Ba Lan đề nghị phạt 13.5 triệu USD đối với những công ty công nghệ lớn tham gia kiểm duyệt ý thức hệ
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Sebastian Kaleta của Ba Lan, các luật mới do nước này đề nghị có thể áp dụng các khoản phạt lớn đối với những công ty công nghệ lớn kiểm duyệt người dùng hoặc xóa bài đăng vì các lý do hệ tư tưởng.
Nói với hãng tin Fox News, ông Kaleta cho biết các công ty truyền thông xã hội đã đang nhắm vào những người bảo thủ, những người đạo Cơ đốc giáo và những người theo đuổi các giá trị truyền thống bằng cách cấm họ hoặc xóa các bài đăng của họ.
“Chúng tôi thấy rằng khi Big Tech quyết định xóa nội dung vì mục đích chính trị, thì phần lớn là nội dung ca ngợi các giá trị truyền thống hoặc ca ngợi chủ nghĩa bảo thủ,” ông Kaleta cho biết và nói thêm rằng, “và nội dung đó bị xóa theo ‘chính sách lời nói thù hận’ của họ và họ không có quyền hợp pháp làm như vậy.”
Theo luật mới, bất kỳ nền tảng nào cấm người dùng hoặc xóa bài đăng vì lý do tư tưởng sẽ phải đối mặt với khoản phạt 13.5 triệu USD trừ khi nội dung đó cũng bất hợp pháp theo luật Ba Lan. Một ban trọng tài sẽ được thành lập để giám sát các tranh chấp.
Quyết định của Ba Lan được đưa ra sau lệnh cấm của các công ty truyền thông xã hội Twitter, Facebook và Instagram đối với các tài khoản của cựu Tổng thống Donald Trump sau khi ông bị cáo buộc kích động bạo lực tại cuộc biểu tình hôm 06/01 tại Điện Capitol Hoa Kỳ.
Ông Kaleta nói: “Quyền tự do ngôn luận không thể là điều mà những người kiểm duyệt ẩn danh làm việc cho các công ty tư nhân nên quyết định.”
“Thay vào đó, việc đó dành cho cơ quan quốc gia; các quan chức được bầu hợp lệ và tất cả các ngành công nghiệp, xe hơi, điện thoại, tài chính đều không bị kiểm soát cho đến khi chúng phát triển quá lớn; điều tương tự cũng nên xảy ra với Big Tech.”
“Thật đáng lo ngại vì nếu Big Tech coi mình là một tổ chức được trao quyền đủ để cấm một tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ, thì họ đang gửi một thông điệp đến thế giới – rằng chúng tôi có thể cấm bất cứ ai, bất cứ khi nào chúng tôi muốn,” ông nói thêm.
Đề cao đạo luật mới, ông Kaleta lưu ý rằng Ba Lan đã trải qua 45 năm dưới chế độ cộng sản – một kinh nghiệm mà ông nói đã dạy cho nước này giá trị của tự do ngôn luận và sự cần thiết phải biết khi nào nên vạch ra ranh giới trong bối cảnh các xu hướng kiểm duyệt đang phát triển đáng lo ngại.
Tháng trước, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã công bố ban hành luật bảo vệ quyền tự do ngôn luận trên internet, đồng thời tố cáo Big Tech bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận trên các nền tảng mạng xã hội.
Trong một bài đăng dài trên Facebook hôm 13/01, ông Morawiecki đã viết rằng Internet, theo thời gian, đã bị các tập đoàn quốc tế thống trị, vốn coi hoạt động trực tuyến của mọi người như một nguồn doanh thu và một công cụ để tăng sự thống trị toàn cầu của họ.
Ông Morawiecki còn nói thêm: “Họ cũng đã đưa ra các tiêu chuẩn về tính đúng đắn chính trị của riêng họ, và họ chống lại những người đối lập với họ.”
“Chúng tôi ngày càng phải đối mặt với những thủ đoạn mà chúng tôi tin rằng đã bị bỏ lại trong quá khứ. Việc kiểm duyệt tự do ngôn luận, từng là lãnh địa của các chế độ độc tài và toàn trị, nay đã quay trở lại, nhưng dưới một hình thức mới, do các tập đoàn điều hành, bịt miệng những người có suy nghĩ khác với họ.”
Việc thảo luận là để trao đổi quan điểm, không phải để bịt miệng mọi người. Chúng ta không nhất thiết phải đồng tình với những gì đối thủ viết, nhưng cũng không thể cấm bất cứ ai bày tỏ quan điểm không trái với pháp luật,” ông nói thêm.
Thủ tướng Morawiecki cho biết nước này sẽ thông qua luật pháp quốc gia thích hợp để điều chỉnh hoạt động của Facebook, Twitter, Instagram và các nền tảng tương tự khác.
Hungary cũng đang theo sát Ba Lan trong cuộc chiến chống kiểm duyệt truyền thông xã hội, với Bộ trưởng Tư pháp Judit Varga vào tháng trước tuyên bố rằng chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban sẽ không dung thứ cho những hành vi xâm phạm quyền tự do ngôn luận.
Trong một bài đăng trên Facebook, bà Varga đã nêu ra triển vọng trừng phạt các công ty truyền thông xã hội vì điều mà bà gọi là “lạm dụng có hệ thống” quyền tự do ngôn luận và chỉ ra rằng bà sẽ đệ trình một dự luật trong năm nay để “điều chỉnh hoạt động trong nước của các công ty công nghệ lớn.”
Bà cáo buộc rằng chính bà cũng đã bị Facebook “lọc nội dung vùng xám” và phàn nàn rằng các trang mạng xã hội chính thống “hạn chế khả năng hiển thị của các quan điểm Cơ đốc giáo, bảo thủ, cánh hữu” và cáo buộc “các nhóm quyền lực đằng sau những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu có quyền quyết định các cuộc bầu cử.”
Bà Varga cho biết trong bài đăng của mình rằng vấn đề này nên được quy định ở cấp Liên minh châu Âu, nhưng nói rằng có thể cần phải hành động nhanh hơn. “Tuy nhiên, do sự lạm dụng có hệ thống, chúng ta có thể cần phải can thiệp sớm hơn,” bà nói.
Do Katabella Roberts thực hiện
Với sự đóng góp của Reuters
Nguyễn Lê biên dịch
Xem thêm: