Bắc Kinh đưa ra một loạt các chính sách khuyến khích thay vì hạn chế sinh sản
Hôm 20/07, Quốc Vụ viện Trung Cộng đã chính thức ban hành một văn bản không chỉ cho phép mỗi gia đình có ba con mà còn đưa ra một số chính sách khuyến khích sinh con, cho thấy nhà cầm quyền này đang mong muốn người dân Trung Quốc sinh nhiều con hơn.
Bên cạnh việc cho phép mỗi cặp vợ chồng sinh ba con, văn bản này cũng bãi bỏ tiền phạt đối với việc sinh quá nhiều, hạn chế đăng ký cư trú, nhập học và việc làm cho những đứa trẻ “sinh ngoài kế hoạch” – một thuật ngữ được tạo ra trong kỷ nguyên một con, khi đề cập đến việc sinh con thứ hai hoặc thứ ba. Văn bản này cũng tích cực phát triển các trường mẫu giáo hòa nhập, bảo đảm các dịch vụ chăm sóc trẻ sau giờ học; và cung cấp trợ cấp thuế thu nhập cá nhân, nhà cho thuê công cộng, và hỗ trợ nhà ở cho các gia đình đang trong quá trình nuôi dạy con em.
Ngoài ra, gần đây Bộ Giáo dục Trung Quốc đã khuyến khích các trường học mở cửa và cung cấp dịch vụ trông trẻ trong kỳ nghỉ hè. Một số thành phố top 1 và top 2 của Trung Quốc đã kìm hãm sự gia tăng giá nhà đất ở các học khu tốt, tất cả cho thấy nhà cầm quyền đang cố gắng bằng mọi cách để giảm bớt gánh nặng cho các gia đình Trung Quốc nhằm khuyến khích nhiều người có con hơn.
Kể từ ngày Trung Cộng được thành lập, chế độ này đã ban hành các chính sách theo dạng chỉ thị hay các chính sách dạng mềm mỏng về kế hoạch hóa gia đình, khi tuyên bố rằng kế hoạch hóa gia đình do chính phủ kiểm soát là một thành phần thiết yếu của một nền kinh tế kế hoạch.
Vào đầu những năm 1950, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản được khuyến khích sinh càng nhiều con càng tốt và những phụ nữ sinh nhiều con được tôn vinh là “Bà mẹ Anh hùng.”
Đến năm 1953, dữ liệu điều tra dân số cho thấy dân số Trung Quốc đã tăng lên con số 560 triệu người trong vòng chưa đầy 4 năm, một tỷ lệ cao hơn nhiều so với mức tăng dân số tự nhiên. Các nhà chức trách đã lật ngược chính sách [sinh đẻ] lần đầu tiên vào năm 1957, kêu gọi các gia đình sinh ít con hơn.
Hai mươi năm sau, kiểm soát sinh sản nghiêm ngặt đã trở thành một chính sách quốc gia vào năm 1979 khi Trung Cộng bắt đầu thực hiện quy định chính sách sinh một con bằng cách sử dụng các phương pháp tàn bạo như cưỡng bức phá thai, cưỡng bức kiểm soát sinh sản và triệt sản để kiềm chế sự gia tăng dân số của Trung Quốc.
Theo một báo cáo do Trung Cộng công bố vào tháng 01/2007, đã có ít đi 400 triệu người được sinh ra ở Trung Quốc kể từ khi áp dụng “kế hoạch hóa gia đình,” vốn được đảng này gọi là một “thành tựu đáng kể.”
Tuy nhiên, với sự biến mất của lợi tức dân số và già hóa dân số nghiêm trọng, vào năm 2011 Trung Cộng đã bắt đầu cho phép sinh con thứ hai. Cuối tháng 05/2021, chế độ này bắt đầu cho phép sinh con thứ ba. Trung Cộng hiện nay đang [yêu] cầu mọi người có con, nhưng hầu hết mọi người đều không muốn làm vậy.
Cơ quan ngôn luận của Trung Cộng, Tân Hoa Xã, đã tiến hành một cuộc thăm dò về chính sách ba con trên tài khoản Weibo chính thức của mình hôm 31/05. Cuộc thăm dò ban đầu dự định diễn ra trong bảy ngày, nhưng đã bị xóa sau chỉ một ngày. Ảnh chụp màn hình được chụp vào ngày đầu tiên cho thấy cùng một lúc đã có hơn 31,000 người bỏ phiếu, với khoảng 28,000 người tương đương với 90% nói rằng họ “hoàn toàn không tính đến” chuyện sinh con thứ ba, theo ảnh chụp màn hình do cư dân mạng đăng tải.
Bình luận về chính sách ba con hồi cuối tháng Năm, ông Viên Đằng Phi (Yuan Tengfei), một Youtuber nổi tiếng và là cựu giáo viên lịch sử ở Trung Quốc, cho biết gần đây một số chuyên gia và học giả đang khẩn khoản kêu gọi về vấn đề Trung Quốc đang thiếu dân. “Nói trắng ra, (vấn đề họ đang nói là) không có đủ ‘tỏi tây’ (thường dân) để gặt. Đó cũng là lý do tại sao họ chống lại ‘chủ nghĩa thảng bình’ (tức là nằm thẳng). Nếu tất cả quý vị đều ‘thảng bình,’ thì lưỡi liềm (hoa văn trên cờ Trung Cộng, dùng để chỉ chế độ cộng sản) sẽ không có gì để gặt cả, vì vậy họ bắt đầu khuyến khích sinh con.” “Thảng bình” là một xu hướng ngày càng tăng trong giới trẻ Trung Quốc, xu hướng này ủng hộ việc cự tuyệt những mưu sở cầu như công việc, sự nghiệp, hôn nhân và nuôi dạy con cháu, v.v.
Hôm 31/05, để đáp lại “chính sách ba con,” một quan chức Y tế dựa trên một cuộc thăm dò đã thừa nhận rằng, “gánh nặng kinh tế nặng nề” (75,1%), “thiếu nguồn lực chăm sóc trẻ em” (51,3%) và giảm lương của lao động nữ sau khi sinh (34,3%) là ba lý do hàng đầu khiến dân tình giảm mong muốn có con trong những năm gần đây.
Ngoài ra, quan chức này cho biết tình trạng dân số bị lão hóa của Trung Quốc tiếp tục gia tăng trong những năm gần đây và tỷ lệ người già trên 60 tuổi dự kiến sẽ vượt quá 30% vào năm 2035. Do đó, việc thực hiện chính sách ba con và chính sách hỗ trợ sinh sản sẽ có lợi cho việc tăng nguồn cung lao động và giảm gánh nặng lương hưu.
Đối mặt với tình trạng tỷ lệ sinh giảm và dân số già hóa, Trung Cộng rất muốn khuyến khích người dân sinh con thứ ba, với hy vọng giảm bớt áp lực to lớn do sự suy giảm dân số mang lại. Nhà nhân khẩu học Trung Quốc Hoàng Văn Chính (Huang Wenzheng), trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng Tư với tờ báo của Trung Quốc, 21 Century Business Herald, cho biết từ năm 1989 đến 2019, số lượng em bé chào đời ở Trung Quốc đã giảm từ 24 triệu xuống 11 triệu. Các chuyên gia trong ngành thường tin rằng ngay cả khi việc kiểm soát sinh sản được dỡ bỏ, thì vẫn sẽ không thể đảo ngược được kỷ nguyên tăng trưởng dân số âm của Trung Quốc. Trung Quốc “cần dỡ bỏ hoàn toàn tất cả các biện pháp kiểm soát sinh sản và khuyến khích mạnh mẽ việc sinh sản (với các biện pháp khuyến khích).” Ông nói rằng dỡ bỏ việc kiểm soát sinh sản mà không khuyến khích sinh sản bằng các biện pháp khuyến khích thì sẽ không thể ngăn chặn sự thu hẹp dân số sinh.
Ông Walter Zhang, một nhà bình luận tin tức Trung Quốc nhận định rằng, “Mọi việc đều có nhân quả. Ngày nay Trung Cộng đã phải ngậm trái đắng của kế hoạch hóa gia đình, và dù có bỏ bao nhiêu đường vào cũng không thể khiến nó ngọt được.”
Do Anne Zhang thực hiện
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: