Bắc Kinh đều đặn mở rộng ảnh hưởng toàn cầu trước sự thất thế của Hoa Kỳ
Theo một báo cáo gần đây, các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ nên làm việc với các đồng minh, đặc biệt là các quốc gia ở Đông Nam Á, để chống lại sức ảnh hưởng địa chính trị ngày càng tăng của Bắc Kinh.
Báo cáo dài 38 trang, với nhan đề “Cạnh tranh Trung-Mỹ: Đo lường Ảnh hưởng Toàn cầu,” đã so sánh các yếu tố có thể lượng hóa giữa hai quốc gia trên các khía cạnh kinh tế, chính trị và an ninh. Những yếu tố này bao gồm tổng số lượng hàng hóa được giao thương và vũ khí được chuyển giao, cũng như tư cách thành viên của tổ chức liên chính phủ mà hai bên cùng tham gia. Sau đó, một chỉ số được tính toán để mô tả mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc và Hoa Kỳ đối với các quốc gia khác trong giai đoạn từ năm 1960 đến năm 2020.
Theo báo cáo này, năm 1992, Bắc Kinh có ảnh hưởng nhiều hơn ở 33 quốc gia, còn Hoa Kỳ có ảnh hưởng nhiều hơn ở 160 quốc gia. Sau đó, đối với ba chính phủ liên tiếp của Hoa Kỳ – dưới thời các tổng thống Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama – tổng số quốc gia sẵn sàng đón nhận ảnh hưởng của Hoa Kỳ đã giảm xuống, trước khi xu hướng trượt dốc này được đảo ngược dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, mặc dù ông Trump đã công khai rút khỏi một số tổ chức đa phương.
Số lượng [các quốc gia chịu ảnh hưởng] của Hoa Kỳ đã giảm xuống còn 158 vào cuối thời chính phủ cựu Tổng thống Clinton vào năm 2001. Con số đó đã giảm đáng kể dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Bush, vì 17 quốc gia trở nên nhạy cảm hơn với ảnh hưởng của Bắc Kinh, đưa tổng số [các quốc gia chịu ảnh hưởng] của Hoa Kỳ giảm xuống còn 141.
Chỉ có bốn quốc gia trở nên cởi mở hơn với ảnh hưởng của Bắc Kinh dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Obama, đẩy tổng số [các quốc gia chịu ảnh hưởng] của Hoa Kỳ xuống còn 137. Tuy nhiên, chính phủ ông Trump đã đảo ngược xu hướng trượt dốc này, thêm vào ba quốc gia và đưa phạm vi ảnh hưởng của Hoa Kỳ lên trở lại con số 140. Bản báo cáo, là một công trình hợp tác giữa tổ chức cố vấn Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn và Đại học Denver, đã không nêu tên cụ thể ba quốc gia này.
Trong cùng khoảng thời gian đó, Trung Cộng đã chứng kiến số lượng quốc gia dễ bị tác động hơn đối với sự ảnh hưởng của nhà cầm quyền này tăng từ con số 33 vào năm 1989 lên con số 67 vào năm 2012 dưới thời hai cựu lãnh đạo Trung Quốc là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Kể từ năm 2012, năm mà nhà lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền, mức độ ảnh hưởng của Bắc Kinh đã chững lại và giảm xuống còn 61 quốc gia vào cuối năm 2020.
Mặc dù Hoa Kỳ đã duy trì một vị trí dẫn đầu áp đảo về sức ảnh hưởng toàn cầu so với Trung Quốc, nhưng Trung Cộng đã đạt được nhiều lợi ích đáng kể ở nhiều nơi trên thế giới.
“Đáng chú ý nhất là sự xói mòn ảnh hưởng của Hoa Kỳ so với ảnh hưởng của Trung Quốc trên hầu hết các khu vực toàn cầu [vào năm 2020],” báo cáo nêu rõ.
Báo cáo cho biết thêm: “Ảnh hưởng của Trung Quốc lớn hơn ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên phần lớn khu vực Phi Châu và Đông Nam Á và đã gia tăng ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Ảnh hưởng của Trung Quốc cũng đã làm xói mòn lợi ích của Hoa Kỳ ở Nam Mỹ, Tây Âu và Đông Á.”
Indonesia nằm trong danh sách là một trong những quốc gia hiện đang cởi mở hơn với ảnh hưởng của Bắc Kinh. Theo báo cáo, quốc gia Đông Nam Á này đã ủng hộ Hoa Kỳ từ năm 1960 đến năm 2010 trước khi Trung Quốc trở thành quốc gia có ảnh hưởng hơn vào năm 2011. Các quốc gia khác bao gồm Pakistan, Ghana và Ethiopia.
Báo cáo giải thích: “Ở mỗi nơi như vậy, hầu hết những lợi ích thu được là nhờ vào các công cụ kinh tế trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc.”
Theo báo cáo, đại dịch COVID-19 đang tiếp diễn do virus Trung Cộng gây ra, thường được gọi là chủng virus corona mới, đã “đẩy nhanh hơn nữa tỷ lệ thu được những lợi ích này của Trung Quốc, với việc các đối tác mới cũng như các đối tác hiện hữu ngày càng tăng cường sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc.”
Trung Cộng đã và đang tận dụng khả năng sản xuất vật tư y tế bao gồm cả khẩu trang và vaccine cho hoạt động ngoại giao, trong một nỗ lực nhằm át đi những chỉ trích của quốc tế về phản ứng kém của họ trong thời kỳ đầu của đại dịch, trong đó có việc che đậy [đợt bùng phát] ban đầu và tiếp tục không minh bạch với các cuộc điều tra.
Một báo cáo gần đây của Liên đoàn Ký giả Quốc tế cho thấy khi các nước nhận viện trợ y tế COVID-19 từ Trung Quốc, tường thuật trên phương tiện truyền thông của các nước này sẽ đưa ra các bài báo có quan điểm thuận lợi cho Trung Cộng.
Báo cáo đã đưa ra một số khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ, đặc biệt là thúc đẩy Nhật Bản trở thành thành viên chính thức của liên minh “Ngũ Nhãn” và hợp tác chặt chẽ với các thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Báo cáo nêu rõ, “Thúc đẩy sự phụ thuộc lẫn nhau trong nội khối ASEAN, tăng khả năng của khu vực để chống lại ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc.”
Các khuyến nghị khác bao gồm đàm phán một hiệp định thương mại ưu đãi giữa Hoa Kỳ và ASEAN, kèm theo việc duy trì mối liên hệ an ninh với Indonesia và Thái Lan.
Do Frank Fang thực hiện
Hồng Ân biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: