Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga chuẩn bị mãn nhiệm vị trí Đặc khu trưởng Hồng Kông
“Giờ đây tôi rất khó đi ra ngoài. Tôi chưa ra khỏi nhà. Tôi chưa đến trung tâm mua sắm. Tôi không thể đến tiệm làm tóc. Tôi không thể làm bất cứ điều gì bởi vì nơi nào tôi đến sẽ bị chia sẻ trên mạng xã hội. Một khi tin tức lan rộng ra, một nhóm rất nhiều … thanh niên sẽ rình rập đợi chờ tôi.”
Đó là điều mà bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), đặc khu trưởng Hồng Kông sắp mãn nhiệm, đã từng nói.
Đoạn hội thoại trên được trích từ băng ghi âm của bà Lâm tại một hội nghị kinh doanh họp kín hồi cuối tháng 08/2020 mà hãng thông tấn Reuters thâu thập được vào thời điểm đó.
Trong cuộc họp, bà Lâm thừa nhận “sự hỗn loạn không thể tha thứ được” đối với việc sửa đổi Sắc lệnh về người phạm tội đào tẩu, thường được gọi là “luật dẫn độ”.
Sau đó, bà Lâm đã yêu cầu sự khoan dung từ những người có mặt trong cuộc họp kín đó và tuyên bố rằng, “Nếu tôi có sự lựa chọn, điều đầu tiên tôi sẽ làm là từ chức và hết sức xin lỗi.”
Tuy nhiên, nữ đặc khu trưởng đầu tiên của Hồng Kông, người sắp rời Tòa nhà Chính quyền vào ngày 01/07 tới, gần đây đã phủ nhận phát ngôn về lời xin lỗi.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Bloomberg hôm 14/06/2022, bà Lâm đã thẳng thừng bác bỏ khi được hỏi liệu bà ấy có xin lỗi người dân Hồng Kông về bất cứ điều gì trong nhiệm kỳ của mình hay không. Bà Lâm cho biết bà ấy sẽ chỉ xin lỗi chồng và các con trai mình.
“Đó là bởi vì họ đã hy sinh cho tôi để phục vụ người dân Hồng Kông và giúp xây dựng thành phố này như một phần của đất nước,” bà Lâm khẳng định.
Tại thời điểm bà Lâm trả lời câu hỏi, một số người tự hỏi liệu bà ấy có còn nhớ bài diễn thuyết “chân thành” của mình hồi đó hay không.
Bà Lâm tham gia Chính phủ Anh quốc với tư cách là Giám đốc Hành chính (AO) hồi tháng 08/1980, ban đầu là Trợ lý Ủy viên Văn phòng Hành chính Quận Tây Cống (Sai Kung).
Năm 1981, bà Lâm được chính phủ Anh Quốc đương thời cử đi học tại Đại học Cambridge, Vương quốc Anh. Trong thời gian ở Vương quốc Anh, bà Lâm gặp gỡ cử nhân toán học có thành tích cao Lâm Triệu Ba, hôn phu tương lai của bà.
Năm 1984, bà Carrie Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam Cheng Yuet-ngor) và ông Lâm Triệu Ba kết hôn tại Hồng Kông và sinh được hai con trai, Jeremy Lâm Tiết Tư (Lam Jit-si) và Josh Lâm Ước Hy (Lam Yeuk-hay). Cả gia đình đều có quốc tịch Anh Quốc. Cho đến năm 2007, bà Lâm được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Phát triển và từ bỏ quốc tịch Anh.
Năm 2017, bà Lâm chạy đua trong cuộc bầu cử Đặc khu trưởng Hồng Kông. Bà Lâm được bầu làm đặc khu trưởng thứ năm của Hồng Kông kể từ khi [hòn đảo này] được chuyển giao [cho Trung Quốc] với 777 phiếu bầu, trở thành nữ đặc khu trưởng đầu tiên của Hồng Kông.
Bà Lâm còn được đặt biệt danh là “777”, do số phiếu mà bà có được trong cuộc bầu cử phạm vi nhỏ [với ủy ban bầu cử gồm 1,194 thành viên] và sự ủng hộ to lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ngoài ra, trong thời gian ứng cử, Bà Lâm tuyên bố sẽ tiếp tục tuân theo các chính sách yếu kém của cựu đặc khu trưởng Lương Chấn Anh vốn không được lòng dân. Do đó một số người gọi bà Lâm là “Lương Chấn Anh 2.0.”
Trong một diễn đàn tranh cử, bà Lâm đã tuyên bố trước bảy triệu người dân Hồng Kông: “Tôi sẽ từ chức nếu quan điểm chính thống của người dân Hồng Kông khiến tôi không thể tiếp tục làm đặc khu trưởng của họ.”
Hồi tháng 05/2019, trước mệnh lệnh của các nhà chức trách ĐCSTQ, bà Lâm đã đưa ra dự thảo sửa đổi Sắc lệnh dành cho tội phạm đào tẩu, còn được gọi là Dự luật dẫn độ 2019, gây ra sự phẫn nộ lớn trong công chúng.
Vào ngày 09/06/2019, hơn 1.03 triệu người dân Hồng Kông đã xuống đường biểu tình. Kể từ đó, một phong trào chống luật dẫn độ ở Hồng Kông đã thu hút sự chú ý toàn cầu trong cuộc đấu tranh vì tự do và dân chủ của họ.
Tuy nhiên, trong Phiên họp Hỏi & Đáp cuối cùng tại Hội đồng Lập pháp hôm 09/06/2022, bà Lâm tuyên bố, “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc nghỉ việc hoặc hối hận về quyết định trở thành đặc khu trưởng trong 5 năm qua… Tôi đã viết một báo cáo đánh giá công việc mà tôi có thể đáng tự hào, đánh dấu kết thúc sự nghiệp 42 năm của tôi với tư cách là một công chức.”
Những tháng ngày sắp tới sẽ khó khăn
Hôm 30/06/2020, chính quyền Trung Quốc đã mạnh tay ban hành Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông (HKNSL) [áp dụng] tại Hồng Kông. Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Hồi tháng 08/2020, chính phủ Hoa Kỳ đã áp đặt một loạt các lệnh trừng phạt đối với 11 quan chức Trung Quốc và Hồng Kông, những người đã hủy hoại quyền tự trị của Hồng Kông. Bà Lâm trở thành đặc khu trưởng đầu tiên của Hồng Kông phải chịu gánh nặng của các lệnh trừng phạt.
Hồi tháng 11/2020, trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình i-CABLE của Hồng Kông, bà Lâm tiết lộ: “Do lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, không có ngân hàng nào dám cung cấp dịch vụ cho tôi; tôi không thể sử dụng bất kỳ thẻ tín dụng hay thanh toán di động nào — và vì tôi không có tài khoản ngân hàng nên chính quyền Hồng Kông chỉ có thể trả lương cho tôi bằng tiền mặt. Vì vậy, tôi phải cất giữ một lượng lớn tiền mặt ở nhà.”
Điều này sẽ khiến bà Lâm đau đầu không biết làm thế nào để bà có thể di chuyển và giữ tiền một cách an toàn khi rời Tòa nhà Chính quyền.
Trong chương trình Precious Dialogues của The Epoch Times, nhà bình luận Chính trị và Kinh tế Simon Lee Shi-ming nêu rõ: “Chúng ta hãy chờ xem bà Carrie Lam sẽ sống và cư xử như thế nào kể từ thời điểm này.”
Ông Lâm Triệu Ba, chồng của bà Lâm, trước đây sống ở Bắc Kinh và dạy các khóa toán học ngắn hạn tại Đại học Sư phạm Thủ đô (Capital Normal University). Anh Jeremy Lâm Tiết Tư, con trai lớn của bà Lâm, cũng đã làm việc tại Bắc Kinh khi gia nhập công ty thiết bị di động khổng lồ Xiaomi Technology của Trung Quốc từ tháng 04/2016 với tư cách là giám đốc vận hành.
Một số người cho rằng bà Lâm có thể sẽ cùng gia đình tới Bắc Kinh sau khi mãn nhiệm kỳ. Tuy nhiên, bà Lâm khẳng định Hồng Kông là quê hương của mình.
Một số người thuộc thế hệ thứ hai, những người ủng hộ Bắc Kinh, tiết lộ rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ cho bà Lâm một ngôi nhà ‘Tứ hợp viện’ (Siheyuan), bao gồm các ngôi nhà có sân vườn sang trọng. Tuy nhiên, bà Lâm rất sợ đến Bắc Kinh. Người ta cho rằng bà Lâm thà trở thành một “lõa quan” (naked official – chỉ những quan chức cấp cao của ĐCSTQ ở lại Trung Quốc đại lục trong khi gia đình họ đều định cư hoặc nhập quốc tịch ngoại quốc) vì bà không muốn chồng và con trai mình ở lại Bắc Kinh và bị chính quyền đại lục kiểm soát.
Bà Lâm không có tài sản nào khác ở Hồng Kông ngoài các tài khoản ngân hàng. Trước đó, bà Lâm đã khai với chính quyền Hồng Kông rằng bà có hai bất động sản ở Cambridge, Vương quốc Anh, và một ở Tô Châu, Trung Quốc. Tuy nhiên, tất cả đều đã được bán vào thời điểm nộp hồ sơ hồi tháng 09/2014.
Theo Sổ Ghi danh Tài sản Cá nhân của bà Lâm được công bố trên trang web chính thức của chính quyền Hồng Kông, bà Lâm hiện chỉ có một dinh thự ở Trung Sơn, Trung Quốc. Tài sản này do chồng của bà Lâm sở hữu làm một nơi cư trú chính.
Hôm 11/06/2022, bà Lâm đã chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Đài Phát thanh Truyền hình Hồng Kông RTHK, rằng bà sẽ tiếp tục sinh sống ở Hồng Kông sau khi mãn nhiệm kỳ; bà Lâm còn tuyên bố Hồng Kông là quê hương của mình. Bà Lâm sẽ đến thăm Bảo tàng Cố Cung, nghe nhạc kịch Hồ Quảng, và thưởng ngoạn quang cảnh Cảng Victoria trong thời gian rảnh rỗi.
Bình luận viên Simon Lee Shi-ming mô tả bà Carrie Lâm là một “kẻ ngốc hữu dụng”, chỉ ra rằng bà ấy không phải là đảng viên ĐCSTQ, cũng không phải là bằng hữu của chính quyền đại lục. Bà Lâm đã là một ‘công cụ hữu ích’ kể từ những năm đại học của mình. Vào thời điểm đó, một nhóm rất nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc ‘Đại Trung Hoa’, những người thực sự ủng hộ lý tưởng thống nhất của Trung Quốc, cho rằng họ là những người thiết tha với dân tộc và đất nước, vì sự nghiệp trùng tu vĩ đại đáng kinh ngạc của đất nước Trung Quốc. Thật không may, họ chỉ được xem là những người ủng hộ chính quyền ĐCSTQ.
Nói thêm về kẻ ngốc hữu dụng này, ông Simon Lee cho hay: “Khi một kẻ ngốc hữu dụng đánh mất công dụng của mình, thì họ chỉ còn lại là ‘kẻ ngốc.’”
Nhà phê bình Gi Da thuộc Tạp chí Current Affairs cho rằng bà Lâm chỉ là một ‘đao phủ’ trung thành với mệnh lệnh của ĐCSTQ. Bà ấy không thể đi bất cứ đâu sau khi mãn nhiệm kỳ, ngoại trừ ở lại Hồng Kông.
Bà Julia Ye là một phóng viên người Úc, gia nhập The Epoch Times vào năm 2021. Bà chủ yếu đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Bà tác nghiệp từ năm 2003.