Bác sĩ Nhật Bản góp phần tái thiết Afghanistan: ‘Không phải vũ khí, mà là nước’
Bác sĩ Tetsu Nakamura là một nhà nhân đạo đã cống hiến cả cuộc đời mình để tái thiết Afghanistan, cho đến khi ông bị sát hại thảm thương vào ngày 04/12/2019. Những nỗ lực không mệt mỏi của ông đã góp phần mang lại nguồn nước, nông nghiệp và nền văn minh cho người dân của một quốc gia bị chiến tranh tàn phá.
Qua nhiều thập kỷ giao tranh, Afghanistan ngập tràn những tàn tích. Vì vậy, một người đàn ông Nhật Bản đã phát động một cuộc chiến khác, nhưng là để chống lại nạn hạn hán. Ông Tetsu Nakamura là một bác sĩ 70 tuổi. Từ năm 1991, ông đã mở 3 trạm y tế để khám chữa bệnh cho người dân vùng miền núi phía Đông của Afghanistan. Tuy nhiên, một trận hạn hán lịch sử đã xảy ra vào năm 2000, dẫn đến tình trạng thiếu nước và lương thực và gây ra cái chết cho nhiều người. Từ góc độ chăm sóc y tế mà nói, “Một kênh thủy lợi có thể làm tốt hơn 100 bác sĩ!” Ông Nakamura quyết định cởi bỏ chiếc áo trắng thầy thuốc và bắt đầu xây dựng một kênh thủy lợi. 16 năm sau, các vùng đồng bằng đã xanh tươi trở lại và người dân địa phương có thể tiếp tục canh tác nông nghiệp. Ông Nakamura tuyên bố: “Vũ khí và xe tăng không giải quyết được vấn đề. Sự hồi sinh nông nghiệp là nền tảng cho sự phục hồi của Afghanistan.”
Nước là giải pháp
“Vào sáng ngày 11/09/2001, tôi nhận được một cuộc gọi khẩn cấp, thông báo về vụ khủng bố tấn công vào tòa tháp đôi ở Mỹ. Báo chí truyền hình đồng loạt đưa tin về một quốc gia gần như vô danh, Afghanistan. Tổng thống Bush nói nước Mỹ muốn báo thù. Dường như con người luôn cố chấp với một điều gì đó. Và nền văn minh của chúng ta đã đánh mất đi sự đồng cảm. Điều đó khiến tôi vô cùng buồn bã!” – Lời tự sự của Bác sĩ Nakamura trong cuốn sách “A Doctor Builds an Irrigation Canal”.
Ông Nakamura sinh năm 1946 tại Fukuoka, Nhật Bản. Năm 1978, ông đi cùng một nhóm nhân viên y tế trong một chuyến leo núi đến Pakistan. Sau đó, ông chuyển đến vùng đất này vào năm 1984 để điều trị cho các bệnh nhân phong ở Peshawar, và làm việc với những người tị nạn Afghanistan sau cuộc xâm lược của Liên Xô năm 1979.
Vì tình yêu leo núi và côn trùng, ông quyết định di cư sang miền đông Afghanistan. Tại đây, ông bị choáng ngợp trước hàng loạt yêu cầu hỗ trợ y tế. Năm 1991, ông mở một phòng khám tại ngôi làng Dara-e-Noor hẻo lánh ở Nangarhar – một khu vực bị hạn hán nghiêm trọng.
Nước ở đây hiếm đến mức các giếng đều khô cạn, phủ đầy mạng nhện. Người dân tranh cướp, ẩu đả với nhau chỉ vì nước. Trẻ em vừa thiếu dinh dưỡng vừa bị những bệnh ngoài da do thiếu nước sạch. Giữa lúc đó, ông nghe tin về cuộc khủng bố 11/09 ở Mỹ. Và một vụ phóng tên lửa vào Afghanistan đã diễn ra sau đó vào ngày 07/10/2001. Ông trăn trở và tự hỏi điều gì sẽ cứu rỗi những số phận đáng thương của vùng đất đang chết dần chết mòn này?
“Không có nước, người dân sẽ không thể sống được. Bệnh tật luôn có thể được điều trị sau đó,” ông Nakamura chia sẻ với tờ Asahi của Nhật Bản. “Một bệnh viện điều trị từng bệnh nhân một, nhưng điều này giúp ích cho cả một ngôi làng.”
