Bắc Hàn phóng ‘vật thể bay không xác định’ ngoài khơi bờ biển phía Đông của Nam Hàn
Quân đội Nam Hàn và Nhật Bản cho biết hôm thứ Ba (11/01), Bắc Hàn đã phóng một vật thể bay không xác định ngoài khơi bờ biển phía đông của mình, đánh dấu báo cáo thứ hai về một vụ phóng hỏa tiễn trong vòng chưa đầy một tuần.
Chưa đầy một tuần sau khi Bắc Hàn phóng cái mà nước này tuyên bố là một hỏa tiễn “siêu thanh”, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) của Nam Hàn đã phát đi cảnh báo về một vụ phóng khác.
JCS cho biết trong một tuyên bố truyền thông rằng vụ phóng này được phát hiện vào khoảng 7 giờ 27 phút sáng [được khai hỏa] từ một khu vực nội địa của Bắc Hàn phóng về phía đại dương ở ngoài khơi bờ biển phía đông của nước này.
Văn phòng Thủ tướng và Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết vũ khí này của Bắc Hàn có khả năng là một hỏa tiễn đạn đạo, trong khi hãng thông tấn Kyodo dẫn lời các nguồn tin chính phủ ở Tokyo đưa tin rằng vật thể bay này có vẻ như đã hạ cánh bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản.
Các vụ phóng vũ khí trang bị hạt nhân của Bắc Hàn trong tháng này diễn ra sau một loạt vụ thử vũ khí hồi năm ngoái (2021), nhấn mạnh cách chính quyền ông Kim Jong Un tiếp tục phát triển khả năng quân sự của mình trong bối cảnh một đợt phong tỏa đại dịch tự họ áp đặt và các cuộc đàm phán hạt nhân bế tắc với Hoa Kỳ.
“Quân đội [Nam Hàn] đang ở trong một tư thế sẵn sàng đồng thời theo dõi sát sao các xu hướng liên quan dưới sự hợp tác chặt chẽ giữa [Nam Hàn] và Hoa Kỳ để chuẩn bị cho các vụ phóng bổ sung,” tuyên bố của JCS cho biết, họ đang điều tra vụ việc này cùng với các cơ quan tình báo của Hoa Kỳ.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết các vụ phóng hỏa tiễn của Bắc Hàn là “rất đáng thất vọng”.
Vụ phóng vũ khí bị nghi ngờ này diễn ra ngay sau khi phái bộ của Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, cùng với Pháp, Ireland, Nhật Bản, Anh Quốc, và Albania, chỉ trích gay gắt vụ phóng hỏa tiễn hồi tuần trước trong một bản tuyên bố chung.
“Những hành động này làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm và leo thang [căng thẳng], đồng thời gây ra mối đe dọa đáng kể đối với sự ổn định trong khu vực,” Đại sứ Hoa Kỳ Linda Thomas-Greenfield nói hôm thứ Hai (10/01), đồng thời cho biết thêm rằng các cuộc thử nghiệm như vậy mở rộng những gì Bắc Hàn có thể cung cấp cho những kẻ buôn bán vũ khí bất hợp pháp trên toàn cầu.
Bà Thomas-Greenfield nói: “[Bắc Hàn] thực hiện những khoản đầu tư quân sự này với cái giá phải trả là hạnh phúc của nhân dân Bắc Hàn.”
Bắc Hàn tuyên bố vụ phóng hồi tuần trước là một hỏa tiễn “siêu thanh”, nhưng điều đó vẫn chưa được xác nhận một cách độc lập.
Truyền thông nhà nước Bình Nhưỡng – Thông tấn xã Trung ương Bắc Hàn (KCNA) ngày 06/01 tuyên bố rằng “đầu đạn lướt siêu thanh” này đã di chuyển 120km (75 dặm) theo chiều ngang trước khi nó đi được quãng đường 700km (435 dặm) để lao “trúng” vào mục tiêu đã định.
Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản và chính phủ Nam Hàn cho biết họ có lý do để tin rằng đó có thể là một hỏa tiễn đạn đạo.
The Epoch Times đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để yêu cầu bình luận.
Trong một hội nghị chính trị quan trọng hồi đầu tháng này, nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un đã tuyên bố sẽ củng cố lực lượng quân đội của mình bất chấp những khó khăn liên quan đến đại dịch.
Chính sách ngoại giao về chương trình hạt nhân của Bắc Hàn do Hoa Kỳ lãnh đạo đã bị đình trệ kể từ năm 2019 do những bất đồng ý kiến về các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Bắc Hàn. Chính phủ Tổng thống Biden đã nhiều lần kêu gọi nối lại ngoại giao hạt nhân “mọi nơi mọi lúc” mà không cần điều kiện tiên quyết, nhưng Bắc Hàn lập luận rằng Hoa Kỳ trước tiên phải rút lại thái độ thù địch với nước này trước khi có thể tái khởi động bất kỳ cuộc đàm phán nào.
Kho vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn, do chế độ cộng sản Trung Quốc hỗ trợ, là điểm tựa chính cho sự cai trị cũng như sự tồn tại của chế độ của ông Kim. Trong 10 năm cầm quyền của mình, ông đã tiến hành một số lượng lớn các cuộc thử nghiệm vũ khí nhằm thúc đẩy khả năng tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân vào bộ phận đất liền của Hoa Kỳ.
Nhưng nền kinh tế của đất nước ông đang tiếp tục suy thoái nghiêm trọng trong hai năm qua do đại dịch COVID-19, các lệnh trừng phạt do Hoa Kỳ dẫn đầu đối với tham vọng hạt nhân của ông, và sự quản lý yếu kém của chính phủ của ông.
Cô Isabel van Brugen là một ký giả từng đạt giải thưởng, hiện đang là một phóng viên tin tức tại The Epoch Times. Cô tốt nghiệp chương trình Thạc sĩ Báo chí tại trường City, Đại học London.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: