Bài diễn văn của ông Blinken trước NATO đưa ra lập trường mạnh mẽ đối với Trung Cộng
Trong bài diễn văn trước NATO của mình, Ngoại trưởng Antony Blinken đã sử dụng từ “mối đe dọa” 30 lần và Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) 16 lần. Ông Blinken nhấn mạnh Điều 5 của Hiệp ước NATO, chỉ rõ các nước Châu Âu nên hợp lực với Hoa Kỳ để đối phó với Trung Cộng.
Có rất nhiều điều đã xảy ra trong tuần vừa qua. Châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Cộng và các tổ chức của Trung Quốc, và Trung Cộng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt ngược lại đối với các cá nhân và tổ chức của Châu Âu. Về vấn đề cấm bông Tân Cương, người dân Trung Quốc, do Trung Cộng thúc đẩy, bắt đầu tẩy chay hàng trăm công ty thời trang quốc tế nổi tiếng. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã tổ chức cuộc họp báo chính thức đầu tiên của mình vào ngày 25/03, lập kỷ lục về thời gian chờ đợi lâu nhất cho cuộc họp báo đầu tiên của một vị tổng thống Hoa Kỳ.
Theo quan điểm của tôi, còn có một sự kiện khác cực kỳ quan trọng vào tuần trước, nhưng lại nhận được ít sự chú ý hơn. Đó là ông Blinken phát biểu tại Brussels, trụ sở của NATO. Không giống như Liên minh Châu Âu, vốn là một liên minh của các quốc gia và một tổ chức quốc tế về hợp tác chính trị và kinh tế, NATO là một liên minh quân sự thuần túy.
Bài diễn văn của ông Blinken rất quan trọng vì lý do này.
Hãy bắt đầu phân tích bài diễn văn của ông Blinken bằng cách xem xét một số thống kê.
Trong bài diễn văn dài 3,453 từ này, từ được nhắc đến nhiều nhất là “mối đe dọa,” được nhắc đến tổng cộng 28 lần, và từ “thách thức” được nói 16 lần. Về cơ bản, cứ 125 từ thì có một cụm từ “mối đe dọa.” Tất nhiên, NATO là một liên minh quân sự được lập ra để đối phó với các mối đe dọa. Ông Blinken phân chia các mối đe dọa mà ông nói đến thành ba loại. Thứ nhất, quân sự; thứ hai, cạnh tranh về công nghệ; và thứ ba, đại dịch và khí hậu. Trong suốt bài diễn văn của mình, ông Blinken tập trung vào hai điều đầu tiên, điều này có thể hiểu được vì ông ấy đang nói trước NATO.
Ông Blinken lưu ý rằng những mối đe dọa này đang gia tăng, và rằng “các mối đe dọa mới đang vượt xa nỗ lực xây dựng những năng lực cần thiết của chúng ta để chống lại chúng.” Nói một cách đơn giản là khả năng phòng thủ của chúng ta đang suy giảm, nhưng mối đe dọa đó lại đang gia tăng.
Vậy ai là mối đe dọa này? Trong toàn bộ bài diễn văn, ông Blinken đã đề cập đến Trung Quốc 12 lần và Bắc Kinh 4 lần. Điều đó có nghĩa là ông ấy đã đề cập đến Trung Cộng 16 lần. Để so sánh, Nga đã được đề cập đến bốn lần; Triều Tiên và Iran đều được đề cập đến một lần. Chủ nghĩa khủng bố-kẻ thù lớn nhất của Hoa Kỳ trong hai thập kỷ qua-chỉ được đề cập hai lần. Vì vậy, rõ ràng là “mối đe dọa” mà ông Blinken nói đến chủ yếu là Trung Cộng, và thách thức chủ yếu là từ Trung Cộng.
Vậy điều gì bị đe dọa? Ông Blinken nói “các giá trị” 18 lần, “dân chủ” 14 lần, và “lợi ích” chỉ có 4 lần trong bài diễn văn của mình. Rõ ràng, ông Blinken tin rằng mối đe dọa từ Trung Cộng có tác động lớn nhất đến nền tảng của “các giá trị.” Nền tảng này tất nhiên bao gồm dân chủ, tự do, pháp quyền, nhân quyền v.v.
