Bà Janet Yellen cảnh báo AI có thể gây ra ‘rủi ro đáng kể’ cho hệ thống tài chính
Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ tham gia vào danh sách ngày càng nhiều các quan chức lo ngại về AI.
Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen cho biết, mặc dù trí tuệ nhân tạo có thể mang đến những cơ hội mới và rất nhiều tiền của cho hệ thống tài chính nhưng công nghệ này cũng có thể gây ra “những rủi ro đáng kể.”
Tại một sự kiện do Viện Brookings và Hội đồng Giám sát Ổn định Tài chính đồng tổ chức, bà Yellen đã nêu ra nhiều lỗ hổng khác nhau mà AI gây ra cho lĩnh vực tài chính.
Một số mối đe dọa này liên quan đến “dữ liệu không đủ hoặc bị lỗi,” sự tập trung của
các nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu và đám mây, phương pháp quản lý rủi ro “không phù hợp,” và sự phức tạp trên tổng thể của các mô hình AI.
Đồng thời, bà Yellen còn xác định rằng AI – từ nhận dạng hình ảnh đến AI tạo sinh – có thể giúp các nhà đầu tư quản lý danh mục đầu tư của họ tốt hơn và giúp ích cho các mô hình dự báo.
Bà lưu ý rằng, công nghệ này có thể giúp các ngân hàng chống gian lận, nâng cao dịch vụ khách hàng, giảm chi phí dịch vụ, và cải thiện khả năng tiếp cận khách hàng.
Bà đã xác nhận rằng “Bộ Ngân khố đang đưa ra một yêu cầu công khai chính thức về thông tin để lấy ý kiến từ các tổ chức tài chính, người tiêu dùng, người ủng hộ, học giả, và các bên liên quan khác về việc sử dụng, cơ hội, và rủi ro hiện tại của AI trong lĩnh vực dịch vụ tài chính.”
Bà Yellen nói: “Xét đến việc công nghệ AI đang phát triển thật nhanh chóng, với các trường hợp có thể sử dụng sự phát triển nhanh chóng này cho các công ty tài chính, và người tham gia thị trường, thì việc phân tích tình huống có thể giúp các cơ quan quản lý và công ty xác định các lỗ hổng tiềm ẩn trong tương lai và cung cấp thông tin về những gì chúng ta có thể làm để tăng cường khả năng chống chọi.”
Bà lưu ý rằng, “Những cơ hội to lớn và rủi ro đáng kể” liên quan đến việc sử dụng AI của các công ty tài chính đã “đưa vấn đề này lên hàng đầu trong các nghị trình của Bộ Ngân khố và Hội đồng Giám sát Ổn định Tài chính.”
Các quan chức khác ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới cũng đã bày tỏ lo ngại tương tự về mối đe dọa mà AI có thể gây ra cho hệ thống tài chính.
Thế giới đang theo dõi
Trước đó trong năm nay, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) Gary Gensler đã cảnh báo rằng AI tập trung có thể dẫn đến một hệ thống tài chính “khá mong manh” khi hàng ngàn người giao dịch tài chính dựa vào dữ liệu trung tâm hoặc một nền tảng duy nhất.
Trong một sự kiện do nhóm vận động quyền lợi người tiêu dùng phi lợi nhuận Public Citizen tổ chức, ông Gensler nói rằng nếu “nền văn hóa độc canh” hiểu sai thì “xã hội này và khu vực tài chính nói chung sẽ gặp rủi ro.”
Tại một hội nghị hồi tháng 12/2023 do The Messenger tổ chức, cơ quan giám sát Wall Street cũng nói rằng thị trường tài chính cần hạn chế tham gia vào dạng tâm lý “nhồi sọ” AI bằng cách cường điệu quá mức, hứa hẹn quá mức, và làm nhầm lẫn về công nghệ.
Ngoài ra, trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 10/2023 với Financial Times, giám đốc SEC khẳng định rằng “gần như không thể tránh khỏi” việc AI sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính trong vòng một thập niên.
