiệm pháp lý chạm đến mức cao nhất.”
‘Không có điểm tốt nào trong việc này’
Bà Brady cho biết một cộng đồng ngư nghiệp gồm các doanh nghiệp gia đình và cửa hàng nhỏ lẻ sẽ biến mất nếu việc phát triển tuabin gió chuyển sang giai đoạn xây dựng.
“Và chúng ta đang bị nghiền nát bởi một lời nói dối do tiền bạc thúc đẩy, và sẽ có những hậu quả thảm khốc,” bà Brady nói. “Không có điểm tốt nào trong việc này cả.”
Bà Brady vẫn hy vọng, tin rằng có nhiều người hơn sẽ nhận thức được những gì đang lâm nguy.
“Quý vị phải có hy vọng, giống như bất cứ điều gì khác,” bà nói. “Họ có lẽ đã không cắm được lá cờ ấy ở Iwo Jima nếu họ không có hy vọng.”
Bà cho biết càng ngày càng nhiều người nhìn thấu sự tuyên truyền lừa bịp của những công ty này đối với họ.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times