Xây dựng Liên minh
Điều thú vị là ông Blinken đã đề cập cụ thể đến Điều 5 của Hiệp ước NATO ngay sau khi bắt đầu bài diễn văn của mình, trong đó nói rằng nếu một quốc gia bị tấn công, thì tất cả các quốc gia đều bị tấn công. Điều khoản này chỉ được sử dụng một lần trong lịch sử 75 năm của NATO, khi NATO xâm chiếm Afghanistan sau vụ tấn công khủng bố 11/9 nhằm lật đổ chế độ Taliban và xóa sổ al-Qaeda.
Bằng cách đề cập đến Điều 5 lần này, ông Blinken đang gửi một thông điệp rõ ràng đến các đồng minh của Hoa Kỳ: Nếu Hoa Kỳ bị tấn công, hoặc nếu điều gì đó xảy ra, tất cả đồng minh sẽ phải tham gia.
Một trăm năm trước, dưới thời Đế quốc Anh, Vương quốc Anh có chính sách rằng [quốc gia đứng] thứ nhất phải mạnh hơn [quốc gia đứng] thứ 2 và [quốc gia đứng] thứ 3 cộng lại, coi sức mạnh quân sự của Anh là số một trên thế giới. Họ vẫn phải luôn bảo đảm mạnh hơn lực lượng quân sự tổng hợp của những nước ở vị trí thứ hai và thứ ba, chủ yếu đề cập đến các quốc gia lục địa Châu Âu như Đức và Pháp vào thời điểm đó. Một số chuyên gia thậm chí còn tin rằng sức mạnh quân sự hiện tại của Hoa Kỳ có thể lớn hơn quốc gia số một, số hai, số ba, số bốn, số năm cộng lại, cho đến tận số mười. Có nghĩa là, tổng sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ vượt quá sức mạnh tổng hợp của chín quốc gia, đứng từ thứ hai đến thứ mười trên thế giới.
Quân đội Hoa Kỳ thực sự có thể tương đương với tổng sức mạnh quân sự của các quốc gia này. Tuy nhiên, trong một cuộc chiến, sức mạnh quân sự không được đánh giá theo cách này. Có những yếu tố khác như thời điểm, địa điểm và nguồn nhân lực. Chẳng hạn, một cuộc chiến ở giữa Thái Bình Dương hoàn toàn khác với một cuộc chiến ở bờ biển Châu Á.
Trong bài diễn văn của mình, ông Blinken đã nhiều lần đề cập đến các giá trị. Điều ông ấy muốn nói là liên minh NATO được thành lập với mục tiêu bảo vệ các giá trị của chúng ta. Đây là mục tiêu ban đầu và hiện nó vẫn như vậy.
Vì vậy, nếu chúng ta thay thế bài diễn văn trước NATO của ông Blinken bằng ngôn ngữ thông tục của những anh hùng dân tộc sống ngoài vòng pháp luật của Trung Quốc, thì nó sẽ như thế này:
Hỡi những người anh em, chúng ta đã từng cùng nhau chiến đấu để bảo vệ công lý cho tất cả mọi người. Chúng ta coi trọng tình huynh đệ—nếu ai bị bắt nạt, chúng ta sẽ chiến đấu cùng nhau. Giờ đây có một mối đe dọa mới. Có kẻ đã đến thách thức địa vị của tôi, của người anh cả. Tôi chịu đựng và kiên nhẫn, nhưng hắn thậm chí còn đột nhập vào nhà tôi, và hắn đã nhiều lần hạ đo ván những đứa em trai bé nhỏ của tôi. Những người anh em không thể nhìn tôi một mình đối đầu với hắn.
Nhớ khi xưa, khi các huynh đệ, các em trai của tôi gặp khó khăn, tôi đã ngược dòng cố gắng hết mình để giúp đỡ các huynh đệ. Tất cả những người chính trực đều coi trọng các nguyên tắc và sự tin tưởng lẫn nhau. Các huynh đệ không thể bỏ qua sự sống chết của người anh cả này chỉ vì hiện nay các huynh đệ đang làm ăn với kẻ này và hưởng lợi từ việc làm ăn của mình với hắn. Vì vậy, lần này, chúng ta vẫn phải chiến đấu cùng nhau. Hãy kết liễu hắn. Hãy đánh cho hắn phải từ giã cõi đời này.
Đó có phải là ý ông Blinken muốn nói? Đó là những gì tôi nghĩ ông ấy muốn nói.
Đó là lý do tại sao tôi nói bài diễn văn này của ông Blinken rất quan trọng. Ông ấy đang huy động các đồng minh và tập hợp mọi người để chiến đấu, và mục tiêu khá rõ ràng: [Đó là] Trung Cộng.
Nhưng cuộc chiến của liên minh này có thể vượt xa một cuộc đối đầu quân sự; một cuộc chiến tranh kinh tế, chính trị, ngoại giao, khoa học và công nghệ đều có thể diễn ra đồng thời. Nếu đó chỉ là một cuộc đối đầu quân sự, Hoa Kỳ có thể dễ dàng hơn nếu chỉ trực tiếp hành động. Tuy nhiên, tình hình mà Hoa Kỳ đang đối mặt hiện nay không phải như vậy, họ đang phải đối mặt với nhiều loại chiến tranh không giới hạn, với nhiều chiến lược và chiến thuật khác nhau. Trung Cộng rất giỏi trong việc này, vì vậy ông Blinken cần phải nói rõ điều này với Châu Âu.
Do đó, tôi coi bài diễn văn của ông Blinken tại NATO như một lời tuyên chiến chống lại Trung Cộng. Tất nhiên, biện pháp này không phải là một hành động ngẫu hứng để đối phó với một mối đe dọa được xác định là bất ngờ. Thay vào đó, Hoa Kỳ đã nhận thấy điều đó và khai triển các kế hoạch sớm hơn nhiều.
Khi ông Joe Biden tranh cử tổng thống năm 2020, ông ấy nhấn mạnh việc tăng cường mối liên hệ đối ngoại và đoàn kết với các đồng minh. Bởi vì ông Biden trước đó từng là thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện trong một thời gian dài, ông là một chuyên gia về các vấn đề Châu Âu và khá quen thuộc với các chính trị gia Châu Âu. Do đó, ông Biden đã đặc biệt nêu ra vấn đề này. Ông Biden đồng ý rằng Trung Cộng là mối đe dọa lớn nhất cũng như là đối thủ cạnh tranh lớn nhất, nhưng ông không đồng ý với cuộc đối đầu đơn phương độc mã của Tổng thống Donald Trump với Trung Cộng. Ông Biden tin rằng ông ấy sẽ lôi kéo được các đồng minh truyền thống để chiến đấu theo nhóm [với Trung Cộng].
Trên thực tế, ông Trump cũng đã muốn hợp tác với các đồng minh, nhưng tính cách cứng rắn của ông ấy đã làm mất lòng nhiều người. Hiện ông Biden đã trở thành tổng thống mới, ông Blinken nhấn mạnh trong các chuyến thăm nước ngoài của mình rằng “Hoa Kỳ đã trở lại.” Ông Blinken có ý nói rằng đó là lỗi của ông Trump trước đây, và hứa với các đồng minh rằng “Hoa Kỳ cam kết với Liên minh này ngay bây giờ và trong tương lai.”
Châu Âu hành động
Châu Âu đã bắt đầu hành động. Liên minh Châu Âu đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với bốn quan chức Tân Cương và một tổ chức ở Tân Cương vào tuần trước (22-28/03). Mặc dù đó không phải là một hình thức trừng phạt gây ảnh hưởng lớn lao, nhưng nó vẫn đóng vai trò như một sự cổ vũ cho ‘người anh cả.’ Tuy nhiên, Bắc Kinh bỗng trở nên nổi đóa và trả đũa bằng cách trừng phạt 10 nước Châu Âu và sáu tổ chức Châu Âu-tương đương với một đòn trả đũa gấp hai lần.
Tại thời điểm này, sự kịch tính trong tương lai có thể còn thú vị hơn nữa. Sẽ phải làm gì với Hiệp định Đầu tư Trung Quốc-Liên minh Châu Âu đây? Mối liên kết đối tác chiến lược Trung Quốc-EU thì tính sao? Một lần nữa, thương mại giữa Trung Quốc và EU trong năm ngoái đã vượt quá kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Liệu các mối liên kết thương mại này có thay đổi lớn trong thời gian tới?
Đối với người dân Hoa Kỳ, nếu Trung Cộng trừng phạt Châu Âu trên quy mô lớn, chẳng hạn như tẩy chay các công ty Châu Âu trên phạm vi toàn quốc, như đã làm với Úc, thì chiến lược của Hoa Kỳ đã đạt được hơn 50% thành công. Đó là bởi vì Hoa Kỳ không hề mong đợi Châu Âu gửi quân đội [đến trợ giúp]. Miễn là các nước Châu Âu có thể cắt đứt liên hệ kinh tế và chính trị với Trung Cộng ở một mức độ đáng kể, và cổ vũ cho phía Hoa Kỳ, điều đó đã đủ tốt rồi.
Hôm thứ Tư (24/03), ông Biden đã tổ chức cuộc họp báo đầu tiên của mình tại Tòa Bạch Ốc sau khi nhậm chức. Một số hãng thông tấn Nhật Bản tỏ ra thất vọng vì khi ông Biden đề cập đến Trung Cộng, ông đã không thể hiện lập trường cứng rắn, cũng như không đề cập đến việc ủng hộ Đài Loan hay tăng cường liên kết với các đồng minh châu Á-Thái Bình Dương.
Trên thực tế, nhiều khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta cần một vị tổng tư lệnh hoàn thành một điều gì đó, nhưng vai trò của vị tổng tư lệnh này không khác gì một người điều khiển giao thông đường sắt. Khi người điều khiển đưa ra những chỉ dẫn nhất định, quý vị sẽ cảm thấy rằng anh ta đang đóng góp một cách có ý nghĩa. Nhưng trên thực tế, thế giới có cách vận hành của riêng nó. Nó không có nhiều khác biệt khi có hoặc không có ông ấy.
Ông Joe Biden là một tổng thống mờ nhạt, bị kẹp giữa ông Obama và bà Kamala Harris, đằng sau ông còn có một đội ngũ Đảng Dân Chủ to lớn và hùng hậu. Ông ấy có thể tự mình quyết định được bao nhiêu?
Người ngoài xem ông là nhân vật quyết định, nhưng người trong cuộc mới biết vai trò của ông ấy cũng giống như người điều khiển giao thông đường sắt. Tàu hỏa chạy trên một đường ray cố định và không liên quan nhiều đến cây gậy giao thông của người điều khiển.
Những lợi ích quốc gia quyết định chủ yếu hướng đi của một đất nước. Nói một cách dễ hiểu, khẩu hiệu nổi tiếng của ông Trump “American First” là hoàn toàn đúng đắn cho dù Đảng Dân Chủ đặc biệt không hài lòng với tuyên bố này. Có quốc gia nào đặt lợi ích của các nước khác lên trên lợi ích của mình? Không tồn tại một đất nước nào như vậy. Chỉ là Đảng Dân Chủ đã đưa ra nhiều khái niệm và thuật ngữ đặc biệt để che đậy ưu tiên về lợi ích của Hoa Kỳ. Trong bảy mươi năm qua, Trung Cộng chưa bao giờ từ bỏ tham vọng hạ gục Hoa Kỳ. Ngay cả trong thời kỳ ông Hồ Diệu Bang làm chủ tịch và tổng bí thư từ năm 1981 đến năm 1987, Trung Cộng đã chủ trương các khái niệm “hạ bệ chủ nghĩa tư bản” và “loại bỏ các nhà tư bản.” Những khái niệm này chưa bao giờ thay đổi. Chỉ là lúc đó Trung Cộng bất lực và Hoa Kỳ không quan tâm lắm đến điều đó. Tất nhiên, bây giờ đã khác.
Điều đó có nghĩa là xung đột cơ bản này giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng là cốt lõi của mối bang giao giữa hai nước. Cho dù nó được thể hiện dưới dạng các lợi ích thương mại hay các giá trị, thực tế không có nhiều sự khác biệt.
Một cuộc xung đột toàn diện giữa Trung Cộng và thế giới phương Tây là không thể tránh khỏi.
Thông tin về tác giả:
Alexander Liao là một nhà bình luận và nhà báo, chuyên nghiên cứu về các vấn đề quốc tế ở Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đông Nam Á. Ông đã xuất bản một số lượng lớn các báo cáo, bài bình luận và các chương trình video trên các tờ báo và tạp chí tài chính tiếng Hoa ở Hoa Kỳ và Hồng Kông.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Alexander Liao thực hiện.
Yến Nhi biên dịch
Xem thêm: