Bắc Kinh được chú ý khi 6 quốc gia cùng nhau lên án sự cưỡng ép kinh tế
Bắc Kinh đang được chú ý sau khi sáu quốc gia cam kết hợp tác chống lại các chính sách cưỡng ép kinh tế và phi thị trường của nhà cầm quyền này.
Trong một tuyên bố chung được đưa ra hôm 09/06, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Canada, Úc, Nhật Bản, và New Zealand đã tiếp bước G7 và lên án các hành vi gây tổn hại cho thương mại thế giới.
Nhóm này cho biết: “Các chính sách và hoạt động cưỡng ép kinh tế và phi thị trường liên quan đến thương mại đe dọa sinh kế của công dân chúng ta, gây hại cho người lao động và doanh nghiệp của chúng ta, và có thể làm suy yếu an ninh và ổn định toàn cầu.”
Nhóm các quốc gia này nói rằng họ đặc biệt lo ngại về cách các biện pháp đang được sử dụng để cố gắng gây ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định của chính phủ ngoại quốc và việc thực thi các quyền chủ quyền của họ.
“Chúng tôi kêu gọi tất cả các chính phủ kiềm chế sử dụng các chính sách và hoạt động cưỡng ép kinh tế và phi thị trường liên quan đến thương mại và ủng hộ thương mại tự do và công bằng dựa trên các chính sách và nguyên tắc mở, theo định hướng thị trường nhằm thúc đẩy một sân chơi bình đẳng và không phân biệt đối xử trong quan hệ thương mại quốc tế,” các nước này cho biết.
Nhóm các nước cho biết họ sẽ bắt đầu hành động chống lại “các hoạt động phân biệt đối xử” của các doanh nghiệp nhà nước; việc sử dụng tùy tiện các quy định; ép buộc chuyển giao công nghệ, và việc đánh cắp bí mật thương mại do nhà nước hậu thuẫn.
Cam kết này diễn ra chỉ vài tuần sau khi G7 cho biết họ sẽ hợp tác để ngăn chặn sự gia tăng cưỡng ép kinh tế.
“Chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau để bảo đảm rằng những nỗ lực vũ khí hóa sự phụ thuộc kinh tế bằng cách buộc các thành viên G7 và các đối tác của chúng tôi, bao gồm cả các nền kinh tế nhỏ, tuân thủ và làm theo, sẽ thất bại và đối mặt với hậu quả,” G7 cho biết.
Các lệnh trừng phạt thương mại của Bắc Kinh đối với Úc, Lithuania
Thông báo này được đưa ra sau khi đặc phái viên Hoa Kỳ tại Nhật Bản, ông Rahm Emanuel, kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nhau chống lại cách hành xử này.
“Cưỡng ép kinh tế là chiến tranh chính trị bằng phương thức khác,” ông Emanuel nói tại một sự kiện ở Đại học Tokyo.
Ông nói, “Nếu thế giới không tổ chức chống lại cưỡng ép kinh tế, thì Bắc Kinh sẽ tiếp tục săn lùng các quốc gia khác và nền kinh tế của họ, dù lớn hay nhỏ, phát triển hay đang phát triển, gần hay xa.”
Các bình luận của ông Emmanuel được đưa ra sau khi những quốc gia như Úc và Lithuania phải chịu các lệnh trừng phạt thương mại đang diễn ra từ phía Bắc Kinh.
Chiến dịch của Bắc Kinh đã loại bỏ tám mặt hàng xuất cảng chính của Úc — thịt bò, hải sản, rượu vang, mật ong, thịt cừu, lúa mì, than đá, và gỗ — sau khi Ngoại trưởng tiền nhiệm Marise Payne kêu gọi điều tra nguồn gốc của đại dịch COVID-19 hồi tháng 04/2020.
Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đưa ra danh sách 14 “bất bình” mà chính phủ Úc cần nhượng bộ trước khi mối bang giao có thể bình thường hóa.
Danh sách đó bao gồm các yêu cầu như ngăn báo chí đưa tin tiêu cực về Trung Quốc; ngừng xây dựng các liên minh với các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; đảo ngược lệnh cấm Huawei khỏi mạng 5G của Úc; và loại bỏ luật can thiệp ngoại quốc.
Trong khi đó, Lithuania cũng gặp phải các biện pháp trừng phạt thương mại được áp dụng đối với các sản phẩm thịt bò, bơ sữa, và bia sau khi nước này cho phép Đài Loan mở một văn phòng trên thực tế là đại sứ quán trên lãnh thổ của mình.
Lao động cưỡng bức được đưa ra ánh sáng
Trong khi đó, nhóm sáu nước này ám chỉ đến việc nhắm mục tiêu vào lao động cưỡng bức trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Tất cả các hình thức lao động cưỡng bức đều là sự lạm dụng trắng trợn nhân quyền, cũng như các vấn đề kinh tế, và chấm dứt những hành vi này là một nhu cầu đạo đức,” họ nói trong tuyên bố.
“Chúng tôi biết những quốc gia đang sử dụng những hoạt động này để tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng và khẳng định rằng những hoạt động như vậy phải không có chỗ trong hệ thống thương mại toàn cầu.”
Ấn Độ và Trung Quốc được xem là có lực lượng lao động cưỡng bức lớn nhất thế giới.
Trong trường hợp của Trung Quốc, Liên Hiệp Quốc cho biết họ lo ngại Bắc Kinh đang ép buộc các nhóm thiểu số như người Duy Ngô Nhĩ phải lao động cưỡng bức.
Trong một tuyên bố từ năm 2021, Nhóm Công tác về Kinh doanh và Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cho biết các lao động người Duy Ngô Nhĩ đã kể lại rằng họ phải chịu đựng những điều kiện sống bóc lột và ngược đãi.
Ông Dante Pesce, chủ tịch Nhóm Công tác này cho biết: “Lao động Duy Ngô Nhĩ được cho là đã bị ép phải làm việc trong các ngành thâm dụng lao động, kỹ năng thấp, chẳng hạn như kinh doanh nông nghiệp, dệt, may mặc, xe hơi và công nghệ.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times