16 năm mang ánh sáng đến cho người dân Afghanistan
Ông và nhóm của mình tiến hành đào hàng trăm cái giếng. Rồi ông nảy ra một kế hoạch sáng suốt hơn: xây dựng một con kênh để bảo đảm nguồn cung cấp nước sạch và tưới tiêu cho vùng đất khô cằn. Ông khám phá ra con sông Kunar, và nghĩ rằng đây là sẽ là nguồn cung cấp nước tưới tiêu cho khu vực. Là một người tháo vát, ông tự thiết kế kênh mương và thậm chí còn tự vận hành những máy móc hạng nặng trong quá trình xây dựng.
Trong khoảng thời gian sáu năm kể từ năm 2003, cùng với lực lượng lao động từ các ngôi làng gần đó, bác sĩ đã xây dựng kênh Marwarid dài 25 km ở Kuz Kunar. Họ đã làm việc rất vất vả và gặp nhiều trở ngại vì công cụ rất thô sơ. Thử thách lớn nhất của họ là xây một bờ đất vắt ngang qua sông, đến khi chỉ còn 20 mét nữa là hoàn thành thì dòng chảy lớn cuốn hết đi mọi đất đá và gạch. Mùa xuân đến, tuyết tan, dòng chảy con sông Kunar trở nên mạnh hơn, việc xây dựng bị trì hoãn.
Sau khi tiếp tục công việc, họ đã nghĩ ra cách dùng các rọ sắt chứa đầy đá bên trong để ngăn áp lực của dòng chảy. Đây là phương pháp truyền thống để gia cố của Nhật Bản, được sử dụng hàng trăm năm qua. Tuy đơn giản nhưng nó rất hiệu quả và dễ thực hiện.
Những người nông dân trong làng bất chấp thời tiết nóng nực vẫn kiên trì bện dây thép và đắp đá. Họ không muốn tương lai con cái mình sẽ thật bi thảm. Có người dân chẳng có mảnh đất nào, chỉ biết lao động thuê.
“Họ nói rằng các ngôi làng lân cận không an toàn, họ ăn trộm hay đột nhập vào nhà người khác không phải vì tiền. Để nuôi sống gia đình, họ cướp của người khác, làm lính đánh thuê cho Mỹ, hay gia nhập Taliban hoặc các nhóm chống lại Taliban. Họ phải ăn, và chẳng còn con đường nào khác, họ cũng muốn hòa bình, muốn ở bên gia đình, không phải chịu nỗi sợ hãi của đói nghèo. Đó là điều họ mong mỏi và hy vọng nhất trong cuộc đời,” ông chia sẻ, theo NHK World.
Năm 2008, đồng nghiệp Kazuya Ito của ông bị các nhóm nổi dậy bắt cóc và sát hại. Nhưng điều đó cũng không thể ngăn cản ông thực hiện mục tiêu của mình. Cuối cùng, Trời không phụ lòng người. Ông Nakamura đã giúp xây dựng các kênh đào, đường dẫn nước, đập nhỏ hơn trên khắp 4 quận của Nangarhar, và cải thiện điều kiện sống của gần 1 triệu người. Kênh đã tưới tiêu cho gần 250,000 ha đất khô cằn, giúp xây dựng cộng đồng ở một đất nước đã bị những cuộc xung đột tàn phá nghiêm trọng. Và lần đầu tiên sau rất nhiều năm, những người dân Afghanistan có thể vui vẻ ngồi gặt lúa và hoa màu.
“Kênh thủy lợi này được thiết kế cẩn thận để nông dân địa phương có thể tự duy trì trong hàng trăm năm tới”, ông Nakamura cho biết trong một bài phát biểu đăng trên trang web của Peace Japan Medical Services, nhóm viện trợ mà ông đứng đầu. “Chúng tôi đã chọn áp dụng các phương pháp truyền thống của Afghanistan và kết hợp với các kỹ thuật xây dựng trong nông nghiệp của Nhật Bản.”
Theo SCMP, khoảng 70% dân số Afghanistan sống và làm việc ở các vùng nông thôn và 61% tổng số hộ gia đình có nguồn thu nhập từ nông nghiệp. Tuy nhiên, địa hình khô cằn của đất nước không giáp biển này khiến nó thiếu các hồ chứa nước lớn để đối phó với hạn hán.
Năm 2018, ước tính có khoảng 2 triệu người mất khả năng tiếp cận lương thực do hạn hán ngày càng nghiêm trọng. Cơ sở hạ tầng của ông Nakamura được ghi nhận là giúp nhiều người Afghanistan không chỉ có nước sạch mà còn trồng trái cây và rau để sử dụng tại địa phương và cung cấp cho thị trường Kabul.
Nhà nghiên cứu Orzala Ashraf Nemat cho biết: “Không giống như nhiều dự án ngắn hạn, công việc của Bác sĩ Nakamura đã xây dựng được một nền tảng. Ông ấy và nhóm của mình đã giúp hàng trăm nghìn người có một sinh kế ổn định.”
Ông cũng đã thành lập một khóa học để đào tạo những người Afghanistan trẻ tuổi về hệ thống thủy lợi và kênh mương. Mục đích của ông là cứu người dân của đất nước khỏi bị hạn hán, bệnh tật hoặc nghèo đói. Nhưng vào năm 2019, khi đang đi làm việc, ông đã phải chịu chung số phận với nhiều người Afghanistan trong những năm gần đây.
Cái chết của ông Nakamura
“Khi chúng tôi nghe tin bác sĩ Nakamura bị thương, cả ngôi làng cùng cầu nguyện, cầu xin Chúa mang ông ấy trở về cho dù ông ấy đã trút hơi thở cuối cùng,” một cư dân của Kuz Kunar, ông Abdul Wali Jabarghil 48 tuổi chia sẻ. “Cảm giác đó giống như chúng tôi mất đi một người anh, một người cha vậy.”
Cái chết của ông khiến Afghanistan chấn động; hàng nghìn bác sĩ, dân chúng và phương tiện truyền thông tỏ lòng thương tiếc trước sự ra đi của ông. Họ biết ơn những năm tháng ông làm việc chăm chỉ và tận tâm. Một số người còn đổi ảnh đại diện trang cá nhân sang ảnh của ông Nakamura, và viết rằng: “Hãy thứ lỗi cho chúng tôi, Bác sĩ Nakamura.”
Ông Nakamura đã nhiều lần không màng sống chết, né tránh đạn súng từ máy bay trực thăng quân sự của Hoa Kỳ, và lao vào bảo vệ con đê trước mối đe dọa từ một con sông nguy hiểm. “Tôi rất vui khi được nằm xuống nơi đây,” ông từng nói.
Năm 2018, Tổng thống Afghanistan khen ngợi ông vì những nỗ lực bền bỉ và phi thường. Nhiều người còn cho rằng ông thậm chí xứng đáng được đề cử giải Nobel Hòa bình. Nhưng ông Nakamura không mấy bận tâm, ông chỉ tập trung vào việc tạo ra những kết quả cho người khác. “Nếu tình hình an ninh lương thực ngày càng tồi tệ, thì mảnh đất này có nguy cơ biến thành sa mạc. Tôi không muốn điều đó xảy ra.”
Vị bác sĩ này tình nguyện ở lại Afghanistan, cho dù vào thời điểm đó, thế giới dường như đã bỏ mặc mảnh đất này. Đối với ông, sự phục hồi của Afghanistan chỉ mới hoàn thành được phân nửa. Nhưng có lẽ, ông luôn nhớ tới người đồng nghiệp thân thiết đã ngã xuống. Vì vậy mà ông đã ra đi ở tuổi 73 trong một vụ xả súng trước sự ngạc nhiên của nhiều người. Bởi trước đó, ông luôn chú ý an toàn trong một quốc gia đầy bất ổn như Afghanistan.
Không chỉ ký ức và thành tựu của ông sống mãi, ông Nakamura đã cố gắng hết sức để hoàn thành sứ mệnh của mình: “chiếu sáng những vùng đất tăm tối.” Ông hiểu rằng những kẻ khủng bố thật xấu xa, nhưng những người dân vô tội thì thật đáng thương. Sự hỗn loạn và súng đạn liên miên ở Afghanistan vốn dĩ đã là một sự trừng phạt. Vì vậy, chỉ có “nước”, “sự sống”, “đồng cảm” mới cải biến được họ, mà không phải là vũ khí hay xe tăng. Tại một vùng đất nhỏ bé của thế giới, ông đã tìm thấy chính mình và cống hiến cả cuộc đời để chiếu sáng cho Afghanistan.
Mộc Lam
Xem thêm: