BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Fed đang xem xét tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương, nhưng ít người hiểu được tính nguy hiểm của loại tiền này
Một nhà lập pháp cho biết, ‘Đó hoàn toàn là công cụ tốt nhất cho một nhà nước giám sát mà quý vị có thể có.’
Hầu hết người Mỹ chưa từng nghe nói đến tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương, và chưa thực sự hiểu đó là gì.
Trong lúc Cục Dự trữ Liên bang đang cân nhắc thực hiện một chương trình như vậy ở Hoa Kỳ, thì một số người đang cố gắng cảnh báo người Mỹ về những hậu quả tàn khốc có thể xảy ra khi áp dụng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương.
Theo Cục Dự trữ Liên bang, một loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) “thường được định nghĩa là một khoản nợ kỹ thuật số của một ngân hàng trung ương sẵn có một cách rộng rãi cho công chúng.”
“Giống như các hình thức tiền hiện có, một loại CBDC sẽ cho phép công chúng thực hiện các khoản thanh toán bằng kỹ thuật số,” Fed giải thích. “Tuy nhiên, với tư cách là một khoản nợ của Cục Dự trữ Liên bang, CBDC sẽ là tài sản kỹ thuật số an toàn nhất sẵn có cho công chúng, không có rủi ro tín dụng hoặc thanh khoản liên quan.”
Hiện tại, Cục Dự trữ Liên bang cho biết họ “chưa đưa ra quyết định về việc có nên theo đuổi hay thực hiện” một loại CBDC hay không. Nhưng Hội đồng Thống đốc “đã khám phá những lợi ích và rủi ro tiềm ẩn của CBDC từ nhiều góc độ khác nhau.”
Hôm 01/05, bà Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đã nhận xét rằng việc các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) trở thành tiêu chuẩn trên toàn thế giới, kể cả ở Hoa Kỳ, chỉ là một vấn đề thời gian.
“Tương lai đã đến,” bà nói tại Hội nghị Toàn cầu năm 2023 của Viện Milken vào tháng Năm. “Ngay cả ở Hoa Kỳ, nơi [CBDC] là một chủ đề không được quan tâm nhiều trong một thời gian khá dài, thì giờ đây cũng đã có sự quan tâm.”
Phó Giám đốc điều hành IMF Lý Ba (Bo Li) cho biết hồi tháng 10/2022 rằng CBDC có thể cho phép các cơ quan chính phủ và các tác nhân trong khu vực tư lập trình tiền tệ để tạo thuận cho các chức năng chính sách mục tiêu. Ông cho biết tiền có thể được nhắm chính xác đến những gì người dân có thể sở hữu và những gì họ có thể sử dụng tiền để mua, chẳng hạn như thực phẩm.
Những rủi ro
Một mối nguy hiểm đáng kể mà CBDC gây ra là việc mất quyền riêng tư, một điều vi phạm các quyền hiến định của mọi công dân Mỹ.
Tu chính án thứ Tư quy định rằng “quyền của người dân về việc được bảo đảm an toàn về người, nhà cửa, giấy tờ, và của cải tài sản của họ trước các cuộc khám xét và tịch thu vô lý sẽ không bị xâm phạm, và không có Trát lệnh nào sẽ được ban hành, trừ phi có cơ sở chính đáng, được bảo trợ bằng Lời tuyên thệ hoặc khẳng định, và mô tả cụ thể địa điểm bị khám xét, và những người hoặc đồ vật bị tịch thu.”
Dân biểu tiểu bang Idaho thuộc Đảng Cộng Hòa Ted Hill dự đoán rằng CBDC “sẽ là cửa hậu để vi phạm Tu chính án thứ Hai.”
“Họ sẽ biết chính xác quý vị đã mua bao nhiêu viên đạn. Họ sẽ theo dõi mọi việc quý vị làm,” ông Hill nói với The Epoch Times. “Đó hoàn toàn là công cụ tốt nhất cho một nhà nước giám sát mà quý vị có thể có.”
“Chúng tôi đang cố gắng đẩy lùi điều này vì lý do tương tự mà chúng tôi đã đẩy lùi các mã thương mại,” ông nói, đề cập đến hoạt động theo dõi các giao dịch mua súng và đạn của các công ty thẻ tín dụng.
Ông gọi CBDC là “hiện thân của một xã hội bị giám sát,” đồng thời nhận định thêm rằng “điều đó thật đáng sợ.”
CBDC cũng sẽ cung cấp cho chính phủ quyền truy cập chưa từng có vào dữ liệu tài chính của người tiêu dùng.
Đóng băng tài sản
Mặc dù việc đóng băng hoặc tịch thu tài sản tiền mặt của ai đó thường phải có lệnh của tòa án, nhưng CBDC sẽ giúp chính phủ dễ dàng đóng băng hoặc tịch thu tài sản hơn.
Mối đe dọa này là có căn cứ.
Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Michelle Bowman đã cảnh báo hồi tháng Tư rằng “kiểu kiểm soát này không chỉ có khả năng cho phép chính phủ hạn chế được một số loại chi tiêu cá nhân hoặc hạn chế quyền truy cập vào các tài khoản ngân hàng, mà còn có thể đe dọa sự độc lập của Cục Dự trữ Liên bang.”
Dân biểu Tom Emmer (Cộng Hòa-Minnesota) đã đồng ý, cho biết tại một cuộc thảo luận của Viện Cato hồi tháng Ba rằng CBDC tương đương với một “loại tiền có thể lập trình, do chính phủ kiểm soát, có thể dễ dàng được vũ khí hóa thành một công cụ giám sát.”
Ông Masato Kanda, Thứ trưởng Tài chính đặc trách các vấn đề quốc tế của Nhật Bản, cho biết hồi tháng Tư rằng ông tin là bản chất kỹ thuật số của CBDC cũng khiến loại tiền này dễ bị tấn công mạng. Tin tặc — cho dù là xuất phát từ tư nhân hay là chính phủ, quốc nội hay quốc ngoại — có thể nhắm mục tiêu vào ngân hàng trung ương hoặc các tài khoản cá nhân, và chỉ cần gõ một vài phím, kẻ xấu thậm chí sẽ có được sức mạnh gây ra sự gián đoạn trên diện rộng đối với hệ thống tài chính toàn cầu.
Hôm 09/03/2022, Tổng thống Joe Biden đã ký sắc lệnh 14067, đề ra sáu ưu tiên để thiết lập chính sách quốc gia về tài sản kỹ thuật số và chỉ thị Bộ trưởng Ngân khố “làm một bản báo cáo về tương lai của các hệ thống tiền tệ và thanh toán, gồm có các tác động đối với tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng và hòa nhập tài chính, an ninh quốc gia, và mức độ đổi mới công nghệ có thể ảnh hưởng đến tương lai đó.”
Tháng 09/2022, Bộ Ngân khố đã công bố phát hành báo cáo đó, nói rằng “có nhiều cơ hội đáng kể để thúc đẩy các khoản thanh toán được nhanh hơn, rẻ hơn, và toàn diện hơn, nhưng Bộ Ngân khố sau đó đã thừa nhận rằng “cần phải nghiên cứu và phát triển thêm công nghệ để hỗ trợ cho CBDC của Hoa Kỳ, điều mà có thể mất nhiều năm.”
‘Tránh thuế và khủng bố’
Ông Peter St. Onge là thành viên nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Kinh tế Thomas A. Roe và là thành viên Mark A. Kolokotrones về Tự do Kinh tế tại Quỹ Di Sản.
Ông St. Onge không phải là người ủng hộ CBDC.
Ông nói rằng ông e là “toàn bộ tiền của nước Mỹ có thể trở thành thứ đồ chơi này, công cụ mà chính phủ có thể lấy tiền từ những người họ không thích và đưa một phần cho những người bỏ phiếu cho họ và một phần khác cho những người quyên góp cho họ.”
Ông cũng cảnh báo rằng chính phủ sẽ đưa ra những lý do quen thuộc để khẳng định CBDC là tốt cho người dân.
“Tránh thuế và khủng bố. Đó là những vấn đề kinh điển,” ông nói với The Epoch Times. “Đạo luật Bảo mật Ngân hàng là vì ‘người tránh thuế.’ Đạo luật Ái quốc là vì ‘những kẻ khủng bố.’ Mỗi khi họ muốn kiểm soát người dân Mỹ và lấy đi các quyền tự do của chúng ta, thì những lý do này luôn là những thứ mà họ lấy cớ, và chúng ta được kỳ vọng phải mơ tưởng rằng chính phủ sẽ tự kiềm chế được bản thân trong khi các vụ kiểm duyệt tài chính là rành rành ngay trước mắt.”
Ông cũng trích dẫn nỗ lực ngày càng tăng nhằm kéo Hoa Kỳ vào một trật tự thế giới toàn cầu và bãi bỏ Hiến pháp.
“Điều trớ trêu bệnh hoạn là chính phủ toàn cầu mà chúng ta đang quy phục này được xây dựng một phần bởi một thế hệ người Mỹ trước đây — Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, và Liên Hiệp Quốc — và mục tiêu lúc đó là Hoa Kỳ sẽ kiểm soát thế giới, và quý vị đã chứng kiến kết quả cho thấy tác dụng ngược lại,” ông nói. “Tôi muốn chúng ta thoát khỏi toàn bộ mớ hỗn độn này. Chết tiệt. Hãy bãi bỏ các tổ chức này đi và để chúng ở Thụy Sĩ.”
Nhưng vẫn còn có hy vọng.
“Rõ ràng là CBDC hoàn toàn vi phạm Tu chính án thứ Tư,” ông St. Onge khẳng định, tin rằng nỗ lực này cuối cùng sẽ bị Tối cao Pháp viện bác bỏ. “Thủ đoạn ở đây là có một thứ từ năm 1970 được gọi là Đạo luật Bảo mật Ngân hàng vốn ít nhiều mang lại cho chính phủ khả năng vô hạn để giám sát các giao dịch của quý vị.”
Ông nói, sự khác biệt giữa Đạo luật Bảo mật Ngân hàng (BSA) và CBDC là với BSA, chính phủ yêu cầu các ngân hàng “làm công việc bẩn thỉu cho họ.” Sau đó, các ngân hàng sẽ chuyển bất kỳ thông tin nào được xem là “đáng ngờ” cho chính phủ. Rồi các cơ quan quản lý của chính phủ sẽ xác định lại và mở rộng định nghĩa “đáng ngờ” để phù hợp với nhu cầu của họ.
Còn tiền CBDC thì sẽ loại bỏ bên trung gian trong quá trình này.
‘Người Mỹ phản đối điều này’
Ông St. Onge nói rằng trong khi ông tin là BSA ngày nay đã mở rộng đến mức cũng trở thành vi hiến — “có nghĩa là các ngân hàng không nên có năng lực chuyển thông tin về các giao dịch của quý vị cho chính phủ trừ phi có trát lệnh thực sự” — ông cho biết “CBDC sẽ còn mở rộng quyền lực của chính phủ một cách chóng mặt hơn nữa vì các ngân hàng sẽ không cần phải nhấc đến một ngón tay. Thông tin sẽ tự động nằm ở đó, trong tầm tay của chính phủ.”
“Vì vậy, theo quan điểm của tôi, CBDC hoàn toàn là vi hiến,” ông nói.
Ông St. Onge cũng đã lưu ý rằng CBDC là “không được lòng rộng rãi” trong công chúng Mỹ.
Một cuộc khảo sát năm 2023 của Viện Cato/YouGov cho thấy 72% người Mỹ không hiểu biết về CBDC. Vì điều này mà chỉ có 34% cho biết họ phản đối ý tưởng này. Còn một số ít người hơn, 17%, đã bày tỏ sự ủng hộ.
Tuy nhiên, khi được thông báo về những rủi ro tiềm ẩn của CBDC, thì sự phản đối đã tăng lên.
Nếu CBDC trao cho chính phủ quyền “đóng băng tài khoản ngân hàng kỹ thuật số của những người biểu tình chính trị,” thì có 59% số người được hỏi phản đối. Nếu “chính phủ có thể nhìn thấy mọi thứ quý vị mua,” thì có 65% phản đối.