“Tôi thực sự nghĩ rằng trong tương lai chúng ta sẽ gặp một cuộc khủng hoảng tài chính,” ông nói với tờ báo. “Trong các báo cáo sau hành động, mọi người sẽ nói ‘Aha! Chúng ta đã dựa vào một công cụ tổng hợp dữ liệu hoặc một mô hình.’ Có lẽ đó là trong thị trường vay mua nhà. Có lẽ thuộc một lĩnh vực nào đó của thị trường chứng khoán.”
Các nhà kinh tế của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cũng chia sẻ mối lo ngại tương tự với tư cách là những người đứng đầu SEC. Họ đã xuất bản một nghiên cứu vào tháng 05/2024 cho Đánh giá Ổn định Tài chính, lập luận rằng “sự phụ thuộc quá mức và một số lượng hạn chế các nhà cung cấp AI” sẽ tạo ra một hệ thống tài chính “mong manh hơn.”
“Do đó, AI có thể góp phần tạo ra một sự thay đổi hơn nữa về sức mạnh thị trường trong bối cảnh môi trường ngày càng được số hóa, dẫn đến một sự tập trung cao hơn trong hệ thống tài chính trong số những công ty tham gia hiện tại hoặc những công ty tham gia mới,” nghiên cứu này cho biết, và nói thêm rằng điều này có thể tạo ra “các yếu tố ngoại vi quá lớn mà nếu sụp đổ sẽ gây ra hậu quả thảm khốc.”
Theo bà Gita Gopinath, phó giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), AI có thể làm trầm trọng thêm cuộc suy thoái kinh tế tiếp theo vì AI “có thể đe dọa nhiều loại công việc hơn so với các chu kỳ trước đây, bao gồm cả những công việc đòi hỏi kỹ năng nhận thức cao hơn.”
Bà Gopinath lưu ý rằng sự kiện này có thể gây ra “một sự xáo trộn lớn” cho hệ thống tài chính, có thể xảy ra ở cả các nền kinh tế tân tiến và thị trường mới nổi.
Bà nói tại hội nghị thượng đỉnh Thụy Sĩ hôm 30/05: “Nhưng nếu các nhà hoạch định chính sách không hiểu được AI tác động đến nền kinh tế như thế nào thì họ có thể ‘bị mất phương hướng’ trong cuộc suy thoái tiếp theo.”
Ngân hàng đặt nhiều hy vọng vào AI
Theo một nghiên cứu mới, lĩnh vực tài chính đang nắm bắt công nghệ này bất chấp những rủi ro mà trí tuệ nhân tạo và tự động hóa mang lại.
Viện Giá trị Doanh nghiệp của IBM đã tiết lộ những phát hiện từ một báo cáo mới cho thấy 2/3 CEO của thị trường tài chính và ngân hàng tin rằng AI sẽ giúp năng suất tăng lên rất nhiều đến mức họ phải chấp nhận rủi ro để duy trì lợi thế cạnh tranh.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy 65% lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng thành công của AI sẽ phụ thuộc vào sự chấp nhận của công chúng, và 60% đang thúc đẩy việc áp dụng AI nhiều hơn nhanh hơn.
Đây có thể là một rào cản vì một cuộc khảo sát gần đây của NORC đã phát hiện ra rằng chỉ 4% thanh niên Hoa Kỳ từ 14 đến 22 tuổi thường xuyên sử dụng AI tạo sinh.
Trong khi đó, mối quan tâm đáng chú ý khác của những người tham gia nghiên cứu là tìm kiếm nhân tài phù hợp để giúp các công ty mở rộng quy mô AI.
Trong khi một nửa số doanh nghiệp đang tuyển dụng cho các vị trí về AI tạo sinh thì cũng có 53% số doanh nghiệp thừa nhận rằng họ gặp khó khăn khi tuyển dụng những vị trí đó.
Ông Shanker Ramamurthy, một Đối tác Quản lý Toàn cầu về Thị trường Tài chính và Ngân hàng tại IBM Consulting, cho biết trong một tuyên bố, “Nghiên cứu của chúng tôi phản ánh áp lực to lớn mà các CEO chịu đựng để duy trì lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh lợi nhuận và năng suất, việc có được những kỹ năng phù hợp vẫn là một thách thức dai dẳng, với việc các CEO giờ đây đang tuyển dụng cho những vị trí từng chưa tồn tại cho đến gần đây.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times