Bắc Kinh đã buộc các chuyên gia điều tra của WHO bác bỏ giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm
Một cuốn sách mới được xuất bản gần đây ở Hoa Kỳ tiết lộ rằng Bắc Kinh đã gây áp lực, buộc các chuyên gia điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bác bỏ giả thuyết rò rỉ từ trong phòng thí nghiệm.
Tiêu đề của cuốn sách này là “Dư chấn: Chính trị Đại dịch và Sự kết thúc của Trật tự Quốc tế cũ” (Aftershocks: Pandemic Politics and the End of the Old International Order), được viết bởi Thomas Wright, một học giả của Viện nghiên cứu Brookings và Colin Kahl, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng của chính quyền ông Biden.
Tờ The Washington Post đã đăng một bài báo vào hôm thứ Năm (19/8) để tiết lộ câu chuyện bên trong cuốn sách này về phòng thí nghiệm virus ở Vũ Hán.
Nhà khoa học Đan Mạch Ben Embarek, người đứng đầu nhóm điều tra nguồn gốc virus Trung Cộng (viêm phổi Vũ Hán, virus corona) của WHO, đã ở Vũ Hán tổng cộng 4 tuần, trong đó có 2 tuần bị cách ly. Trong một cuộc họp báo vào ngày 9/2, ông cho biết nhóm điều tra đã kết luận rằng việc virus lây truyền gián tiếp từ động vật sang người là “có thể xảy ra”, còn giả thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm là “cực kỳ bất khả thi” và không đáng để tiếp tục tìm hiểu.
Kết luận này đã khiến các đồng nghiệp của ông ở Geneva “kinh ngạc”, vì họ không tin rằng nhóm điều tra tới Vũ Hán có cơ hội hoặc dữ liệu để loại trừ khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
Cuốn sách cho biết các nhân viên cấp cao của WHO tại Geneva đã chấn động khi nghe được tuyên bố này, một trong số họ nói với tác giả của cuốn sách rằng: “Tất cả chúng tôi đều ngã khỏi ghế”.
Theo cuốn sách, ông Tedros Adhanom đã bày tỏ quan điểm này với nhóm điều tra vào thời điểm đó, nhưng nhóm điều tra “biện minh” rằng áp lực từ phía các quan chức Trung Cộng đã buộc họ phải lựa chọn thỏa hiệp.
Có thông tin cho rằng khi nhóm điều tra của WHO đến Trung Quốc và đàm phán với các quan chức của Trung Cộng về địa điểm điều tra, các quan chức của Trung Cộng đã đề xuất với nhóm chuyên gia rằng, nếu muốn đến Vũ Hán để điều tra thì phải có một điều kiện tiên quyết, đó là không được đề xuất tiến hành thêm một cuộc điều tra nào nữa về nguồn gốc của virus.
Ông Embarek nói rằng các quan chức của Trung Cộng hoàn toàn không muốn đề cập đến sự cố rò rỉ trong phòng thí nghiệm.
Những câu chất vấn của ông Tedros dường như không ảnh hưởng gì đến kết luận của nhóm điều tra. Báo cáo của WHO vào tháng 3 vẫn nhắc lại rằng giả thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm là “cực kỳ bất khả thi”.
Cuốn sách cho biết, ông Tedros sau đó đã nói với đặc phái viên của Trung Cộng tại Geneva rằng ông ấy muốn nói ra sự thật về bản báo cáo, “ngay cả khi Trung Quốc không thích nó”.
Sau đó, ông Tedros đã tuyên bố công khai tại cuộc họp báo của WHO rằng cuộc điều tra truy tìm nguồn gốc virus ở Trung Quốc là “không đủ rộng”, và cũng thiếu việc “chia sẻ dữ liệu kịp thời và toàn diện”.
Tuy nhiên, sự thay đổi của ông Tedros về vấn đề này đã quá muộn để giành được sự ủng hộ từ các nhà bình luận. Đồng thời, mối quan hệ giữa WHO và Bắc Kinh cũng càng ngày càng xấu đi.
Các quan chức của Trung Cộng vào tháng 7 đã chỉ trích WHO vì chính trị hóa vấn đề truy tìm nguồn gốc của virus, và tuyên bố rằng họ sẽ không chấp nhận giai đoạn hai của cuộc điều tra truy tìm nguồn gốc virus ở Trung Quốc, đồng thời cáo buộc Hoa Kỳ gây áp lực lên các chuyên gia của WHO.
Vào cuối tháng 7, các kênh truyền thông của Trung Cộng như tờ Nhân dân Nhật báo, Mạng Truyền hình Quốc tế Trung Quốc (CGTN) v.v., đã đăng tải báo cáo của một nhà sinh vật học người Thụy Sĩ tên là Wilson Edwards (xem tại đây), nói rằng “Nhóm cố vấn khoa học quốc tế điều tra nguồn gốc của virus corona” do WHO thành lập gần đây là kết quả của áp lực chính trị từ phía Hoa Kỳ.
Sau khi Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Bắc Kinh đưa ra tuyên bố công khai vào ngày 10/8, cho biết nhà sinh vật học Thụy Sĩ ở trong báo cáo của các kênh truyền thông của Trung Cộng là không tồn tại, những bài báo này đã đã lập tức bị xóa khỏi trang web của các kênh truyền thông đó, hiển thị màn hình 404 Not Found. Những bài báo này vẫn còn đang lưu hành rộng rãi trên mạng Internet ở Trung Quốc, nhưng tuyên bố chính thức của Thụy Sĩ thì đã bị chính quyền Trung Cộng chặn lại.
Vào ngày 12/8, WHO đã tuyên bố về giai đoạn tiếp theo của cuộc điều tra truy tìm nguồn gốc của virus (xem tại đây), họ kêu gọi Trung Quốc chia sẻ dữ liệu ban đầu liên quan đến các ca nhiễm sớm nhất để cuộc điều tra về nguồn gốc của virus corona có thể tiếp tục, đồng thời giải quyết giả thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm đang gây tranh cãi.
WHO cũng cho biết, họ bác bỏ các tuyên bố rằng “cuộc điều tra truy tìm nguồn gốc của virus đã bị chính trị hóa”, hoặc “WHO không chịu nổi áp lực chính trị”.
Ông Embarek, người từng đến Vũ Hán và chịu trách nhiệm cho việc điều tra, nói rằng các nhà điều tra nên tìm kiếm thêm thông tin về phòng thí nghiệm của CDC Vũ Hán, đồng thời tiến hành xem xét nó cẩn thận hơn. Phòng thí nghiệm này nằm gần chợ hải sản Vũ Hán, nơi ca nhiễm đầu tiên xuất hiện.
Ông Embarek tiết lộ, kết luận rằng giả thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm “cực kì bất khả thi” vào tháng 3 là kết quả sau 48 giờ đàm phán căng thẳng với các đối tác từ phía Trung Quốc, bản thân ông chỉ định mô tả là “khó có thể” xảy ra sự cố trong phòng thí nghiệm.
Trong một bộ phim tài liệu do đài truyền hình TV2 của Đan Mạch công chiếu vào tuần trước, ông nói rằng một nhân viên của phòng thí nghiệm đã bị nhiễm virus trong khi lấy mẫu ở bên ngoài, đây là một trong những cơ sở cho thấy virus có thể truyền từ dơi sang người; nhưng lại không có con dơi nào thuộc diện nghi ngờ mang virus corona sống trong môi trường hoang dã ở Vũ Hán.
Ông nói rằng những người duy nhất có thể ở gần những con dơi như vậy là nhân viên của Viện Virus học Vũ Hán.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao của Trung Cộng Mã Triêu Húc đã bác bỏ tuyên bố mới nhất của WHO vào ngày 13/8, nói rằng các kết luận của báo cáo vào tháng 3 phải được “tôn trọng” – rò rỉ trong phòng thí nghiệm là điều cực kỳ bất khả thi, và các cuộc điều tra trong tương lai phải được thực hiện dựa trên cơ sở các báo cáo có sự tham gia của phía Trung Quốc.
Tại một cuộc họp báo ngày 18/8, ông Mike Ryan, người đứng đầu Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, cho biết WHO đang đứng đằng sau hậu trường và nỗ lực để tăng cường niềm tin của các bên với một cuộc điều tra tiếp theo.
“Chúng tôi đã đạt được tiến triển về phương diện này, nhưng tôi phải thừa nhận rằng nó không hề dễ dàng”, ông Ryan nói.
Do Lâm Yên, Lí Duyên thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: